Antonio Graceffo
Là quốc gia nhập cảng năng lượng lớn nhất thế giới, Trung Quốc bắt tay với Trung Đông thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại, cũng như phát triển hạt nhân, để đổi lấy dầu mỏ và hỗ trợ chính trị quốc tế.
Trong thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã chuyển trọng tâm ra khỏi Trung Đông, tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc. Trớ trêu thay, sự chuyển dịch này lại khiến Trung Đông mở cửa để cho Trung Quốc bắt tay với Trung Đông, tăng thương mại, đầu tư, và ảnh hưởng tại đây. Trung Quốc đã ký các thỏa thuận đối tác với 16 quốc gia Trung Đông. Theo “Báo cáo chính sách Ả Rập” năm 2016 của Bắc Kinh, sự can dự của Trung Quốc khi Trung Quốc bắt tay với Trung Đông tuân theo kế hoạch hợp tác “1 + 2 + 3”, trong đó “1” là năng lượng, “2” là thương mại và đầu tư, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng, và “3” là năng lượng hạt nhân và vệ tinh.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có cách tiếp cận thận trọng đối với các thách thức an ninh và chính trị ở Trung Đông, tăng cường đều đặn đầu tư và thương mại thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”) cũng như thông qua trao đổi an ninh, trong khi phần lớn hướng đến tránh vướng vào các vấn đề địa chính trị khu vực.
Kể từ năm 2015, Trung Quốc đã là nhà nhập cảng dầu thô lớn nhất thế giới – với khoảng một nửa trong số đó đến từ Trung Đông. Do đó, các mối quan hệ thân thiết nhất của Trung Quốc trong khu vực này là với các quốc gia vùng Vịnh sản xuất dầu mỏ. Năm 2016, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất ở Trung Đông. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2017, thương mại chỉ đạt dưới 197 tỷ USD.
Các nhà xuất cảng dầu thô hàng đầu sang Trung Quốc là Nga, Ả Rập Saudi, Angola, Iraq, và Oman, tiếp theo là Brazil, Iran, và Kuwait. Thương hiệu của chủ nghĩa tư bản độc tài của Trung Quốc tập trung vào khai thác nguyên liệu thô, là biện pháp có ý nghĩa đối với sự ổn định của khu vực này vì biện pháp ấy tăng thêm sức mạnh cho các chế độ chuyên quyền. Trong trường hợp chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ được dự đoán về việc xây dựng hòa bình thông qua dân chủ, thì “Báo cáo về Chính sách Ả Rập” năm 2016 của ĐCSTQ nhấn mạnh hòa bình thông qua phát triển.
Chiến lược của ĐCSTQ ở Trung Đông tương tự như cách tiếp cận của họ ở các khu vực khác trên thế giới, cụ thể là, tương tác với các quốc gia nhằm mục đích thu được năng lượng để đổi lấy tiền mặt, đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại – nhưng không đưa ra yêu cầu tăng sự dân chủ hoặc các quyền con người. ĐCSTQ cũng thận trọng đứng ngoài các cuộc xung đột khu vực, hình thành mối quan hệ thân thiết với cả Hamas và Israel. Hoạt động dưới sự bảo vệ của chiếc ô về an ninh của Hoa Kỳ và chính sách không can thiệp của chính mình, ĐCSTQ đã có thể thu lợi từ các khoản đầu tư vào Trung Đông mà không cần đóng góp cho lợi ích công cộng.
Trong “Báo cáo về Chính sách Ả Rập”, ĐCSTQ đề nghị đầu tư vào các nước Trung Đông trong lĩnh vực dầu khí và khí đốt tự nhiên, tìm kiếm dầu, khai thác, vận chuyển và lọc dầu. Ngoài ra, bản Báo cáo này nói rằng Trung Đông và Trung Quốc sẽ hợp tác trong BRI – với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư vào đường sắt, đường cao tốc, cảng, hàng không, điện, thông tin liên lạc và các trạm vệ tinh trên mặt đất.
Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã khởi động Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – GCC vào năm 2004. Báo cáo này tái khẳng định sự phản đối của ĐCSTQ đối với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng như những cống hiến của Trung Quốc trong việc dỡ bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan. Tính đến năm 2021, Trung Quốc và GCC vẫn đang đàm phán về một hiệp định thương mại tự do.
ĐCSTQ cam kết với hợp tác Trung Quốc-Ả Rập về thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nghiên cứu khoa học, nhiên liệu hạt nhân, lò phản ứng, an ninh hạt nhân, và thăm dò không gian. Trung Quốc phần lớn là đứng ngoài chương trình hạt nhân của Iran trong nhiều năm. Nhưng khi chính phủ ông Biden áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với hai cơ quan của chính phủ Iran và một số quan chức hôm 07/12/2021, thì Bắc Kinh đã chỉ trích biện pháp này và thúc đẩy dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Hai công ty Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở hạt nhân ở một địa điểm sa mạc xa xôi của Ả Rập Saudi, gần thành phố Ula. Khi hoàn thành, nhà máy sẽ có thể chiết xuất tinh quặng Yellowcake từ quặng uranium. Tinh quặng Yellowcake là một thành phần không thể thiếu được sử dụng cho cả năng lượng hạt nhân dân sự và vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ lo ngại rằng nhiên liệu hạt nhân này có thể được làm giàu để sản xuất bom. Ả Rập Xê Út đã lên kế hoạch xây dựng 16 lò phản ứng điện hạt nhân trong vòng 25 năm tới. Với chi phí 80 tỷ USD cho mỗi lò phản ứng, chi phí này Ả Rập Xê Út có thể là một nguồn doanh thu đáng kinh ngạc cho ĐCSTQ.
Saudi Arabia đã đàm phán với chính phủ của ông Trump về việc xây dựng một chương trình hạt nhân, nhưng Hoa Kỳ đã yêu cầu Vương quốc Anh ký vào các tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Vương quốc Anh đã dựa vào mong muốn của Hoa Kỳ để chống lại Iran bằng cách cho phép Saudi Arabia có một chương trình hạt nhân, mà không cần đáp ứng các yêu cầu của IAEA. Khi người Saudi nhận ra rằng việc này sẽ không xảy ra, họ đã quay sang Trung Quốc, là bên đã không đưa ra yêu cầu như vậy.
Để đổi lại sự hỗ trợ về thương mại, đầu tư và chương trình hạt nhân, ĐCSTQ yêu cầu Trung Đông tuân thủ chính sách “một Trung Quốc.” Ngoài ra, các nước Trung Đông phải đồng ý không thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Về các vấn đề quốc tế, “Tài liệu về Chính sách Ả Rập” nói rằng Trung Quốc và các nước Trung Đông nên “hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề có lợi ích cốt lõi hoặc mối quan tâm chính,” bao gồm cả việc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc. Và, mặc dù không được công bố cụ thể, nhưng có thể hiểu rằng ĐCSTQ mong các nước Ả Rập giữ im lặng trước cáo buộc diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Chánh Tín biên dịch