Thuỷ Tiên
Chuyên gia quốc phòng an ninh quốc gia của Mỹ và đồng thời là một giáo sư đại học đã dành 36 lần trong 8 năm qua (182 ngày) thực địa tại chiến trường Nga – Ukraine, với một cái nhìn thực tế kết hợp với hiểu biết sâu sắc về địa chính trị, chiến lược và thực lực mỗi bên, Tiến sĩ Phillip A. Karber có bài phỏng vấn thú vị về khủng hoảng biên giới Ukraine trên trang 19fortyfive.
Cuộc phỏng vấn thú vị xoay quanh nhận định của Tiến sỹ Karber về năng lực quân đội Ukraine trước sức mạnh vũ trang của Nga, về khả năng Nga sẽ bị đánh bại rất nhanh nếu tấn công Ukraine và các đòn kinh tế từ Mỹ có thể khiến Nga gục ngã… Góc nhìn của một chuyên gia lăn lóc ở thực địa trong nhiều năm tháng vẫn luôn có nhiều khác biệt so với những chuyên gia bàn phím. Và rất rõ ràng là … Putin không ngốc, ông ấy đã chuẩn bị kỹ cho ván cờ này.
Quân đội của Ukraine có đủ sức chiến đấu với Nga sau 8 năm Crimea bị thôn tính?
Năm 2014, Mỹ, Phương Tây chỉ biết ‘kịch liệt phản đối’ Nga khi Putin ngang nhiên sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, Ukraine hoàn toàn bất lực. Bài học năm 2014 khiến phe chính trị chủ trương ôn hoà với Nga ở Ukraine hoàn toàn thất thế. Chính phủ mới của Ukraine nhanh chóng được thay bằng phe chống Nga, thân Mỹ và định hướng chiến lược kiên định gia nhập NATO. Ukraine muốn tránh rơi vào viễn cảnh trở thành một bộ phận của thể chế Nga.
Với chiến lược đó, kể từ 2014, Ukraine phải củng cố lực lượng an ninh quốc phòng của họ. Với những người bên ngoài Ukraine và Nga như chúng ta, câu hỏi đặt ra là: Năng lực chiến đấu của quân đội Ukraine đang ở mức nào?
Theo tiến sỹ Karber, khác với tình trạng 2014, Ukraine ngày nay sở hữu Quân đội đang hoạt động mạnh nhất ở Đông Âu; quân đội lớn hơn, sẵn sàng chiến đấu hơn với nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn so với quân đội của mười quốc gia cuối cùng gia nhập NATO – cộng lại.
Lực lượng chủ động này tương đương với 40 Tiểu đoàn Chiến thuật (BTG), được hỗ trợ bởi 100.000 quân dự bị có kinh nghiệm ở mặt trận, và các đơn vị ở mọi cấp được dẫn dắt bởi một thế hệ sĩ quan mới, trẻ, năng nổ đã từng chiến đấu với quân Nga, biết điểm yếu của họ và không sợ hãi khi đối diện với quân Nga.
Dĩ nhiên, ngay cả như vậy, khả năng chiến đấu của Ukraine không thể cải thiện thần kỳ sau vài năm mất Crimea; ngay cả khi khả năng này tốt bằng 10 nước cuối cùng gia nhập NATO cộng lại. Nhưng nên nhớ rằng, Châu Âu đã giải giáp vũ khí trong suốt 30 năm qua, trong khi Nga chăm chỉ phát triển vũ khí, khí tài và xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu. Điều ấy có nghĩa là ngay cả khi sức chiến đấu của Ukraine tốt hơn 10 nước tiểu nhược khác ở Đông Âu thì khả năng chiến đấu với Nga cũng không đáng kể.
Trớ trêu ở chỗ, về mặt ổn định Đông Âu (theo quan điểm của NATO),NATO sẽ thu được nhiều lợi ích hơn khi Ukraine gia nhập NATO; vì việc này sẽ cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ của Romania, Ba Lan và Baltics. Nhưng Ukraine thì sao? việc gia nhập NATO không mang lại nhiều lợi ích cho Ukraine.
Và suy nghĩ của NATO, theo tiến sỹ Karber có lẽ là: Chúng tôi (NATO) sẽ đánh giá cao sự tham gia của họ (Ukraine) và chúng tôi sẽ luyến tiếc nhiều hơn nếu họ rời khỏi chúng tôi.
Ukraine thiện chiến nhưng sẽ bị đánh quỵ từ tứ phía bởi vũ khí tối tân hơn của Nga
Tiến sỹ Karber nói rằng không như dự đoán của các ‘anh hùng bàn phím’ Washington, Ukraine không dễ bại như vậy. Nhưng rõ ràng, sự thất bại của họ về tương quan vũ trang sẽ khiến cuộc chiến phải kết thúc với phần thắng thuộc về Nga; nhưng không nhanh và đơn giản như vậy.
Mô tả trận địa thực chiến biên giới Ukraine – Nga cho thấy, người Ukraine có lợi thế về địa hình; nếu đánh giáp lá cà bằng bộ binh… mà không có xe tăng của Nga.
Khó khăn lớn nhất của Ukraine là nguy cơ bị tấn công trên không và trên biển; thậm chí rủi ro từ vũ khí hoá học, vũ khí mang đầu đạn hạt nhân của Nga mới là mối đe doạ lớn với Ukraine.
Putin biết rõ điều đó, Nga hiện đã củng cố các đơn vị chiến đấu ở biên giới Ukraine của họ:
– Tập đoàn quân cận vệ 8 (8GA) tại Rostov với tư cách là cấp thứ hai sau Donbas.
– Tập đoàn quân cận vệ 20 (20GA) tại Voronezh đối diện với thành phố Kharkiv.
– Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 (1GTA) tiến về phía đông bắc Kursk, nhằm thẳng vào thủ đô Kyiv của Ukraine.
Ba đội quân này – với quân tiếp viện được đưa đến vào mùa xuân năm ngoái và mùa thu năm nay cộng với Quân đoàn Donbas và Crimean ở tiền tuyến hiện có (cộng với các Sư đoàn Nhảy dù / Đường không sẵn có) – tương đương với khoảng 60 Tiểu đoàn Chiến thuật (BTG) và sẵn sàng chiến đấu ngay bây giờ.
Trong khi Nga không có lợi thế về số lượng đơn vị chiến đấu, nhưng Nga có lợi thế vượt trội về chất lượng vũ khí. Bản thân khu vực phía bắc Kharkiv phù hợp cho Nga tấn công bằng xe tăng (vốn là thế mạnh của Nga) do địa hình khu vực này bằng phẳng. Và theo tin đã đưa, có vẻ như các lực lượng vũ trang của Nga từ các Quân khu Trung tâm và Miền Nam (Quân đoàn 2, 41, 49 & 58) có thể đang lên xe tăng để di chuyển về phía biên giới Ukraine. Áp sát Ukraine bằng xe tăng từ Kharkiv khiến lực lượng của Nga so với Ukraine giống như 2 chọi 1.
Ngoài ra, không lực của Ukraine không chỉ quá nhỏ bé với Nga mà còn quá già cỗi với máy bay chiến đấu từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tiến sĩ Karber miêu tả, “Nếu Nga mở đầu bằng một cuộc tấn công “sốc và kinh hoàng” bằng tên lửa (như đã xảy ra ở Syria), sau đó là máy bay ném bom nhằm vào các căn cứ không quân chủ chốt và hệ thống phòng không cố định của Ukraine, máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng tấn công của Nga sẽ làm chủ bầu trời. Nga sẽ không chỉ có thể tiêu hao các lực lượng mặt đất của Ukraine mà còn lập tức tê liệt khả năng tiến quân của Ukraine cũng như triệt tiêu cơ động phản công của Ukraine trên chiến trường”.
Một điểm yếu nữa của Ukraine chính là sườn phía Tây. Nga có thể hạ gục Ukraine mà không cần đưa quân qua biên giới. Cuộc tập trận lớn của Nga chống lại NATO vào tháng 9 năm ngoái (ở Zapad 2021) cho thấy Quân đội Nga được triển khai tới Belarus. Một cuộc tấn công vào phía sau hoặc bên sườn sẽ buộc Ukraine phải phân tán lực lượng từ phái Đông và phía Nam; vốn đã không đủ mạnh trước Nga.
Ở phía nam, hạm đội lớn của Nga ở Biển Đen cùng với các tàu đổ bộ được đưa vào Biển Azov từ Caspi đặt ra mối đe dọa đổ bộ dọc bờ biển do lực lượng Không kích từ Crimea hỗ trợ, trong khi các đơn vị “gìn giữ hòa bình” của Nga ở Transnistria có thể tiến hành các cuộc đột kích nhỏ. Một mối nguy hiểm khác đang rình rập hạ gục thêm các lực lượng mặt đất của Ukraine.
Cuối cùng và không thể bỏ qua, Nga đã triển khai dọc biên giới Ukraine các tên lửa SS-26 Iskander-M tầm 400-500km cũng như pháo tự hành tầm xa hạng nặng (2S7 Pion và 2S7M Malka 203mm), và súng cối tự hành (2S4 Tyulpan 240mm) – tất cả đều có thể mang cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và đầu đạn hóa học. Với những tiện ích mà các tác nhân hóa học của Nga đã thể hiện trong các cuộc giao tranh ở đô thị Syria, không thể loại trừ việc họ sẽ sử dụng chúng nếu gặp phải sự phản kháng gay gắt ở các thành phố của Ukraine.
Nếu bị Nga xâm chiếm: 5 – 10 triệu người Ukraine sẽ di cư
Trước câu hỏi liệu Ukraine có nổi dậy và tiến hành một cuộc chiến tranh thường kỳ nếu bị Nga xâm chiếm không? Câu trả lời của tiến sỹ Karber dứt khoát: “Có, và họ sẽ làm”.
Ngày nay trên khắp Ukraine, các đơn vị vũ trang đang được hình thành và dân thường chuẩn bị kháng chiến. Tuy nhiên, về bản chất, các cuộc nổi dậy là một hình thức chiến tranh thiếu quyết đoán và tiêu hao. Tiến sỹ Karber tin rằng việc dân chúng Ukraine nổi dậy có thể làm cho việc chiếm đóng của Nga trở nên khó khăn, nhưng tác động của chúng sẽ không cản trở đáng kể một cuộc xâm lược bằng thiết giáp. Ông cũng cảnh báo rằng có thể từ 5 đến 10 triệu người tị nạn Ukraine sẽ chạy theo phương Tây qua biên giới để trốn sang châu Âu.
Putin thành công gửi thông điệp cho Ukraine: Mỹ và Phương Tây sẽ chẳng giúp gì
Rõ ràng, Putin đã tạo ra cuộc khủng hoảng này để đạt được điều gì đó. Tiến sỹ Karber cho rằng ông còn ‘mơ hồ’ với mục đích cuối cùng của Putin rốt cuộc là gì. Có lẽ, Putin chắc chắn biết rằng:
- Ukraine sẽ chiến đấu nếu Nga tiếp tục hành động gây hấn đối xử với Ukraine giống Crimea vào năm 2014
- Cuộc tấn công của Nga càng lớn thì thiệt hại gây ra càng nặng, thì số người thiệt mạng càng lớn, và lãnh thổ bị xâm chiếm sâu hơn; sự thù hận càng lớn, lâu dài hơn khiến việc chiếm đóng để khuất phục người Ukraine càng tốn kém hơn.
- Mỹ và NATO sẽ không nhượng bộ những đòi hỏi của Nga.
Tuy nhiên, nếu một trong những mục tiêu của Putin là thuyết phục người Ukraine rằng Mỹ và phương Tây sẽ không viện trợ quân sự cho họ – thì ông ta đã đạt được điều đó. Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cử quân đội hoặc thậm chí không gửi viện trợ quân sự đi đến biên giới Ukraine.
Các đòn trừng phạt kinh tế – tài chính thì sao?
Tiến sỹ Karber chỉ nhắc lại, “Putin không hề ngốc”, ám chỉ ông ấy đã chuẩn bị cho tổn thất này. Nếu phân tích giữa chi phí và lợi ích của cuộc gây hấn tại biên giới Ukraine hay xa hơn là xâm lược Ukraine; lợi ích của Nga vẫn lớn hơn là chi phí phải trả.
Có lẽ ông Putin biết rằng các lệnh trừng phạt trước đây đã gây ra nỗi đau đáng kể cho các đồng minh châu Âu và lệnh cấm SWIFT sẽ gây ra hậu quả cho các lĩnh vực tài chính toàn cầu.
Putin cũng biết rằng “đồng minh chiến lược” của Nga là Trung Quốc muốn lấp đầy khoảng trống bằng cách tạo ra một hệ thống tiền tệ thay thế cho đồng USD. Trung Quốc vốn đang rất cần đồng minh để mở rộng hệ thống thanh toán tiền nhân dân tệ thay thế SWIFT của Mỹ. Chưa kể, Nga còn nắm trong tay nguồn năng lượng cung cho Châu Âu. Ngay khi Châu Âu giảm mua năng lượng từ Nga, châu Âu bị lạnh giá theo đúng nghĩa đen.
Sau tất cả, Ukraine có thể nhận được gì từ Mỹ và NATO
Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 120 bệ phóng Javelin, số lượng này sẽ đủ để giúp duy trì chiến tuyến hiện tại. Vũ khí mới này xuất hiện ở Ukraine khiến Nga phải thay thay đổi nắp cho các tháp pháo của họ. Rõ ràng Javelin có tác động thay đổi chiến thuật của Nga và cũng tạo ra răn đe đáng kể.
Tuy nhiên, để bao phủ một mặt trận lớn gấp 6 lần, Ukraine sẽ cần số lượng Tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) lớn hơn rất nhiều so với hiện tại hoặc những gì Mỹ đã cung cấp. Lục quân Mỹ đang đưa xe chiến đấu bộ binh M-2 Bradley vào kho và Thủy quân lục chiến Mỹ đang thay thế những chiếc Humvee bọc thép – cả hai đều lắp tên lửa chống tăng TOW-2 mà vẫn là vũ khí chống thiết giáp mạnh, trong khi không phải Javelins. Gửi 500 chiếc Bradleys và TOW-2 Humvee cùng với vài trăm chiếc Javelins khác sẽ là một phương tiện nhanh chóng và hiệu quả để đối phó với mối đe dọa leo thang theo chiều ngang của Nga.
Nhưng như phân tích ở trên, dù như vậy, Nga vẫn vượt trội về vũ khí và có thể tấn công xâm lược Ukraine mà không cần phải vượt qua biên giới từ sườn tây Belarus, từ trên không và từ biển… Số phận của Ukraine, một lần nữa, lại hết sức mong manh trước Nga.
Bất kể Mỹ và NATO gửi vũ trang gì tới Ukraine, bất kể đòn trừng phạt kinh tế với Nga là gì, “Putin không ngốc” khi ông thành công gửi cho Ukraine một thông điệp: “nước xa không cứu được lửa gần” và rằng “Ukraine sẽ bị Mỹ và Phương Tây bỏ rơi trước khi gia nhập NATO”.
Tiến sĩ Phillip A. Karber là Chủ tịch của Quỹ Potomac. Tiến sĩ Karber là một người có uy tín được quốc tế công nhận về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia; một nhà điều hành kinh doanh giỏi; và một giáo sư đại học. Ông đã chuẩn bị các nghiên cứu và khuyến nghị về chiến lược quốc phòng cho các cấp cao nhất của chính phủ Hoa Kỳ; đã cố vấn cho nhiều chính phủ NATO về các vấn đề quốc phòng; lãnh đạo Bộ phận Quốc tế của Tập đoàn BDM; từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhà ga Hàng không Quốc tế JFK; và giảng dạy các khóa học về an ninh quốc gia và các vấn đề quân sự tại Đại học Georgetown.
Thuỷ Tiên