Bảo Nguyên
Vinfast đã công bố kế hoạch dừng mảng xe xăng và chỉ tập trung phát triển ô tô điện từ cuối năm 2022. Vậy các chủ xe xăng còn được hưởng các dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng từ Vinfast hay không? Hoặc giả điều đó có làm giảm tính thanh khoản cũng như giá trị của xe xăng Vinfast? Vingroup đã dừng cuộc chơi với siêu thị điện máy, vận tải hàng không, thương mại điện tử, bán lẻ, điện thoại thông minh, tivi, và giờ là xe xăng. Liệu mảng xe điện của Vingroup sẽ phát triển ra sao trong tương lai?
Vinfast từ bỏ ô tô xăng, chỉ tập trung phát triển ô tô điện
Thứ 5 (06/01/2022), VinFast đã cho ra mắt 3 mẫu xe điện mới tại triển lãm thương mại công nghệ lớn nhất thế giới CES tại Las Vegas. Động thái này diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi công ty trình làng 2 mẫu SUV chạy điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles.
Trong tuyên bố vào thứ 5 vừa rồi, Vinfast có kế hoạch trở thành hãng xe đầu tiên trên thế giới dừng hẳn mảng xe xăng để chuyển sang xe điện vào cuối năm 2022. Vinfast đã bắt đầu bán ô tô điện ở Việt Nam từ cuối năm 2021.
Vinfast đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện tại Mỹ. Trong thời gian này, Vinfast tiếp tục nhập pin từ các nhà cung cấp. Tại nhà máy mới ở Mỹ, thời gian ban đầu, Vinfast sẽ lắp ráp các bộ pin từ các cục pin nhỏ (battery cells) nhập từ các nhà cung cấp. Tổ hợp nhà máy tại Mỹ của Vinfast cũng bao gồm một nhà máy xe buýt điện.
Theo Reuters, Vinfast có kế hoạch sản xuất ô tô điện tại Mỹ vào cuối năm 2024. Công ty cũng sẽ xây dựng nhà máy ô tô điện tại Đức để phục vụ thị trường này.
Mục tiêu doanh số của hãng trên toàn thế giới vào năm 2022 là 42.000 chiếc.
Vào tháng 12/2021, VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất pin VinES phục vụ xe điện tại khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Tại sao Vinfast lại ngừng kinh doanh xe chạy xăng?
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, Vinfast đang là hãng ô tô có thị phần lớn thứ 4 tại Việt Nam với hơn 32.676 xe được bán ra. Doanh số năm 2020 vào khoảng 30.000 xe, ngang ngửa với các tên tuổi như Toyota hay Hyundai. Xét theo doanh số, cho đến nay Vinfast tỏ ra khá thành công với mảng xe xăng. Vậy tại sao Vinfast lại ngừng kinh doanh xe chạy xăng?
Xét theo hiệu quả kinh doanh, theo số liệu báo cáo tài chính công khai, Vinfast liên tục báo lỗ trong 2 năm bán xe và 4 năm hoạt động ít ỏi. Vinfast trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận khoản lỗ 11,3 nghìn tỷ đồng (491,3 triệu USD), tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (6,6 nghìn tỷ đồng, hay 287 triệu USD). Số lượng 30.000 xe bán ra vào năm ngoái dù chiếm 10% thị trường nội địa nhưng còn cách rất xa mục tiêu mỗi năm là 250.000 xe. Đó là những gì số liệu cho chúng ta thấy.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Chí Trung, Tổng giám đốc Vinfast Trading Việt Nam cho hay, ngay từ khi thành lập, Vinfast đã có mục tiêu trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. Những dòng xe xăng của Vinfast ra đời, được yêu mến và đã hoàn thành sứ mệnh làm quen với thị trường, theo Vietnambiz.
Theo bộ tài liệu dành cho các nhà đầu tư, vào giai đoạn mới bắt đầu từ năm 2022, nhiệm vụ chủ chốt của Vinfast là sản xuất xe điện. Cũng theo ban kế hoạch này, năm 2022, hãng sẽ cho ra mắt 2 mẫu xe điện VF8 và VF9. Năm 2023 sẽ là các mẫu xe VF5, VF6 và VF7. Dòng xe xăng hoàn toàn không nằm trong kế hoạch tương lai của Vinfast.
Nỗi băn khoăn của khách hàng xe xăng Vinfast
Theo thông tin từ ông Trung, Vinfast sẽ luôn nỗ lực phục vụ khách hàng, bao gồm cả khách hàng xe xăng. Khách hàng xe xăng vẫn được hưởng bảo hành 5 năm (với dòng xe Lux), miễn phí cứu hộ 24/7 trong suốt thời gian bảo hành. Ông Trung khẳng định: “Mọi cam kết với khách hàng sẽ được Vinfast thực hiện đầy đủ. Với từng chiếc xe bán ra, chúng tôi cam kết phục vụ đến hết vòng đời sản phẩm”. Ông Trung cho biết, công ty đã dự trù kĩ lượng linh kiện, phụ tùng, thiết bị, đảm bảo dịch vụ chăm sóc khách hàng cho tất cả các dòng xe xăng của Vinfast đến hết vòng đời. Lượng linh kiện còn được Vinfast chuẩn bị nhiều gấp 1,5 lần thông lệ thị trường.
Cũng trong ngày 06/01, Vinfast chính thức ra mắt dịch vụ sửa chữa lưu động đầu tiên ở Việt Nam – Mobile service. Ngoài ra, đối với các khách hàng muốn chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, Vinfast có chương trình “đổi cũ lấy mới”.
Tuy nhiên, các khách hàng đang sử dụng xe xăng từ Vinfast không vì những tuyên bố này mà bớt lo ngại nếu chế độ hậu mãi và dịch vụ sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng của hãng không như những gì mà hãng tuyên bố. Và cho dù chính sách bảo trì, bảo dưỡng, thay thế đúng như những gì Vinfast tuyên bố, thì giá trị và tính thanh khoản của xe có thể vẫn bị giảm mạnh.
Những hãng xe có truyền thống trên thế giới luôn đem lại sự an tâm cho người dùng bởi lý do sau: Thứ nhất, các hãng đó có lịch sử tồn tại từ hàng chục đến hàng trăm năm; do vậy, dịch vụ chăm sóc các sản phẩm xe sau bán của họ – nói cách khác là cam kết của hãng – có thể song hành hàng chục năm theo tuổi đời của xe. Thứ hai, ngay cả khi các hãng xe kinh doanh không hiệu quả, thì với lợi thế thương hiệu và thành tích đã chinh phục thành công các thị trường khó tính khắp thế giới, các hãng này dễ dàng được dòng vốn thôn tính và sáp nhập mới mua lại. Hiển nhiên, dòng vốn mới không làm thay đổi chất lượng và thương hiệu xe; vì thế cũng không làm giảm giá trị xe, không làm mất khả năng thanh khoản của xe, hay thay đổi chính sách chăm sóc khách hàng hàng chục năm sau đó.
Đáng tiếc, xe xăng thương hiệu Vinfast chưa có các lợi thế này. Sự lo lắng của các chủ xe Vinfast là có lý.
Thực tế, Vinfast vì nhiều lý do đã quay lưng với khách hàng xe xăng của họ từ năm 2020. Người mua xe đã không khỏi buồn rầu khi chiếc xe của họ mất giá trầm trọng. Vào năm 2020, Vinfast đã giảm giá sâu 2 mẫu xe xăng. Tháng 9/2020, mẫu xe VinFast Lux SA2.0 giảm từ 1.649 tỷ đồng xuống còn 1.065 tỷ đồng và Lux A2.0 giảm từ 1.179 tỷ đồng xuống còn gần 795 triệu đồng. Ưu đãi này được áp dụng dành cho phiên bản Lux thuộc đời 2019. Thực tế, mức giảm giá “khủng” trên là không “tính tổng” hàng loạt ưu đãi khác khi khách hàng mua xe. Vinfast giải thích đây là một trong những chính sách kích cầu của mình.
Khác với các hàng hoá thông thường khác, xe ô tô là một tài sản lớn với các hộ gia đình Việt Nam; một loại tài sản có thể đi theo họ hàng chục năm. Với tư cách là tài sản lớn, người mua xe ô tô hy vọng tài sản của họ duy trì giá trị sau nhiều năm sử dụng hoặc có tính thanh khoản tốt. Với việc đột ngột giảm giá cả dòng xe hạng sang và hạng trung bình, các chủ sở hữu xe xăng của Vinfast đột ngột bị thiệt hại nặng nề trong năm 2020.
Động thái năm 2020 của Vinfast cùng với khoản lỗ lớn của hãng xe này vào thời điểm đó đã làm dấy lên nhiều lo ngại về sự biến mất của thương hiệu xe xăng nội địa duy nhất của Việt Nam. Và giờ, sau một năm, Vinfast đã chính thức đặt dấu chấm hết cho thương hiệu xe xăng nội địa của mình.
Chiến lược giá xe điện của Vinfast và xu hướng giá xe điện thế giới
Theo Vietnambiz, một chiếc VF8 có giá khởi điểm 41.000 USD tại Mỹ, hơn 36.000 EUR tại châu Âu và 961 triệu VND tại Việt Nam. VF9 có giá khởi điểm 56.000 USD tại Mỹ, hơn 49.000 EUR tại châu Âu và hơn 1,3 tỷ VND tại Việt Nam. Mức giá này chưa bao gồm thuế kinh doanh và giá trị gia tăng, cũng như dịch vụ thuê pin cùng gói dịch vụ ADAS và Smart Services. Tính cả thuế VAT, giá VF8 là 1.057.100.000 VND cho bản Eco, 1.237.500.000 VND cho bản Plus. Giá VF9 là 1.443.200.000 VND cho bản Eco, 1.571.900.000 VND cho bản Plus.
Để so sánh, giá một chiếc SUV của Tesla tại thị trường Mỹ là khoảng 50.000 USD.
Riêng tại Việt Nam, khách hàng đặt chỗ trước, chỉ với chi phí 10 triệu VND, sẽ nhận được ưu đãi 150 triệu VND cho VF8 và 250 triệu VND cho VF9. Chương trình bắt đầu từ ngày 6/1 và kéo dài trong 3 tháng.
Hiện tại, Vinfast áp dụng chính sách bảo hành 10 năm. Chính sách thuê pin được áp dụng trọn đời cho từng xe; đảm bảo tổng chi phí hàng tháng, bao gồm giá thuê pin và sạc pin chỉ tương đương chi phí xăng. Vinfast sẽ chi trả toàn bộ chi phí bảo dưỡng pin, thay thế miễn phí khi khả năng sạc và xả xuống dưới 70%.
Theo Bloomberg, giá trung bình một chiếc xe điện sẽ rẻ hơn động cơ đốt trong trong vòng 5 năm tới, chưa tính tới hỗ trợ từ chính phủ. Hiện tại, chính phủ ở nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách hỗ trợ rất lớn cho xe điện. Chẳng hạn ở Na Uy, nhờ các hỗ trợ về thuế, giá xe điện đã rẻ hơn xe chạy bằng nhiên liệu.
Nếu tính cả các thay đổi sẽ có thể có trên xe điện, chậm nhất là tới năm 2028, giá xe điện sẽ ngang với giá xe có động cơ đốt trong. Thời gian nhanh nhất có thể là năm 2025. Tại châu Âu và Mỹ, hiện có rất nhiều ưu đãi dành cho xe điện. Tuy nhiên ở các nước mới nổi, chính phủ chưa có khả năng đưa ra các ưu đãi về thuế, và thời điểm xe điện trở nên rẻ ngang xe chạy bằng nhiên liệu sẽ phải lùi lại. Theo Vneconomy, hiện chính phủ Việt Nam chưa có nhiều hỗ trợ đối với xe điện.
Vinfast đánh giá về cơ hội sản xuất và kinh doanh xe điện
Theo ông Trung, Vinfast sẽ bứt phá khi chuyển từ sản xuất xe xăng sang xe điện. Môi trường chính sách tại các nước đã thuận lợi. Nhận thức người tiêu dùng cũng như công nghệ, cơ sở hạ tầng đã được nâng lên. Vinfast cần đi nhanh để giành lợi thế cạnh tranh.
Ông Trung cũng cho rằng, Vinfast hiện có hệ sinh thái công nghệ phát triển, cùng với hệ thống đối tác toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cho xe điện. Công ty tự tin có đủ thực lực để cạnh tranh với các hãng xe khác trên thị trường.
Theo ông Trung, thị phần xe điện sẽ tăng tốc rất nhanh và là xu thế không thể đảo ngược trong vài năm tới. Nhiều quốc gia đã có lộ trình cụ thể cấm xe xăng. Các hãng xe lớn cũng đã lên phương án chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Tuy vậy, họ là các hãng xe lâu đời, do đó việc chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian. Trong khi đó, Vinfast bắt đầu từ số 0 nên không bị trói buộc bởi các sản phẩm, tư duy cũ. Công ty cũng đầu tư hệ thống nhà máy tương thích với xe điện ngay từ đầu.
Theo ông Christopher Robinson, nhà phân tích cấp cao tại Lux Research, tương lai của ngành ô tô là các xe không phát thải khí. Và Vinfast tỏ ra sáng suốt khi chuyển sang phát triển xe điện, thay vì cạnh tranh với các hãng xe có truyền thống với hàng thập kỷ kinh nghiệm.
Bà Lê Thị Thu Thủy, phó chủ tịch Vingroup và là CEO của Vinfast từ tháng 12/2021, cho biết việc Vinfast ra mắt ở thị trường Mỹ cũng được coi là bước đi có lợi trong bối cảnh thị trường này đang từ bỏ xe xăng chuyển sang xe điện. Đây sẽ là khởi đầu tốt để Vinfast tiến ra thị trường toàn cầu. Thị trường Mỹ là một thị trường rộng với những người mua hàng cởi mở, nhiều tiềm năng phát triển với các chính sách và điều kiện kinh tế thuận lợi.
Ông Tikikorn Lertsirirungsun, giám đốc khối Asean của LMC Automotive, một công ty tư vấn phương tiện giao thông có trụ sở tại Anh, cho rằng bước đi của Vinfast chứa mức độ rủi ro cao, nhưng nếu thành công sẽ đem lại lợi nhuận lớn.
Thị trường đã phản ứng tích cực với thông tin Vinfast chuyển sự tập trung sang ô tô điện, với việc cổ phiếu Vingroup tăng tới 5,8% sau khi thông tin được công bố.
Bề bộn khó khăn
Theo ông Robinson, Vinfast gia nhập thị trường cùng lúc với nhiều đối thủ cạnh tranh. Các hãng xe truyền thống như Ford và GM đang đẩy mạnh phát triển mảng xe điện. Ford mới đây tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất mẫu xe F-150 Lightning. Nhiều công ty Mỹ cũng đang phát triển chuỗi cung ứng tại Mỹ, đầu tư sản xuất pin cho xe điện.
Theo ông Carlos Tavares, CEO hãng xe Stellantis, các hãng xe điện đang phải chịu áp lực chi phí rất lớn. Việc các chính phủ mong muốn nhanh chóng phổ biến xe điện và cắt giảm khí thải CO2 càng làm gia tăng những áp lực này. Những hãng xe cũng cần thời gian để kiểm chứng công nghệ của họ, và việc áp lực gia tăng sẽ có thể phản tác dụng, từ đó dẫn đến các vấn đề chất lượng. Những áp lực này đang đẩy ngành công nghiệp xe điện tới các giới hạn.
Với việc triển khai sản xuất xe điện và kế hoạch tiến sang các thị trường như Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan, Vinfast sẽ phải đầu tư nhiều vào cơ sở sản xuất trong thời gian tới. Nhà máy pin VinES của Vinfast mới khởi công xây dựng tại Việt Nam vào tháng 12 có mức đầu tư 174 triệu USD, với sản lượng ban đầu 100.000 bộ pin/năm, sau tăng thành 1 triệu bộ. Hiện Vingroup đã đầu tư 5,4 tỷ USD vào Vinfast.
Có một thực tế là không dễ để kinh doanh xe điện ở Việt Nam. Giá thành của xe điện vẫn ở mức cao và người dân chưa có thói quen sử dụng loại phương tiện này. Chính vì vậy, Vinfast đang không ngừng tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Tuy vậy, ngay tại Mỹ, phân khúc xe điện vẫn thua kém nhiều so với xe chạy xăng. Theo nhà phân tích Aizawa Securities tại Tokyo, Vingroup có thể cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho Vinfast, bất chấp những khoản lỗ gần đây của hãng xe này.
Một khó khăn nữa với Vinfast là mức độ tin tưởng của người tiêu dùng. Khác với các hãng xe truyền thống đã gây dựng uy tín trong nhiều năm, Vinfast còn rất non trẻ. Khi mà giá trị một chiếc xe ô tô được đánh giá là tương đối lớn, người tiêu dùng sẽ rất lo ngại đến trường hợp giá xe đột ngột giảm sâu. Bên cạnh đó là những lo ngại về chế độ bảo hành, hậu mãi, cũng như các dịch vụ đi kèm – những yếu tố khiến người tiêu dùng chần chừ trước khi ra quyết định mua xe. Một hãng xe mới như Vinfast liệu có thể tồn tại được trong bao lâu? Liệu hãng có mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm đối với các dịch vụ của hãng hay không? Trong trường hợp xấu nhất, Vinfast có thể đột nhiên biến mất mà không có một vụ mua bán hay sát nhập nào; khi đó, điều gì sẽ xảy ra với các dịch vụ bảo dưỡng, thay thế, hay chăm sóc xe của Vinfast?
Tất cả người Việt đều mong muốn nước nhà có một thương hiệu xe nội địa phát triển thành công. Tuy nhiên, người tiêu dùng nội địa vẫn phải cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định sở hữu một chiếc xe như vậy. Không thể phủ nhận chuyện người tiêu dùng đang lo lắng, khi mà Vinfast từ bỏ dòng xe xăng để tham gia vào thị trường xe điện vốn cạnh tranh khốc liệt.
Đây không phải lần đầu một mảng kinh doanh của tập đoàn Vingroup tuyên bố dừng hoạt động. Nửa cuối năm 2020, lãnh đạo Vinsmart – bộ phận kinh doanh điện thoại thông minh và tivi của Vingroup – đã đưa ra những hứa hẹn và cam kết có cánh đối với sản phẩm của họ. Vậy mà chỉ tới ngày 09/05/2021, mảng điện thoại thông minh và tivi của tập đoàn này đã dừng hoạt động. Lãnh đạo tập đoàn phát biểu, sản xuất điện thoại và tivi đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người tiêu dùng. Trước đó, khi bán Vinmart cho Masan, Vingroup tuyên bố động thái đó là để tập trung phát triển xe hơi Vinfast và điện thoại Vinsmart. Sau đó, đến lượt Vinsmart đóng cửa mảng điện thoại và tivi, thì lý do được đưa ra là tập trung nguồn lực cho ô tô Vinfast. Tuy nhiên, theo Vnreview, nguyên nhân chính phía sau quyết định này đến từ việc thua lỗ kéo dài của mảng điện thoại và tivi.
Vingroup đã dừng cuộc chơi với siêu thị điện máy, vận tải hàng không, thương mại điện tử, bán lẻ, điện thoại thông minh, tivi, và giờ là xe xăng. Liệu mảng xe điện của Vingroup sẽ phát triển ra sao trong tương lai, đây vẫn là một câu hỏi lớn.
Bảo Nguyên