Frank Fang
Hôm 31/01, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết, Hoa Kỳ đang đối mặt với một cấp độ đe dọa mới “trắng trợn hơn, tai hại hơn” bao giờ hết từ chế độ Trung Quốc.
Ông Wray nói trong bài diễn văn tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California: “Khi chúng tôi tổng hợp những gì chúng tôi chứng kiến trong các cuộc điều tra của mình, hơn 2,000 trong số đó tập trung vào việc chính quyền Trung Quốc cố gắng đánh cắp thông tin hoặc công nghệ của chúng ta, không có quốc gia nào gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với các ý tưởng, sự đổi mới và an ninh kinh tế của chúng ta hơn Trung Quốc.”
Trên thực tế, những vụ đánh cắp này đang diễn ra “hàng ngày theo đúng nghĩa đen”, ông nói, đồng thời lưu ý rằng cứ khoảng 12 tiếng cơ quan này sẽ mở các vụ án mới để chống lại các hoạt động tình báo của Trung Quốc.
“Họ xác định nhắm mục tiêu vào các công nghệ chủ chốt,” ông Wray nói, chỉ vào bản kế hoạch công nghiệp của Trung Quốc được gọi là “Made in China 2025.” “Sau đó, họ ném mọi công cụ vào kho vũ khí đánh cắp công nghệ của họ để thành công trong những lĩnh vực đó.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố kế hoạch chi tiết vào năm 2015, một kế hoạch kinh tế 10 năm nhằm thúc đẩy 10 ngành sản xuất công nghệ trong nước. Các lĩnh vực này bao gồm robot, phương tiện năng lượng mới, hàng không vũ trụ, dược phẩm, tàu biển, máy móc và thiết bị nông nghiệp.
Để đánh cắp những gì họ cần, chính quyền Trung Quốc đã tung ra “một chương trình tấn công mạng tinh vi, trên diện rộng, lớn hơn so với các chương trình của mọi quốc gia lớn khác cộng lại”, ông Wray nói, đồng thời cho biết thêm rằng các tin tặc của chính Trung Quốc thường làm việc với tội phạm mạng.
Một vụ tấn công mạng như vậy đã được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố hồi tháng 07/2020 khi họ truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc với Bộ An ninh Nhà nước (MSS) của ĐCSTQ — cơ quan tình báo của chế độ này. Hai kẻ này bị cáo buộc đã nhắm mục tiêu vào hàng trăm nạn nhân, bao gồm các công ty, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền tại Hoa Kỳ, trong một chiến dịch kéo dài một thập niên.
Một nhóm tấn công mạng do Trung Quốc hậu thuẫn, được cho là có liên hệ với chính quyền Trung Quốc, đã đứng sau cuộc tấn công mạng năm 2021 nhằm vào Microsoft, trong đó nhóm này đã khai thác các lỗ hổng trong nhu liệu Exchange Server của công ty này, làm tổn hại hàng chục ngàn hệ thống trên toàn cầu.
Bên cạnh việc tấn công mạng, Bắc Kinh cũng điều động đội mật vụ của mình hợp tác với những cá nhân có thể hỗ trợ các hoạt động như cung cấp chỗ ẩn náu, phát hiện và đánh giá các nguồn, cũng như giúp thực hiện vụ đánh cắp đó, ông Wray cho hay.
Ông đã sử dụng bài diễn văn này để nêu bật một vụ án hình sự cụ thể — một đặc vụ MSS của Trung Quốc tên là Từ Ngạn Quân (Xu Yanjun), người đã chiêu mộ một kỹ sư Hàng không của GE — để nói rằng Trung Quốc đang thực hiện rất nhiều kiểu hoạt động tương tự như vậy.
Ông Từ bị kết án vào tháng 11/2021 sau khi thất bại trong nỗ lực lấy bí mật thương mại của GE Aviation thông qua vị kỹ sư được chiêu mộ. Theo ông Wray, ông Từ chỉ là “một sĩ quan tình báo Trung Quốc làm việc cho cả một đơn vị chuyên đánh cắp bí mật hàng không.”
Ông Wray cũng đề cập đến một vụ liên quan đến nhà sản xuất tua-bin gió Trung Quốc Sinovel Wind Group, để cho thấy tác động sâu rộng của hành vi đánh cắp của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Theo ông Wray, công ty AMSC có trụ sở tại Hoa Kỳ, sau khi thấy mã độc quyền của mình trên tua-bin gió bị Sinovel đánh cắp, đã trở thành một công ty nhỏ hơn với việc bị mất khoảng 600 nhân viên.
Sinovel đã bị kết tội liên bang vào tháng 01/2018 vì tội đánh cắp công nghệ từ AMSC, dẫn đến thiệt hại hơn 800 triệu USD cho công ty này.
Ông Wray nói: “Chính quyền Trung Quốc cũng đầu tư và tạo liên kết đối tác để định vị các tổ chức ủy quyền của họ nhằm tiếp nhận công nghệ có giá trị.”
Chế độ Trung Quốc cũng được biết đến với việc yêu cầu các công ty ngoại quốc liên doanh với các công ty Trung Quốc, nhiều công ty trong số đó được chế độ cộng sản hậu thuẫn, để có được bí quyết, công nghệ, và tài sản trí tuệ của công ty ngoại quốc này.
Nhắm mục tiêu cá nhân và công ty
Ông Wray cho biết Trung Quốc cũng ngày càng trở nên “trắng trợn hơn” trong việc kiểm soát một vài ngôn luận bên trong Hoa Kỳ.
“Hồi tháng 11/2021, chỉ hai tháng trước, Đại sứ quán Trung Quốc đã đưa ra những lá thư cảnh báo một cách hiệu quả các doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng nếu họ muốn kinh doanh ở Trung Quốc, họ cần đấu tranh chống lại các dự luật liên quan đến chính quyền Trung Quốc tại Quốc hội của chúng ta,” ông nói, mà không nêu đích danh các doanh nghiệp này.
Nhận xét của vị giám đốc FBI này dường như xác nhận một bản tin độc quyền của Reuters hồi năm ngoái. Trích dẫn nhiều nguồn ẩn danh, Reuters cho biết đại sứ quán Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn đang gửi thư cho các giám đốc điều hành của Hoa Kỳ, thúc giục họ kêu gọi các nhà lập pháp loại bỏ các dự luật riêng biệt “tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ.”
Bức thư này được cho là đã yêu cầu các công ty phản đối Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ (USICA) và Đạo luật Bảo đảm Sự tham gia và Lãnh đạo Toàn cầu của Hoa Kỳ (EAGLE), theo Reuters. Thượng viện đã thông qua USICA hồi tháng Sáu năm ngoái, trong khi Đạo luật EAGLE, vốn bị đình trệ ở Thượng viện, đã được đưa vào dự luật của Hạ viện mới công bố gần đây có tên là Đạo luật CẠNH TRANH Mỹ năm 2022.
Ông Wray nói, chế độ Trung Quốc cũng đã để mắt đến các chính trị gia Mỹ được thu nạp với mục đích “làm hủ hóa các nhà lãnh đạo của chúng ta, để mua chuộc hoặc đe dọa sự phục tùng theo ý muốn của họ.”
“Chính quyền Trung Quốc hiểu rằng các chính trị gia ở các vai trò nhỏ hơn ngày nay có thể trở nên có ảnh hưởng hơn theo thời gian, vì vậy họ tìm cách vun đắp nhân tài từ sớm, thường là các quan chức nhà nước và địa phương, để bảo đảm rằng các chính trị gia ở tất cả các cấp chính phủ sẽ sẵn sàng lên tiếng và ủng hộ thay mặt cho nghị trình của Bắc Kinh,” ông nói.
Dân biểu Eric Swalwell (Dân Chủ-California) là chủ đề tranh cãi hồi cuối năm 2020 sau khi có thông tin cho rằng ông có mối quan hệ với một điệp viên bị tình nghi là người Trung Quốc Christine Fang, khi ông còn là thành viên hội đồng thành phố địa phương trước năm 2015.
Từ năm 2011 đến năm 2015, cô Fang, một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Tiểu bang California – Vịnh Đông, đã xây dựng mối quan hệ sâu rộng với các chính trị gia địa phương ở Khu vực Vịnh San Francisco bằng cách tình nguyện tham gia các chiến dịch gây quỹ và tham dự các sự kiện chính trị. Theo một cuộc điều tra của Axios, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng cô đang làm việc dưới sự chỉ thị của MSS. Ông Swalwell cho biết ông đã cắt đứt quan hệ với cô Fang sau khi FBI cảnh báo ông về những hoạt động đáng ngờ của cô vào năm 2015.
Theo ông Wray, Chiến dịch Săn Cáo (Fox Hunt) của Trung Quốc, một hoạt động do Bắc Kinh khai triển vào năm 2014 nhằm hồi hương những người đào tẩu Trung Quốc, cũng là một mối lo ngại.
Ông nói: “Hiện tại, có hàng trăm người trên đất Mỹ nằm trong danh sách Chiến dịch Săn Cáo chính thức của chính quyền Trung Quốc và nhiều người khác không có trong danh sách chính thức. Hầu hết các mục tiêu này là chủ thẻ xanh, công dân nhập tịch, những người có các quyền và sự bảo vệ quan trọng theo luật pháp Hoa Kỳ.”
Sự đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc đã vượt ra ngoài Chiến dịch Săn Cáo.
“Trong nhiều thập niên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhắm mục tiêu, đe dọa, và sách nhiễu người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ sống tại Hoa Kỳ, các học viên Pháp Luân Công, những người ủng hộ dân chủ và bất kỳ người nào khác nghi ngờ tính hợp pháp hoặc thẩm quyền của họ,” ông Wray nói.
Chín cá nhân hoạt động với tư cách là “đại diện bất hợp pháp” cho Bắc Kinh đã bị truy tố hồi tháng 07/2021. Họ bị cáo buộc cố gắng ép buộc một cựu quan chức ĐCSTQ sống ở Hoa Kỳ trở về Trung Quốc.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
An Nhiên biên dịch