Đông Phương
Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng, trong gần một năm rưỡi qua, nước này chỉ có 2 người chết vì Covid-19. Cả chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài đều nói rằng đây là điều khó tin.
Theo trang web chính thức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến 24h ngày 16/5/2020, nước này có 4.634 người chết vì Covid-19; tính đến ngày 25/1/2021, dữ liệu tử vong được cập nhật lên con số 4.636.
Nghĩa là trong khoảng 1,5 năm qua Trung Quốc chỉ có 2 ca tử vong do nhiễm Covid-19. Ngoại giới không khỏi đặt nghi vấn về con số này.
“Không thể nào, không thể nào”, một bác sĩ quân y muốn giấu tên sống ở quận Hải Điến, Bắc Kinh nói với The Epoch Times, “Không thể nào chỉ có 2 người chết, khẳng định là phải có những người bệnh nặng không thể chữa khỏi”.
Vị bác sĩ quân y đã nghỉ hưu này cho biết, bà cảm thấy khó tin về số liệu tử vong chính thức. Bà nói với phóng viên The Epoch Times rằng, “Mỗi ngày đều có phân tích về dịch bệnh, [cơ quan hữu trách] đều sẽ gửi cho tôi một bản. Tôi xem xong thì xóa luôn, nên không nhớ được những chi tiết cụ thể”.
Nhưng bà nhấn mạnh rằng, “Dữ liệu mà tôi đọc được còn tương đối khách quan, cũng không cảm thấy ngạc nhiên lắm. Cái đó (số liệu mà chính quyền gửi cho bà mỗi ngày) có rất nhiều (ca tử vong), còn cái này quá ít (ý chỉ số ca tử vong do Ủy ban Y tế công bố)”.
Các chuyên gia nước ngoài nghi ngờ dữ liệu dịch bệnh của Trung Quốc là ngụy tạo
Không chỉ chuyên gia Trung Quốc đặt câu hỏi về số liệu dịch bệnh do chính quyền công bố, mà các chuyên gia nước ngoài cũng bày tỏ nghi ngờ tương tự.
‘Từ góc độ thống kê và y tế thì đó là điều không thể’
Chính phủ Trung Quốc chỉ báo cáo 2 trường hợp tử vong mới trong 1,5 năm qua, một tỷ lệ thấp hơn hàng trăm lần so với ở Hoa Kỳ. Sự chênh lệch này đã thu hút sự chú ý của ông George Calhoun – người phụ trách chương trình tài chính định lượng (quantitative finance program) tại Viện Công nghệ Stevens, Hoa Kỳ.
Ông nói với phóng viên NTDTV: “Điều đó là không thể. Từ góc độ thống kê và y tế thì đó là điều không thể”.
“Cần nhớ rằng, năm 2020 không có vaccine và không có phương pháp điều trị, không có biện pháp bảo vệ nào cho một quần thể xã hội lớn như vậy, Trong khi có hàng chục nghìn ca lây nhiễm được ghi nhận, mà (Trung Quốc) lại không có trường hợp tử vong nào”, ông cho biết.
Ông Calhoun đã đối chiếu một lượng lớn dữ liệu công khai và các báo cáo nghiên cứu trước đây. Sau khi phân tích các bê bối che giấu sự thật trong quá khứ của chính quyền Trung Quốc, ông đưa ra một kết luận: Để đạt được mục tiêu chính trị “Zero Covid”, chính phủ Trung Quốc đã ngụy tạo dữ liệu một cách có hệ thống để chứng minh cho các tuyên bố của họ.
Dựa trên mô hình dữ liệu từ tạp chí The Economist, ông ước tính rằng số người chết ở Trung Quốc vì đại dịch có thể lên tới khoảng 1,7 triệu người, gấp 366 lần so với con số 4.636 người được báo cáo.
Tỷ lệ tử vong này ‘không thể tin được’
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lý Long Đằng (Li Longteng), nguyên Thứ trưởng Y tế Đài Loan cho biết, tỷ lệ tử vong lúc đầu của dịch bệnh là 6%, sau đó giảm dần xuống, cũng có nơi tỷ lệ tử vong là khoảng 3%.
“Nếu trong 10.000 người (Trung Quốc đại lục) chỉ có 1 hoặc không có người nào chết, thì điều này hơi phóng đại, khó có thể xảy ra, không thể tin được”, ông Lý nói.
Ông cho rằng số liệu thống kê ở Châu Âu và Hoa Kỳ đáng tin cậy hơn.
‘Trước giờ các số liệu của Trung Quốc luôn phải điều chỉnh’
Nhà báo Nhật Bản Akio Yaita, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun, nói với The Epoch Times rằng dữ liệu của chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ chính xác, dữ liệu về dịch bệnh cũng vậy, họ che giấu rất nhiều.
Ông nói: “Trước giờ các số liệu của Trung Quốc luôn phải điều chỉnh. Tất cả dữ liệu đều do chính quyền công bố, do không được giám sát nên căn bản rất khó để xác minh tính chính xác của chúng. Có rất nhiều dữ liệu không hợp lý”.
Lấy đại dịch SARS năm 2003 làm ví dụ, ông Yaita nói, “Họ nói với bạn rằng không có bệnh nhân nào, và khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến điều tra, họ đưa bệnh nhân lên xe cấp cứu và đi vòng quanh Bắc Kinh (để tránh bị kiểm tra). Sau đó họ nói rằng không có bệnh nhân nào trong bệnh viện. Khi đó báo chí đều đưa tin về việc này. Bây giờ họ vẫn làm như vậy”.
Đông Phương
Theo NTD tiếng Trung