Tin thế giới trưa thứ Tư

Đặc vụ Dominica bắt giữ nghi phạm ám sát Tổng thống Haiti

Một người cầm bức ảnh của cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise trong lễ tưởng niệm ông tại Bảo tàng Quốc gia Pantheon ở Port-au-Prince, Haiti, hôm 20/07/2021. (Ảnh Matias Delacroix/AP Photo)

SANTO DOMINGO, Cộng hòa Dominica — Hôm thứ Hai (10/01), các nhà chức trách của nước Cộng hòa Dominica nói với The Associated Press rằng họ đã bắt giữ một nghi phạm chính trong vụ ám sát tổng thống Haiti với sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ.

Một quan chức không được phép nói công khai về vụ án này cho biết ông Rodolphe Jaar đang bị xử án như một tù nhân của Hoa Kỳ và bị bắt theo chỉ thị của nhà chức trách Hoa Kỳ.

Quan chức này cho biết ông Jaar đã bị bắt hôm thứ Sáu khi ông ta cố gắng nhập cảnh Cộng hòa Dominica, quốc gia có chung đảo Hispaniola với Haiti.

Ông Jaar chưa bị buộc tội chính thức. Trước mắt chưa rõ liệu ông ta có luật sư hay sẽ bị dẫn độ sang một quốc gia khác hay không.

Phía quan chức Hoa Kỳ đã từ chối bình luận, nói rằng cuộc điều tra này vẫn đang tiếp tục. Hiện không thể tiếp cận với giới chức Haiti để yêu cầu bình luận.

Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dominica cho biết họ đang đợi sự cho phép trước khi bàn luận về vụ việc.

Ông Jaar bị bắt chỉ vài ngày sau khi ông Mario Antonio Palacios Palacios, một trong những nghi phạm chính trong vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse ngày 07/07, bị dẫn độ đến Hoa Kỳ để đối mặt với các cáo buộc của Hoa Kỳ trong vụ án này.

Ông Palacios, một cựu binh sĩ Colombia 43 tuổi, bị buộc tội có âm mưu ám sát hoặc bắt cóc bên ngoài Hoa Kỳ và hỗ trợ vật chất dẫn đến án mạng này, dù biết hoặc có ý định rằng sự hỗ trợ vật chất đó sẽ được sử dụng để chuẩn bị hoặc thực hiện âm mưu ám sát hoặc bắt cóc. Ông bị giam ở Jamaica hồi tháng 10/2021.

Ông Jaar là một trong hơn 40 nghi phạm bị bắt giữ trong vụ án trên. Ông sinh ra ở Haiti và có bằng đại học quản trị kinh doanh, theo hồ sơ tòa án. Ông không phải là công dân Hoa Kỳ.

Ông Jaar bị truy tố vào năm 2013 tại tòa án liên bang ở South Florida với tội danh âm mưu buôn lậu cocaine từ Colombia và Venezuela qua Haiti đến Hoa Kỳ. Ông ta đã nhận tội và bị kết án gần 4 năm tù, theo hồ sơ của tòa án.

Tại phiên tòa tuyên án năm 2015 của ông Jaar, luật sư của ông nói với tòa án rằng ông Jaar đã từng là nguồn tin mật cho chính phủ Hoa Kỳ trong vài năm trước khi bị truy tố. Ông Jaar cũng đồng ý hợp tác với các nhà chức trách liên bang, và xin được giảm án, nói rằng ông có một người vợ, một đứa con 1 tuổi và cha mẹ già.

Hôm thứ Bảy (08/01), ông Claude Joseph, người từng giữ chức thủ tướng lâm thời của Haiti trong thời gian ngắn sau vụ ám sát tổng thống, đã tweet rằng có nhiều vụ bắt giữ hơn đang chờ giải quyết. Ông cáo buộc nhà chức trách Haiti đang nỗ lực phá vỡ công lý khi không điều tra vụ án nhưng lại ca ngợi cộng đồng quốc tế.

“Sự hợp tác quốc tế mà chúng tôi luôn mong mỏi đang trở nên tích cực hơn mỗi ngày. Chiến dịch này sẽ không dừng lại,” ông viết.

Hồng Ân biên dịch

Kazakhstan giam giữ gần 10,000 người liên quan đến tình trạng bất ổn 

Các sĩ quan cảnh sát chống bạo động tuần tra trên một con phố ở Almaty, Kazakhstan, hôm 05/01/2022. (Ảnh: Abduaziz Madyarov/AFP/Getty Images) Đông Dương

Lực lượng an ninh ở Kazakhstan đã bắt giữ 9,900 người liên quan đến tình trạng bất ổn tuần trước, Bộ Nội vụ của quốc gia Trung Á này cho biết hôm thứ Ba (10/01).

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, người gọi [cuộc biểu tình] bạo lực này là một âm mưu đảo chính, đã đề cử ông Alikhan Smailov cho chức thủ tướng hôm thứ Ba, và hạ viện đã nhanh chóng biểu quyết trong một phiên họp được phát sóng trực tiếp trên truyền hình nhà nước.

Ông Smailov, 49 tuổi, đảm nhiệm chức phó thủ tướng thứ nhất trong nội các trước đó mà ông Tokayev đã bãi nhiệm vào tuần trước trong bối cảnh bất ổn bạo lực.

Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giàu dầu mỏ này cho biết các tòa nhà chính phủ đã bị tấn công ở một số thành phố lớn sau khi các cuộc biểu tình ôn hòa nguyên ban đầu là phản đối việc tăng giá nhiên liệu xe hơi chuyển thành bạo lực.

Ông Tokayev cho biết các tay súng Hồi giáo từ các quốc gia trong khu vực và Afghanistan, cũng như Trung Đông, nằm trong số những kẻ tấn công.

Ông đã giải tán nội các của mình giữa lúc bất ổn xảy ra, cùng với một số quan chức an ninh và giam giữ thành viên cao cấp nhất trong số họ vì nghi phản quốc, ông Karim Masimov, một cựu lãnh đạo của ủy ban an ninh quốc gia.

Kazakhstan bất ổn
Người dân tham gia một cuộc biểu tình do giá năng lượng tăng ở Almaty, Kazakhstan, hôm 04/01/2022. (Ảnh: Abduaziz Madyarov/AFP/Getty Images)

Các cuộc biểu tình về việc giá nhiên liệu xe cộ tăng gần gấp đôi bắt đầu vào ngày 02/01 và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, với các khẩu hiệu chính trị phản ánh sự bất bình rộng rãi hơn đối với chính phủ độc tài của Kazakhstan.

Trong một hành động nhượng bộ, chính phủ đã công bố giới hạn giá nhiên liệu xe cộ trong 180 ngày và tạm dừng tăng giá dịch vụ tiện ích. Khi tình hình bất ổn gia tăng, nội các bộ trưởng từ chức và tổng thống nước này đã thay thế ông Nursultan Nazarbayev, cựu lãnh đạo lâu năm của Kazakhstan, với tư cách là người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia.

Một trong những khẩu hiệu chính của các cuộc biểu tình tuần qua, “Người cũ phải rời đi” (“Old man out”), ám chỉ đến ông Nazarbayev, người từng giữ chức tổng thống từ nền độc lập của Kazakhstan cho đến khi ông từ chức vào năm 2019 và đã tiến cử ông Tokayev làm người kế nhiệm. Ông Nazarbayev đã có được quyền lực đáng kể khi đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia.

Cho dù có nhượng bộ đi nữa, thì chỉ trong vài ngày các cuộc biểu tình này đã chuyển thành bạo lực cực độ. Tại Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan, những người biểu tình đã phóng hỏa tòa thị chính, đồng thời xông vào và nhanh chóng chiếm đóng phi trường của thành phố. Trong nhiều ngày, trên các đường phố của thành phố này đều nghe thấy những tiếng súng thưa thớt.

Kazakhstan bất ổn
Một tòa nhà hành chính bị đốt cháy được nhìn thấy đằng sau hàng rào ở trung tâm Almaty, Kazakhstan hôm 06/01/2022. (Ảnh: Alexandr Bogdanov/AFP/Getty Images)

Các nhà chức trách đã ban bố một tình trạng khẩn cấp về tình hình bất ổn này, và ông Tokayev đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu gồm sáu quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tổ chức này này đã chấp thuận điều khoảng 2,500 quân chủ yếu là binh lính Nga đến Kazakhstan với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình.

Ông Tokayev cho biết các cuộc biểu tình này là do “những kẻ khủng bố” xúi giục với sự hậu thuẫn của ngoại quốc, mặc dù các cuộc biểu tình này không cho thấy có người cầm đầu hoặc tổ chức rõ ràng. Hôm thứ Sáu, ông cho biết ông đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội nổ súng để tiêu diệt “những kẻ khủng bố” tham gia vào vụ bạo lực này.

Hồng Ân biên dịch

Related posts