Trung Quốc, Nga, Iran đặt ra mối đe dọa gia tăng đối với Hoa Kỳ và thế giới tự do

J.M. Phelps

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đi bộ về phía một đại sảnh trong Điện Kremlin để hội đàm, tại Moscow vào ngày 05/06/2019. (Ảnh: AP Photo/Alexander Zemlianichenko/Pool/File)

Sự chia rẽ kéo dài hàng thập niên giữa Trung Quốc và Đài Loan, Nga và Ukraine, Iran và Israel đang thu hút sự chú ý của thế giới khi căng thẳng leo thang ở mỗi nơi trong ba khu vực riêng biệt này của thế giới. Các chuyên gia đã nói chuyện với The Epoch Times về vai trò của Hoa Kỳ trong từng khu vực xung đột tiềm tàng.

Ông David Wurmser, một nhà phân tích cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết “không thể tránh khỏi việc Hoa Kỳ đang ở trong một thời kỳ mà trong nước có sự kiệt quệ đáng kể về chính sách ngoại giao, một phần là do sự tàn phá nội bộ từ những biến động của riêng quốc gia này cả về mặt văn hóa và tư tưởng.”

Ông nói rằng điều quan trọng là phải nhận ra rằng “đất nước này đang không ở trong cùng một vị trí như nó đã từng trong Chiến Tranh Lạnh, khi quốc gia này hiểu một cách căn bản và sâu sắc rằng mọi khía cạnh trong cách sống của họ đều gắn liền với nền tự do trên thế giới.”

Tại thời điểm này, “lợi ích sống còn của quốc gia là phải tích cực bảo vệ tự do theo cách rộng rãi và mạnh mẽ nhất có thể, ở mọi nơi có thể,” ông Wurmser nói.

“Thế giới vẫn không thay đổi,” ông nói và cho biết thêm rằng vẫn còn những mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền tự do của các quốc gia khác nhau trên thế giới. Chúng bao gồm, nhưng không giới hạn ở, việc chế độ Trung Quốc duy trì chủ nghĩa cộng sản và rất quan tâm đến việc chiếm Đài Loan, các kế hoạch của Nga chống lại Ukraine, cũng như chế độ thần quyền Hồi giáo hiện đại của Iran và mong muốn tiêu diệt Israel của họ.

Ông Wurmser tin rằng mỗi điều này đều gây ra một “mối đe dọa căn bản và sâu sắc” đối với lối sống của thế giới tự do. “Ngày nay, Hoa Kỳ không thể tận hưởng sự xa xỉ của việc trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa biệt lập hoặc không nhúng tay vào bất kỳ chính sách ngoại giao hoặc hành động quân sự ngoại quốc nào.”

Ông nói: “Thế giới đang cần một nước Mỹ sẵn sàng hơn nhiều. Đã muộn để thiết lập một sự nghiêm túc trên phạm vi quốc tế rằng Hoa Kỳ đang quay trở lại trường quốc tế.”

Có những quốc gia bị đe dọa dai dẳng và họ đang trông chờ vào Hoa Kỳ trở thành nước đấu tranh cho tự do, ông Wurmser nói. “Hoa Kỳ phải bắt đầu khiến những địch thủ của mình phải trả giá và gửi đi một tín hiệu rằng chúng ta có thể khiến cuộc sống của mỗi người trong số họ trở nên khốn khổ theo cách này hay cách khác.”


Một cặp trực thăng UH-60 Black Hawk tham gia cuộc tập trận Hán Quang (Han Kuan) tại căn cứ không quân Thanh Tuyền Cương (Ching Chuan Kang – CCK) ở Đài Trung, miền trung Đài Loan, vào ngày 07/06/2018. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Trung Quốc

Hoa Kỳ duy trì quan hệ chặt chẽ với Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, theo đó Hoa Thịnh Đốn có nghĩa vụ cung cấp cho Đài Loan tự trị các phương tiện để tự vệ.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã áp dụng chính sách “mơ hồ chiến lược” liên quan đến hòn đảo này, theo đó Hoa Thịnh Đốn cố tình mơ hồ về việc liệu Hoa Kỳ có hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược hay không.

Theo chiến lược gia toàn cầu, Đại tá Dan Steiner (thuộc Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã về hưu), “Nếu một chiến dịch kéo dài nổ ra giữa Trung Quốc và Đài Loan, thì việc này sẽ rất khó khăn và tốn thời gian, [hơn nữa] nó cũng sẽ làm tăng đáng kể cơ hội mở ra sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”

Trung tướng đã về hưu Jerry Boykin, phó chủ tịch điều hành của Hội đồng Nghiên cứu Gia đình, một tổ chức bất vụ lợi Cơ Đốc giáo, đồng thời là thành viên sáng lập của Lực lượng Delta của Lục quân, không tin rằng một cuộc xung đột leo thang sẽ đưa những người lính Mỹ đến khu vực này. Ông Steiner đồng ý, nói rằng “một cuộc xung đột công khai với Trung Quốc vì Đài Loan sẽ là một hành động vô cùng khó thuyết phục đối với người dân Mỹ.” Hơn nữa, ông nói, “mật độ binh lực vượt trội trong khu vực” của chính quyền Trung Quốc mang lại cho họ một lợi thế khá lớn.

Do đó, sẽ có lợi nhất cho Hoa Kỳ nếu ưu tiên cung cấp “vật tư chiến đấu” cho Đài Loan và thu thập thông tin tình báo, theo ông Boykin.

Ngoài ra, ông Wurmser cho biết Hoa Kỳ đã “thiếu chú ý trong ít nhất 20 năm qua, tạo ra sự phụ thuộc nghiêm trọng về nguồn cung và thương mại vào các đối thủ của chúng ta,” bao gồm cả phụ thuộc nhà cầm quyền Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông nói, Hoa Kỳ cần phải “bắt đầu định hướng lại nền kinh tế và sự phụ thuộc của chúng ta vào các đồng minh hơn là vào các đối thủ.”

Thay vì chỉ trừng phạt Trung Quốc, ông Wurmser còn đề nghị Hoa Kỳ cố gắng hết sức để “cắt đứt” quan hệ với Trung Quốc. “Quay trở lại cấu trúc thời Chiến Tranh Lạnh, nơi hai nền kinh tế riêng biệt bắt đầu cạnh tranh với nhau mà ít có sự tương tác gần như chắc chắn sẽ khiến mối đe dọa từ Trung Quốc phải tiêu tan,” vì nền kinh tế Trung Quốc chỉ tồn tại được nhờ hội nhập vào nền kinh tế Hoa Kỳ.


Một quân nhân đi ngang qua xe tăng của một lữ đoàn cơ giới của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong cuộc tập trận quân sự bên ngoài Kharkiv, Ukraine, hôm 31/01/2022. (Ảnh: Vyacheslav Madiyevskyy/Reuters)

Ukraine

Điểm xung đột thứ hai đang nhanh chóng mở ra ở Đông Âu. Ông Boykin cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine sắp diễn ra dường như là không thể tránh khỏi. Với việc Tổng thống Nga Putin cư xử “về căn bản như một nhà tài phiệt”, những hành động của ông ấy có thể kích hoạt hành động quân sự.

Mặc dù một số công dân Hoa Kỳ có thể có cảm xúc muốn bảo vệ Ukraine, nhưng ông Boykin cho biết ông không tin rằng người dân Mỹ muốn đặt tính mạng người Mỹ vào tình thế nguy hiểm bằng cách “tham chiến”.

Vì cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan, ông Boykin nói “Mỹ không muốn thấy những người đàn ông và phụ nữ trẻ của Hoa Kỳ thiệt mạng trong khi đến viện trợ cho một quốc gia khác.”

“Những gì Hoa Kỳ đang làm ngay bây giờ là những gì lẽ ra phải làm cách đây ít nhất sáu tháng hoặc hơn.” Hoa Kỳ và các đồng minh đang gửi vũ khí và vật tư vào Ukraine khi lo ngại về chiến tranh gia tăng.

Bằng cách cung cấp “viện trợ vũ khí sát thương” cho Ukraine, ông Boykin nói rằng đất nước này có “cơ hội tốt hơn để biến xung đột này thành một cuộc chiến đẫm máu đối với người Nga.” Và điều này, ông nói, sẽ “khiến chính người dân Nga phải đặt câu hỏi liệu [một cuộc chiến vì Ukraine] có thực sự đáng không.” Ông nói thêm, mục tiêu là khiến ông Putin đặt câu hỏi về quyết định xâm lược Ukraine của mình mà không điều động quân đội Hoa Kỳ tới chiến trường.

Ông Steiner đồng tình với ý kiến này và nói rằng “việc đánh bại người Nga không phải là vấn đề của quân đội Hoa Kỳ tại thực địa, mà là việc cung cấp các loại hệ thống vũ khí cụ thể khiến kẻ thù của họ vô cùng khó trực tiếp điều động.”

“Cung cấp cho Ukraine từ các biên giới phía tây của họ là một lựa chọn khả thi dựa trên ranh giới tự nhiên của quốc gia này với Ba Lan và các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO),” ông Steiner cho biết.

Cuối cùng ông nói, hy vọng rằng Ukraine sẽ có thể ngăn cản Nga có được chỗ đứng ở quốc gia Đông Âu này theo cách có thể lật đổ chính phủ. Ông Steiner cho hay: “Khả năng của Nga trong việc thắng Ukraine là không có gì phải bàn cãi, nhưng khả năng kiểm soát hiệu quả khu vực sau xung đột của họ có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.”

Theo ông Steiner, một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là “Nga có nên chiếm Ukraine không, liệu họ có thực sự có khả năng quản lý nước này sau đó không?” Cuối cùng, ông nghi ngờ một hành động của Nga để xâm lược Ukraine sẽ “không gì khác hơn là một sự tiêu hao tiền bạc và nhân lực đối với người dân Nga.”

Ông Wurmser đồng tình khi nói rằng “về mặt kinh tế, Nga vốn dĩ không có lợi thế.” Ông cho rằng nếu Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, cuộc khủng hoảng kinh tế nội bộ của Nga sẽ còn trầm trọng hơn nữa. Ông cho biết, “Về lâu dài, nền kinh tế vốn đã trì trệ này có thể dần kiệt quệ giống như cách mà Chiến Tranh Lạnh về căn bản đã chôn vùi họ, đến mức họ không còn khả năng cạnh tranh nữa.”


Một giáo sĩ đi ngang qua hỏa tiễn Zolfaghar, phía trên, và Dezful ở Tehran, Iran, hôm 07/01/2022. (Ảnh: Vahid Salemi/AP Photo)

Israel

Đồng minh thứ ba của Hoa Kỳ, Israel, tiếp tục thấy mình trong tầm ngắm của một Iran có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, một quốc gia không muốn gì hơn ngoài việc xóa sổ đất nước này khỏi trái đất, ông Boykin nói. Ngay cả khi các cuộc đàm phán ở Vienna tiếp tục về việc Iran quay trở lại Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung năm 2015, Thủ tướng Israel Naftali Bennet gần đây đã tuyên bố rằng “chiến lược của Israel [để tự bảo vệ mình] không phụ thuộc vào việc có đạt được thỏa thuận hay không.”

Trong trường hợp Iran tấn công toàn diện nhằm vào Israel trong tương lai, ông Boykin cho biết bắt buộc phải cung cấp “vật tư mới nhất” cho đồng minh vốn đã đáng gờm này của Hoa Kỳ. Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã giúp cung cấp cho Israel các hệ thống vũ khí để chống lại kẻ thù của họ, bắt đầu từ thời Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, ông nói.

Không giống như xung đột Nga-Ukraine, trong tính huống này, ông Boykin cho rằng “việc tham chiến” là một kịch bản có thể được người dân Mỹ chấp nhận. Nhưng quyết định của Hoa Kỳ làm như vậy có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi ai là tổng thống Hoa Kỳ vào thời điểm đó.

Ông Boykin cho biết, nếu người Israel muốn có sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ tại thực địa, khả năng điều đó xảy ra sẽ tăng lên đáng kể khi giới lãnh đạo theo phái bảo tồn truyền thống vốn ủng hộ quốc gia Do Thái này nắm giữ Tòa Bạch Ốc.

Ông Boykin cho biết một cuộc xung đột vì Israel “không nhất thiết phải điều động binh lính”. Ông nói rằng sự hỗ trợ và trợ giúp trên không trong các hoạt động do thám có thể đủ để quốc gia Trung Đông này tự vệ.

Ông Steiner nói: “Các hoạt động hỗ trợ ngay lập tức cho bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Israel và Iran sẽ rất quan trọng đối với thành công của Israel nói chung. Sự hỗ trợ như vậy có thể bao gồm việc điều động quân đội tới các quốc gia chủ chốt trong khu vực như Ả Rập Xê-Út và các quốc gia vùng Vịnh khác.”

Giống như ông Boykin, ông nói, “loại hỗ trợ này nên dựa trên việc cung cấp hỗ trợ phòng thủ trên không của Israel, thu thập thông tin tình báo, cũng như hỗ trợ hậu cần cho việc theo dõi các chiến dịch.”

Ông Wurmser nói rằng việc duy hộ Israel là đặc biệt quan trọng đối với phần còn lại của thế giới. “Sự nổi lên của Israel như một trung tâm đổi mới và tư duy trừu tượng dài hạn về công nghệ đã khiến [đất nước này] có được một tầm quan trọng vượt trội đối với các nền kinh tế mới đang phát triển trên khắp thế giới.” Vì vậy, ông nói, “việc gắn kết Israel với phương Tây và duy trì Israel là một tầm quan trọng quốc gia mang tính căn bản.”

Ông nói thêm rằng “Iran cần rất nhiều tiền để thực hiện một chính sách ngoại giao mạnh mẽ nhằm xây dựng hình ảnh cường quốc.” Các lệnh trừng phạt có thể làm suy yếu Iran theo nhiều cách, bao gồm cả việc hạn chế khả năng chế tạo vũ khí và duy trì các mối đe dọa hạt nhân nhắm vào Israel.

Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.

An Nhiên biên dịch

Related posts