Tin thế giới chiều thứ Hai

Trung Quốc phạt chuỗi cửa hàng 7-Eleven của Nhật vì gọi Đài Loan là ‘quốc gia’

Chính quyền Trung Quốc đã phạt chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven do Nhật Bản sở hữu tại Bắc Kinh, vì họ mô tả Đài Loan là một quốc gia độc lập trên trang web của mình.

Tờ Global Times đưa tin hôm 7/1, chuỗi cửa hàng 7-Eleven đã bị các cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc phạt 150.000 nhân dân tệ (23.519 USD) vì thể hiện bản đồ Trung Quốc “không chính xác” và “không đầy đủ” khi gắn tên Đài Loan như “một quốc gia độc lập”.

Lệnh trừng phạt này đánh dấu những nỗ lực mới nhất của chế độ cộng sản trong việc thúc đẩy các công ty quốc tế tuân theo lập trường của họ về các vấn đề như Đài Loan.

“Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc và nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ là tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi khi xem xét các mối quan hệ quốc tế và sự đồng thuận rộng rãi của cộng đồng quốc tế,” phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong một cuộc họp báo.

Theo The Guardian, Bắc Kinh còn phàn nàn rằng trang web 7-Eleven không sử dụng tên chính thức của họ cho một số hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Ví dụ, công ty không sử dụng tên tiếng Trung cho quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư. Bản đồ cũng không bao gồm một số đường biên giới dọc theo khu vực Tân Cương và Tây Tạng, vốn là khu vực mà Bắc Kinh có tranh chấp với Ấn Độ.

Đáp lại, chuỗi cửa hàng ở Bắc Kinh thuộc sở hữu một công ty con của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản 7&i Holdings khẳng định, họ sẽ “nỗ lực hết sức mình để ngăn chặn sự việc này tái diễn”, The Guardian đưa tin.

Trên thực tế, Đài Loan là một quốc gia độc lập, có quân đội, chính phủ dân chủ và hiến pháp riêng. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và luôn bác bỏ tuyên bố độc lập của đảo quốc này sau khi hai nước chia cắt vào năm 1949. Mỹ không chính thức công nhận Đài Loan nhưng vẫn duy trì mối quan hệ không chính thức và ủng hộ chính phủ dân chủ của họ.

Thời gian gần đây, Bắc Kinh không ngừng tăng cường hiện diện gần Đài Loan và đã điều hàng chục máy bay chiến đấu tới khu vực phòng thủ của họ, trùng khớp với lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc như một phần của “thống nhất hòa bình”.

Minh Ngọc

Tổng thống Kazakhstan đẩy mạnh thanh trừng cơ quan an ninh sau bạo loạn

Nguyên Hương

ác quan chức Nga cho biết lực lượng 2.500 quân tạm thời ở lại ổn định tình hình Kazakhstan Ảnh: Bộ quốc phòng Nga cung cấp

Chủ nhật (9/1), Tổng thống Kazakhstan đã sa thải thêm hai quan chức an ninh hàng đầu sau tình hình bất ổn tồi tệ nhất trong ba thập kỷ độc lập hậu Xô Viết. Các nhà chức trách cho biết, tình hình đang ổn định trở lại, với quân đội do Nga dẫn đầu canh gác các cơ sở quan trọng.

Reuters đưa tin, các quan chức bị sa thải là cấp phó của cựu giám đốc tình báo Karim Massimov, người bị bắt vì tình nghi phản quốc sau khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng nổ tại nước cộng hòa Trung Á sản xuất dầu và uranium giáp ranh Nga và Trung Quốc.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng nổ trong tuần qua khiến 6.044 người bị bắt giữ, nhiều người thiệt mạng, nhiều thương vong và các tòa nhà chính phủ bị thiêu rụi. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã ban hành lệnh nổ súng vào “kẻ cướp và khủng bố” để chấm dứt tình trạng bất ổn.

Internet đã bị hạn chế và hệ thống viễn thông hư hỏng đã gây khó khăn cho việc kiểm tra số liệu và xác nhận các báo cáo.

Các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu bắt đầu cách đây một tuần trước, sau đó bùng nổ toàn quốc để chống lại chính phủ của ông Tokayev và người tiền nhiệm 30 năm tại vị, ông Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi. Cho đến nay, không ai đứng lên bênh vực những người biểu tình. 

Theo lời mời của ông Tokayev, một liên minh do Nga đứng đầu gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ – Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – đã cử quân đội để vãn hồi trật tự, một sự can thiệp diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và Mỹ về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hôm Chủ nhật (9/1), Phát ngôn viên của ông Tokayev cho biết, các lực lượng sẽ không ở Kazakhstan lâu và có thể không quá một tuần hoặc thậm chí ít hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo CSTO sẽ tổ chức một cuộc họp video vào thứ Hai (10/1) để thảo luận về cuộc khủng hoảng Kazakhstan, theo Điện Kremlin.

Bạo lực đã thúc đẩy suy đoán về sự rạn nứt trong giới tinh hoa cầm quyền, khi ông Tokayev đấu tranh để củng cố quyền lực của mình sau khi sa thải các quan chức chủ chốt và loại bỏ ông Nazarbayev khỏi vai trò người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia.

Trang web của tổng thống đã thông báo về việc sa thải ông Marat Osipov và ông Daulet Ergozhin, hai phó của ông Nazarbayev. Tuyên bố sa thải ngắn gọn vào cuối ngày Chủ nhật (9/1) đã không đưa ra lời giải thích.

Ông Massimov, thủ tướng hai nhiệm kỳ được coi là người thân cận của Nazarbayev đã bị bắt. Các nhà chức trách không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về các cáo buộc chống lại ông ta. Báo giới không thể liên lạc được với ông và luật sư của ông để yêu cầu bình luận.

Trong một tuyên bố nhằm dập tắt những lời bàn tán về sự rạn nứt, người phát ngôn của ông Nazarbayev cho biết, ông  Nazarbayev đã ở thủ đô Nur-Sultan trong suốt cuộc khủng hoảng và tự từ chức để  giúp Tổng thống Tokayev xoa dịu tình hình.

 Người phát ngôn cũng kêu gọi người dân đoàn kết xung quanh Tổng thống Tokayev.

Thứ 3 (11/10), ông Tokayev sẽ phát biểu trước quốc hội và có thể sẽ công bố nội các mới.

Ông đã trao giải thưởng vì sự dũng cảm cho 16 sĩ quan cảnh sát và quân đội thiệt mạng trong vụ bạo lực.

“Tình hình đã được ổn định ở tất cả các vùng của đất nước”, văn phòng tổng thống cho biết, đồng thời cho biết thêm các cơ quan thực thi pháp luật đã giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà hành chính.

“Chiến dịch chống khủng bố … sẽ được tiếp tục cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn những kẻ khủng bố”, Thứ trưởng Quốc phòng Sultan Gamaletdinov cho biết.

Theo trang Investing.com, bạo lực đã giáng một đòn mạnh vào hình ảnh của Kazakhstan như một quốc gia được kiểm soát chặt chẽ và ổn định, quốc gia đã từng thu hút hàng trăm tỷ đô la đầu tư của phương Tây vào các ngành công nghiệp dầu mỏ và khoáng sản của mình.

Chỉ huy lực lượng nhảy dù Nga Andrey Serdyukov cho biết, lực lượng CSTO đã hoàn thành việc triển khai tới Kazakhstan và sẽ ở lại đó cho đến khi tình hình ổn định hoàn toàn.

“Một số cơ sở chiến lược đã được chuyển giao dưới sự bảo vệ của đội gìn giữ hòa bình thống nhất của các quốc gia thành viên CSTO”, văn phòng tổng thống cho biết.

Ông Serdyukov cho biết, quân đội đang canh gác các địa điểm quan trọng về quân sự, nhà nước và xã hội ở thành phố Almaty và các khu vực lân cận. Ông không xác định các cơ sở.

Các cuộc triển khai báo hiệu sự ủng hộ kiên quyết của Điện Kremlin đối với các nhà chức trách Kazakhstan trong một khu vực mà Moscow coi là quan trọng đối với an ninh của nước này dọc theo sườn phía nam.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington đang tìm kiếm câu trả lời từ Kazakhstan về lý do tại sao nước này cần kêu gọi các lực lượng do Nga dẫn đầu để giải quyết tình trạng bất ổn trong nước. Ông cũng tố cáo lệnh bắn giết của chính phủ.

Hôm thứ Hai (10/1) đang diễn ra các cuộc họp cấp cao giữa Mỹ và Nga về cuộc khủng hoảng Ucraine. Nguy cơ Nga xâm lược Ukraine sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, việc Nga triển khai quân tới Kazakhstan gần đây có thể sẽ phủ bóng đen lên toàn bộ cuộc đàm phán, theo AP.

Nguyên Hương

Các hãng bảo hiểm Mỹ chi trả tới 44 tỷ USD trong đại dịch COVID – Mức lớn thứ 3 trong lịch sử các thảm hoạ

Thuỷ Tiên

Một ngôi nhà sau Siêu bão Sandy, ở Mantoloking, N.J., vào ngày 13 tháng 5 năm 2013. (John Stillwell / Pool / Getty Images)

Xét về chi phí bảo hiểm, chi tiêu cho thảm hoạ Covid-19 chỉ đứng sau thảm hoạ siêu bão Katrina và vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ. Thông tin được cung cấp bởi nhà môi giới bảo hiểm Howden trong một báo cáo ngày 4/1 về gia hạn tái bảo hiểm.

Số tiền chi phí 44 tỷ USD cho bảo hiểm thấp hơn so với dự đoán ban đầu vào năm 2020 là chi tiêu tới 100 tỷ USD đối với các tổn thất do COVID được bảo hiểm.

Ngày càng có vẻ như biến thể mới Omicron không có khả năng làm bất cứ điều gì trừ việc tác động nhẹ đến nền kinh tế.

Các nhà phân tích ngành này trong những ngày đầu của đại dịch đã đưa ra ước tính lớn hơn sau khi các chính phủ trên toàn thế giới thiết lập các lệnh phong tỏa và hủy bỏ sự kiện.

Đơn xin bảo hiểm về COVID-19 kể từ đó đã bị loại trừ khỏi nhiều hợp đồng bảo hiểm.

“Chỉ là có quá nhiều bảo hiểm hủy bỏ sự kiện ngoài kia, chỉ là có quá nhiều bảo hiểm hành động dân sự ngoài kia và khi bạn trả đến 40 tỷ USD, điều đó thật mệt mỏi; nhưng đó là những gì các hãng bảo hiểm đã cam kết bảo lãnh”, David Flandro, trưởng bộ phận phân tích tại Howden, trả lời Reuters . 

Báo cáo gia hạn bảo hiểm ngày 1/1/2022 của công ty này đã quan sát thấy rủi ro lặp lại trong nghiệp vụ tái bảo hiểm. Bởi vì, có quá nhiều thay đổi trong môi trường kinh doanh, xu hướng xã hội mới; điều này sẽ tác động tiêu cực tới các cam kết bảo hiểm, vốn đã rất phức tạp.

Báo cáo nhấn mạnh rằng ngoài những lo ngại về COVID kéo dài, các xu hướng lớn như lạm phát cao hơn, lợi suất đầu tư suy giảm, tình trạng thua lỗ do thảm họa gia tăng, biến đổi khí hậu, các mối đe dọa mới trên mạng và tâm lý ngại rủi ro cao có thể khiến bối cảnh thị trường trở nên khó dự đoán hơn.

Triển vọng mới của ngành này sẽ “gắn chặt với phát triển kinh tế vĩ mô và đặc biệt là lạm phát”, theo báo cáo.

Rủi ro lạm phát do áp lực giá chủ yếu xuất phát từ hàng hóa hơn là dịch vụ. Các hãng bảo hiểm cần xác định xác suất rủi ro bằng cách tìm kiếm câu trả lời “liệu mức tăng giá sẽ duy trì trong bao lâu với từng mặt hàng và liệu các nhà hoạch định chính sách có thành công trong việc tránh vòng xoáy lạm phát, tiền lương đã kéo dài nhiều năm hay không”. 

“Một môi trường kinh tế xã hội bình yên hơn cũng không làm giảm xu hướng tăng cường dự trữ sau đại dịch. Điều này sẽ tạo áp lực cao hơn với người mua bảo hiểm. Họ sẽ phải trả bảo hiểm cao hơn, điều khoản bảo hiểm chặt chẽ hơn trong khi vẫn với đối diện với làn sóng COVID mới (có thể xảy ra) trong năm nay khi tái bảo hiểm và những năm tới”. 

Công ty này báo cáo rằng tỷ lệ tái bảo hiểm đối với thảm họa bất động sản tăng 9%, cao hơn mức 6% được ghi nhận vào năm ngoái và là mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái kể từ năm 2009 khi chỉ số BĐS quay trở lại mức giá năm 2014.

Một báo cáo khác trong tuần này của nhà môi giới tái bảo hiểm Guy Carpenter cho thấy tỷ lệ tái bảo hiểm bất động sản toàn cầu tăng trung bình 10,8% trong năm nay.

 Báo cáo cho biết thêm rằng 26 tỷ USD vốn mới, đã nhập vào thị trường trong hai năm qua kể từ khi đại dịch xuất hiện. Dòng vốn mới đã đặt lĩnh vực bảo hiểm vào vị trí vững chắc để giải quyết bất kỳ thay đổi nào.

Với vốn bảo hiểm hiện đang ở mức kỷ lục và phí bảo hiểm tăng do định giá cao hơn và nhận thức rủi ro được nâng cao, thị trường có thể quản lý những thách thức mới này vì nó vẫn có khả năng phục hồi và vốn hóa tốt, Flandro cho biết. 

Thuỷ Tiên

(Theo The Epoch Times)

164 người chết, gần 6.000 người bị bắt giữ sau bạo loạn ở Kazakhstan

Hơn 150 người đã chết và gần 6.000 người bị bắt ở Kazakhstan sau vụ bạo loạn tại quốc gia lớn nhất Trung Á trong tuần này, truyền thông địa phương đưa tin hôm Chủ nhật (9/1), dẫn nguồn từ Bộ Y tế.

Quốc gia 19 triệu dân Kazakhstan đã trải qua một tuần biến động bởi các vụ bạo loạn và đụng độ hàng loạt giữa người biểu tình và cảnh sát.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật rằng đã có 5.800 người bị bắt giữ để thẩm vấn, trong đó bao gồm “một số lượng đáng kể công dân nước ngoài”, nhưng không nêu chi tiết.

Các quan chức trước đó cho biết 26 “tội phạm có vũ trang” đã bị giết và 16 nhân viên an ninh đã chết.

“Tình hình đã ổn định ở tất cả các khu vực của đất nước”, ngay cả khi lực lượng an ninh đang tiếp tục các hoạt động “dọn dẹp”, tuyên bố cho biết thêm.

Giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi cho tình trạng bất ổn bùng phát cách đây một tuần ở các tỉnh miền Tây, nhưng sau đó nhanh chóng lan sang các thành phố lớn, bao gồm cả trung tâm kinh tế Almaty, nơi bạo loạn nổ ra và cảnh sát phải nổ súng.

Bộ Nội vụ Kazakhstan hôm Chủ nhật cho biết thiệt hại về tài sản vào khoảng 175 triệu euro (199 triệu đô la Mỹ).

Bộ cũng nói rằng hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng đã bị tấn công và cướp phá và hơn 400 phương tiện bị phá hủy.

Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan (KNB) hôm thứ Bảy cho biết cựu giám đốc an ninh Karim Masimov đã bị bắt vì tình nghi phạm tội phản quốc.

Tin tức về việc giam giữ ông Masimov, cựu thủ tướng và đồng minh lâu năm của cựu lãnh đạo Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về một cuộc tranh giành quyền lực ở quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ông Masimov, 56 tuổi, đã bị sa thải vào lúc cao điểm bất ổn hôm thứ Tư, khi ông Tokayev tiếp quản vị trí của ông Nazarbayev với tư cách là người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia.

Người phát ngôn của ông Nazarbayev, Aidos Ukibay hôm Chủ nhật đã bác bỏ tin đồn rằng cựu Tổng thống đã rời khỏi đất nước và nói rằng ông ủng hộ Tổng thống, AFP đưa tin.

Ông Ukibay nói thêm rằng ông Nazarbayev đã tự nguyện nhường quyền kiểm soát hội đồng an ninh cho người đương nhiệm.

Trong một bài phát biểu cứng rắn trước quốc gia vào thứ Sáu, Tổng thống Tokayev cho biết 20.000 “kẻ cướp có vũ trang” đã tấn công Almaty và cho phép lực lượng của ông bắn giết mà không cần cảnh báo.

Ông Tokayev cũng đã gửi lời cảm ơn Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Moscow đứng đầu vì đã cử quân đội đến giúp giải quyết tình hình bất ổn.

CSTO đã điều động vài nghìn quân đến Kazakhstan, bao gồm cả lính dù Nga để bảo vệ các vị trí chiến lược.

Ông Tokayev cho biết việc triển khai sẽ chỉ là tạm thời, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo hôm thứ Sáu rằng Kazakhstan có thể sẽ gặp khó khăn nếu muốn Nga rút quân.

Ông Blinken nói với các phóng viên: “Tôi nghĩ, một bài học trong lịch sử gần đây là, một khi người Nga ở trong nhà bạn, đôi khi rất khó để khiến họ rời đi.”

Căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang ở mức cao sau Chiến tranh Lạnh vì lo ngại Nga xâm lược Ukraine.

Xuân Lan

Bão tuyết Pakistan: Ít nhất 22 người tử vong trên đường du lịch

Theo báo cáo, tuyết rơi dày mấy ngày nay ở miền bắc Pakistan đã thu hút nhiều người đến xem. Tuy nhiên, 1.000 ô tô đã bị mắc kẹt trên đường cao tốc do tuyết rơi dày đặc, ít nhất 22 người thiệt mạng.

Ngày 8/1/2022, một chiếc xe chạy qua khu vực tuyết phủ ở thành phố Ziarat, Pakistan. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 8/1, quan chức Pakistan cho biết, khoảng 1.000 phương tiện vẫn bị mắc kẹt tại các trạm dừng xe trên đồi. Chính phủ đã tuyên bố thị trấn Murree, cách thủ đô Islamabad 64 km về phía đông bắc, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, hàng ngàn người đã đến đó để ngắm tuyết.

Ông Sheikh Rashid Ahmed, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan, cho biết trong đoạn video: “Lần đầu tiên trong vòng 5 đến 20 năm qua, nhiều khách du lịch đến thế đổ về Murree, và đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn.”

Bộ trưởng Sheikh Rashid Ahmed, xác nhận “có 16 đến 19 người chết trong ô tô của họ”. Ông cũng nói rằng trung đội Lục quân và các lực lượng bán quân sự đã được triển khai để giúp cơ quan dân sự tiến hành các hoạt động cứu hộ.

Abdur Rehman, một bác sĩ tham gia vào công tác giải cứu, nói với hãng tin AP rằng trong quá trình sơ tán du khách bị mắc kẹt, họ đã phát hiện 22 người đã chết, bao gồm 10 đàn ông, 2 phụ nữ và 10 trẻ em.

Thủ tướng Imran Khan bày tỏ sự bàng hoàng về những “cái chết thương tâm” của du khách. Ông cho biết qua một tweet rằng, “Đã ra lệnh tiến hành điều tra và đưa ra các quy định mạnh mẽ để đảm bảo ngăn chặn thảm kịch này xảy ra một lần nữa.”

Bộ trưởng Thông tin Fawad Chaudhry kêu gọi mọi người không lên các trạm dừng xe đồi. Vào cuối ngày 7/1, chính phủ đã thông báo đóng cửa tất cả các con đường dẫn đến trạm dừng xe trên đồi để ngăn du khách đi lên.
Chưa có kết luận nguyên nhân du khách tử vong

Trận tuyết lớn này bắt đầu vào đêm ngày 4/1 và cách một khoảng thời gian lại tiếp tục rơi, nên thu hút hàng ngàn khách du lịch.

Truyền thông địa phương đưa tin hơn 100.000 xe cộ đã đổ dồn đến trạm dừng xe trên đồi. Nhiều gia đình bị mắc kẹt trên đường do lượng du khách quá đông.

Video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy cả gia đình người lớn, trẻ em thiệt mạng trong một chiếc xe phủ đầy tuyết.

Các quan chức vẫn chưa đưa ra nguyên nhân tử vong.

Phía cảnh sát nói với hãng tin AP rằng hầu hết những người tử vong là vì thân nhiệt quá thấp. Tuy nhiên, Faheem Yonus, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Maryland, nghi ngờ về tuyên bố đó.

Ông nói trong một tweet: “Chết là do lạnh hay do ngộ độc khí carbon monoxide (CO)? Carbon monoxide không mùi vị và gây chết người, nếu một chiếc xe không chuyển động bị vùi trong tuyết, các ống xả (bộ giảm thanh) bị tắc có thể nhanh chóng giết chết hành khách vì họ hít phải khí carbon monoxide.”

Bộ trưởng Nội vụ Sheikh Rashid Ahmed cho biết trong một video hôm thứ Bảy rằng các du khách gặp phải “khủng hoảng lương thực” sau khi bị mắc kẹt.

Bộ trưởng nói thêm rằng các con đường đến Murree đã đồng loạt đóng cửa với khách du lịch và chỉ mở cửa cho những người cung cấp viện trợ cho những người còn mắc kẹt.

Lâm Nghiên, Epoch Times

Cháy chung cư ở New York, ít nhất 19 người thiệt mạng gồm 9 trẻ em

Sáng sớm ngày 9/1, một tòa chung cư ở quận Bronx, thành phố New York đã xảy ra hỏa hoạn. Cảnh sát cho biết, có ít nhất 19 người thiệt mạng trong đó có 9 trẻ em, còn có hàng chục người khác bị thương.

Sở Cứu hỏa New York (FDNY) cho biết, đám cháy cấp 5 bùng phát tại một tòa nhà 19 tầng ở số 333, phố Đông 181, thuộc phía Tây quận Bronx.

Khoảng 200 lính cứu hỏa đã tham gia chữa cháy. Trong cuộc họp báo, chuyên viên Sở cứu hỏa New York Daniel Nigro cho biết, “Dự kiến sẽ có rất nhiều người chết, chúng tôi vẫn chưa biết tình hình chi tiết.” Ông Daniel Nigro còn cho biết, cơ quan cứu hỏa đã đưa ra phản ứng trong vòng 3 phút, nhưng lửa cháy nhanh và đã lan sang tòa nhà số 2 và số 3.

Ông nói: “Khói đã bao trùm toàn bộ chiều cao tòa nhà, điều này rất bất thường.” “Lính cứu hỏa tìm thấy nạn nhân trên cầu thang của mỗi tầng.” Ông Daniel Nigro cho rằng quy mô của thảm họa này là “chưa từng có ở thành phố của chúng ta”.

Cơ quan cứu hỏa chưa xác nhận tổng số người chết, nhưng cho biết ít nhất 32 người bị thương nặng. Theo thông tin từ phía cảnh sát, trong số người thiệt mạng, có một trẻ em 4 tuổi, và một lính cứu hỏa đã được đưa đến bệnh viện.

Thị trưởng New York Eric Adams đã đến hiện trường hôm Chủ nhật, ông gọi vụ hỏa hoạn này đối với New York mà nói là “thời thời khắc đau đớn vô cùng khủng khiếp”.

Ông Eric Adams nói trong một cuộc họp báo: “Vụ hỏa hoạn này sẽ mang đến nỗi đau và sự tuyệt vọng cho thành phố.” “Đây sẽ là một trong những vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất mà chúng ta từng thấy ở thành phố New York hiện đại.”

Cơ quan cứu hỏa hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn.

Cao Tĩnh, Epoch Times

Related posts