Trung Quốc nhắm vào giới tinh hoa phương Tây thông qua Twitter, Facebook, và YouTube

Cao Dương

Logo của Google, Facebook và Twitter trên màn hình máy tính trong một ảnh tệp, chụp vào 21/10/2020. (Denis Charlet / AFP qua Getty Images)

Trung Quốc đang khai thác dữ liệu người dùng các mạng xã hội ở phương Tây để lên danh sách nhân sự cần nhắm vào, và để dẫn dắt dư luận. Cần cắt quyền truy cập của Bắc Kinh vào các máy chủ nước ngoài để bảo vệ dư luận, bảo vệ các chính trị gia, học giả, và nhà báo.

Bắc Kinh đang khai thác một cách có hệ thống dữ liệu của các phương tiện truyền thông mạng xã hội trên thế giới — bao gồm Facebook, Twitter, và YouTube — để hiểu rõ hơn các quan điểm chính trị và mạng lưới nhân sự ưu tú, đồng thời lập danh sách các mục tiêu nước ngoài.

Mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là sử dụng các thuật toán phức tạp, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, nhắm mục tiêu theo cách được cá nhân hóa (microtargeting), và các tài khoản mạng xã hội đã mua để đưa ra cảnh báo sớm về các xu hướng dư luận chống lại ĐCSTQ, nhằm làm công chúng toàn cầu hướng về các lập trường ủng hộ ĐCSTQ, và đưa sự phân ly vào trong các nhóm chỉ trích Bắc Kinh — khiến mọi người quay lưng lại với nhau ngay tại nơi họ vốn đang đoàn kết chống lại chế độ toàn trị và diệt chủng.

Theo một báo cáo điều tra ngày 01/01 của Cate Cadell trên tờ Washington Post, các hệ thống dữ liệu tinh vi đang được sử dụng bởi “truyền thông nhà nước, sở tuyên truyền, cảnh sát, quân đội và cơ quan quản lý mạng” của Bắc Kinh. Báo cáo rút ra từ “hàng trăm tài liệu đấu thầu, hợp đồng, và hồ sơ doanh nghiệp của Trung Quốc”.

Các hệ thống dữ liệu có đơn giá hàng trăm nghìn USD bao gồm “sự giám sát kỹ thuật ngày càng tăng đối với bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc”. Họ tập hợp một mạng lưới các “mục tiêu nước ngoài” ở phương Tây và tìm cách “duy trì quyền kiểm soát trên Internet”, tờ Washington Post cho hay.

Chúng “bao gồm một chương trình phần mềm truyền thông nhà nước Trung Quốc trị giá 320.000 USD, khai thác Twitter và Facebook để tạo cơ sở dữ liệu về các nhà báo và học giả nước ngoài; một chương trình tình báo của cảnh sát Bắc Kinh trị giá 216.000 USD nhằm phân tích những lời bàn tán của phương Tây về Hồng Kông và Đài Loan; và một trung tâm mạng ở Tân Cương, nơi sinh sống của phần lớn dân số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, lập danh mục nội dung ngôn ngữ phổ biến của nhóm thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo này”, báo cáo cho biết.

Cũng theo báo cáo này, các công ty, cơ quan truyền thông nhà nước, và nửa tá đại học Trung Quốc được liệt kê là đang cung cấp phần mềm cho chính quyền vì những mục đích trên. Một công ty ở Thượng Hải tuyên bố họ sử dụng “công nghệ phân tích trí tuệ nhân tạo và khai thác dữ liệu lớn tiên tiến” phủ sóng hơn 90% phương tiện truyền thông mạng xã hội nước ngoài ở Mỹ, Châu Âu và các nước láng giềng Trung Quốc.

Một nhà phân tích ở Bắc Kinh làm việc cho Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc nói với tờ Washington Post rằng, với hệ thống dữ liệu mới, “chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về mạng lưới ngầm của những người chống Trung Quốc”. Ban Tuyên giáo này đã biên soạn hồ sơ cá nhân của các chính trị gia, học giả và nhà báo.

Hệ thống “tự động thu thập và lưu trữ dữ liệu Facebook và Twitter theo thời gian thực trên các máy chủ nội địa của Trung Quốc để phân tích”, theo bốn nguồn tin của Washington Post ở Bắc Kinh. Điều này nghe có vẻ như vi phạm các quy tắc của Twitter và Facebook trong việc cấm thu thập dữ liệu tự động, ngoại trừ các trường hợp được phép trước. Twitter cũng cấm khai thác dữ liệu để suy ra các đặc điểm chính trị, dân tộc hoặc chủng tộc của người dùng — một quy tắc mà chính quyền Trung Quốc dường như đang vi phạm.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố vào năm 2014 rằng, hơn 2 triệu người làm công việc phân tích dư luận. Các hệ thống mới đôi khi hoạt động 24 giờ, và có các nhóm chuyên gia tiếng Anh và chính sách đối ngoại. Năm 2018, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ngành phân tích ý kiến ​​trực tuyến của chính quyền được định giá hàng tỉ USD và tăng trưởng 50% hàng năm.

Báo cáo còn trích dẫn một tài liệu đấu thầu của China Daily từ năm 2020 cho một “nền tảng phân tích nhân sự nước ngoài” trị giá 300.000 USD. Nền tảng này sẽ khai thác Twitter, Facebook, và YouTube để biết thông tin về “các nhà báo phương Tây nổi tiếng” và “các nhân sự chủ chốt từ giới chính trị, kinh doanh, và truyền thông”.

Phần mềm đó phải “lập bản đồ các mối quan hệ giữa các nhân viên trong tầm ngắm, và phát hiện ra các ‘phe phái’ giữa các nhân viên, đo lường ‘khuynh hướng Trung Quốc’ của họ, và xây dựng một hệ thống báo động tự động gắn cờ ‘các tuyên bố sai và tin tức sai về Trung Quốc’”, tờ Washington Post cho hay.

Cũng theo báo cáo này, một đơn vị chỉ huy tình báo của Cảnh sát Bắc Kinh đã trả 30.570 USD cho People’s Daily Online để “rà soát các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài và đưa ra các báo cáo về ‘nhân sự và tổ chức chủ chốt’”, “thu thập thông tin về hoàn cảnh, lý lịch và các mối quan hệ cơ bản của họ”.

Các hệ thống này chủ yếu giám sát truyền thông trong nước của Trung Quốc, theo nguồn tin của tờ Washington Post, bao gồm cả “các xu hướng lan truyền trực tuyến rất nhạy cảm”. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2019, họ cũng đã theo dõi truyền thông trên mạng xã hội nước ngoài. Báo cáo cho Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) phải bao gồm các chi tiết cá nhân của người dùng mạng xã hội, theo tờ Washington Post.

“Mục đích cuối cùng của việc phân tích và dự đoán là dẫn dắt và can thiệp vào dư luận”, một nhà phân tích dư luận của People’s Daily tên là Liao Canliang chia sẻ. Tờ Washington Post dẫn lời nhà phân tích này đã viết trong một bài báo, “dữ liệu công khai từ người dùng mạng xã hội có thể được sử dụng để phân tích các đặc điểm và sở thích của họ, sau đó dẫn dắt họ một cách có mục đích”.

Đây còn được gọi là “nhắm mục tiêu theo cách được cá nhân hóa” (microtargeting), được Cambridge Analytica sử dụng để định hướng dư luận Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Năm 2020, Twitter đã đình chỉ 23.000 tài khoản bị cáo buộc có liên quan đến ĐCSTQ, vì chúng bị ngầm lợi dụng cho việc tuyên truyền nhằm vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

Vào tháng 12, Twitter đã xóa 2.048 tài khoản nữa. Những tài khoản này phối hợp nội dung của mình để phá hoại hoạt động ủng hộ nhân quyền, chống lại việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và những người Turk theo Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương. Bộ Ngoại giao Mỹ và các tổ chức chính phủ khác ở châu Âu và Anh đã thừa nhận có một cuộc diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực đó. Tòa án độc lập về vấn đề Trung Quốc đưa ra phán quyết sau khi đánh giá bằng chứng về các hành vi vi phạm nhân quyền bị cáo buộc của Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công, và người Duy Ngô Nhĩ. London, 17/06/2019. (Ảnh chụp màn hình phim tài liệu quay ngày đưa ra phán quyết)

Nhiều hệ thống gắn cờ nội dung “nhạy cảm” liên quan đến các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, và có thể theo dõi từng người dùng mạng xã hội theo thời gian.

“Một hệ thống trị giá 43.000 USD do cảnh sát huyện Thương Nam, miền trung Trung Quốc mua có một hệ thống thu thập ‘thông tin nhạy cảm của nước ngoài’ mà cần nhân viên chuyển ngữ người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng”, theo tờ Washington Post.

Các tài khoản bị Twitter đóng kể từ năm 2020 chỉ là “một phần nhỏ” của mạng lưới thông tin nhân tạo ủng hộ Bắc Kinh trên mạng xã hội, theo các chuyên gia được trích dẫn bởi tờ Washington Post.

Nhiều hợp đồng với các cơ quan cảnh sát kể từ năm 2020 nêu rõ rằng “People’s Daily được chọn để tiến hành giám sát, vì có khả năng kỹ thuật chuyên môn về thu thập dữ liệu ở nước ngoài”, tờ Washington Post cho biết.

Báo cáo của tờ Washington Post trích lời Sở Cảnh sát Quảng Đông vào năm 2020 rằng, People’s Daily là “tờ duy nhất trong ngành triển khai máy chủ ở nước ngoài. Đó là một tổ chức dịch vụ dư luận có thể theo dõi và thu thập dữ liệu từ hơn 8.000 phương tiện truyền thông nước ngoài, mà không cần ‘đạp đổ bức tường’”. “Bức tường” đó là chỉ Bức tường lửa lớn của Trung Quốc, vốn chặn quyền truy cập vào hầu hết các kênh tin tức và truyền thông mạng xã hội nước ngoài.

Việc chính quyền Trung Quốc sử dụng các máy chủ dữ liệu ở phương Tây chỉ ra một chiến lược đánh trả tiềm năng chống lại ảnh hưởng và chiến dịch giám sát lan tràn trên mạng xã hội của Bắc Kinh: ban hành các lệnh cấm pháp lý, không cho Trung Quốc vận hành các máy chủ bên ngoài Bức tường lửa lớn của chính họ. Nếu Bắc Kinh không cho phép công dân của mình sử dụng miễn phí Twitter, Facebook, và YouTube, thì tại sao phương Tây lại cho phép Trung Quốc lạm dụng các nền tảng này bên ngoài biên giới của họ?

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Related posts