Daniel Y. Teng
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã kêu gọi những người nổi tiếng và những người ủng hộ phong trào #MeToo lên tiếng cho ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai), người đã cáo buộc cựu phó thủ tướng Trung Quốc tấn công tình dục hồi tháng 11/2021.
Ông Dutton nói với Nine Newspaper trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, được công bố một phần hôm 10/01, “Tôi không hiểu bằng cách nào mà trong năm 2021, trong thời đại #MeToo, chúng ta có thể có một ngôi sao quần vợt nữ quốc tế tuyên bố đã bị cưỡng bức và tấn công tình dục, và cô ấy giờ đây đang bị quản thúc tại gia đồng thời tài khoản mạng xã hội của cô bị xóa, và bằng cách nào đó, đó lại là hành vi mà chúng ta nên dung thứ.”
Ngài bộ trưởng quốc phòng, người không ngại chỉ trích trực tiếp sự gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông và đối với Đài Loan, nói rằng tốt hơn là nên công khai lên tiếng chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “nếu không thì hành vi đó sẽ không thay đổi.”
“Tôi thấy điều đó khá đáng chú ý… khi quý vị nhìn vào sức mạnh của phong trào #MeToo trong các xã hội phương Tây,” ông nói thêm. “Chúng ta sẽ không dung thứ và cũng không bao giờ muốn dung thứ, ý tưởng rằng ai đó đã bị cưỡng bức mà điều đó lại không được giải quyết.”
“Và chưa kể đến cảnh ngộ của hàng chục ngàn người khác, những người đang có cùng hoàn cảnh khi mà họ bị đe dọa hoặc nếu không thì nhân quyền của họ bị vi phạm, như người Duy Ngô Nhĩ và những người còn lại.”
“Và vì thế, một phần nhận định của tôi khi thẳng thắn về những điều này là tôi nghĩ nếu chúng ta muốn thay đổi, và chúng ta muốn Trung Quốc tiếp tục là một cường quốc nhưng tuân thủ pháp quyền, thì chúng ta nên nói về điều đó.”
Câu chuyện của Bành Soái bắt đầu hôm 02/11/2021, khi ngôi sao quần vợt đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc lời cáo buộc rằng quan chức đứng đầu ĐCSTQ, ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), 75 tuổi, đã ép cô quan hệ tình dục với ông ta — như một phần của một mối tình bí mật đã kéo dài 10 năm.
Các bài đăng của cô Bành đã sớm bị xóa khỏi internet trước khi cô biến mất khỏi ánh nhìn của công chúng trong khoảng ba tuần.
Sau đó, ngôi sao quần vợt này tái xuất, phủ nhận những cáo buộc mà cô đã đưa ra trong khi khẳng định mọi người đã “hiểu nhầm” về bài đăng trên Weibo của cô, theo một cuộc phỏng vấn với tờ Liên Hợp Tảo Báo (Lianhe Zaobao), một tờ báo Trung văn của Singapore.
Trong một phản hồi hiếm hoi từ một tổ chức lớn, ông Steve Simon, người đứng đầu Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA), đã đình chỉ tất cả các sự kiện ở Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2022.
“Để bảo vệ cô Bành và nhiều phụ nữ khác trên khắp thế giới, điều cấp bách hơn bao giờ hết là mọi người phải lên tiếng. WTA sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ các tay vợt của mình,” ông Simon cho biết trong một tuyên bố.
Ngược lại, nhiều tổ chức đã dè dặt trong việc gây tranh cãi với Bắc Kinh, vì xét đến tiềm năng đáng kể của thị trường Trung Quốc.
Đơn cử, trong khi phong trào #MeToo đã đạt được sức hút ở Hollywood – các giám đốc điều hành, nhà sản xuất, và diễn viên đã đồng loạt thận trọng để không xúc phạm ĐCSTQ, ngay cả về những vấn đề tương đối nhỏ. Nhiều người cũng đã xin lỗi vì bị cho là đã coi thường ĐCSTQ.
Hồi tháng 05/2021, nam diễn viên kiêm cựu đô vật John Cena đã xin lỗi trên phương tiện truyền thông xã hội bằng tiếng Quan Thoại sau khi vô tình đề cập đến Đài Loan như một quốc gia. Bình luận của ông đã làm ảnh hướng tới phần thứ chín của loạt phim Fast & Furious.
An Nhiên biên dịch