Tham nhũng làm mài mòn hiệu quả chiến đấu của quân đội Trung Quốc

Nicole Hao

Các đại biểu của quân đội Trung Quốc đến Đại lễ đường Nhân dân trước phiên họp toàn thể lần thứ ba của cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 12/03/2015. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, lan rộng trong quân đội Trung Quốc, nơi các sĩ quan, bao gồm cả tướng lĩnh, không dựa vào thời gian phục vụ hoặc năng lực quân sự để được thăng cấp, mà là dựa vào hối lộ và các mối quan hệ.

Các chuyên gia nhận xét rằng việc thiếu các nhà lãnh đạo có năng lực hiện nay có nguy cơ gây bất lợi nghiêm trọng cho khả năng chiến đấu trong chiến tranh của Trung Quốc.

Ngày 10/03/2015, Tân Hoa Xã, một cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý, dẫn lời ba viên thiếu tướng thuộc Học viện Khoa học Quân sự nói rằng trong quân đội Trung Quốc tất cả các chức vụ và cấp bậc đều được bán với giá đã định trước.

“Một tư lệnh quân khu đã hối lộ ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou) [khi còn là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) 20 triệu nhân dân tệ (3.14 triệu USD) để có được một vị trí cao cấp. Sau đó, ông Từ đã thăng chức cho người này, thay vì một viên tư lệnh khác chỉ hối lộ cho ông ta 10 triệu nhân dân tệ (1.57 triệu USD),” Thiếu tướng Dương Xuân Trường (Yang Chunchang) tiết lộ.

Ông Từ Tài Hậu (phải), cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nói chuyện với ông Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, trong phiên khai mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 05/03/2012. (Ảnh: Liu Jin/AFP/Getty Images)

Trong quân đội Trung Quốc, chỉ có một vị tướng duy nhất có kinh nghiệm chiến đấu. Ông Lý Tác Thành (Li Zuocheng), 68 tuổi, phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam năm 1979 với tư cách là Đại đội trưởng của khoảng 100 binh sĩ. Ông Lý là Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 06/04/2017 với tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, ông Chu Mai Sâm (Zhou Meisen), nhà biên kịch của bộ phim truyền hình tuyên truyền chống tham nhũng có nhan đề “In the Name of People” (Nhân danh nhân dân), tuyên bố rằng, “Họ đã mua các chức vụ của họ, họ sẽ không dành cả cuộc đời của họ để chiến đấu.” “Một khi có chiến tranh, ai có thể chiến đấu? Ai sẽ hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đất nước?”

Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 17/12/2021 rằng “một vị tướng vẫn có thể chỉ huy quân đội khi ông ta không có bất kỳ kinh nghiệm chiến đấu nào; ông ấy có thể học hỏi từ sách vở và các cuộc tập trận quân sự.” “Nhưng nếu các tướng lĩnh và sĩ quan có được chức vụ và cấp bậc của mình thông qua hối lộ, họ không có kiến ​​thức và khả năng chỉ huy quân đội chiến đấu trong một cuộc chiến tranh.”

Các đại biểu của quân đội Trung Quốc đến Đại lễ đường Nhân dân trước phiên họp toàn thể lần thứ ba của cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 12/03/2015. (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Ông Đường nói tiếp rằng kết quả là các sĩ quan và binh lính Trung Quốc sẽ không tập trung vào việc nâng cao các kỹ năng của mình khi biết rằng họ cần phải mua chuộc, hối lộ cho vị trí và cấp bậc mà họ hy vọng đạt được.

“Chiến đấu không phải là một trò chơi. Khi xảy ra chiến tranh, những sĩ quan và binh lính này không thể chiến đấu,” ông Đường nhận định.

[Năng lực] chiến đấu bị suy yếu

Các trường hợp tướng lĩnh bị sa thải đã trở thành một thông lệ dưới chế độ của ông Tập.

Ngày 29/04, chính quyền Trung Quốc thông báo Thiếu tướng Tống Học (Song Xue), Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc, bị tình nghi “vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật.” Ông Tống đã bị bãi nhiệm khỏi chức vụ của mình hôm 08/04/2021.

Ông Tống là nhà lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc trong việc tái thiết và đào tạo binh sĩ cho hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này là Liêu Ninh. Các nhà bình luận Trung Quốc ở hải ngoại phân tích rằng ông Tống có dính líu đến vụ hối lộ trong dự án Liêu Ninh, và ông ta bị trừng phạt vì hàng không mẫu hạm này có hiệu quả chiến đấu không như mong đợi.

Hôm 26/04/2021, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Liêu Ninh — gồm ba khu trục hạm Trung Quốc, một khinh hạm, và một tàu tiếp liệu đi cùng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh — đã không thể ngăn chặn một khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Hải quân Hoa Kỳ tiến vào giữa đội hình của mình khi chúng đi qua Biển Philippine.

Một đội hình hải quân Trung Quốc, bao gồm cả hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (giữa), trong các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông vào ngày 02/01/2017. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Chia sẻ với The Epoch Times hôm 14/11/2017, thái tử Đảng La Vũ (Luo Yu) cho rằng “Quân đội Trung Quốc đã trở thành một vũng bùn nhơ, không có hiệu quả chiến đấu.” “Không một quan chức hoặc sĩ quan Trung Quốc nào mà không dính líu tới hối lộ, đây là một vấn nạn mang tính hệ thống.”

“Không có cách nào để ngăn chặn tình trạng tham nhũng ở trong quân đội Trung Quốc.”

Trong khi đưa ra lời bình luận của mình, nhà biên kịch Chu Mai Sâm đã trích dẫn một ví dụ về các sĩ quan tích cực biển thủ các quỹ quân sự.

“Trong một cuộc tập trận quân sự, họ [các sĩ quan] đã bán các xe cộ và xăng dầu,” ông Chu nêu rõ. “Sau đó, họ báo cáo rằng các xe cộ đã bị tàn phá trong quá trình tập trận, và xăng dầu đã được sử dụng. Các khoản tiền kê thêm này sau đó sẽ rơi vào túi của các sĩ quan.”

Trong một ví dụ khác, ông Chu cho biết, “các binh sĩ chỉ bắn 10 phát đại bác trong cuộc tập trận, nhưng họ báo cáo rằng đã bắn 100 phát đại bác.”

“Tình trạng tham nhũng quá nghiêm trọng tới mức khôn tả,” ông Chu tiếp tục. “Nói theo cách của họ [các sĩ quan] thì là, [quân đội này] từ trong cho đến ngoài, đều đen tối.”

Hôm 18/08, trang dwnews.com có ​​trụ sở tại Bắc Kinh đã đưa tin từ Bắc Kinh cho hay Tướng Trương Dương [Zhang Yang], người được cho là đã tự sát, có biệt danh là “Trương Bị Cói” vì ông ta thường bỏ tiền mặt vào trong các bao tải cói và dùng chúng để hối lộ các sĩ quan cao cấp hoặc nhận hối lộ của sĩ quan cấp dưới. Ông Trương đã từng đưa cho mỗi phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương, lúc đó là ông Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou) 25 triệu nhân dân tệ (3.9 triệu USD) tiền mặt.

“Chỉ có một vài tướng lĩnh đã tử trận trên chiến trường khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc chiến đầu tiên, cuộc nổi dậy Nam Xương, vào ngày 01/08/1927, cho đến khi Chiến tranh Triều Tiên [kết thúc bằng hiệp định đình chiến vào ngày 27/07/1953],” ông Chu nói với Nhân dân nhật báo vào năm 2017. “Hiện tại, một chiến dịch chống tham nhũng đã sa thải hơn 140 tướng lĩnh.”

Tham nhũng và thay thế người

Chống tham nhũng đã trở thành nhiệm vụ chính của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi nhậm chức Chủ tịch CMC hồi năm 2012. Là tư lệnh tối cao của quân đội Trung Cộng, ông Tập đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để sa thải các tướng lĩnh thiếu trung thành, và thăng cấp các tướng lĩnh mới ủng hộ ông ấy.

Ngày 16/06/2018, trang dwnews.com đã đưa tin cho biết những nỗ lực của ông Tập nhằm cải tổ quân đội Trung Quốc, đã vấp phải sự phản kháng.

Sau đó, hôm 13/04/2020, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân do nhà nước quản lý đã đưa tin, “Hiện nay, tình hình chống tham nhũng trong quân đội vẫn còn gay gắt và phức tạp. Vấn đề vi phạm nội quy, vi phạm kỷ luật xảy ra thường xuyên.”

Ngày 28/08/2017, Tướng Trương Dương, cựu Cục trưởng Cục công tác chính trị của CMC và Tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), cựu Tham mưu trưởng liên quân, đã bị điều tra về tội nhận hối lộ và vi phạm kỷ luật.

Ba tháng sau, vào ngày 25/11/2017, ông Trương đã tự sát. Vào tháng 10/2018, Trung Cộng đã cách chức ông Trương ra khỏi CMC và khai trừ khỏi đảng, tước quân hàm và tịch thu tài sản của ông ta. Tân Hoa Xã đưa tin ông Trương sở hữu một khối lượng tài sản kếch xù, không giải thích được, và mức độ tham nhũng của ông ta là rất lớn.

Ông Phòng đã bị tòa án binh Trung Quốc kết án tù chung thân hôm 20/02/2019, với các tội danh hối lộ và sở hữu số tài sản khổng lồ, không rõ nguồn gốc.

Cựu tướng hậu cần quân đội Cốc Tuấn Sơn (Gu Junshan) cư trú tại thị trấn Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, hôm 17/01/2014. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Quân đội Trung Quốc có năm chiến khu, mỗi chiến khu bao trùm một khu vực. Song song với đó còn có [các lực lượng]: lục quân, không quân, hải quân, lực lượng hỏa tiễn, lực lượng hỗ trợ chiến lược, lực lượng chi viện liên quân, và lực lượng cảnh sát vũ trang. Cả chiến khu và quân chủng đều đồng thời chỉ huy quân đội. Quân đội Giải phóng Nhân dân có 25 quân khu cấp tỉnh và ba đơn vị đồn trú, trực tiếp báo cáo cho CMC.

Ngày 06/09/2021, ông Tập đã thăng cấp 5 trung tướng lên thượng tướng cũng như các vị trí chỉ huy cao hơn. Năm người này bao gồm: Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ Uông Hải Giang (Wang Haijiang), Tư lệnh Chiến khu Trung bộ Lâm Hướng Dương (Lin Xiangyang), Đô đốc Hải quân Đổng Quân (Dong Jun), Tư lệnh Lực lượng Không quân Thường Đinh Cầu (Chang Dingqiu), và Giám đốc Đại học Quốc phòng PLA Hứa Học Cường (Xu Xueqiang).

Hai tháng trước đó, vào ngày 05/07/2021, ông Tập đã thăng cấp thêm bốn trung tướng lên thượng tướng. Họ là Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ Từ Khởi Linh (Xu Lingqi), Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ Vương Tú Bân (Wang Xiubin), Tư lệnh Lục quân Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), và Tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Cự Kiền Sinh (Ju Qiansheng).

Ông Tập đã thay đổi tư lệnh Chiến khu Tây Bộ bốn lần trong vòng chín tháng. Tháng 12/2020, Tư lệnh Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi) nghỉ hưu. Ông Tập đã thăng chức cho ông Trương Húc Đông (Zhang Xudong), khi đó là Phó Tư lệnh Chiến khu Trung Bộ, lên nắm quyền. Đến tháng Sáu, ông Trương bị bãi nhiệm do bị bệnh. Ông Từ tiếp quản vị trí này và được thay thế vào tháng Chín bằng ông Vương. Không rõ tại sao ông Tập lại sa thải ông Từ và hiện ông Từ đang ở đâu.

Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun), một nhà bình luận của ấn bản Hoa ngữ The Epoch Times, đã viết hôm 08/09/2021 rằng “ông Tập Cận Bình đã không xây dựng được một quân đội trung thành với mình. Ông Tập đã thăng chức cho hơn 60 tướng kể từ khi nhậm chức Chủ tịch CMC. Những vị tướng này kiểm soát CMC, năm Chiến khu, bảy lực lượng, và các trường đại học quân sự. Tuy nhiên, không phải tất cả các tư lệnh mới được bổ nhiệm này đều trung thành với ông ấy, và đây là lý do tại sao ông ấy liên tục bổ nhiệm các tư lệnh mới.”

Ông Vương cũng viết rằng ông Tập đã gọi tham nhũng là lý do để loại bỏ các tướng lĩnh không trung thành với mình bởi vì phần lớn các tướng lĩnh đều có dính líu đến hối lộ, lạm dụng quyền lực, tống tiền, lừa đảo, thông đồng, và tham ô.

Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.

Yến Nhi biên dịch

Related posts