Không chỉ Nga, mà cả Trung Quốc cũng là thủ phạm gây ra các mối đe dọa chống lại Ukraine

Anders Corr

Một đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển dọc theo đường cao tốc ở Crimea, hôm 18/01/2022. (Ảnh: AP Photo)Đông Dương

Bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga vào Ukraine cũng đều sẽ phụ thuộc vào khả năng kinh tế của Trung Quốc, cùng sự xoa dịu ngoại giao của Đức và Pháp. Bắc Kinh dường như có khả năng khuyến khích Moscow tiến hành xâm lược để phục vụ cho các mục đích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng).

Trong khi lẽ ra NATO nên xoay trục để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc, thì Nga lại đang dồn 100,000 quân ở biên giới với Ukraine để gây áp lực với NATO về “các bảo đảm an ninh có ràng buộc về mặt pháp lý” rằng Ukraine sẽ không tham gia liên minh này.

Moscow muốn các cơ sở hạ tầng quân sự của NATO rút về những trạng thái năm 1997, khi hai bên ký kết một thỏa thuận. Đây là những yêu cầu bất khả thi, vì điều đó có nghĩa là phá hủy nền dân chủ ở Đông Âu, và mở rộng ảnh hưởng phi tự do của Bắc Kinh và Moscow ra toàn cầu. Nếu NATO xoa dịu Nga bằng cách từ bỏ Ukraine hôm nay, thì Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi tham vọng đối với Đài Loan ngày mai. Nhượng bộ một kẻ bắt nạt chỉ khuyến khích những kẻ bắt nạt khác. 

Hiện tại, một số quốc gia ở Đông Âu đã đang phủ quyết các biện pháp của Liên minh Âu Châu nhằm chống lại hành vi lạm dụng nhân quyền và xâm lược lãnh thổ của Bắc Kinh, kể cả ở khu vực Biển Đông. So với Tổng thống Joe Biden, Đức và Pháp là những quốc gia yếu thế hơn Trung Quốc và Nga, và họ đang tìm kiếm các biện pháp ngoại giao thoát hiểm mà có thể cần phải bỏ rơi Ukraine.

Ví dụ, Đức phản đối việc Estonia tặng các loại pháo do Liên Xô sản xuất cho Ukraine, vì chúng được để tại Đông Đức khi thống nhất, từ đó chúng được gửi đến Phần Lan, và sau đó là Estonia. Theo ghi nhận của The Wall Street Journal, “Sự khước từ của Đức có thể được Moscow coi là một dấu hiệu khác của sự chia rẽ trong liên minh phương Tây.”

Đây không phải là lúc dành cho sự chia rẽ giữa các nền dân chủ. Dù sao thì Estonia cũng nên giao các khẩu pháo tự hành này cho Ukraine, kèm theo một bài diễn văn về sự hèn nhát của Đức.

Việc gia tăng quân đội của Nga rõ ràng đã khiến NATO mất tập trung và mất đoàn kết giữa các thành viên. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã vô tình tiết lộ rằng gần đây các thành viên NATO có phản ứng không đồng thuận về các kịch bản xâm lược khác nhau của Nga.

Nhưng ít nhất thì, chắc chắn là các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng. Bất kỳ cuộc xâm lược nào sâu hơn vào biên giới vượt ra những lãnh thổ mà ông Putin đã từng chiếm lấy – Crimea và trên thực tế là, cả khu vực Donbass của miền Đông Ukraine — sẽ biến ông Vladimir Putin và các thuộc cấp của ông không chỉ trở thành các nhà lãnh đạo của một quốc gia bất kham như hiện tại, mà còn trở thành những kẻ hoàn toàn bị ruồng bỏ. 

Ngay cả các đồng minh dân chủ không đủ cứng rắn với Nga và Trung Quốc cũng đang dần mất đi sự tôn trọng. Bài xã luận của nhà sử học Katja Hoyer trên tờ Washington Post có nhan đề “Germany has become a weak link in NATO’s line of defense” (“Đức đã trở thành một mắt xích yếu trong tuyến phòng thủ của NATO”) đã nói lên tất cả. Bà Hoyer lập luận rằng “không thể phụ thuộc vào Đức khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.”

Các biện pháp trừng phạt sẽ khiến Nga dấn sâu hơn vào vòng tay bất lương của Trung Quốc, quốc gia đã nuốt chửng rất nhiều quốc gia khác sau khi họ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, chẳng hạn như thông qua tội ác diệt chủng hoặc xâm lược các nước láng giềng. Một khi Nga hoàn toàn phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc để né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, họ sẽ hoàn toàn đánh mất chủ quyền của mình.

Miến Điện (thường được gọi là Myanmar), Bắc Hàn, Campuchia, Lào, Venezuela, và thêm nữa là Iran, Pakistan, Afghanistan, Philippines, và Nga đang rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh do giao thương phi tự do quá nhiều.

Việc Nga chuyển hướng giao thương từ Hoa Kỳ và Âu Châu sang Trung Quốc đã đang diễn ra, và là bằng chứng để người Nga và thế giới thấy rằng Bắc Kinh đứng đằng sau sự xâm lược của Moscow.

Người dân đi ngang qua bức tường được trang trí bằng một bức tranh tường vẽ Quảng trường Đỏ của Moscow, ở Bắc Kinh hôm 08/12/2021. (Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images)

Năm 2021, theo một bài báo của ông Dimitri Simes trên Nikkei Asia Review, kim ngạch thương mại hàng năm giữa Nga và Trung Quốc đã tăng hơn 35%, lên một mức kỷ lục là hơn 146 tỷ USD. Hai nước này dự kiến tăng kim ngạch thương mại thêm 200 tỷ USD nữa vào năm 2024.

Nhưng nền kinh tế Nga chỉ bằng 1/10 so với Trung Quốc, và thương mại của Nga với nước này là bất cân xứng, khiến Bắc Kinh chiếm ưu thế về mặt kinh tế, và do đó chiếm ưu thế cả về mặt chính trị.

Mặc dù khoảng 40% kim ngạch thương mại của Nga trong những năm qua là với Liên minh Âu Châu, nhưng điều này đã không mang lại ảnh hưởng chính trị tương tự cho Âu Châu vì các nền dân chủ không có nguyện vọng bắt nạt kinh tế. Ngược lại, Trung Cộng là một nhà cầm quyền ngoại giao bằng ngân phiếu.

Ông Putin đã thể hiện sự trung thành của mình với Bắc Kinh bằng cách tham dự Thế vận hội Mùa Đông bị ruồng bỏ, được những người ủng hộ nhân quyền mệnh danh là “Đại hội Thể thao Diệt chủng”. Chính phủ Tổng thống Biden đã khôn ngoan tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao Olympic, được nhiều đồng minh quan trọng nhất của chúng ta hưởng ứng.

Vẫn có những trường hợp ngoại lệ đáng tiếc. Tổng thống Ba Lan là một trong số ít các nguyên thủ quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ bội phản và tham dự, đặt ra nghi vấn về lòng trung thành của ông đối với nền dân chủ so với lợi nhuận kiếm được ở Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình đang ép ông Putin trượt trên cùng những con dốc giả tạo [mà Trung Quốc đã đi qua], bằng cách trì hoãn các thỏa thuận cấp cao chờ ký kết tại Bắc Kinh, bao gồm cả một bản hợp đồng cuối cùng cho một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, tên là Power of Siberia-2, mà sẽ tiếp tục kết nối đại hai cường quốc phi tự do này.

Theo lưu ý của ông Simes, “Các nhà phân tích cho rằng tình trạng bế tắc giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, vốn có khả năng mang lại các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow, có thể thắt chặt hơn nữa mối quan hệ của Điện Kremlin với Bắc Kinh.”

Hãng thông tấn Nikkei trích lời giáo sư quan hệ quốc tế Artyom Lukin, tại một trường đại học ở Nga, nói rằng “ông Putin có thể đã nhận được một số bảo đảm từ phía ông Tập rằng nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra ở Ukraine và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lớn chống lại Nga, thì Trung Quốc sẽ sát cánh bên Nga.”

Chris Devonshire-Ellis, một công ty tư vấn đầu tư Á Châu, nói với hãng thông tấn này rằng: “Nếu có thêm nhiều biện pháp trừng phạt thương mại hơn nữa được áp dụng đối với Nga, thì Moscow sẽ cần phải tăng cường khả năng tìm nguồn cung ứng của Nga ở những nơi khác, với Trung Quốc là một lối thoát.”

Kể từ năm 2010, Nga đã ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào xuất cảng năng lượng của Trung Quốc, bao gồm xuất cảng thông qua hai đường ống trị giá 80 tỷ USD và một nhà máy xử lý khí đốt trị giá 13 tỷ USD.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một buổi lễ ký hợp đồng cung cấp khí đốt đồ sộ, kéo dài nhiều thập niên tại Thượng Hải vào ngày 21/05/2014. (Ảnh: Alexey Druzhinin/AFP/Getty Images)

Nếu Nga xâm lược Ukraine, Hoa Kỳ và đồng minh nên có ngay các biện pháp trừng phạt cứng rắn, kể cả các biện pháp trừng phạt chống lại ông Putin, các cộng sự thân tín nhất của ông, những doanh nhân lớn nhất của Nga, toàn bộ thân nhân trong gia đình trực hệ của họ, khoản nợ công của nước này, quyền truy cập vào hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT và công nghệ của Hoa Kỳ, các công ty hàng đầu của Trung Quốc đang kinh doanh ở Nga, và đường ống dẫn năng lượng Nord Stream-2 đến Đức.

Đức có trách nhiệm đặc biệt trong việc tránh một cuộc chiến tranh, và nếu nước này không dừng việc cố ý chậm chạp trong vấn đề về Nga, thì họ cần phải đối mặt với những hậu quả kinh tế.

Như bà Hoyer đã nói, “mọi thứ phụ thuộc vào Berlin. … Nếu Đức tiếp tục giao thương với Nga trong khi các quốc gia NATO khác áp dụng các biện pháp trừng phạt, thì tác động kinh tế sẽ giảm đi nhiều. Điều đó sẽ buộc các đồng minh phương Tây của Đức phải leo thang tình hình bằng sự can thiệp quân sự hoặc lùi lại, cho phép ông Putin thực hiện thêm một cuộc xâm chiếm nữa.”

Để tự giải thoát khỏi vấn đề luân lý vốn có trong mối quan hệ với Moscow, Đức nên chi số tiền cần thiết để loại bỏ thói quen hủy hoại môi trường của mình: phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Điều này có thể đạt được bằng cách quay trở lại năng lượng hạt nhân sạch hơn. Đức cũng nên tìm kiếm an ninh năng lượng nhiều lớp bằng cách tăng gấp ba lần cảng và cơ sở lưu trữ cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Hoa Kỳ và đồng minh để thay thế 1.7 tỷ mét khối mà nước này hiện đang mua từ Nga.

Tư thế phòng ngự của Đức cũng quá yếu. “Ông [Olaf] Scholz không sẵn lòng gánh vác một phần sức nặng của nền an ninh tập thể phương Tây nhiều hơn người tiền nhiệm Angela Merkel của ông ấy,” theo bà Hoyer.

Và Đức muốn các cuộc đàm phán với Nga tuân theo “định dạng Normandy”, chỉ bao gồm Nga, Ukraine, Đức, và Pháp. Về căn bản, điều đó sẽ khiến NATO tan rã trước một cuộc xâm lược chống lại một nền dân chủ đồng minh đang tìm cách gia nhập liên minh này.

Pháp cũng tỏ ra yếu thế trước Nga khi đề nghị Liên minh Âu Châu đàm phán riêng với Moscow, phá vỡ hàng phòng thủ của NATO trước sự hiếu chiến của Nga. Do đó, Đức và Pháp, hai trong số các nền dân chủ mạnh nhất thế giới, đang thể hiện ra một sự hèn nhát không thể tha thứ về mặt đạo đức và thiển cận về mặt chiến lược khi đối mặt với các mối đe dọa và khả năng bị Nga lừa dối.

Nếu Đức và các đồng minh khác không thực hiện vai trò của mình trong việc kiềm chế Nga, bảo vệ nền dân chủ mới của Ukraine, cũng như xây dựng nền dân chủ trên toàn cầu, thì những hậu quả kinh tế cần được xem xét không chỉ đối với Trung Quốc và Nga, mà còn đối với các đồng minh đang ăn bám của chúng ta.

Không một đồng minh dân chủ nào có thể trốn tránh nghĩa vụ chi tiêu quốc phòng mạnh mẽ và thống nhất chống lại các nhà độc tài trên thế giới và sự xâm lược của họ đối với các nền dân chủ khác. Nếu Đức và Pháp thực sự muốn bước vào con đường đổ vỡ của tình trạng mất đoàn kết giữa các nước đồng minh, họ có thể kéo một Hoa Kỳ bất đắc dĩ nhưng cứng rắn cùng họ rơi vào một cuộc khủng hoảng chuyên quyền.

Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.

Thuần Thanh, Ánh Dương, và Minh Ngọc biên dịch

Related posts