Cuộc gặp Nga-Trung thu hút sự chú ý khi Nga thất thế

Huyền Anh

Cuộc gặp Nga-Trung thu hút sự chú ý khi Nga thất thế
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày 28/6/2019. (Ảnh: Kim Kyung-Hoon/Getty Images)

Ông Tập Cận Bình chuẩn bị rời Trung Quốc đến Trung Á để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Tập sẽ trở thành tâm điểm chú ý vào thời điểm Nga đang thất thế trong cuộc chiến gần đây ở Ukraine. Các chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đang rất lo ngại về đường hướng cuộc chiến của ông Putin, vì ông Tập lo sợ mất đi một đối tác chống phương Tây trên trường quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai (12/9) xác nhận ông Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải” tại thành phố Samarkand của Uzbekistan từ ngày 14/9 đến ngày 16/9, đồng thời sẽ tiến hành các chuyến thăm Kazakhstan và thăm cấp nhà nước.

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov và ông Yuri Ushakov, Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin đã cho biết vào tuần trước rằng, ông Putin dự kiến ​​sẽ gặp Nga trong hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải trong cuộc gặp với Tập Cận Bình. Ông Ushakov cho biết hội nghị thượng đỉnh với ông Tập sẽ “rất quan trọng”, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Chuyên gia: Ông Tập lo lắng nhất về đường hướng chiến tranh của ông Putin

Nga đã phải hứng chịu thất bại tồi tệ nhất trong hơn sáu tháng chiến tranh và buộc phải từ bỏ pháo đài chính của mình ở đông bắc Ukraine trong tuần qua. Trong khi đó, Ukraine đang tiến hành một cuộc phản công dữ dội và sử dụng vũ khí do Mỹ và châu Âu hỗ trợ.

Mọi tương tác giữa ông Tập và ông Putin đều sẽ được phương Tây theo dõi chặt chẽ vào thời điểm phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow về cuộc xâm lược của Nga.

Tờ Reuters dẫn lời ông George Magnus, tác giả của cuốn sách “Red Flags”, cho biết: “Tôi có thể tưởng tượng rằng ông Tập Cận Bình là người lo lắng nhất về việc cuộc chiến đang diễn ra trên mặt trận Ukraine. Trên thực tế, ông Tập lo lắng về việc liệu ông Putin hay Nga có còn đóng vai trò gì trong cuộc chiến trong tương lai gần hay không, vì Trung Quốc vẫn cần một ban lãnh đạo chống phương Tây ở Moscow”. Cuốn sách “Red Flags” của ông cũng giải thích lý do tại sao Trung Quốc lại rơi vào khủng hoảng.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nhận định, “Việc Nga rút lui sẽ rất đáng lo ngại đối với ĐCSTQ. Nga là một trong số ít quốc gia chống phương Tây trên thế giới và có cùng lợi ích chính trị với ĐCSTQ. Mặc dù ĐCSTQ lo lắng về việc Nga thất bại trong cuộc chiến với Ukraine, song chỉ cần ông Putin không từ chức, ĐCSTQ sẽ không quá căng thẳng, nếu Putin gặp khủng hoảng phải từ chức, thì có thể ĐCSTQ sẽ ra tay”.

Gần đây đã có một loạt các tương tác giữa Trung Quốc và Nga. Hai nước đã tiến hành cuộc tập trận chung “Phương Đông-2022” (Vostok 2022). Hôm 07/9 Ủy viên Thường vụ đứng thứ 3 của Bộ Chính trị ĐCSTQ là ông Lật Chiến Thư (chức Chủ tịch Nhân đại) đã dẫn đầu một phái đoàn lớn tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 do Nga tổ chức tại Vladivostok vùng Viễn Đông, tại diễn đàn đã tuyên bố “hợp tác toàn diện” với Nga.

Cũng có thể thấy từ bài phát biểu của ông Lật Chiến Thư rằng, ĐCSTQ lo ngại Nga sẽ không thể chịu được các lệnh trừng phạt của phương Tây vì đã phát động chiến tranh, và nước này sẽ mất đi một đối tác ủng hộ lẫn nhau vì lợi ích cốt lõi của mình.

Ông Lật Chiến Thư cho biết, phía Trung Quốc vui mừng nhận thấy dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga đã không bị đè bẹp bởi các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và các nước phương Tây khác.

Ông Lật Chiến Thư nói: “Trung Quốc vẫn coi Nga là một quốc gia quan trọng đối với đầu tư và hợp tác quốc tế”.

ĐCSTQ gây sức ép với Ukraine tại Hội chợ Thương mại

Một quan chức ngoại giao Ukraine cho biết, Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc đã đột ngột hủy bỏ một sự kiện do Ukraine tổ chức nhằm thúc đẩy các cơ hội đầu tư của nước này. Động thái này có thể làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh đã ngầm hỗ trợ Moscow trong cuộc xung đột.

Vị quan chức ngoại giao cho biết diễn đàn đã được lên lịch vào ngày 05/9 tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc, nhưng đột ngột bị thông báo hủy bỏ. Đại sứ quán Ukraine không hài lòng với động thái này vì nó tước đi cơ hội tiếp thị đầu tư của Ukraine cho các công ty Trung Quốc. Ông từ chối giải thích lý do đằng sau động thái này, chỉ nói rằng đó là một dấu hiệu xấu.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói rằng ĐCSTQ nói rằng, họ trung lập trong cuộc chiến với Nga, nhưng xét từ những hành động như hủy bỏ các hoạt động do Ukraine tài trợ để thúc đẩy các cơ hội đầu tư vào Ukraine, không nghi ngờ gì về việc chính quyền Trung Quốc đang gây bất lợi cho Ukraine. Bây giờ Ukraine cũng đã phát hiện ra rằng ĐCSTQ sẽ không thay đổi lập trường của mình, vì vậy hai ngày trước đã có báo cáo rằng Ukraine đang chuẩn bị dần dần chuyển sang “thân” Đài Loan.

“ĐCSTQ sẽ khó chịu hơn, nhưng họ vẫn sẽ cân nhắc giữa ưu và nhược điểm. Người ta ước tính rằng lập trường thân Nga sẽ không thay đổi trong tương lai gần”, ông Lý Lâm Nhất nói.

Nga rút khỏi hai thành phố trọng yếu ở Kharkiv

Trong 5 ngày qua, quân đội Ukraine đã thực hiện một cuộc phản công trên mặt đất dữ dội nhất kể từ khi quân đội Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào cuối tháng Hai. Video và hình ảnh vệ tinh do đài CNN định vị cho thấy sự tiến bộ của Ukraine bao gồm các cuộc tấn công tiếp tục vào các sở chỉ huy, kho đạn và kho dự trữ nhiên liệu phía sau chiến tuyến của Nga.

Các quan chức quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đã tái chiếm hơn một nghìn dặm vuông ở khu vực Kharkiv trong những ngày gần đây. Khi người Nga chạy trốn ở một số nơi, họ đã bỏ lại vũ khí và đạn dược.

Quân đội Ukraine cho biết họ đang chiếm lại các ngôi làng ở Kupyansk và các khu vực lân cận Izyum thuộc vùng Kharkiv. Với sức tiến công của quân đội Ukraine, quân đội Nga đã tháo chạy khỏi hai thành phố quan trọng này.

Hai thành phố này đóng vai trò then chốt trong mục tiêu đánh chiếm vùng Donbas, miền Đông Ukraine của quân đội Nga. Có trụ sở tại Izyum, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công vào các thị trấn khác trong vùng Donbas. Kupyansk là thành phố đường sắt chính cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội Nga, ngã ba đường bộ và đường sắt Kupyansk ở nửa phía tây của thành phố là huyết mạch cuối cùng kết nối Nga với hàng nghìn binh sĩ nước này tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Những vùng lãnh thổ này đại diện cho phần lớn những tiến bộ của lực lượng Nga trong tháng Năm và tháng Sáu.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy (10/9) thừa nhận quân đội Nga đang rút khỏi Kupyansk và Izum, nhưng tuyên bố động thái này là sự tái triển khai quân đến phía đông của Uzbekistan nhằm đạt được mục tiêu đã nêu là chiếm giữ hoàn toàn Donbas.

Bộ Quốc phòng Nga không đề cập đến việc rút quân trong cuộc họp báo thường kỳ trên truyền hình hôm Chủ nhật (11/9), nhưng công bố một bản đồ cho thấy các lực lượng Nga đã rút khỏi phần lớn lãnh thổ mà họ kiểm soát gần đây ở khu vực Kharkiv.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Related posts