Chuyện Phiếm Về Con Cọp

Ông Ba Mươi, ông Hùm, ông Kễnh là tên gọi khác của con cọp, có lẽ vì người ta quá sợ “ngài” nên nói tránh ra như vậy. Cũng có tích về tên ông Ba Mươi rằng, ngày xưa, miền Trung và miền Nam rất nhiều cọp, chúng thường vào xóm bắt gia súc hoặc rình vồ người đi trong rừng. Vì thế quan trên treo giải thưởng, ai giết được cọp thì được ba mươi quan tiền, nhưng cũng bị đánh ba mươi hèo (tượng trưng) để hồn “ngài” không còn giận kẻ đã giết mình.

Khoảng thế kỷ XVII, XVIII, từ miền Trung trở vào toàn rừng rậm hoang vắng, thú rừng đầy rẫy, người Việt đi khai phá bị thú dữ như cọp, beo hay rắn rết sát hại rất nhiều. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, phía Cần Giuộc, từng bầy kéo về chợ Tân Kiểng, trên đường vào Chợ Lớn, làm dân chúng kinh hoàng…”.
Nghe nói trò chơi “bầu cua cá cọp” do người Tàu phổ biến, trên miếng giấy vẽ hình các con thú là bầu, cua, cá, cọp để người chơi đặt tiền. Không ai dám đặt tiền vào hình con cọp, sợ thất lễ với “ngài”, nên người ta bỏ hình con cọp mà thay vào bằng hình con nai. Đình miếu nào cũng có bình phong vẽ hoặc phù điêu đắp nổi hình cọp để thờ “ngài” vì dân tin rằng nếu cọp thật đến, thấy chúa sơn lâm trên bình phong là biết “đất đã có chủ”.

Cọp đánh dấu lãnh thổ của mình bằng nước tiểu. Muốn giành lãnh thổ mới, cọp phải tấn công đối phương. Trước khi xông vào phải nhe nanh múa vuốt, gầm gừ ra oai, nhưng đối phương trên bình phong vẫn bình tĩnh, không hoảng sợ, mà phóng vào bình phong thì như đập đầu vô đá, vậy là cọp thật rút lui. Ở chân núi, lối vào rừng, ngày xưa người ta lập miếu ông cọp để dân sơn tràng vào thắp nhang, xin phép sơn thần thổ địa và ông cọp vào núi tìm mật ong, đốn cây, săn bắn, tìm trầm. Đôi khi người ta để ở đấy một con thú nhỏ để ông cọp đến ăn no xong rồi tìm chỗ ngủ, không bắt người nữa.
Ở Ấn Độ, vùng Bengal nổi tiếng về cọp dữ. Người dân vào rừng thường mang mặt nạ về phía sau đầu, nhìn tưởng người đi thụt lùi. Họ tin rằng cọp chỉ vồ từ đằng sau con mồi nên thấy mặt người thì cọp phải theo mãi, mà cứ thấy con mồi nhìn mình thì cũng ngán nên phải bỏ đi. Người dân tộc thiểu số ở cao nguyên Việt Nam vẫn có tục vác chà gạt trên vai, mũi nhọn hướng về phía sau. Cọp biết nếu vồ con mồi thì sẽ bị đầu nhọn chà gạt đâm nên không dám tấn công.
Cọp săn mồi bằng cách bò thật sát đến từ phía sau con mồi. Khi khoảng cách còn độ năm mét, cọp chạy thật nhanh và phóng lên lưng con mồi, cắn vào gáy, ghì chặt con mồi, chờ đến khi con mồi vùng vẫy và đuối sức ngã xuống mới cắn vào cổ họng cho con mồi nghẹt thở chết.

Hồi các thế kỷ trước, có đến hàng trăm ngàn con cọp ở châu Á, hiện nay chỉ còn khoảng năm ngàn con, mà đến ba ngàn con đang cư trú trong các sở thú. Việt Nam ta hiện còn khoảng ba trăm con, kể cả cọp được người nuôi. Cọp ở rừng thọ độ 30 tuổi, còn cọp nuôi chỉ sống được 25 năm. Cọp trưởng thành nặng nhất độ ba trăm ký.
Số cọp bị giảm vì môi trường sinh sống của chúng bị thu hẹp, nguy hại nhất là bị con người săn bắn để lấy xương nấu cao. Một con cọp lớn cho 15 ký xương, theo thời giá cách đây mười năm bán được 20 ngàn USD. Một bộ da cọp bán cũng được 15 ngàn USD. Cao hổ cốt không phải nấu toàn bằng xương cọp, mà thường được bổ sung xương khỉ, xương nai, xương dê núi (sơn dương) cho đủ bộ gọi là “quân thần tá sứ”.
Khi có được một miếng cao hổ cốt thì người ra tiệm thuốc bắc bổ một thang (thiên niên kiện, địa tiên…) đem về ngâm rượu. Buổi tối, trước khi đi ngủ, chỉ cần uống một ly rượu cao hổ cốt nhỏ thì sáng hôm sau khỏe người, không còn đau lưng, nhức xương nữa. Người đau yếu thì cho độ mười gam cao hổ cốt vào bụng gà ác (gà ri, gà da đen) hay bồ câu non, đem chưng cách thủy. Khi gà rục, đem ăn là khỏe hẳn ra.
Người miền Nam sinh con trai đầu lòng không gọi là con cả mà gọi thứ hai vì kiêng chức vụ hương cả trong làng. Có chuyện kể rằng ở làng Châu Bình (thuộc tỉnh Bến Tre), trước kia lúc vừa lập ra ban bệ quản lý thì những người được bầu làm hương cả đều bị cọp vồ. Vì thế dân làng bèn cử cọp chúa trong vùng làm hương cả.

Một buổi lễ được tổ chức ngoài bìa làng. Một tờ cử (nhiệm vụ lệnh) được viết trên giấy hồng điều, bỏ vào ống tre. Một đầu heo làm lễ vật. Chức sắc trong làng cùng dân chúng tề tựu ở đó, long trọng mời cọp chúa làm “đại hương cả”. Đêm đó, cọp đến ăn đầu heo và tha tờ cử (làm đại hương cả) đi. Năm sau, chức sắc và dân làng lại tổ chức lễ tấn phong chức đại hương cả cho cọp chúa. Cũng đầu heo và tờ cử mới đặt ở đấy. Tối đến, cọp ra ăn đầu heo, bỏ tờ cử năm ngoái lại, cắp tờ cử mới đi…
Người ta tin rằng, người nào bị cọp ăn thịt thì hồn không siêu thoát mà phải theo hầu con cọp đó (gọi là hổ trành). Hổ trành thường xúi thân nhân ra nộp mạng cho cọp để thế chỗ cho hồn cũ đi đầu thai kiếp khác.

Tác giả : Phạm Thành Châu

Related posts