Những người hùng diệt hổ dữ cứu dân từ xưa đến nay

Minh Bảo

Những người hùng diệt hổ dữ cứu dân từ xưa đến nay
Anh hùng đánh hổ (Chụp màn hình)

Vạn sự vạn vật trên đời là có 2 mặt Âm Dương, vừa tương hỗ vừa đối lập. Vì lẽ đó nên ông Trời khi đã sinh ra loài mãnh hổ hùng mạnh chốn sơn lâm, thì đồng thời cũng sản sinh ra những người anh hùng dũng mãnh dùng sức mình đánh bại hổ dữ để cứu giúp cho dân.

Những người con anh dũng đó của dân ta cho đến nay vẫn được nhân dân tôn sùng và kính ngưỡng. Câu chuyện về các ngài luôn là niềm cảm hứng mạnh mẽ cho bao thế hệ.

Phùng Hưng đánh hổ, Bố Cái Đại Vương

Ông tự là Công Phấn, hiệu Đô Quân, là cháu 7 đời của Phùng Tói Cái, người từng vào cung vua Đường Cao Tổ (nhà Đường), dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm.
Phùng Hưng là anh cả trong 3 anh em, có sức mạnh hơn người và khí phách lẫn trí tuệ đều siêu phàm. Trước khi chiếm phủ đô hộ đánh đuổi quan nhà Đường, ông đã dùng mưu trí và võ công để tiêu diệt hổ dữ bảo vệ dân lành.

Bấy giờ, vùng Đường Lâm quê ông xuất hiện con hổ dữ thường xuyên giết người, bắt gia súc. Trước thảm họa của dân làng, Phùng Hưng cùng hai em ngày đêm tìm cách diệt hổ cứu dân lành. Ban đầu, ông làm hình nộm bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, đặt ở nơi hổ thường qua. Trong những lần đầu đi ngang qua, hổ thấy bù nhìn tưởng người nên lao vào cắn xé nhưng chỉ có cọc gỗ độn rơm. Sau nhiều lần như thế, hổ không còn chú ý tới hình nộm nữa.

Một hôm trời chập choạng tối, Phùng Hưng cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng thế vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm. Khi hổ xuất hiện, hơi bùn non át hơi người nên nó không nhận ra, cứ bước qua như mọi lần. Ngay lúc đó, Phùng Hưng bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt mãnh thú. Sau một hồi vật nhau, con hổ đuối sức. Cùng với sự trợ giúp của hai em trai, Phùng Hưng giết được hổ dữ, trừ họa lớn cho dân làng. Phùng Hưng bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt mãnh thú. Sau một hồi vật nhau, con hổ đuối sức. (Ảnh: NXB Kim Đồng)

Sau này khi ông mất, dân chúng nhớ ơn lập miếu thờ và gọi ông với tôn hiệu là Bố Cái Đại Vương. Ông rất linh hiển, từng hiển thần thông giúp Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng.

Hai nhà sư đả hổ cứu dân đất Sài Gòn

Thời chúa Nguyễn, có hai nhà sư đã từng đánh chết hổ cứu dân chúng Sài Gòn. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, hai ngài đã viên tịch sau đó.

“Mùa xuân năm Canh Dần 1770 đời vua Duệ Tông có con cọp dữ vào nhà người ở phía nam chợ Tân Kiểng, hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng đã diệt được cọp”.

(Đại Nam nhất thống chí) 

Người dân Sài Gòn đến ngày nay vẫn truyền miệng câu chuyện đánh hổ bi hùng trên rất rành mạch:

“Vào ngày 25 tháng Giêng năm Canh Dần (1770), đời Duệ Tông (tức chúa Nguyễn Phúc Thuần), có con cọp dữ vào nhà dân ở phía nam chợ Tân Kiểng. Con cọp gầm rống rất dữ, hại ba mạng người khiến dân quanh vùng đều hoảng sợ, báo quan quân để vây bắt ác thú.

Tuy nhiên, sau khi phải triệt hạ nhiều nhà cửa, làm nhiều lớp hàng rào bao quanh, quan quân địa phương vẫn chưa hạ được cọp dữ.

Qua ngày thứ ba, có nhà sư là trẻ Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng tu ở ngôi chùa ở bìa làng đã xin vào đánh cọp. Hồng Ân cùng cọp quần thảo một hồi. Cọp bị côn đánh rát quá, nhảy núp vào lùm tre. Hồng Ân đuổi nà theo, cọp bị dồn ngặt nên cự trở lại với Hồng Ân. Hồng Ân lui chân té xuống mương nhỏ, bị cọp tát thọ thương.

Trí Năng tiếp tay đánh trúng đầu, cọp chết dưới làn côn, nhưng Hồng Ân bị thương nặng nên cũng mất liền khi ấy. Người ở chợ Tân Kiểng cảm nghĩa đem xác Hồng Ân chôn tại chỗ đấy rồi xây tháp. Tháp của nhà sư nay đã không còn, chỉ còn lại bài vị “Cậu Ân” (tức Hồng Ân) được thờ trong đình Tân Kiểng (hiện ở số 718 Trần Hưng Đạo, Q. 5, Sài Gòn)”.
(Nguồn: Tuoitre )

Cọp Bàu Lòng gặp “Võ Tòng Tân Khánh”

Thế kỷ 17-18 thời mở cõi, vùng Tân Khánh hay là Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay từng là vùng rừng thiêng nước độc, thú dữ vô số, đặc biệt nổi tiếng là hổ dữ. Do đó di dân đến miệt rừng Tân Khánh này hầu như đều phải thủ sẵn vài miếng võ gia truyền phòng thân, nổi tiếng nhất trong số đó chính là một cô gái tên Võ Thị Trà, vốn là dòng dõi tướng quân nhà Tây Sơn, sau này hậu nhân lập nên môn phái đả hổ nổi tiếng gọi là Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà. Tương truyền, bà Trà có hai đệ tử giỏi nhất là anh em ông Hai Ất (Võ Văn Ất) và Ba Giá (Võ Văn Giá), cả hai có hơn 10 lần đối đầu với cọp dữ. Hai ông sử dụng trường côn, dân Tân Khánh gọi là roi, được làm bằng lõi cây mật cật. Giai thoại “Võ Tòng Tân Khánh” chính là kể lại câu chuyện hai anh em ông Ất và Giá đánh cọp cứu dân.

“Số là người dân xứ Bàu Lòng (Chơn Thành, Bình Phước) nhiều tháng liền bị “ông cọp” về quấy rối, bắt bò, heo và dọa bắt người. Anh em ông Hai Ất – Ba Giá được mời đến đây để ra tay trị cọp. Bữa cơm trưa vừa xong, ông Ất nói: “Cọp đâu đánh phắt cho rồi, chớ ở đây chờ hoài bỏ công ăn việc làm sao chịu nổi”. Ông Ất vừa dứt lời thì nghe một tiếng gầm to ngoài sân, tiếp theo là tiếng la thất thanh của lũ trẻ. Dường như cọp có linh tính, biết thầy võ về làng nên đến thử sức. Mọi người đang khiếp vía tìm chỗ nấp xem hai ông thầy võ xử trí ra sao thì ông Giá nhanh nhẹn cắp roi nhảy ra sân thủ thế. Còn ông Ất tay chống nạnh, miệng ngậm tăm đứng nhìn nơi ngạch cửa.

Ở ngoài sân, cọp thấy có người nhảy ra liền phóng tới chụp đùa. Ông Giá né vội, liền đó vung roi quật trúng vào hông cọp khá mạnh. Cọp gầm lên rồi quay lại chụp liền. Ông Giá vung roi, lúc đập, lúc đâm. Cọp nhảy tới, nhảy lui gầm thét. Bụi bay mịt trời. Bất ngờ cọp hộc lên một tiếng rồi vọt ra ngoài vòng chiến, nằm ngửa chổng vó lên trời. Đó là thế “trâu vằn”, “miếng tổ” của cọp, ai ham nhảy vào là toi mạng. Roi đánh thì bị cọp bắt, tiện dịp móc họng luôn đối thủ. Ông Giá vung roi, lúc đập, lúc đâm. Cọp nhảy tới, nhảy lui gầm thét. (Ảnh minh họa: Miền công cộng)

Ông Giá thấy cọp giở thế “trâu vằn” không thèm đánh, đứng chống roi nghỉ. Một hồi lâu, cọp không thấy ông Giá phá miếng của mình, liền gầm lên phóng lại vòng chiến. Ông Giá vung roi đánh tiếp. Một lần nữa dân Bàu Lòng được xem mê mệt, cát bụi mù mịt không phân biệt được đâu là người, đâu là thú. Lát sau cọp bèn giở lại miếng cũ. Ông Giá chống roi đứng chờ tái chiến. Lần này cọp chờ cũng không thấy ông Giá phá miếng “trâu vằn”, cọp lại xoay mình phóng vào vòng chiến. Phen này ông Giá đánh rất kịch liệt, roi quay vo vo. Và rồi người ta nghe tiếng cọp rống thật to, vọt ra khỏi vòng chiến toan chạy về rừng. Tiếp theo, một tiếng rống to hơn, dài hơn, nhìn lại thấy ông Ất đứng bên xác cọp. Tất cả mọi người đứng xem không ai thấy ông Ất ra tay. Nhưng ông Ất thì đoán được đường rút lui của cọp, ông liền lao ra chặn đầu, dưới ngọn roi ngàn cân của ông, cọp hết đường thoát.
(Nguồn: VTC)

Đại tá Jim Corbett chuyên diệt hổ báo ăn thịt người

Edward James “Jim” Corbett (25/7/1875 – 19/4/1955) là một nhiếp ảnh gia, nhà văn, thợ săn, nhà bảo tồn thiên nhiên và nhà tự nhiên học người gốc Anh, ông đã săn bắn tiêu diệt một số lượng lớn những con hổ và báo hoa mai ăn thịt người ở Ấn Độ. Tài thiện xạ của ông khi giết những con vật đó được người dân Ấn Độ kính trọng, thậm chí có nơi coi ông như “một vị thánh” (Sadhu).

Đại tá Jim Corbett đóng góp rất lớn vào việc bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã ở Ấn Độ. Thông qua các tác phẩm và sự ảnh hưởng của mình, ông đã thuyết phục các chính quyền thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã cho loài hổ Bengal nổi tiếng.  Vào năm 1936, một vườn quốc gia đầu tiên được thành lập tại Ấn Độ là vườn quốc gia Hailey. Năm 1957, Vườn Quốc gia Hailey được đổi tên là Vườn quốc gia Jim Corbett, để vinh danh ông.

Con hổ ăn thịt người đầu tiên ông diệt là con hổ Champawat, đã chịu trách nhiệm cho 436 cái chết được ghi nhận. Ngoài ra còn có con hổ Talla-Des, hổ Thak, hổ Mukteswar và hổ Chowgarh. Chính Corbett là người đã giải phẫu xác của những con hổ ăn thịt người và chỉ ra rằng chính những vết thương do con người gây ra hay những khiếm khuyết khiến hổ không thể săn bắt bình thường đã khiến nó quay sang tấn công con người vốn chậm chạp dễ bắt hơn. Trong lời tựa của Man Eaters of Kumaon , Corbett viết: “Vết thương khiến một con hổ đặc biệt phải ăn thịt người có thể là kết quả của một phát súng bất cẩn và không theo dõi và phục hồi con vật bị thương, hoặc là kết quả của con hổ đã mất bình tĩnh trong khi giết chết một con nhím”.

Minh Bảo

Related posts