Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Đạo luật CẠNH TRANH gây tranh cãi
Joseph Lord
Sáng hôm thứ Sáu (04/02), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật CẠNH TRANH gây tranh cãi trong một cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo quan điểm đảng phái 222–210.
Dự luật vừa nêu, trên danh nghĩa là nhằm tăng khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc nhưng được bổ sung thêm các điều khoản khác ít liên quan hơn, đã bị toàn thể thành viên Đảng Cộng Hòa cùng nhau phản đối với sự ủng hộ của Dân biểu Stephanie Murphy* (Dân Chủ-Florida), một dân biểu ôn hòa của Hạ viện, người đã nhiều lần có lập trường chống lại đảng của bà.
Chỉ mình Dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois), người đã chính thức bị Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC) khiển trách hôm thứ Năm (03/02) vì vai trò của ông trong Ủy ban 06/01, đã bỏ phiếu với Đảng Dân Chủ để thông qua dự luật.
Trong bản tóm tắt dự luật dài 20 trang được công bố trên trang web của Chủ tịch Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), các thành viên Đảng Dân Chủ nói rằng dự luật này là “một gói lập pháp táo bạo tạo ra các khoản đầu tư mới mang tính đột phá trong nghiên cứu, đổi mới, và sản xuất của Hoa Kỳ sẽ bảo đảm rằng Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, bây giờ và trong nhiều thập niên tới.”
Bản tóm tắt tiếp tục, “Gói này sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất vi mạch bán dẫn trọng yếu của Hoa Kỳ, củng cố chuỗi cung ứng để sản xuất nhiều hàng hóa hơn ở Mỹ, tăng cường năng lực nghiên cứu của chúng ta để dẫn đầu các công nghệ của tương lai, và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của chúng ta, đồng thời hỗ trợ các tiêu chuẩn lao động và nhân quyền mạnh mẽ, cùng các điều khoản quan trọng khác.”
Bản tóm tắt trên lưu ý rằng dự luật này là một dự luật được lưỡng đảng chấp nhận, vì “các thành phần chính của nó bao gồm nhiều dự luật đã được Hạ viện thông qua bởi các cuộc bỏ phiếu mạnh mẽ của lưỡng đảng hoặc có các nhà lập pháp đồng bảo trợ của lưỡng đảng.”
Thực sự là như vậy, dự luật có một số điều khoản mà cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều đồng ý là cần thiết.
Ví dụ, một phần của dự luật được thiết kế để tăng cường hoạt động khai thác kim loại bán dẫn và sản xuất vi mạch của Hoa Kỳ.
Đây là lĩnh vực mà Hoa Kỳ đã để cho Đông Á thống trị trong vài thập niên qua. Theo Hiệp hội Năng lượng Bán dẫn (pdf), năm 1990, Hoa Kỳ đã sản xuất khoảng ⅓ số vi mạch trên thế giới; năm 2021, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 12%.
Tuy nhiên, các phần khác của dự luật lại ít được đồng thuận hơn rất nhiều.
Đầu tiên, Đạo luật CẠNH TRANH sẽ “[đầu tư] vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” bằng cách “hỗ trợ nghiên cứu để thúc đẩy thế hệ tiếp theo của công nghệ lưu trữ năng lượng, năng lượng mặt trời, năng lượng hydro, vật liệu trọng yếu, năng lượng nhiệt hạch, sản xuất, loại bỏ carbon, và công nghệ năng lượng sinh học, cùng nhiều lĩnh vực khác.”
Các thành viên Đảng Dân Chủ cũng lo lắng bảo đảm rằng nguồn tài trợ của dự luật này đang nhấn mạnh vào “sự đa dạng”.
Trong quá khứ, việc tài trợ cho nghiên cứu và công nghệ ở Hoa Kỳ được hướng đến các lĩnh vực hoặc dự án cụ thể. Nhìn chung, những điều này được thực hiện bởi các cơ quan đã hiện hữu như NASA hoặc CDC, hoặc thông qua các bên thứ ba được chính phủ ký hợp đồng.
Thay vào đó, dự luật do Đảng Dân Chủ đề xướng sẽ tập trung vào “tăng cường và mở rộng lực lượng lao động STEM của quốc gia chúng ta để đại diện tốt hơn cho sự đa dạng của quốc gia chúng ta.”
Để đáp ứng mục tiêu “đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, dự luật sẽ “[chuẩn bị cho] thế hệ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, và chuyên gia năng lượng sạch đa dạng tiếp theo.”
Đạo luật CẠNH TRANH cũng sẽ thúc đẩy tăng cường “sự đa dạng” trong cộng đồng giáo viên STEM.
Bản tóm tắt giải thích cách dự luật sẽ đáp ứng các mục tiêu “đa dạng” này. Luật sẽ “[trao quyền] cho các cơ quan và trường đại học liên bang xác định và hạ thấp các rào cản đối với việc tuyển dụng, duy trì, và thăng tiến của phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm khác thiếu đại diện trong các nghiên cứu và công việc ngành STEM.”
Ngoài ra, luật quy định rằng các cơ quan được yêu cầu “thu thập dữ liệu nhân khẩu học toàn diện về quá trình xét duyệt tài trợ và về đội ngũ giảng viên STEM tại các trường đại học Hoa Kỳ.” Dự luật cũng “cung cấp hỗ trợ cho những người nhận tài trợ cũng có trách nhiệm chăm sóc [người phụ thuộc].”
Hơn nữa, Đạo luật CẠNH TRANH sẽ cho phép nhập tịch hàng ngàn người tị nạn mới, ngay cả khi Hoa Kỳ đã đang phải đối mặt với mức độ nhập cư bất hợp pháp chưa từng có tại biên giới phía nam của mình.
Thậm chí còn gây tranh cãi hơn, dự luật sẽ cho phép có thêm một loại “thị thực nhà đầu tư” mới, trong ngắn hạn cho phép những công dân giàu có nhất từ các quốc gia khác vào Hoa Kỳ không vì lý do gì khác ngoài sự tài phú của họ.
Dẫu các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện có rất ít cơ hội để ngăn chặn dự luật này ở Hạ viện, nơi thiểu số phải phục tùng đa số, điều rõ ràng là Đảng Cộng Hòa phản đối luật này một cách rộng rãi.
Tại Thượng viện, nơi mà tất cả các luật phải đạt được ngưỡng 60 phiếu để kết thúc tranh luận và đi đến một cuộc bỏ phiếu theo đa số quá bán tại phòng họp, Đảng Cộng Hòa có thể làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn dự luật này. Miễn là 41 trong số 50 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện phản đối dự luật, họ sẽ có thể ngăn chặn Đảng Dân Chủ đạt ngưỡng 60 phiếu bầu và buộc họ trở lại bàn đàm phán.
Ông Joseph Lord là một phóng viên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times, chuyên về Đảng Dân Chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
(*) Bà Stephanie Murphy tên thật là Đặng Thị Ngọc Dung (sinh năm 1978), là một nữ chính khách người Mỹ gốc Việt thuộc Đảng Dân Chủ. Bà là dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ kể từ tháng 11/2016, đại diện cho khu vực bầu cử số 7 của tiểu bang Florida. Bà là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ.
Minh Ngọc biên dịch
Các VĐV Olympic kể lại việc đối xử tồi tệ trong các khách sạn cách ly của Trung Quốc
Một số vận động viên (VĐV) có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và được đưa vào các khách sạn cách ly tại Thế vận hội Bắc Kinh tuần trước đang chỉ trích chính phủ Trung Quốc cung cấp thực phẩm và điều kiện nhà ở tồi tàn.
Các vận động viên Olympic đã chia sẻ lại trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc thông báo cho quốc gia của họ về việc thiếu thực phẩm, cũng như sự thiếu minh bạch về các giao thức phòng chống virus corona của nước chủ nhà Trung Quốc.
“Bụng tôi đau, tôi rất xanh xao và tôi có những quầng đen lớn xung quanh mắt. Tôi muốn tất cả những chuyện này kết thúc. Tôi khóc mỗi ngày. Tôi rất mệt mỏi”, Valeria Vasnetsova, vận động viên hai môn phối hợp người Nga cho biết trên mạng xã hội khi ở tại một trong những khách sạn cách ly của Bắc Kinh.
Vasnetsova cũng chia sẻ một bức ảnh mà cô ấy nói là “bữa sáng, bữa trưa và bữa tối đã được 5 ngày rồi”, trong đó có một khay mì ống đơn giản, thịt nướng, một ít khoai tây và không có rau xanh.
Cô cũng tuyên bố rằng sau khi điều tra, cô nhận thấy thức ăn được phục vụ cho các nhân viên khác tốt hơn nhiều so với bữa ăn dành cho các vận động viên. Cô đã chia sẻ một bức ảnh chụp đồ ăn của bác sĩ trong nhóm của mình, bao gồm trái cây tươi, salad và tôm với bông cải xanh.
“Thật sự tôi cũng không hiểu tại sao lại có cách đối xử này với chúng tôi, các vận động viên?!” Cô cho biết đã bị sụt cân đến nỗi “giơ xương”.
Người đứng đầu phái đoàn Đức, ông Dirk Schimmelpfennig, cũng chỉ trích điều kiện sinh hoạt “không hợp lý” của Bắc Kinh sau khi người từng ba lần đoạt huy chương vàng Eric Frenzel có kết quả xét nghiệm dương tính với virus và bị đưa đến một khách sạn cách ly.
Schimmelpfennig cho biết Đức đang vận động hành lang để có những căn phòng lớn hơn và sạch sẽ hơn, cũng như giao thực phẩm thường xuyên hơn để giúp các vận động viên hồi phục sức khỏe, theo hãng tin AP.
Các vận động viên Olympic khác cũng đã phàn nàn về việc ban tổ chức đã áp dụng các giao thức kiểm dịch gây nhầm lẫn.
Những người đến Bắc Kinh và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng được cho là phải cách ly tại một khách sạn được chỉ định, trong khi những người có triệu chứng được gửi đến điều trị tại các bệnh viện Trung Quốc. Tuy nhiên, một số vận động viên có kết quả dương tính đã được phép cách ly bên trong Làng Olympic.
Vận động viên trượt băng nằm sấp người Bỉ, Kim Meylemans đã lên mạng xã hội phàn nàn việc thiếu thông tin về các giao thức kiểm dịch, nói rằng cô đã được gửi đến một địa điểm cách ly thứ hai vào ngày mà cô nghĩ rằng mình sẽ được thả.
Tuy nhiên, sau khi công khai phàn nàn về tình trạng của mình, Meylemans đã được đối xử tốt hơn và được đưa trở lại Làng Olympic. Những người khác, bao gồm cả Vasnetsova, được cho là đã nhận được thức ăn và điều kiện sinh hoạt tốt hơn.
Trung Quốc đang hoạt động theo chính sách “không khoan nhượng” với COVID-19 trong khi đăng cai Thế vận hội. Để ngăn chặn virus lây lan, các nhà tổ chức Olympic đã phát triển một hệ thống khép kín để giữ tất cả các vận động viên và nhân viên cách ly với công chúng.
Vài tuần trước khi Olympic bắt đầu, Trung Quốc cũng đã phòng ngừa dịch bệnh lây lan bằng cách cắt đứt mọi phương tiện giao thông đến Bắc Kinh từ các khu vực có báo cáo các ca nhiễm, đóng cửa các trường học và trường đại học gần đó, đồng thời buộc công dân Trung Quốc xuất trình giấy xét nghiệm âm tính để rời khỏi thành phố của họ.
Trung Quốc đã báo cáo hơn 100 ca nhiễm trong số các vận động viên và nhân viên của các đội đến Bắc Kinh trước lễ khai mạc ngày 4/2.
Lê Vy (theo Newsweek)
Cà Mau: Phó giám đốc bệnh viện đột quỵ trong ca trực, tử vong
An Khánh
Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cà Mau bị đột quỵ trong ca trực rồi tử vong sau đó.
Bác sĩ Trần Quang Dũng – Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau – xác nhận bác sĩ Nguyễn Văn Sơn (49 tuổi) – Phó giám đốc bệnh viện này – bị đột quỵ khi đang trong thời gian trực ở bệnh viện rồi tử vong sau đó.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn có lịch trực vào tối 27/1. Đến sáng 28/1, mọi người không thấy bác sĩ Sơn đến phòng họp giao ban nên tới phòng trực kiểm tra thì phát hiện bác sĩ Sơn đã hôn mê.
Bác sĩ Sơn được chuyển lên một bệnh viện ở TP. Cần Thơ cấp cứu và điều trị. Tuy nhiên, do bác sĩ bị nhồi máu, đột quỵ từ khuya đến sáng mới phát hiện trong tình trạng hôn mê nặng nên không qua khỏi. Bác sĩ đã mất vào ngày 5/2.
Cũng theo bác sĩ Dũng, bác sĩ Sơn có tiền sử bệnh cao huyết áp.
Bác sĩ Sơn là bác sĩ chuyên khoa II, là thầy thuốc ưu tú, từng làm Trưởng khoa Lao – Bệnh phổi (Bệnh viện Mắt – Da liễu tỉnh Cà Mau). Bác sĩ vừa được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Cà Mau vào tháng 12/2021.
An Khánh
Mẹ tử vong trong tư thế treo cổ, con gái 7 tháng tuổi chết trong máy giặt ở phòng trọ
Mạnh Hùng
Người mẹ (SN 1988, tử vong trong tư thế treo cổ) cùng con gái 7 tháng tuổi (tử vong trong máy giặt) được phát hiện tại một nhà trọ ở quận Bình Tân (TP. HCM).
Ngày 6/2, Công an quận Bình Tân (TP. HCM) cho biết đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP. HCM khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ 2 mẹ con tử vong tại căn nhà trọ trong hẻm Lê Đình Cẩn (phường Tân Tạo, TP. HCM).
Trước đó, khoảng 18h ngày 5/2, anh L.Q.B (SN 1991, quê Sóc Trăng) về nhà trọ thì phát hiện cửa chốt trong. Anh B. gọi nhưng vợ không ra mở cửa như thường lệ nên anh phá cửa vào và phát hiện vợ anh là chị N.T.H.C (SN 1988, quê Sóc Trăng) tử vong trong tư thế treo cổ, con gái là bé L.H.T.A (7 tháng tuổi) tử vong trong máy giặt gần đó.
Công an quận Bình Tân đã phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai những người liên quan.
Theo lời khai của các nhân chứng, chị C. từng có biểu hiện trầm cảm trước khi xảy ra sự việc. Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra nhận định nguyên nhân vụ việc là do chị C. nghi trầm cảm sát hại con rồi tự tử.
Vào hôm xảy ra sự việc, anh B. dẫn con gái lớn đi chơi, còn hai mẹ con chị C. ở nhà.
Theo người dân sống trong khu trọ, vợ chồng anh B. từ Sóc Trăng lên TP. HCM kiếm việc làm. Vừa qua, do dịch bệnh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, anh B. ở lại TP. HCM tranh thủ chạy xe ba gác kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, còn chị C. ở phòng trọ chăm con vì mới sinh.
Mạnh Hùng
Chính phủ Việt Nam duyệt mua 21.9 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi
Nửa tháng sau khi Bộ Y tế Việt Nam công bố đề xuất mua 21,9 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, Chính phủ ra quyết định duyệt mua số lượng trên theo hình thức lựa chọn nhà thầu.
Một đợt tiêm vắc-xin COVID-19 Pfizer cho nhóm học sinh khối 7-8 của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh – Cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội, ngày 4/1/2022. (Ảnh: THCS & THPT Lương Thế Vinh – Cơ Sở Cầu Giấy/Facebook)
Chiều ngày 5/2 (mùng 5 Tết Nguyên đán), Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng bản tin cho biết Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vắc-xin COVID-19 của Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (tại Điều 26 Luật Đấu thầu) để mua 21,9 triệu liều vắc-xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức việc mua, triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm “khoa học, an toàn, hiệu quả”.
Một ngày trước khi Nghị quyết trên được công bố, ngày 4/2, Vnexpress dẫn lời một đại diện Bộ Y tế (không nêu danh tính) cho biết qua khảo sát, khoảng trên 50% phụ huynh đồng tình tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi; tức tỷ lệ tương đương phụ huynh không đồng tình tiêm vắc-xin COVID-19 cho nhóm trẻ trong độ tuổi này.
Theo Tuổi Trẻ ngày 4/2, trong chuyến thăm y bác sĩ và bệnh nhân ngay trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (ngày 31/1), khi được hỏi “với nhóm 5 đến dưới 12 tuổi thì tiêm ngừa là bắt buộc hay tự nguyện”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết “vẫn theo chương trình hiện đang triển khai”.
“Tại Việt Nam tiêm vắc xin vẫn chưa phải là bắt buộc, nhưng khuyến cáo với tất cả người dân” – ông Long nói, nhấn mạnh rằng hầu hết ca COVID-19 có biến chứng nặng hay tử vong là do không tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ mũi. Ông Long không đề cập đến tỷ lệ mắc COVID-19, khả năng bình phục và nguy cơ diễn biến nặng ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Thông tin dự kiến mua 21,9 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi được ông Long công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác y tế năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, tổ chức ngày 20/1. Với việc mua 21,9 triệu liều, Bộ Y tế chấp nhận có thể thừa vắc-xin. Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 11 triệu trẻ từ 5-11 tuổi.
Yêu cầu mua và tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi được Thủ tướng Phạm Minh Chính thường xuyên đề cập trong các bản tin công bố kể từ đầu tháng 1/2022.
Độ tuổi tiêm vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam có thể hạ xuống đến nhóm trẻ từ 3 tuổi trở lên. Vào ngày 8/11/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị “các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 3-11 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vắc-xin cho độ tuổi này”. Đến ngày 28/10 và 30/12, lần lượt đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và TP.HCM công bố đã làm xong kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ 3-11 tuổi, chỉ chờ được phê duyệt.
Nguyễn Quân