Trường làng ở Tasmania
Bé,
Hồi xưa, khi nói đến trường làng, là không thể nào quên được con đường làng dẫn đến trường trong ‘Tôi Đi Học’ của nhà văn Thanh Tịnh. Nhớ nhắt là cảnh “buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” Hôm nay anh cũng đi trên con đường làng đến trường đó bé ạ, nhưng con đường làng này ở Tasmania rất khác xa với khung cảnh làng mạc với khói lam chiều của quê nhà.
Không có ai đi bộ đến trường trong khung cảnh này vì làng nơi đây thường là thung lũng bao quanh bởi núi non hùng vĩ, dòng suối dạt dào và đồng ruộng bao la không có nông phu hay trâu cày như ở quê nhà, mà toàn là những đàn cừu trắng trong khung cảnh hoà hợp thanh bình của trời đất.
Sáng sớm anh đến lấy xe của Đại Học lái đi Mole Creek thăm một nữ sinh viên năm thứ ba đang thực tập ở đó. Mole Creek cách đại học khoảng 40 km, nhưng đường đi thì có cảm giác dài hơn nhiều vì núi đồi quanh co, một hương vị đặc biệt cho du khách từ xa đến.
Lúc anh đến trường, Janet đang đợi sẵn ở phòng giáo viên rồi làm một ly cafe nóng cho anh để bớt mệt sau hơn một tiếng lái xe. Sau khi nói chuyện về việc ‘vui buồn’ dạy học khoảng ba tuần ở Mole Creek, Janet đưa anh vào thăm lớp học và xem Janet dạy.
Học trò ở đây chưa gặp người Á Châu bao giờ, nên khi thấy anh bước vào lớp học với Janet, hình như học trò không biết phải đối xử với anh ra sao? Thật là ngoài sức tưởng tượng! Chắc chắn có nhiều thắc mắc như “Sao lại có người Á Châu lạc đến nơi này?”; Một vài cô học trò hỏi: “Are you teaching Janpanese? Chinese?”.
Janet giới thiệu với học trò rằng anh đến từ Việt Nam và đang dạy học tại University of Tasmania, môn English studies??? Học trò lại càng ngạc nhiên thêm sao lại có một người Việt Nam từ xa đến làng này dạy cô giáo mình English studies. What is wrong with Tasmania, and this world? … hehehe
Cái hay và dễ thương của thế giới con nít là sự hòa hợp đến rất mau; chỉ vài phút sau là học trò và anh chuyện trò với nhau như đã gặp nhau từ bao giờ. Có đứa đề nghị anh hát một bài tiếng Việt cho lớp nghe. Những bài nhạc Việt anh biết toàn là những bài buồn như Tan Tác, Mùa Thu Chết, hay Cho Một Người Nằm Xuống. May quá anh còn nhớ vài câu bài Trường Làng Tôi, nên cũng gắng cất giọng ‘oanh vàng’ của mình lên hát… và cả lớp vỗ tay… ‘rất lịch sự’, bé à..
Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ
Che trên miếng sân vuông mơ màng…
Trường làng tôi không giây phút tôi quên
Dù cách xa muôn trùng trường ơi.
Buổi chiều khi tan học, anh lái đến phố Deloraine, nơi mà du khách nào cũng dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiền hòa của thành phố thơ mộng đượm vẻ làng quê này. Nơi đây tiếng cười nói của trẻ thơ và lớp học không còn nữa, mà toàn là tiếng thì thầm nhẹ nhàng của dòng sông xanh Meander.
Ngồi bên dòng sông uống ly café một mình trước khi lái xe về nhà, anh quên mất con đường quanh co của Mole Creek, quên đi một ngày dài trên đường làng cuả Tasmania… Tất cả hòa quyện nhịp nhàng theo sự biến chuyển nhiệm màu của không gian và thời gian.
Nói đến thời gian, trời bắt đầu tối, bé biết sao không? Chắc có lẽ vì … “Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm, … và anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em.”