Hiệp hội nhà báo Mỹ tung ‘chiêu’ ứng phó với ‘trận chiến’ truyền thông Bắc Kinh khi đưa tin Thế vận hội Mùa đông 2022

Minh Anh

Hình ảnh cho thấy cảnh sát Trung Quốc đang kiểm tra giấy tờ của các nhà báo đến phỏng vấn. (Nguồn Mark Rolston / AFP / Getty)

Thế vận hội Mùa đông 2022 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 4 đến ngày 20/2. Hôm 11/1, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) của Mỹ đã đăng bài viết, hướng dẫn các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc cách ứng phó với một loạt thách thức trong thời gian diễn ra Olympic.

CPJ cho biết, trong ba năm liên tiếp, Trung Quốc dưới chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở thành quốc gia bỏ tù các nhà báo nghiêm trọng nhất trên thế giới. Các nhà báo ở Đại lục phải đối mặt với sự giám sát và kiểm soát ngày càng gia tăng, trong khi các nhà báo quốc tế phải làm việc trong một “môi trường thù địch”; do đó tổ chức này bày tỏ lo ngại về những hoạt động truyền thông trong thời gian diễn ra Olympic.

Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) nói rằng, truyền thông quốc tế không được tham gia các cuộc họp báo của Olympic và không thể đưa tin về công tác chuẩn bị cho Olympic (ví dụ lễ rước đuốc Olympic), nguyên nhân là do chính quyền ĐCSTQ liên tiếp thiết lập các trở ngại.

FCCC cũng cho biết vào tháng 3 năm ngoái rằng, năm 2020, 20 nhà báo quốc tế đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà báo nước ngoài cũng thường xuyên bị theo dõi và người dân Trung Quốc không dám trả lời khi được phỏng vấn. 

Về việc này, CPJ đã cung cấp cho các nhà báo đưa tin về Olympic 2022 một loạt “mẹo an toàn”. Đối với 3 giai đoạn của các nhà báo, bao gồm “trước khi đi Trung Quốc”, “khi công tác tại Trung Quốc” và “khi rời khỏi Trung Quốc”, tổ chức này đã đưa ra những chú ý chi tiết sau đây.

CPJ nói rằng, nhà báo nên để các thiết bị cá nhân ở nhà trước khi xuất phát, đồng thời chuẩn bị một chiếc điện thoại và máy tính xách tay cũ đã xóa sạch mọi thông tin, hoặc mua thiết bị mới. Sau đó chỉ cài đặt ứng dụng trên các thiết bị đặc định này. Sau khi cài đặt ứng dụng, cần đặt những thiết bị này tránh xa các cuộc gọi cá nhân hoặc công việc hàng ngày của các nhà báo và tránh sử dụng hoặc mang theo chúng theo người trước khi đi Trung Quốc.

Trước khi xuất phát, hãy hỏi các nhà báo nước ngoài thường trú tại Trung Quốc xem họ sử dụng những ứng dụng và VPN nào (để kết nối với thế giới bên ngoài).

Ngoài ra, hãy tạo một email mới dành riêng cho chuyến đi này, vì tài khoản trực tuyến của các nhà báo chứa rất nhiều thông tin liên quan đến cá nhân – bao gồm thông tin về công việc, tài liệu và gia đình, vì vậy hãy sử dụng càng ít tài khoản cá nhân càng tốt khi đến Trung Quốc.

Chú ý! Không cài đặt phần mềm Trung Quốc “WeChat” trên thiết bị, vì phần mềm này có thể thu thập một lượng lớn dữ liệu, bao gồm cả tin nhắn và các cuộc gọi điện thoại.

Sau khi đến Trung Quốc, các nhà báo phải giả định rằng phòng khách sạn của mình đang bị giám sát và bất kỳ cuộc gọi nào được thực hiện bằng điện thoại cố định hoặc điện thoại di động của khách sạn đều không được mã hóa, bất kỳ cuộc trò chuyện nào của nhà báo trong phòng khách sạn đều có thể bị nghe lén.

Ngoài ra, các nhà báo cần luôn mang theo thiết bị bên người và không được để chúng trong tình trạng không có người trông coi. 

Trước khi trở về nước, các nhà báo nên báo cáo tình hình với bộ phận IT hoặc đồng nghiệp chuyên về mảng bảo mật, đồng thời làm theo hướng dẫn của họ và xóa tất cả thông tin khỏi thiết bị. Tuy nhiên điều này không thể đảm bảo sẽ xóa được tất cả những phần mềm độc hại, vì vậy tốt nhất là hoàn toàn ngừng sử dụng chúng.

Các nhà báo cần tháo SIM khỏi điện thoại di động và cần thay mật khẩu cho tất cả tài khoản từng truy cập ở Trung Quốc.

Ngoài ra, cần theo dõi tài khoản và thiết bị của mình xem có bất kỳ hoạt động bất thường nào không và hãy tham khảo ý kiến ​​chuyên gia IT nếu nghi ngờ. 

Điều trùng hợp là, ngoài giới truyền thông, giới thể thao của nhiều quốc gia cũng đưa ra những cảnh báo tương tự đối với các vận động viên. Ví dụ, Ủy ban Olympic Hà Lan và Bỉ khuyến nghị các vận động viên tham gia Olympic Bắc Kinh không nên mang điện thoại di động và máy tính cá nhân đến Trung Quốc để tránh bị ĐCSTQ đánh cắp bí mật. Về việc này, đại sứ Trung Quốc tại Bỉ ngượng ngùng đáp lại rằng kiểu lo lắng này là “hoàn toàn không cần thiết”.

Minh Anh 

Theo The Epoch Times

Related posts