Jack Phillips
Hôm thứ Ba (01/02), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài diễn văn đầu tiên về mối quan hệ bất hòa của đất nước ông với phương Tây trong vấn đề Ukraine bằng cách tuyên bố Hoa Kỳ và NATO đã phớt lờ các yêu cầu an ninh hàng đầu của Moscow.
“Nga đang phân tích kỹ lưỡng các văn bản phúc đáp của Hoa Kỳ và NATO, nhưng rõ ràng là các mối lo ngại căn bản của Nga đã bị phớt lờ,” ông Putin nói tại Moscow hôm thứ Ba cùng Thủ tướng Hungary Viktor Orban. “NATO đề cập đến quyền của các quốc gia được tự do lựa chọn, thế nhưng các vị không thể tăng cường an ninh của một quốc gia nào đó bằng cách làm tổn hại của các quốc gia khác.”
Ông Putin đã hồi đáp các bức thư được giới lãnh đạo NATO và Ngoại trưởng Antony Blinken gửi tới chính phủ của ông hồi cuối tháng Một về sự tập trung binh lực trên quy mô lớn của quân đội Nga dọc biên giới Ukraine.
Trong nhiều tuần nay, các quan chức Hoa Kỳ và các hãng thông tấn chính thống đã khẳng định rằng Moscow đang âm mưu một cuộc xâm lược – điều mà Nga đã phủ nhận. Các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây cho đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin và các quan chức điện Kremlin “vẫn chưa thấy có sự xem xét thích đáng [từ phía Hoa Kỳ và NATO] về ba yêu cầu chính của chúng tôi liên quan đến việc ngăn chặn sự mở rộng của NATO, việc khước từ khai triển các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga, cũng như việc đưa cơ sở hạ tầng quân sự của khối ở Âu Châu trở về trạng thái năm 1997, khi Đạo Luật Sáng Lập Nga-NATO được ký kết,” lãnh đạo Nga tiếp tục nói và cho biết thêm rằng các đề nghị của ông đã bị các cường quốc phương Tây “phớt lờ”.
Ông Putin nói thêm rằng Hoa Kỳ và NATO đang sử dụng tình hình Ukraine để kiềm chế Nga. Cuối tuần qua, một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã gợi ý rằng họ có kế hoạch ban hành các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các quan chức hàng đầu của Nga nếu Moscow quyết định xâm lược Ukraine.
“Tôi hy vọng đối thoại về Ukraine sẽ tiếp tục,” ông Putin cũng nói.
Năm 2014, Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và cũng bắt đầu tài trợ cho lực lượng ly khai thân Nga ở khu vực phía đông Ukraine là Donbas. Nhưng trong những tháng gần đây, Moscow đã khai triển một số lượng đáng kể các binh sĩ, khí tài quân sự, và các đơn vị hỗ trợ hậu cần gần biên giới Ukraine và cả ở Belarus, một quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin.
Hôm thứ Ba (01/02), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price lưu ý rằng cơ quan của ông và Ngoại trưởng Blinken gần đây đã có một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, mà đã “một lần nữa nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quyền của tất cả các nước được quyết định chính sách ngoại giao và liên minh của riêng mình”.
Ngoài ra ông Blinken cũng đã “kêu gọi Nga giảm leo thang ngay lập tức và rút quân cùng các thiết bị khỏi biên giới Ukraine,” ông Price nói, đồng thời cho biết thêm rằng nếu Nga xâm lược thêm nữa vào Ukraine thì sẽ phải đối mặt với “hậu quả nhanh chóng và nghiêm trọng” và không giải thích gì thêm.
Hoạt động ngoại giao cấp cao tiếp tục diễn ra hôm thứ Ba, với việc Thủ tướng Anh Boris Johnson đến Kyiv để hội đàm theo lịch trình với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đến thăm Kyiv để bày tỏ sự ủng hộ, đồng thời hứa sẽ cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống phòng không di động, thiết bị bay không người lái, súng cối, và đạn dược.
Các nhà lãnh đạo Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Canada đang ở Ukraine hoặc dự định đến Ukraine trong những ngày tới.
“Chúng tôi tiếp tục tham gia các hoạt động ngoại giao không ngừng nghỉ và giảm leo thang căng thẳng cũng như nỗ lực chạy nước rút để cải thiện an ninh cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi và cho toàn Âu Châu, vì vấn đề đó,” Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên hôm thứ Hai (31/01).
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Việt Phương biên dịch