Đông Phương
Nhìn chung, thế giới hiện có thể chia thành hai phe: phe tự do dân chủ do Mỹ đứng đầu là xã hội tự do xu hướng phương Tây; phe liên minh rời rạc của các nước độc tài gồm Trung Quốc, Nga, Iran, và cũng có thể cộng thêm Triều Tiên. Xung đột giữa hai phe nổi bật ở địa chính trị: Trung Quốc là vấn đề Đài Loan, Nga là vấn đề Ukraine, và Iran là vấn đề Lebanon. Nhưng tâm điểm là Đài Loan và Ukraine.
Dù khoảng cách giữa Đài Loan và Ukraine là hơn 10.000 km, nhưng ngày càng có nhiều nhà quan sát và nghiên cứu tình hình quốc tế chú ý đến những điểm tương đồng giữa Đài Loan và Ukraine.
Cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis là một trong số đó, ông nhắc nhở rằng Bắc Kinh đang rất chú ý đến lập trường và hành động của Mỹ đối với vấn đề Ukraine và qua đó có thể suy luận tính toán vấn đề Đài Loan. Bonnie Glaser, một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức cho biết: nếu Mỹ không có hành động quân sự can thiệp trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine thì có thể Bắc Kinh sẽ cho rằng Mỹ cũng làm tương tự nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thôn tính Đài Loan, nhưng suy luận đó là sai lầm.
Vậy thì nếu ĐCSTQ sử dụng vũ lực thôn tính Đài Loan, liệu Mỹ có can thiệp quân sự không? Vấn đề này Mỹ chưa bao giờ cho thấy rõ lập trường, theo “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” thì Mỹ có nghĩa vụ giúp Đài Loan phòng thủ trước các cuộc xâm lược của nước ngoài, nhưng tình hình cụ thể lại cho thấy Mỹ mơ hồ về chiến lược tùy theo hoàn cảnh. Trong khi vấn đề Ukraine, Nhà Trắng đã tuyên bố họ sẽ không tham chiến. Vậy Ukraine và Đài Loan có những điểm gì giống và khác nhau? Hệ quả trong chiến lược ngoại giao quốc tế là gì?
Thứ nhất là vấn đề danh nghĩa xâm lược. ĐCSTQ luôn coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc và bản thân Đài Loan cũng coi họ là một phần của Trung Quốc, có đồng thuận về cái gọi là “một Trung Quốc” nhưng cách hiểu thì khác nhau: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc, đây là vấn đề chính trị cần lưu ý. Tình trạng Ukraine cũng gần tương tự, ở một khía cạnh nào đó, Ukraine là cội nguồn của văn hóa Nga. Mùa hè năm ngoái, Putin đã xuất bản một bài báo dài như một luận văn, giải thích từ góc độ lịch sử và văn hóa về lý do tại sao Nga, Ukraine và Belarus nên là một quốc gia, nên được thống nhất và phải thống nhất dưới ngọn cờ của Nga, thậm chí Putin không đồng ý quy chế độc lập của Ukraine vốn đã được công nhận trong Hiến pháp Liên Xô cũ. Quân đội của Nga ở biên giới Ukraine cũng nhằm mục đích thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ hai, những thách thức mà Đài Loan và Ukraine phải đối mặt là rất giống nhau: cách quá xa Mỹ, đe dọa quân sự từ các cường quốc, không chỉ đe dọa quân sự thông thường mà còn là hạt nhân, vì cả Trung Quốc và Nga đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu nổ ra chiến tranh thì xu hướng chủ đạo sẽ là hành động quân sự chớp nhoáng từ cường quốc quân sự. Hãy xem vấn đề đóng quân của Nga ở biên giới Ukraine: giống như cuộc chiến ở Ukraine năm 2015, mặt đất toàn xe tăng và lính dù, cộng thêm trang bị pháo tầm xa. Còn chiến thuật của Bắc Kinh là Lực lượng Không quân và hàng ngàn quả tên lửa. Tất cả đều theo xu thế có thể chiến thắng thật nhanh bằng binh lực vượt trội, khiến đối phương không có thời gian tổ chức phản công.
Thứ ba, dù là ở Biển Đen Ukraine hay eo biển Đài Loan, thì sức mạnh quân sự từ Mỹ để đối đầu với Nga và Trung Quốc cũng yếu thế. Không phải là sức mạnh quân sự tổng thể của Mỹ yếu hơn mà chủ yếu vì khoảng cách địa lý đến Đài Loan và Ukraine khiến Mỹ không thể phản ứng kịp để ngăn chặn cuộc tấn công chớp nhoáng.
Mỹ là nước dân chủ, quan điểm của chính phủ liên quan mật thiết đến ý dân, đặc biệt là việc sử dụng sức mạnh quân sự, nói chung nếu không được dư luận Mỹ ủng hộ thì Chính phủ Mỹ không dám hành động tùy tiện, và vấn đề tuyên chiến đó là đặc quyền của Quốc hội Mỹ. Vậy thì dư luận Mỹ thế nào trong vấn đề Đài Loan và Ukraine?
Đối với Ukraine, thăm dò mới đây của công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy người Mỹ ủng hộ nhiều hơn cho hỗ trợ Ukraine. Đối với những người Mỹ hiểu tranh chấp biên giới giữa Ukraine và Nga, họ phổ biến xem Ukraine là nước bạn, còn Nga là thù địch, thậm chí coi Nga là mối đe dọa. Cụ thể, 3/4 người Mỹ không thích Nga, trong khi chỉ 13% không thích Ukraine và 55% tin rằng Ukraine là một đồng minh thân thiện.
Nhưng khá nhiều người Mỹ không biết nên có quan điểm thế nào trong vấn đề Ukraine, còn trong số những người có quan điểm rõ ràng thì số người ủng hộ trợ giúp Ukraine nhiều gấp đôi số người phản đối. Khi được hỏi liệu họ có nên bày tỏ lập trường cứng rắn để ngăn chặn Nga xâm lược Ukraine hay nên duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga thì 54% chọn lập trường cứng rắn và 21% chọn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Tỷ lệ này gần như rất sát trong những người theo Đảng Cộng hòa: 54% so với 22%. Nhưng đối với người theo Đảng Dân chủ thì chênh lệnh thậm chí còn lớn hơn: 64% so với 14%; ngoài ra, trong số người Mỹ hiểu chuyện quân đội Nga ở biên giới Ukraine thì thái độ ủng hộ Ukraine càng cao, với 79% lựa chọn biện pháp cứng rắn so với 12% lựa chọn ôn hòa. Về việc liệu Mỹ có nên gửi quân đến viện trợ cho Ukraine hay không thì chênh lệch không quá lớn: 34% ủng hộ so với 22% không ủng hộ, theo đó đối với Đảng Cộng hòa là 37% ủng hộ so với 23% phản đối, còn đối với Đảng Dân chủ là 41% ủng hộ so với 18% phản đối. Đánh giá từ tỷ lệ này thì cho thấy Đảng Dân chủ cứng rắn hơn.
Điều thú vị là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ khác nhau rất nhiều về thái độ đối với Nga và Trung Quốc. Khi được hỏi giữa Trung Quốc và Nga thì nước nào gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với Mỹ, Đảng Dân chủ tin rằng Nga là mối đe dọa lớn hơn, nhiều hơn 16 điểm phần trăm so với mức niềm tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn. Phe Cộng hòa thì ngược lại: có đến 84% tin rằng đe dọa từ Trung Quốc còn hơn Nga.
Đối với câu hỏi Mỹ nên cứng rắn với Trung Quốc hay nên duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc thì 50% cho rằng nên cứng rắn và 21% cho rằng nên xây dựng quan hệ tốt đẹp (xu hướng cứng rắn cao gấp đôi), trong đó đối với Đảng Dân chủ là 48% cứng rắn so với 25% xoa dịu, còn đối với phe Cộng hòa thì 56% là cứng rắn so với 18% là xoa dịu; tuy nhiên trong số những người Mỹ hiểu chuyện máy bay chiến đấu của ĐCSTQ thường xuyên khiêu khích Đài Loan thì khoảng cách thậm chí còn lớn hơn với 77% cứng rắn và 15% xoa dịu. Về việc liệu Mỹ có nên gửi quân đến giúp Đài Loan hay không, thì khoảng cách về tỷ lệ này đã được thu hẹp lại: 38% ủng hộ và 19% phản đối, dù vấn đề này tỷ lệ ủng hộ cao gấp đôi phản đối, nhưng vẫn chiếm đa số vẫn là người chưa có lập trường rõ ràng.
Có thể rút ra vài kết luận từ cuộc khảo sát bảng câu hỏi mới nhất này.
Thứ nhất, người dân thường ở Mỹ nói chung phản đối việc chế độ độc tài ức hiếp các chế độ dân chủ và các nước nhỏ, họ thường muốn Mỹ phải có lập trường cứng rắn để ngăn chặn.
Thứ hai, cho dù đó là Bắc Kinh hay Moscow, nếu dùng trò khiêu khích thường xuyên bằng máy bay chiến đấu và phô trương vũ lực ở biên giới, muốn dùng thủ đoạn này để hù dọa Mỹ thì có thể phản tác dụng, bởi vì tỷ lệ giữa cứng rắn và xoa dịu của những người Mỹ hiểu rõ tình hình sẽ trở nên chênh lệnh lớn theo hướng cứng rắn.
Thứ ba, số người ủng hộ can thiệp quân sự không chiếm đa số, không quá một nửa, chủ yếu vẫn là số người không có thái độ, không phản đối cũng không tán thành, như vậy vai trò quyết định là vấn đề thái độ của nhóm người “hờ hững” này sẽ thay đổi theo xu thế nào. Nếu có một sự kiện đặc biệt nào đó khiến những người “hờ hững” này ủng hộ việc điều động quân đội thì sự can thiệp quân sự của Mỹ mới có được cơ sở từ ý dân, giống như mồi lửa khiến Mỹ tham chiến trong Thế chiến II là cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng, thậm chí có người còn cho rằng đó là kịch bản của chính Tổng thống Mỹ Roosevelt hồi đó, tất nhiên đây là thuyết âm mưu, không thể bàn luận.
Đông Phương