2022 – Không phải Đài Loan, biển Đông mới là khu vực cần cảnh giác với Trung Quốc

Trân Văn

19-1-2022

Trong khi cộng đồng quốc tế tiếp tục thảo luận sôi nổi về khả năng cũng như hậu quả đối với Trung Quốc nói riêng, châu Á và cộng đồng quốc tế nói chung nếu Trung Quốc tấn công – cưỡng chiếm Đài Loan, một giáo sư chuyên về chính sách quốc tế tại Nhật nhận định, tình huống được phỏng đoán như vừa kể là phi logic. Ít nhất năm nay, Trung Quốc chưa đụng tới Đài Loan, biển Đông mới là khu vực Trung Quốc có thể khuấy động, tạo thêm bất ổn.

Qua một cuộc thảo luận trực tuyến do Trung tâm Báo chí Quốc tế của Nhật tổ chức hôm 18/1/2022, ông Shin Kawashima – Giáo sư Đại học Tokyo, nhân vật được xem như môt chuyên gia về khu vực Đông Á và lịch sử đối ngoại của Trung Quốc, giải thích tại sao ông nhận định như vậy: Dường như ông Tập Cận Bình muốn làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Do đó, trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa Thu sắp tới, ông ta sẽ không phiêu lưu nếu không chắc chắn sẽ thành công.

Có lẽ nên nhắc qua một chút đến những thông điệp đã được gửi cho Trung Quốc trong thời gian gần đây về hậu quả nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan. Tháng trước, ông Shinzo Abe – cựu Thủ tướng Nhật – cảnh báo Trung Quốc, rằng cuộc tấn công vào Đài Loan, sẽ trở thành tình huống cấp thiết đối với liên minh Nhật – Mỹ: Tình huống cấp thiết của Đài Loan cũng là tình huống cấp thiết của Nhật nên sẽ là tình huống cấp thiết đối với liên minh Nhật – Mỹ và dân chúng Trung Quốc, đặc biệt là ông Tập Cận Bình cần biết rõ ràng như thế.

Mỹ thì sao? Năm ngoái, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, lưu ý Quốc hội Mỹ rằng, ông tin, có thể Trung Quốc sẽ giành quyền kiểm soát Đài Loan vào cuối thập niên này. Tuần trước, Phó chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đề nghị cần có những qui phạm pháp luật mới cho phép chính phủ Mỹ phản ứng nhanh hơn nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Dẫu vẫn thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc” nhưng Mỹ vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan.

***

Trong cuộc trò chuyện với báo giới như vừa đề cập, ông Shin bảo rằng, Nhật luôn đề cao sự ổn định và hòa bình ở eo biển Đài Loan. Sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào đối với chính sách này. Shin cũng khuyên chính phủ Nhật nên chuẩn bị hành động khi cần thiết. Khi xảy ra trường hợp cấp thiết, lựa chọn của Nhật là hợp tác và cùng hành động với Mỹ. Theo Shin, cho dù Mỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc nhưng quan điểm cứng rắn của Mỹ trong vấn đề Đài Loan sẽ không thay đổi.

Ngoài Đài Loan, chính phủ Mỹ còn mâu thuẫn với Trung Quốc ở một số vấn đề khác như: Nhân quyền ở Tân Cương, Dân chủ ở Hồng Kông. Bên cạnh đó, Mỹ đang gia tăng đối thoại với Trung Quốc để tìm kiếm điểm chung trong một số vấn đề như: Biến đổi khí hậu, Bán đảo Triều Tiên, Iran, Afghanistan. Chính phủ hiện nay của Mỹ đang xem xét từng vấn đề trên những cơ sở cụ thể. Tương tự, song song với kiểm soát sự chia sẻ công nghệ tiên tiến với Trung Quốc, quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc có thể sẽ tốt hơn.

***

Quan hệ quốc tế vốn dĩ luôn phức tạp. Hành xử thế nào không hề đơn giản nhưng hiệu quả sẽ cho thấy, chủ trương và lựa chọn có khôn ngoan hay không.

Đến nay, nỗ lực của Đài Loan trong việc thoát ra khỏi thế bị cô lập với cộng đồng quốc tế đã đạt những hiệu quả nhất định. Đài Loan vừa tiếp tục khẳng định “không khiêu khích” Trung Quốc, vừa nhấn mạnh, cam kết “một quốc gia, hai chế độ” trong chính sách “Một Trung Quốc” của Trung Quốc là điều không thể tin được và Hồng Kông chính là ví dụ minh họa mới nhất, rõ nhất. Mỹ có bảo vệ Đài Loan hay không phụ thuộc vào quyết định của Mỹ nhưng Đài Loan phải chuẩn bị để tự vệ, bảo vệ nền dân chủ ở Đài Loan (2).

Ở Đông Nam Á, việc Campuchia tuyên bố hoãn Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đầu tiên mà Campuchia tổ chức với tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào hôm nay (19/1/2022), bởi Ngoại trưởng một số quốc gia thành viên không… đến Siem Reap cho thấy, những Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore tiếp tục chứng minh, họ cương quyết gạt bỏ nỗ lực của Trung Quốc, tìm cho chính phủ quân phiệt ở Myanmar một chỗ. Rộng hơn, ASEAN không phải là tổ chức mà Trung Quốc có thể khuynh đảo.

Còn Việt Nam? Nếu dự đoán của Shin chính xác, năm nay, Trung Quốc không nhắm vào Đài Loan mà khuấy động biển Đông, Việt Nam có… “mềm nắn, rắn buông” (3) không?

Chú thích

(1) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2022-01-19/taiwan-invasion-beijing-south-china-sea-4341821.html

(2) https://www.france24.com/en/tv-shows/the-interview/20220113-taiwan-s-foreign-minister-calls-military-threat-from-china-very-serious

(3) https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-giao-nguyen-phu-trong/6357364.html

Related posts