Phạm Vũ Hiệp
Đại án Việt Á nâng khống kit xét nghiệm Covid-19 đang đi đến hồi kết. Việc Phan Quốc Việt nhập hàng từ Trung Quốc về với đơn giá 21.500 VNĐ/ bộ, sau đó bán cho các bệnh viện và CDC các tỉnh thành với giá từ 367.000 VNĐ/ bộ đến 509.000 VNĐ/ bộ, gây choáng cả một số lãnh đạo cấp cao.
Lẽ ra cơ quan điều tra phải thay đổi, thêm tội danh của Phan Quốc Việt sang “buôn lậu”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… chứ không chỉ đơn thuần là “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”. Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nhân, tỷ phú Việt Nam chơi trò “đánh lận con đen”.
Còn nhớ, vụ việc tương tự từng gây rúng động dư luận với tập đoàn Khaisilk hồi năm 2017. Hoàng Khải, sinh năm 1964 ở Hà Nội, là ông chủ của Tập đoàn Khaisilk bị lộ khi ông ta thừa nhận rằng đã nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt để bán cho người Việt và khách quốc tế, thực sự gây một cú sốc lớn cho người tiêu dùng.
Điều đáng chú ý là, nhiều lần Khải lên các diễn đàn và truyền thông “lề đảng” để rao giảng đạo đức kinh doanh, giáo huấn cho ai có ước mơ, hoài bão làm giàu. Khải cũng được đảng và nhà nước tuyên dương, báo chí “lề đảng” thổi lên tới tận mây xanh.
Hàng chục năm trời, Hoàng Khải làm giàu từ việc buôn bán gian lận, kiếm được hàng trăm tỷ đồng. Đại gia Khaisilk là người đầu tiên mua siêu xe Rolls-Royce Phantom với giá 1 triệu Mỹ kim. Vụ việc Khaisilk gian lận được thủ tướng chỉ đạo điều tra, làm rõ, ra cả diễn đàn quốc hội rồi sau đó “chìm xuồng” cho đến tận hôm nay.
Theo chân Hoàng Khải là Shark Tam, tức Phạm Văn Tam, sinh năm 1980 ở Quảng Ninh. Tháng 6/2019, Tam lại gây một cú sốc khác với người tiêu dùng Việt Nam. Tam lập hàng loạt công ty như: Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty CP Viễn thông Asanzo và Công ty TNHH Truyền Thông Asanzo… Tam nhập linh kiện điện tử từ Trung Quốc rồi xé tem “Made in China” và thay bằng nhãn “Made in VietNam”, sau đó thuê truyền thông báo chí “lề đảng” để quảng bá “ti vi công nghệ Nhật Bản” nhằm đánh lừa khách hàng.
Vụ việc cũng rùm beng cả nước, Thủ tướng chỉ đạo làm rõ, C03 Bộ Công an vào cuộc, nhưng kết luận điều tra vẫn lại theo “con đường xưa em đi” rằng… không có dấu hiệu phạm tội. Phạm Văn Tam thoát chết, đồng nghĩa việc hàng trăm container hàng từ Trung Quốc về cảng Việt Nam, hàng ngàn tỷ lại chảy vào túi những ông trùm buôn lậu gian manh và thiệt thòi lại thuộc về người dân.
Có thông tin cho rằng, Phạm Văn Tam được ông Phạm Minh Chính, khi ấy là Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, ra tay giải cứu. Thông tin chính xác đến đâu chưa rõ, nhưng khi luật pháp chỉ tựa trò chơi, thì mọi việc vẫn tiếp diễn.
Vsmart là thương hiệu smartphone Việt Nam của Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart, thuộc tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, được quảng cáo sản xuất tại hai nhà máy Cát Hải, Hải Phòng và Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
Tháng 8/2019, hệ thống truyền thông khổng lồ của đảng cũng đồng loạt ra tay giúp VinGroup quảng bá rằng Vsmart là hàng “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, mạng xã hội đã làm cho những kẻ “tự hào quá Việt Nam ơi” tan vỡ, khi chỉ ra rằng, smartphone là sản phẩm của tay … hàng xóm.
Thông tin trên mạng chỉ ra, cái phone mới nhất của Vsmart là Vsmart Live, giống 99,9% với sản phẩm Meizu 16Xs của Trung Quốc, cả về ngoại hình, cấu hình và tính năng, cấu tạo thiết kế phần cứng bên trong… Thứ khác biệt duy nhất giữa Vsmart Live và Meizu 16Xs của Trung Quốc là cục pin, khi pin của Meizu 16Xs gồm các ký tự Trung Quốc, còn của Vsmart là tiếng Anh. Cái kết như mọi người đều biết, giấc mộng chiếm lĩnh thị trường nội địa của Vsmarst vỡ như bong bóng xà phòng, Vsmarst nhanh chóng chết yểu.
Chuyện Phạm Nhật Vượng hợp tác với Phan Quốc Việt khi VinGroup góp vốn 138 tỷ, tức 69% cổ phần, để thành lập công ty Vinbiocare rồi giao cho bà Phạm Thu Hương, vợ Vượng, đồng quản lý, không có gì là khó hiểu, bởi không có ngón nghề kinh doanh nào siêu lợi nhuận bằng cách ăn theo dịch bệnh và hút “bầu sữa” khổng lồ ngân sách. Chỉ riêng quỹ bảo hiểm y tế, năm 2017 dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đã dư hơn 39.000 tỷ, năm 2021 dưới thời Nguyễn Thanh Long thì dư gần 33.000 tỷ.
Phim “bom tấn” test kit Việt Á được dàn dựng khá công phu, Phan Quốc Việt chỉ là một mắc xích trong dây chuyền. Nó cũng bài bản như Vụ án MobiFone mua đống sắt vụn AVG với giá gần 9000 tỷ, khi liên đới nhiều bộ trưởng, nhiều cơ quan ban ngành. Núp dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học, với “đề tài nghiên cứu cấp quốc gia” để kiếm chác 19 tỷ đồng, Học viện Quân y đã làm đầu sai cho công ty Việt Á và “nhóm lợi ích” hút máu dân trong mùa đại dịch chết chóc, tang thương.
Cho dù vụ án Việt Á có được đưa vào diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi, hay đưa vào cả nghị quyết của Quốc hội, nhưng cái kết được dự báo sẽ rất khôi hài. Phan Quốc Việt cùng một số quan chức y tế lãnh án, các Ủy viên Trung ương như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long nặng lắm thì bị đảng “cảnh cáo” là xong. Và rồi, sau đó sẽ có thêm nhiều Phan Quốc Việt, Hoàng Khải, Phạm Văn Tam… mới xuất hiện, tiếp tục hút máu dân để nuôi những tay “trùm cuối”!
Nhiều người đặt câu hỏi, ai là “trùm cuối” trong vụ Việt Á? Có lẽ mọi người không hề xa lạ với những con “cá mập” như Phạm Nhật Vượng của tập đoàn VinGroup, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tập đoàn AIC, những tay viết nên “kịch bản test kit và vaccine” sẽ vẫn cười ngạo nghễ, vì phía sau lưng họ là bóng dáng các đại ca đang ngự trị ở cung đình.