Tại sao người Việt khó hòa giải

Nguyễn Quang Dy

“Đoàn kết ta đứng vững, chia rẽ sẽ thất bại” (United We Stand Divided We Fall).

Tết đang đến rất gần, như chỉ còn mấy gang tay. Tết là dịp để người Việt đến với nhau theo truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nhưng Tết này buồn vì nhiều người vẫn chưa có lương, hay không được về quê ăn Tết vì dịch. Tết này còn buồn hơn vì “đám mây đen Việt Á” vẫn đang ám ảnh.

Sinh thời, ông Hồ rất thích bài hát “Kết Đoàn”, vì đó là nguồn gốc của sức mạnh, như “con ngươi của mắt mình”. Không chỉ ở Châu Á mà ở Phương Tây người ta cũng coi trọng đoàn kết (unity) như quy luật sinh tồn của loài người. Nhưng đáng tiếc, nhiều người Việt đã làm ngược lại các giá trị truyền thống và phổ quát. Tội ác và lừa đảo ngày càng tăng.

Gần đây, khi đọc bài “Người Việt Mới” của Lê Kiên Thành (Tiếng Dân, 13/1/2022) tôi muốn viết một cái gì đó để chia sẻ với anh và bạn đọc vào dịp Tết. Chắc nhiều người cũng có tâm trạng tương tự như vậy. Đó là tâm trạng của thế hệ người Việt bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh tương tàn, nay dù đất nước đã thống nhất nhưng vẫn khó hòa giải.

Cũng là người Việt, nhưng người Miền Bắc hơi khác Miền Nam hay Miền Trung. Sự khác biệt về tập quán văn hóa và phương ngữ vùng miền là điều bình thường tại nhiều nước. Nhưng người Việt còn bị phân hóa thành hai phe Bắc-Nam hay “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”. Kết cục năm 1975 làm “hàng triệu người vui, và hàng triệu người buồn”.

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 47 năm. Hai kẻ thù là Mỹ và Việt Nam đã trở thành “đối tác toàn diện”, nay thực chất là “đối tác chiến lược”. Nhưng người Việt vẫn chưa hòa giải với nhau, giữa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”. Nay trong cùng “bên thắng cuộc”, người Việt lại phân hóa thành “người Việt mới” và “người Việt cũ”.

Đó là hiện tượng “phân hóa đa chiều” (multiple polarization) đang làm cho quá trình hòa giải dân tộc vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp và khó khăn hơn. Không thể đổi mới và chấn hưng đất nước nếu thiếu đồng thuận quốc gia. Các vụ đại án như Việt Á chứng tỏ “đốt lò” không đủ răn đe chống virus tham nhũng, mà còn làm “nhờn thuốc”.

Con trai Tổng bí thư

Bài viết “Người Việt Mới” của Lê Kiên Thành tuy ngắn gọn (có 477 từ), nhưng ẩn chứa tâm trạng của một thế hệ như “phần nổi của tảng băng chìm”. Trước khi viết bài này, tôi đã tìm đọc lại các bài viết hoặc trả lời phỏng vấn của Thành. Tuy anh luôn tự hào về người cha của mình, nhưng Thành không hay khoe khoang và dựa dẫm vào ông.

Tôi quen biết Thành đã lâu, từ những năm đầu thập niên 1990 khi anh mới khởi nghiệp với TMC, một công ty nho nhỏ, có một văn phòng nho nhỏ ở phố Cao Bá Quát (Hà Nội). Tuy lâu ngày không gặp, nhưng tôi vẫn đọc các bài viết và trả lời phỏng vấn của Thành. Đó là một người chính trực, dám nói thẳng cả những chuyện nhạy cảm.

Tuy Thành “không làm chính trị” (hơi đáng tiếc) nhưng anh vẫn quan tâm đến chính trị và thời cuộc “như một người yêu nước”. Điều đó thể hiện qua các bài viết khi Thành kể lại thời kỳ đầu đổi mới như chuyện “tại sao làm kinh tế tư nhân” hay chuyện “suýt nữa phải ra khỏi đảng vì làm kinh tế”, (trong loạt bài “Đêm trước Đổi mới” của báo Dân Trí).

Tuy là con trai cố Tổng bí thư, nhưng Lê Kiên Thành cũng “lên bờ xuống ruộng” như nhiều người khác khi khởi nghiệp. Với mối quan hệ bạn bè ở Liên Xô cũ, Lê Kiên Thành và Nguyễn Duy Tộ đã có sáng kiến mua giúp quân đội khí tài cho không quân (trước khi có Công ty Vạn Xuân). Ngày nay người ta hay gọi việc đó là “buôn vũ khí”.

Sau khi có vốn, Thành và bạn bè đã lập ra Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank), một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên thành công, sau đó bán lại cho người khác. So với những doanh nhân khác cùng thời, tuy Thành không trở thành “đại gia”, nhưng anh thường tự hào vì coi trọng nhân cách hơn tiền, không “làm giàu bằng mọi giá”.

Lê Kiên Thành khác Trương Gia Bình (FPT), tuy cùng thời và “con ông cháu cha” (princelings). Bình là con rể Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy sau này ly dị vợ. Có lẽ Thành không hợp với triết lý khởi nghiệp của Bình như lời chế trong bài “Đoàn FPT”: “Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lùi thì mình giật tiền”. Thành không chụp giật.

Thành không trực tiếp “làm chính trị” (như quan chức) nhưng anh vẫn tham gia Mặt trận Tổ quốc Thành phố, tuy biết khộng có quyền lực. Đã có lần Thành tranh cử vào Quốc hội tuy biết “99% sẽ thất bại”. Thành là con trai của cố Tổng bí thư nổi tiếng, nhưng điều đó chưa chắc đã đem lại lợi thế chính trị, vì anh có đầu óc đổi mới cấp tiến.

Người Việt mới là ai

Sau chiến tranh, đất nước đã đổi mới và phát triển kinh tế thị trường, nhưng chưa hoàn chỉnh, làm cho khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội ngày càng tăng. Một số người (cả quan chức và doanh nhân) đã câu kết thành các nhóm lợi ích, thao túng thể chế để vơ vét làm giàu nhanh, trở thành “tư bản đỏ”, trong khi đa số người dân ngày càng nghèo.

Với nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN”, xã hội Việt Nam bị phân hóa thành thiểu số có đặc quyền, được hưởng nhiều đặc lợi nên “có tài sản” (the haves) và những người không có đặc quyền và thất thế bị gạt ra ngoài lề nên “không có tài sản” (the haves not). Nói cách khác, đó là sự phân hóa giữa những “người Việt mới” và “người Việt cũ”.

Trong bối cảnh đó, những khẩu hiệu như “uống nước nhớ nguồn” hay “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng sáo rỗng và vô nghĩa. Nhiều người thuộc thế hệ có đóng góp nhiều cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, nay cũng bị gạt ra ngoài lề vì không thích hợp với những nhóm lợi ích thân hữu đang thao túng thể chế để làm giàu nhanh.

Mâu thuẫn bùng phát thành các chiến dịch “đốt lò” (chống tham nhũng). Gần đây, vụ Phan Quốc Việt (Việt Á), Trịnh văn Quyết (FLC), và Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Việt Á đã nhập ba triệu bộ kit xét nghiệm của Trung Quốc giá 21,560 đồng về thổi giá lên 470,000 đồng, bán cho 62/63 tỉnh thành để trục lợi.

Muốn biết xu hướng “đốt lò” sắp tới, hãy chờ xem cách xử lý các vụ đại án (như Việt Á) liệu có triệt để không, hay “đầu voi đuôi chuột” vì “sợ vỡ bình”. Trong thời đại dịch, Việt Nam đứng trước “nguy cơ kép” (double dangers): tham nhũng đang “lũng đoạn nhà nước” (nội xâm) và Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền tại Biển Đông (ngoại xâm).

Có thể nói các nhóm lợi ích thân hữu đã làm giàu nhanh trên mồ hôi, nước mắt, và cả sinh mạng của hàng triệu đồng bào, ngay trong đại dịch. Đó không chỉ là tội về kinh tế và hình sự mà còn là “giặc nội xâm”, nguy hiểm không kém virus Corona. Vì lòng tham, họ có thể tiếp tay cho “giặc ngoại xâm” trong cuộc chiến âm thầm không tiếng súng.

Vậy ai là chủ nhân thật sự của đất nước? Những “người Việt cũ” thường phàn nàn rằng họ giống những người “ngồi ghé trên một chuyến tàu không phải của mình”. Thực ra đó chính là chuyến tàu của họ, nhưng đã bị “những kẻ cướp tàu” (train hijackers) bắt cóc và bẻ ghi chạy theo hướng có lợi cho các nhóm lợi ích thân hữu – những “người Việt mới”.

Nếu nhà nước không cải tổ thể chế kịp thời để kiểm soát quyền lực, thì các nhóm lợi ích thân hữu sẽ lớn mạnh và biến tham nhũng chính sách thành “lũng đoạn nhà nước” (state capture). Thay vì nhà nước kiểm soát quyền lực của các nhóm lợi ích, thì chính họ sẽ lũng đoạn chính sách và kiểm soát nhà nước. Đó là nguy cơ từ “người Việt mới”.

Trong giai đoạn quá độ đi lên CNXH (hay CNTB), xã hội Việt Nam đứng trước nhiều thách thức và khủng hoảng, như khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng giáo dục, khủng hoảng lòng tin. Khủng hoảng nhân cách tuy ít được nói đến nhưng rất hệ trọng. Người ta nói đánh mất lòng tin rất khó lấy lại, và đánh mất nhân cách dễ trở thành thú hoang.

Việt Nam là một xã hội “đang chuyển đổi” (transitional) vẫn chưa công nghiệp hóa, trong khi thế giới đã bước sang giai đoạn “hậu công nghiệp” (post-industrial). Quá trình “tích tụ tư bản” theo “kinh tế thị trường” thường dễ méo mó vì người ta có thói quen duy ý chí hoặc ngộ nhận nên bất chấp quy luật. Vì vậy, người Việt vẫn cần “khai dân trí”.

Trong thế giới đa dạng và “tùy thuộc lẫn nhau” (inter-dedendance), người ta không thể trục lợi cho mình mà không nghĩ đến người khác, và không thể làm theo cách của mình (exceptionalism) mà không hợp tác với người khác. Ngày nay, không một nước nào có thể sống biệt lập trước những mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Lời cuối

Cách đây đã lâu lắm, khi trao đổi với Giáo sư của mình trong văn phòng của ông ấy tại đại học ANU, tôi thấy trên bức tường có treo một đoạn trích dẫn diễn ngôn của triết gia Plato. Tôi đã lặng lẽ nhẩm thuộc lòng đoạn đó và nhớ đến tận bây giờ, như một kỷ niệm của thời sinh viên. Tôi hiểu từ xa xưa, giới trí thức đã chịu nhiều bất cập.

Plato đã mô tả những nghịch cảnh của giới trí thức: “We the willing, guided by the unknowing, are doing the impossible for the ungrateful. We have done so much for so long with so little that we are now qualified to do anything with nothing, while the unknowing and the ungrateful are being congratulated for doing nothing, for so long, so well”.

Tạm dịch: “Chúng tôi là những người tâm huyết, được chỉ đạo bởi những kẻ dốt nát, đang làm những việc bất khả thi cho những kẻ vô ơn. Chúng tôi đã làm quá nhiều, quá lâu, với nguồn lực quá ít, nên bây giờ có thể làm bất cứ điều gì mà chẳng có gì, trong khi những kẻ dốt nát và vô ơn được chúc mừng vì không làm gì, quá lâu và quá giỏi”.

Trong đám tang anh Phạm Xuân Ẩn (2006) tôi bỗng nhớ tới lời Plato và chạnh lòng khi vĩnh biệt “người anh hùng thầm lặng” đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng, nhưng vẫn mong đến ngày Mỹ và Việt Nam trở thành bạn bè. Đó là một nhân cách lớn được cả bạn và thù quý mến. Tôi đã lặng lẽ ghi vào sổ tang cảm xúc của mình.

Sau đó Larry Berman đã tìm thấy đoạn tôi viết trong sổ tang của gia đình và đưa vào chương Epilogue trong cuốn “Perfect Spy”: “Final farewell to our dear brother, teacher and colleague, Hai Trung, ‘a quiet Vietnamese’ hero, who is so uncommon in qualities yet so human in nature that he is well respected by both friends and foes alike, and standing out larger than life, almost a myth. Now that it’s all over, may his soul rest in peace in the next life, with all the pains and ironies, all the mysteries and memories of the good old days that not all is well understood, that he could quietly bring with him to the other world”.

Tạm dịch: “Giã từ người anh, người thầy và đồng nghiệp Hai Trung kính mến, ‘một người Viêt Nam thầm lặng’ và dũng cảm, mà phẩm chất và nhân cách đặc biệt đã làm cho cả bạn lẫn thù đều quý trọng, vượt lên trên cuộc đời thường, như một huyền thoại. Giờ đây khi mọi chuyện đã qua, cầu mong cho linh hồn anh được yên nghỉ trong kiếp sau, với tất cả những nỗi đau và oan trái, với tất cả những bí ẩn và ký ức của một thời xa vắng mà không phải ai cũng hiểu được, mà nay anh có thể lặng lẽ đem theo sang thế giới bên kia”.

28/01/2022

N.Q.D.

Related posts