Năm 2022 là năm khó khăn?

Daniel Lacalle

Một tập giấy bạc 5 USD được kiểm định tại Cục Ấn loát ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 26/03/2015. (Ảnh: Gary Cameron/Reuters)

Sự phục hồi toàn cầu đã chậm lại đáng kể tính từ đỉnh cao của hiệu ứng từ việc tái mở cửa vào tháng 06/2021. Những gì mà nhiều người mong đợi, một chu kỳ nhiều năm tăng trưởng cao hơn cả xu hướng, lại đang chứng tỏ chỉ là một sự phục hồi khiêm tốn hơn nhiều. Hơn nữa, theo Bloomberg Economics, có thể trong 10 năm tới, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với thập kỷ trước đại dịch.

Các nguyên nhân của sự giảm sút đã rõ ràng. Mặt khác, bong bóng địa ốc của Trung Quốc là một vấn đề lớn hơn dự kiến, và chính quyền Trung Quốc không có cách nào để có thể tạo ra mức tăng trưởng cao hơn từ các lĩnh vực khác để bù đắp được cho mảng địa ốc, vốn chiếm gần 30% GDP của cả nước và đã tăng trưởng với tỷ lệ 2 con số trong những năm qua. Ngoài ra, lạm phát đang gia tăng trên toàn thế giới do sự kết hợp của chính sách tiền tệ quá mức cùng những thách thức của chuỗi cung ứng do các đợt phong tỏa gây ra. Giá lương thực toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới, khiến người nghèo gặp khó khăn hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng. Cuối cùng, các kế hoạch kích thích lớn không mang lại hiệu ứng theo cấp số nhân đáng kể.

Tại sao năm 2022 là năm khó khăn? Bởi vì những dấu hiệu phát triển quá nóng của nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng gấp bội.

2021 là một năm của những chính sách lớn nghiêng về bên cầu. Trước tác động của việc mở cửa trở lại, các nhà hoạch định chính sách đã bổ sung các kế hoạch chi tiêu gây thâm hụt khổng lồ, tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và chi tiêu thường xuyên, cùng một gói kích thích tiền tệ cực lớn. Hiệu ứng nhân ba từ gói kích thích tiền tệ lớn nhất trong nhiều năm, từ việc mở cửa trở lại, và các chương trình chi tiêu khổng lồ của chính phủ đã khiến nền kinh tế phát triển quá nóng. Hiệu ứng này thể hiện rõ ràng thông qua áp lực lạm phát, giá nhà ở, nợ nần, và mất cân đối thâm hụt kép ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Và những hiệu ứng đó sẽ không có được, hoặc ít nhất là sẽ không xuất hiện với mức độ tương tự, vào năm 2022.

Năm 2021 là một năm chi tiêu vô độ. Có thể năm 2022 là một năm khó khăn.

Sự kết hợp của những tác động to lớn từ bên cầu đó đã không mang lại mức tăng trưởng như mong đợi vào năm 2021 nhưng đã mở ra cánh cửa cho một bóng ma của các cuộc khủng hoảng như trong quá khứ: lạm phát. Vào tháng 01/2021, tất cả các nhà hoạch định chính sách đều nói rằng không có rủi ro lạm phát, mà là ngược lại. Vào tháng Ba, họ nói với chúng ta rằng đó là do hiệu ứng cơ sở. Vào tháng Sáu, họ nói rằng đó là tạm thời. Giờ đây, theo ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, họ coi nó là “dai dẳng.”

Lạm phát đã và đang là gánh nặng cho các gia đình và doanh nghiệp. Tiền lương thực tế đang giảm, thu nhập khả dụng đang suy yếu và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ đang bị ảnh hưởng. Nếu áp lực lạm phát vẫn còn, thì tác động đến tiêu dùng và đầu tư có thể sẽ lớn hơn vào năm 2022.

Nhiều người tin rằng [kinh tế] giảm tốc sẽ ngăn chặn sự gia tăng lạm phát. Có thể, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng lạm phát là tích tụ. Những ai thấy lạm phát ở Hoa Kỳ giảm xuống 3% vào năm 2022 nên nhớ rằng điều này có nghĩa lạm phát là hơn 9% trong hai năm.

Triệu chứng khó khăn này có lẽ bởi khoản thâm hụt lớn được phê duyệt cho ngân sách Hoa Kỳ và kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Biden đang đẩy áp lực lạm phát lên các hoạt động thâm dụng năng lượng và chi tiêu thường xuyên.

Các chính phủ và ngân hàng trung ương đang khuyến khích tạo nhu cầu ở những lĩnh vực không cần thiết phải làm như vậy, vì vấn đề chủ yếu là tái mở cửa nền kinh tế, chứ không phải vấn đề thanh khoản hay chi tiêu, và đẩy cung tiền toàn cầu và tín dụng mới đến các khu vực dư thừa công suất. Trong khi đó, đầu tư quá thấp vào hàng hóa vẫn là một vấn đề then chốt.

Chi tiêu chính phủ nhiều hơn và nợ nhiều hơn đang gây ra tình trạng phục hồi kinh tế yếu hơn và tạo việc làm chậm hơn. Đồng thời, kích thích tiền tệ quá mức đang làm xói mòn tiền lương thực tế.

Hoa Kỳ có thể vượt qua năm 2021 khó khăn vì nhu cầu toàn cầu đối với đồng USD đang tăng lên khi các đồng tiền khác trên thế giới suy yếu, nhưng khu vực đồng euro, nơi thậm chí không phục hồi mạnh trong năm 2021, đang ở một vị thế cực kỳ khó khăn. Các nền kinh tế Hoa Kỳ và Âu Châu có lẽ đã phục hồi nhanh hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn với sự can thiệp ít hơn của chính phủ vào giữa quá trình mở cửa trở lại. Giờ đây, tác động tiêu cực của việc chi tiêu và nợ quá mức có khả năng còn lớn hơn.

Sau khi làm nền kinh tế phát triển quá nóng với những khoản chi tiêu không cần thiết, các nhà hoạch định chính sách khó có thể dừng lại hoặc thừa nhận sai lầm. Các ngân hàng trung ương và chính phủ sẽ giải thích sự giảm tốc kiểu “ khó khăn” này là nhu cầu cần thêm gói kích thích. Và họ sẽ lại sai lầm.

Ông Daniel Lacalle, Tiến sĩ, là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.

Chánh Tín biên dịch

Related posts