Đàm Linh
Đại dịch Covid-19 bất thường kéo dài suốt hai năm đã thúc đẩy nhiều chính sách chưa có tiền lệ của các tổ chức quốc tế và chính phủ trên khắp toàn cầu trong 2020-2021. Các chính sách này một phần đã giúp các nền kinh tế, doanh nghiệp và hộ gia đình của họ vượt qua khó khăn do các cú sốc đến từ cả cung- cầu. Tuy nhiên, mọi chính sách đều có mặt trái; các chính sách ‘bất thường’ chống lại đại dịch đã thúc đẩy rủi ro tới ổn định tài chính toàn cầu – mọi dấu hiệu bắt đầu từ năm 2022.
Dưới đây là một số rủi ro chính sách nổi bật, tác động tới ổn định tài chính toàn toàn cầu 2021 và 2022.
Chi tiêu công vì đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng: Nợ công cao kỷ lục – Nợ chính phủ có thể chèn lấn sang khu vực tư nhân trong trung và dài hạn.
Nợ chính phủ tăng mạnh và cao kỷ lục. Nợ tăng đặc biệt đáng chú ý ở các nền kinh tế phát triển, nợ công tăng từ khoảng 70% GDP năm 2007 lên 124% GDP năm 2020. Nợ công hiện chiếm gần 40% tổng nợ toàn cầu, tỷ trọng cao nhất trong nửa thế kỷ qua. Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển đóng góp hơn 90% trong khoản nợ tích luỹ gia tăng.
Tốc độ tăng nợ công cao cao hơn so với tư nhân do nhu cầu mở rộng chi của chính phủ trong đại dịch và nhu cầu tăng cường đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng. So với năm 2019, trong năm 2020, nợ công/GDP tăng 19 điểm phần trăm so (tỷ lệ này trong khu vực tư nhân thấp hơn, tăng 14 điểm phần trăm).
Theo IMF, với mức thâm hụt ngân sách 2020, bình quân toàn cầu lên tới -10,2% GDP năm 2020 và dự báo tới năm 2026, trong một kịch bản phục hồi tích cực, mức thâm hụt ngân sách của các nền kinh tế phát triển mới có thể trở về -3% GDP, trong khi các nền kinh tế mới nổi khó phục hồi hơn, thâm hụt dự kiến ở mức -4,2% GDP.
Thâm hụt tài khoá lớn và kéo dài (ít nhất trong 5 năm tới) có thể tiêu cực hơn nếu triển vọng phục hồi xấu đi bởi đại dịch hoặc nếu khủng hoảng tài chính sau đại dịch xuất hiện. Tuy nhiên, ngay cả với triển vọng hiện tại, nhu cầu mở rộng nợ công để bù đắp thâm hụt tài khoá (theo dự báo trên) sẽ thúc đẩy lãi suất huy động TPCP tăng; điều này sẽ góp phần thúc đẩy lãi suất huy động và cho vay tăng.
Như vậy, lãi suất trong năm 2022 sẽ chịu tác động kép: (i) lạm phát; (ii) nhu cầu vay nợ nhiều hơn của các chính phủ. Chi phí vốn tăng cao hơn mặt bằng năm 2021, điều này sẽ làm hạn chế sức phục hồi của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế thực nói chung.
Duy trì lãi suất quá thấp trong dài hạn: Thị trường tài chính bị thổi phồng quá mức nhờ đòn bẩy – Rủi ro khủng hoảng tài chính gia tăng
Nợ khu vực tư nhân tăng với tốc độ chậm hơn nợ khu vực công, tuy nhiên mức nợ khu vực tư nhân đã đạt kỷ lục, 178% GDP năm 2020. Lãi suất duy trì thấp hơn một thập kỷ đã hầu như không thành công trong thúc đẩy GDP. Đại dịch khiến các NHTW tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất thấp, thậm chí âm. Tuy nhiên, cầu về vốn của khu vực doanh nghiệp sản xuất và kinh tế thực thấp do tổng cầu yếu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Điều này khiến dòng tiền rẻ đổ vào các thị trường tài sản qua đòn bảy. Thị trường tài sản toàn cầu tăng mạnh trong năm 2020-2021; giá của các thị trường tài sản khắp toàn cầu đều lập kỷ lục mới, từ thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu), các sản phẩm đầu tư tài chính mạo hiểm…
Không chỉ tăng về quy mô, chất lượng của các thị trường tài sản toàn cầu đang suy giảm.
Trung Quốc, giá BĐS Trung Quốc giảm mạnh ở nhiều thành phố lớn, nhiều doanh nghiệp BĐS Trung Quốc vỡ nợ. Vỡ nợ trái phiếu phát hành bằng USD ở Trung Quốc đạt kỷ lục năm 2021 (đến 1/12/2021, theo Bloomberg, tổng nợ nước ngoài TPDN Trung Quốc không thể trả là 10,2 tỷ USD, trong đó 36% là TPDN BĐS); dự báo tiêu cực hơn trong 2022.
Mỹ, trái phiếu rác (có lợi suất cao, rủi ro cao) đã đạt kỷ lục năm 2021, vượt mức 2020, lên tới 432,4 tỷ USD (năm 2020 là 432,8 tỷ USD) vào tháng 11/2021 (theo Bloomberg). Chương trình nới lỏng định lượng, mua tài sản của Fed được cho là đã thúc đẩy thị trường nợ rủi ro cao này. Mặc dù Fed bắt đầu giảm khối lượng tài sản tài chính mua và phát tín hiệu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến trước đó; nhưng điều này chưa lập tức tác động tới thị trường nợ rủi ro cao ở Mỹ bởi dòng tiền quá rẻ, công cụ phái sinh đang đẩy rủi ro thị trường sang một vài quỹ phòng hộ. Nhìn tổng thể, rủi ro tạo ra trên thị trường là không đổi bất chấp người mua rui ro cuối cùng là Fed hay bất kỳ quỹ phòng hộ nào.
Trước thực tế này, nếu Fed và các NHTW toàn cầu tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát, các thị trường tài sản đang tăng trưởng nhờ đòn bảy sẽ chịu áp lực suy giảm mạnh; có thể dẫn tới đổ vỡ nếu chính sách tiền tệ không được điều tiết một cách cẩn trọng và có lộ trình. Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam cũng chịu thêm rủi ro là sự rời bỏ của dòng vốn đầu tư gián tiếp khi lãi suất đồng USD tăng.
Lực lượng lao động khó phục hồi sau phong tỏa, giãn cách xã hội trong đại dịch, khu vực doanh nghiệp tiếp tục là nạn nhân lớn nhất trong năm 2022
Lực lượng lao động, ở các nước phát triển và đang phát triển đều chưa phục hồi sau đại dịch. Ở các nền kinh tế phát triển, dịch bệnh, giãn cách, phong toả (chưa từng có tiền lệ) đa thúc đẩy tâm lý hoảng sợ. Một lượng lớn lực lượng lao động chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường lao động khi trạng thái xã hội và nơi làm việc chưa được phục hồi như cũ. Mặt khác, việc nhận được hỗ trợ phúc lợi tốt từ chính phủ cũng là lý do khiến người lao động không sẵn sàng quay trở lại thị trường lao động.
Với các nền kinh tế đang phát triển, mặc dù không có hoặc phúc lợi xã hội thấp, nhưng lực lượng lao động bị tổn thương trầm trọng hơn về an sinh, sức khoẻ sau thời gian phong toả kéo dài. Dòng lao động rời khỏi các khu công nghiệp, thành phố lớn, quay trở về quê hương để tránh dịch. Trong bối cảnh không chắc chắn về biến động của dịch bệnh, sự bất nhất của chính sách, một phần lớn người lao động chưa sẵn sàng quay trở lại các thành phố lớn, khu công nghiệp, ít nhất trong nửa đầu năm 2020.
Thực trạng này tác động tiêu cực tới phục hồi khu vực doanh nghiệp: thiếu lao động và chi phí tiền lương tăng cao. Rủi ro này chất thêm gánh nặng chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra tăng thấp, chậm hơn làm xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Tại Mỹ, mức tăng tiền lương đạt mức cao nhất trong 25 năm qua kể từ tháng 4/2021 (tăng từ 15% so với cùng kỳ 2020 và hiện ở mức tăng10%), theo Trading Economics.
Covid-19 và xung đột địa chính trị sẽ khiến chuỗi cung ứng đứt gãy khó phục hồi, giá hàng hóa tăng cao, lạm phát khó kiềm chế
Năm 2021 cũng chứng kiến khủng hoảng ngành logistic toàn cầu: hàng hoá tắc nghẽn tại cảng, chi phí vận hàng hóa chuyển tăng gấp 4 – 6 lần
Đặc trưng của kinh tế thế giới 2021 là tăng trưởng thương mại cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP nhờ cầu phục hồi. Tuy nhiên, cầu thương mại tăng vọt, các khó khăn trong vận tải do covid-19 đã đẩy giá vận chuyển hàng hóa lên cao đột biến. Tình trạng này chưa được cải thiện đáng kể trong năm 2022 khi dịch bệnh bất thường và cầu thương mại dự báo tăng trưởng khá.
Thêm vào đó, xung đột địa chính trị gia tăng khiến các biện pháp trừng phạt thương mại, tăng cường dự trữ, kiềm chế sản lượng khai thác dầu thô… sẽ trở thành quân bài chính trị trong năm 2022. Điều này thúc đẩy tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp nguồn cung tăng mạnh, giá dầu thô và năng lượng tăng mạnh; lạm phát vì thế khó kiểm soát hơn. Lạm phát sẽ là vấn đề lớn nhất của năm 2022; một cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ theo sau đó có thể sẽ diễn ra nếu lạm phát không thể kiềm chế như lời hứa của các chính trị gia.
Các NHTW và NHTM có trách nhiệm với ‘biến đổi khí hậu’ có thể tạo ra rủi ro tài chính trong dài hạn
Công cụ phổ biến nhất của thị trường tài chính xanh là trái phiếu xanh. Ước tính năm 2023, thị trường trái phiếu xanh có thể lên tới 2,36 nghìn tỷ USD. Phát hành trái phiếu xanh toàn cầu có thể đạt 500 tỷ USD trong năm 2021, tăng trưởng gần như gấp đôi so với năm 2020 (theo ước tính của Climate Bonds Initiative).
Mỹ, Trung Quốc, và Pháp là 3 nhà phát hành trái phiếu xanh lớn nhất. Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Châu Âu nắm giữ khoảng 20% tổng số nợ xanh bằng đồng euro, mặc dù họ chỉ mới bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2016, điều này cho thấy ngân hàng coi đây là một cách để tiếp tục chương trình nghị sự xanh của chính mình.
Ở cấp độ quốc gia, các ngân hàng trung ương đang gây chú ý về việc ưu tiên đầu tư xanh hơn. Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển đã bắt đầu thoái vốn cổ phần hóa thạch, bán trái phiếu từ một số tỉnh của Úc và Canada.
Mỹ có kế hoạch dành hơn 1% của gói chi tiêu cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD để tạo ra “Máy tăng tốc năng lượng sạch và bền vững”, tương đương 27 tỷ USD, công cụ này sẽ “huy động đầu tư tư nhân” vào “nền kinh tế năng lượng sạch”.
Mỹ đang xúc tiến thành lập một ngân hàng do Bộ Tài chính Hoa Kỳ vận hành, đóng vai trò như một đường dẫn tài chính, chuyển tiền thuế trợ cấp cho các dự án năng lượng sạch. Sẽ có một hệ thống các ngân hàng con tại các tiểu bang, trực thuộc ngân hàng nhà nước xanh liên bạng này. Dự luật thành lập “Ngân hàng Xanh Hoa Kỳ” và “Ngân hàng Khí hậu Quốc gia” này đang được vận động hành lang để Quốc hội thông qua
Tuy nhiên, rủi ro nợ dưới chuẩn gắn mác ‘tài chính xanh’ đang được các chuyên gia cảnh báo.
Về cơ bản, các quan chức, các chuyên gia tài chính của ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại không có chuyên môn về ‘biến đổi khí hậu’. Bởi vậy, khi trao cho họ quyền nắn dòng vốn ưu tiên vào hệ thống này có thể tạo ra các sản phẩm tài chính xanh dưới chuẩn an toàn hoặc dòng vốn không thực sự chảy vào các dự án xanh như tên bề ngoài của dự án.
Thêm vào đó, khi các NHTW như Anh, ECB, Ngân hàng xanh (dự kiến của Mỹ) tham gia vào cho vay, mua, đầu tư trái phiếu xanh, việc đó cũng đồng nghĩa với việc các dòng vốn bị thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị, phi thương mại; ví dụ như yêu cầu 40% dòng vốn phải hướng đến “các cộng đồng thiệt thòi đang đối mặt với tác động khí hậu”. Điều này có thể dẫn tới dòng tài chính đổ vào dự án không hiệu quả. Đặc biệt khi NHTW có trách nhiệm mua trái phiếu xanh từ các NHTM (như BOA, ECB hiện đang làm). Các NHTM có thể được khuyến khích bởi việc sau khi cho vay một dự án xanh, họ lập tức đẩy rủi ro khỏi bảng cân đối bằng cách bán cho NHTW, điều này có thể làm phát sinh nợ dưới chuẩn.
Bài học nợ dưới chuẩn tạo nên khủng hoảng tài chính 2007-2008 tương tự đã diễn ra ở Mỹ. Khi đó, các NHTM được khuyến khích cho vay mua nhà vì toàn bộ khoản vay mua nhà đó có thể được chứng khoán hoá và bán cho 2 doanh nghiệp nhà nước của Mỹ. Phần chưa bán cho nhà nước, nếu ôm giữ, các NHTM sẽ mua hợp đồng phái sinh để đẩy rủi ro sang cho các quỹ phòng hộ và công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, về tổng thể, rủi ro tích tụ trong hệ thống tài chính ngày một lớn mà không hề giảm bớt.
Đàm Linh