Eva Fu
Theo một nhà phân tích Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc có khả năng đã hạ thấp tỷ lệ tử vong do COVID-19 lên tới 17,000% trong một chiến dịch trấn áp dữ liệu mang tính hệ thống để duy trì hình ảnh chính trị của mình.
Điều đó sẽ khiến số người tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc lên đến khoảng 1.7 triệu người thay vì 4,636 người, con số tử vong cộng dồn trong hai năm mà các nhà chức trách Trung Quốc đã duy trì trên sổ sách. Số liệu đó nhiều hơn gấp 366 lần con số chính thức.
Những phát hiện đó do ông George Calhoun, giám đốc chương trình tài chính định lượng tại Viện Công nghệ Stevens, đưa ra dựa trên dữ liệu tính đến tháng Một được tạo ra bởi một mô hình do tờ The Economist phát triển.
Phần lớn các trường hợp tử vong được ghi nhận chính thức của Trung Quốc đều đến từ Vũ Hán trong ba tháng đầu tiên của đại dịch, chỉ có hàng trăm trường hợp khác được báo cáo ở các khu vực còn lại của nước này.
Chế độ Trung Quốc chỉ báo cáo thêm hai trường hợp tử vong kể từ ngày 01/04/2020, xếp hạng Trung Quốc là nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất thế giới, điều mà ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), nhà dịch tễ học Trung Quốc giám sát về ứng phó bùng phát dịch của Trung Quốc, đã khoe khoang hồi tuần trước.
Nhưng điểm dữ liệu đáng kinh ngạc đó – thấp hơn hàng trăm lần so với của Mỹ, đã khiến ông Calhoun không khỏi băn khoăn.
“Không thể nào. Điều đó là không thể về mặt y tế, không thể về mặt thống kê,” ông Calhoun nói với NTD, một chi nhánh của The Epoch Times.
“Hãy nhớ rằng, vào năm 2020, không hề có vaccine, cũng không hề có phương pháp điều trị nào hết,” ông nói. “Vì vậy, quý vị đã có một quần thể dân số không được bảo vệ mà lại không có ca tử vong do COVID nào, mặc dù họ đã có hàng chục ngàn ca nhiễm.”
Chịu trách nhiệm thu thập các hồ sơ công khai và các báo cáo nghiên cứu trước đây, đồng thời phân tích mô hình che giấu các vụ bê bối trong quá khứ của chế độ này, ông Calhoun đã đi đến kết luận rằng đối với ông dường như [có một điều] khá hiển nhiên: Trung Quốc đã coi chính sách “zero-COVID” của mình là một mục tiêu chính trị, và đang làm sai lệch dữ liệu một cách có hệ thống để đưa ra tuyên bố này.
Ông cho biết, “Ai đó đã đưa ra một thông báo vào cuối quý đầu tiên của năm 2020 và nói rằng, ‘Được rồi, chúng ta muốn thấy số ca nhiễm COVID bằng không. Đó là chính sách của chúng ta.’ Và nơi đó đã trở thành [một quốc gia] zero-COVID.”
Sự bất thường
Ông Calhoun nói rằng, “bằng chứng không thể chối cãi” đầu tiên là sự giảm đột ngột về số ca tử vong do COVID-19 kể từ tháng 04/2020 ở Trung Quốc đại lục sau khi tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu tăng “mạnh mẽ”.
Từ ngày 01/04/2020 đến ngày 08/01/2022, hơn 22,102 ca nhiễm đã được ghi nhận ở Trung Quốc đại lục, theo dữ liệu từ Trung tâm Tài nguyên Johns Hopkins về Virus Corona. Trong khoảng thời gian này, chỉ có hai trường hợp tử vong được ghi nhận.
Để so sánh, Hồng Kông, nơi có khoảng một nửa số ca nhiễm COVID-19 trong giai đoạn này, đã ghi nhận đến 213 ca tử vong.
Còn tỷ lệ tử vong (tỷ lệ những người bị nhiễm bệnh đã tử vong) ở Vũ Hán trong ba tháng đầu tiên của đại dịch trung bình vào khoảng 7.7%, cao hơn gấp năm lần tỷ lệ của Hoa Kỳ và bốn lần mức trung bình của thế giới.
Có hai trường hợp có thể xảy ra: hoặc là virus này “gây tử vong nhiều hơn vào thời điểm đầu năm 2020 ở Vũ Hán so với bất kỳ nơi nào khác, vào bất kỳ thời điểm nào khác,” hoặc theo cách khác, thì số liệu lây nhiễm chính thức từ Trung Quốc là quá nhỏ, chỉ bằng ⅓ hoặc ¼ con số thực, ông Calhoun cho biết.
Trong 20 tháng sau đó, đã có sự thiếu hụt nhất quán về dữ liệu COVID-19 từ Trung Quốc. Kể từ tháng 09/2021, Trung Quốc đã trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới không cung cấp dữ liệu đầy đủ về tỷ lệ tử vong vượt mức dự báo — những trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân đã vượt quá xu hướng bình thường, có thể đưa ra một ước tính sơ bộ về số ca tử vong do COVID chưa được thống kê, một cuộc khảo sát từ Đại học Washington cho thấy.
Mô hình của tờ Economist đang tìm cách bù đắp vào khoảng trống dữ liệu đó. Dựa trên mô hình này, ông Calhoun cho biết tỷ lệ tử vong vượt mức dự báo của Trung Quốc đã giảm khoảng 17,000%. Ông nói thêm, sự khác biệt này đã vượt qua cả những quốc gia sa lầy vào tình trạng bất ổn dân sự quy mô lớn, chẳng hạn như Libya, Iraq, Afghanistan, và Venezuela, vốn đã thống kê tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn thực tế tới 1,100%.
Việc thống kê số ca tử vong do virus thấp hơn thực tế là phổ biến ở khắp các quốc gia. Dựa trên mô hình của The Economist, con số chính thức của Hoa Kỳ thấp hơn khoảng 30%. Nhưng trường hợp của Trung Quốc là rất khác thường.
“Sự cách biệt là quá lớn,” ông Calhoun nói về sự khác biệt giữa số liệu chính thức của Trung Quốc và ước tính số ca tử vong thực.
“Có thứ gì đó đang thúc đẩy điều đó,” ông Calhoun nói.
Mặc dù virus có thể không phải là tất cả nguyên nhân cho sự cách biệt này, nhưng mặt khác các nhà chức trách Trung Quốc luôn kín tiếng đã đưa ra một số manh mối về những gì có thể đã xảy ra.
Ước tính của ông Calhoun trùng khớp với bằng chứng giai thoại từ những người dân địa phương, cùng hàng loạt tài liệu nội bộ bị rò rỉ mà The Epoch Times thu thập được, và các nghiên cứu về tác động của virus này ở Trung Quốc, tất cả đều chỉ ra rằng các số liệu chính thức đã bị hạ thấp xuống.
Trong những tháng đầu khi đại dịch này lần đầu tiên bùng phát ở Vũ Hán của Trung Quốc, một số nhân viên nhà tang lễ của thành phố này đã nói với The Epoch Times rằng họ đang làm việc không ngừng để hỏa táng các thi thể. Hồi tháng 03/2021, hàng ngàn hũ tro cốt đã được chuyển đến một trong những lò hỏa táng, khi đó số ca tử vong chính thức là hơn 2,000 người. Một tháng sau đó, các nhà chức trách đã nâng con số tử vong lên 50%, quy kết sự cách biệt này cho sự kém hiệu quả của đơn vị hành chính.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 03/2021 cho biết có tới 968,800 người ở Vũ Hán có kháng thể vào tháng 04/2020, điều đó có nghĩa là họ đã phát triển khả năng miễn dịch với virus này sau khi bị nhiễm bệnh.
Sự không nhất quán về dữ liệu này không chỉ giới hạn ở Vũ Hán. Trong khoảng thời gian hai tuần vào tháng 02/2020, một tài liệu nội bộ của cơ quan y tế Sơn Đông cho thấy gần 2,000 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này, nhưng chỉ có 755 ca nhiễm được ghi nhận công khai.
Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy chế độ này vẫn tiếp tục coi việc kiểm soát virus là một nhiệm vụ chính trị.
Trong các hồ sơ do The Epoch Times thu thập được gần đây, tỉnh trưởng tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc, nơi thủ phủ Tây An bị ảnh hưởng nặng nề do virus, đã ra lệnh ban hành “các biện pháp cứng rắn nhất” để ngăn chặn virus này lây lan thêm từ Tây An. Khi Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh đang đến gần, nếu có ca lây nhiễm nào xuất hiện, thì điều đó sẽ tạo ra “rủi ro hệ thống” và “bôi nhọ hình ảnh quốc gia”, tài liệu này cho biết.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
DEva Fu và David Zhang
Thanh Tâm biên dịch