Camera giám sát của Trung Quốc được sử dụng trong 60% cơ quan chính phủ Anh Quốc
Alexander Zhang
Một báo cáo mới đây (pdf) đã tiết lộ, camera giám sát do Trung Quốc sản xuất đang thống trị thị trường nước Anh, trong đó hơn 60% cơ quan chính phủ của nước này đang sử dụng camera do các công ty Trung Quốc là Hikvision và Đại Hoa (Dahua) sản xuất.
Thông qua hơn 4,500 bản yêu cầu Tự do Thông tin gửi tới các cơ quan chính phủ, lực lượng cảnh sát, trường đại học, trường học và bệnh viện tại Anh Quốc, nhóm tự do dân sự Big Brother Watch đã phát hiện rằng có khoảng 2,800 cơ quan công quyền, hay 60.8% tổng số cơ quan chính phủ, có thể đang sử dụng thiết bị giám sát do hai công ty gây tranh cãi này của Trung Quốc sản xuất.
Hikvision và Đại Hoa là hai nhà sản xuất camera giám sát hàng đầu thế giới, đã bị Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Cả hai công ty này đều do Trung Cộng kiểm soát, được biết là cung cấp thiết bị giám sát được sử dụng để nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và người dân các dân tộc thiểu số khác tại khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Nhóm Big Brother Watch cho biết có “các vấn đề nghiêm trọng về quyền riêng tư, pháp lý, và đạo đức khi các công ty ngoại quốc tham gia vào cuộc đàn áp sắc tộc lại đang giám sát các con phố của Anh Quốc.”
Theo những phát hiện trong báo cáo này, 34.9% lực lượng cảnh sát Anh, 73.2% chính quyền địa phương, và 60.3% Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) sử dụng thiết bị giám sát do Trung Quốc sản xuất.
Ngoài ra, 53.8% cơ quan giáo dục đại học và 63.4% trường học sử dụng thiết bị giám sát do Trung Quốc sản xuất.
Nhiều camera có khả năng giám sát nâng cao từ phát hiện đối tượng, phân tích hành vi đến nhận dạng khuôn mặt, trở thành tiêu chuẩn đối với nhiều mẫu camera mới của Hikvision và Đại Hoa.
Ít nhất 40 trường học đã phản hồi nghiên cứu về khả năng nhận dạng khuôn mặt trong thiết bị camera quan sát của họ, hầu hết nói rằng nó không hoạt động.
Tại 14 trường học, camera do Trung Quốc sản xuất có khả năng phát hiện nhân khẩu học, phát hiện tuổi và giới tính của mọi người.
Một quỹ giáo dục đang điều hành nhiều trường học, tiết lộ rằng camera giám sát của họ có khả năng phát hiện gương mặt với khẩu trang và theo dõi việc di chuyển của mọi người, đồng thời một số camera quan sát của họ có thể sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để nhận diện một vụ ẩu đả.
Nhóm Big Brother Watch cho biết thêm, “Những lo ngại về nhân quyền, rủi ro an ninh, và việc bình thường hóa công nghệ camera tiên tiến khiến việc Hikvision và Đại Hoa tiếp quản hệ thống CCTV của Anh là điều đặc biệt đáng báo động.”
“Nếu những chiếc máy quay này được sử dụng để ghi hình và bức hại người dân tộc thiểu số ở hải ngoại, thì những kẻ xấu có thể lợi dụng các thiết bị đó để làm gì ở quê hương của họ?”
Bình luận về báo cáo, nghị sĩ cao cấp của Đảng Bảo Thủ David Davis gọi những tiết lộ này là “gây kinh hãi”.
Ông viết trên Twitter như sau, “Công nghệ liên quan chặt chẽ đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ không nên được sử dụng ở Anh Quốc. Việc sử dụng rộng rãi hệ thống camera quan sát của Hikvision và Đại Hoa ở Anh Quốc gây ra những rủi ro nghiêm trọng về nhân quyền và bảo mật.”
Vào tháng 07/2021, Ủy ban Ngoại giao tại Hạ viện đã kêu gọi cấm các sản phẩm của Hikvision và Đại Hoa ở Anh Quốc. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã không tán thành khuyến nghị trên.
Thu Anh biên dịch
13 triệu người đối mặt với nạn đói nghiêm trọng ở vùng Sừng Phi Châu
KAMPALA, Uganda — Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc, ước tính tình trạng hạn hán đã khiến cho khoảng 13 triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng ở vùng Sừng Phi Châu (hay vùng Đông Bắc Phi).
Hôm thứ Ba (08/02), cơ quan này đưa tin người dân ở khu vực gồm Somalia, Ethiopia, và Kenya đều phải đối mặt với điều kiện thời tiết khô hạn kỷ lục kể từ năm 1981, đồng thời kêu gọi hỗ trợ ngay lập tức để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.
Tình trạng hạn hán đang ảnh hưởng đến các cộng đồng chăn nuôi và trồng trọt trên khắp miền nam và đông nam Ethiopia, đông nam và bắc Kenya, và trung nam Somalia. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trong khu vực này đang ở mức cao.
WFP cho biết họ cần 327 triệu USD để chăm lo cho các nhu cầu cấp thiết của 4.5 triệu người trong sáu tháng tới và giúp các cộng đồng có khả năng chống chịu tốt hơn trước những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt.
WFP cho biết “Ba năm liên tiếp không có mùa mưa đã làm tàn lụi mùa màng và khiến gia súc chết nhiều bất thường. Tình trạng thiếu nguồn nước và đồng cỏ lụi tàn buộc các gia đình phải rời bỏ nhà cửa đồng thời khiến gia tăng xung đột giữa các cộng đồng.”
WFP cho biết nhiều dự báo về lượng mưa dưới mức trung bình có nguy cơ làm cho tình trạng tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Những người khác đã lên tiếng báo động về một khu vực mong manh cũng đang đối mặt với bạo lực vũ trang lẻ tẻ.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em cho biết vào đầu tháng Hai rằng, dự kiến sẽ có hơn 6 triệu người ở Ethiopia cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp vào giữa tháng Ba. Theo Tổ chức phi chính phủ Somalia, có hơn 7 triệu người cần được giúp đỡ khẩn cấp tại Somalia.
Tịnh Nhi biên dịch
VĐV Olympic của Đức sẽ bình luận về Trung Quốc sau khi về nước
Thanh Trúc
Hôm thứ Tư (9/2), Natalie Geisenberger, vận động viên Đức giành huy chương vàng Olympic mùa đông Bắc Kinh cho biết cô sẽ chỉ đưa ra bình luận về chính quyền Trung Quốc sau khi trở về nhà.
Nữ vận động viên 34 tuổi này đã chỉ trích gay gắt chính quyền Trung Quốc trước Thế vận hội Bắc Kinh. Vào tháng 11/2021, cô chỉ trích các vụ xét nghiệm ở Trung Quốc và thời điểm đó cô chưa quyết định sẽ đến Bắc Kinh.
Khi được hỏi liệu cô có ngạc nhiên khi vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa được nêu ra tại Thế vận hội hay không, cô Geisenberger nói rằng việc lên tiếng là vấn đề thời gian.
Cô nói: “Bạn phải cẩn thận khi nói điều gì và nói ở đâu. Khi tôi trở về Đức, có thể có một vài điều phải nói nhưng tại đây, tôi sẽ không nói điều gì đó”.
Quyền lên tiếng của vận động viên tại Thế vận hội là một vấn đề được quan tâm, cho đến nay chưa có vận động viên nào nêu ra bất kỳ vấn đề chính trị nào trong Thế vận hội. Vào tháng một, một quan chức trong ủy ban tổ chức Thế vận hội của Trung Quốc đã cảnh báo các vận động viên nước ngoài không được bình luận về Trung Quốc trong Thế vận hội Mùa đông và bất kỳ hành vi nào vi phạm các quy định của chính quyền Trung Quốc đều có thể khiến họ bị loại khỏi Thế vận hội.
Theo luật của Olympic, các vận động viên có thể nêu các vấn đề chính trị hoặc xã hội trong các cuộc họp báo của họ với điều kiện không được gây rối hoặc thiếu tôn trọng các đối thủ khác.
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ thông báo về mối đe dọa khủng bố tăng cao
Jack Phillips
Hôm 07/02, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã thông báo về một mối đe dọa khủng bố tăng cao do “những tường thuật giả dối và sai lệch,” thông tin sai lệch, và “thuyết âm mưu”.
Thông cáo của DHS cho biết, “Hoa Kỳ hiện thời vẫn ở trong một bầu không khí đe dọa tăng cao được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm môi trường trực tuyến chứa đầy những lời tường thuật giả dối hoặc sai lệch và thuyết âm mưu, và các dạng thông tin sai lệch và độc hại khác được giới thiệu và/hoặc khuếch đại bởi tác nhân đe dọa ngoại quốc và tác nhân trong nước.”
Cơ quan này không cho biết trách nhiệm mà tác nhân ngoại quốc hay tác nhân trong nước phải chịu đối với [hành động] được cho là phổ biến thông tin sai lệch hoặc thông tin đánh lạc hướng sẽ là gì.
DHS cho biết thêm, “Các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt và các hành động bạo lực có chủ đích khác được thực hiện bởi những kẻ phạm tội đơn độc và các nhóm nhỏ đang hoạt động nhằm thúc đẩy niềm tin ý thức hệ và/hoặc những bất bình cá nhân gây ra một mối đe dọa liên tục cho quốc gia,” và nói thêm rằng một số cá nhân đang tìm cách “gieo rắc bất hòa hoặc làm suy yếu lòng tin của công chúng đối với các thể chế của chính phủ Hoa Kỳ.”
Bản thông cáo này cho là một số cá nhân đang kêu gọi bạo lực nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu, các tổ chức dựa trên tín ngưỡng như nhà thờ hoặc giáo đường Do Thái, trường đại học, nhân viên hoặc các cơ quan chính phủ, và các mục tiêu khác.
Một ví dụ về các tác nhân chính được cho là góp phần vào môi trường đe dọa ngày càng cao này, DHS cho biết có những câu chuyện sai lệch xung quanh COVID-19 và tuyên bố rằng một số cá nhân đã lợi dụng các lệnh bắt buộc hoặc các loại vaccine về COVID-19 để thực hiện các cuộc tấn công kể từ năm 2020. Cơ quan này đã không đi vào chi tiết hoặc cung cấp thêm bằng chứng cho các cáo buộc của mình. DHS cũng liệt kê các tuyên bố trực tuyến về gian lận bầu cử với tư cách là người đóng góp, nhưng họ cũng không cung cấp thêm chi tiết hoặc bằng chứng.
Cơ quan này cho biết “các tổ chức khủng bố ngoại quốc và các tác nhân đe dọa trong nước tiếp tục khuếch đại các câu chuyện sai sự thật hoặc gây hiểu lầm trên mạng để gây bất hòa và làm suy yếu lòng tin của công chúng đối với các tổ chức chính phủ.” Họ cho hay những kẻ bạo lực cực đoan, bao gồm cả cá nhân gần đây đã tiến hành một cuộc tấn công nhắm vào giáo đường Do Thái ở Texas, làm nổi bật “mối đe dọa bạo lực đang tiếp diễn dựa trên những động cơ về chủng tộc hay tôn giáo, cũng như các mối đe dọa nhằm vào các tổ chức dựa trên tín ngưỡng.”
Thông cáo này cho biết, nhóm khủng bố ISIS và các chi nhánh của nhóm này “có thể đưa ra những lời kêu gọi công khai trả đũa vì cuộc tấn công ám sát thủ lĩnh ISIS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi gần đây.” Tuần trước, chính phủ Tổng thống Biden thông báo rằng al-Qurayshi đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích ở miền bắc Syria.
Bản thông cáo cũng lưu ý về những mối đe dọa gần đây được cho là nhằm vào các trường cao đẳng và đại học của người Mỹ gốc Phi Châu trên khắp Hoa Kỳ.
Thông cáo này tiếp tục: “Những kẻ cực đoan bạo lực trong nước cũng coi các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ như là một phương tiện để tạo ra hỗn loạn và thúc đẩy các mục tiêu ý thức hệ, và gần đây đã tham vọng phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng về điện và truyền thông của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc truyền bá những câu chuyện sai lệch hoặc gây hiểu lầm về công nghệ di động 5G.”
DHS cho biết cảnh báo về mối đe dọa tăng cao này sẽ hết hạn vào ngày 07/06/2022.
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
Thu Anh biên dịch
Bộ Thương mại Hoa Kỳ thêm 33 công ty Trung Quốc vào danh sách chưa xác nhận
Frank Fang
Hôm 07/02, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo họ đã đưa 33 công ty Trung Quốc vào danh sách ‘gắn cờ đỏ’ chưa xác minh, cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ rằng họ nên cẩn trọng hơn khi làm ăn với các công ty trong danh sách này.
Theo một thông tri (pdf) đăng trên Federal Register, phần lớn các công ty bị gắn cờ là các công ty điện tử, nhưng danh sách này cũng bao gồm một công ty quang học, một công ty cánh tuabin, một phòng thí nghiệm của trường đại học do nhà nước điều hành, và một khoa của trường đại học.
Danh sách cờ đỏ này có tên gọi chính thức là “Danh sách Chưa xác minh”, có nghĩa là giới chức Hoa Kỳ không thể xác minh tính hợp pháp của các công ty này. Ngoài ra, các công ty Hoa Kỳ không còn có thể sử dụng các ngoại lệ về giấy phép để xuất cảng hàng hóa cho bất kỳ công ty nào trong danh sách này mà thay vào đó, họ sẽ cần phải có giấy phép mới.
“Khả năng xác minh tính hợp pháp và độ tin cậy của các bên ngoại quốc nhận hàng xuất cảng của Hoa Kỳ thông qua việc hoàn thành kịp thời các xác thực về bên sử dụng cuối (end-use check) là nguyên tắc cốt lõi của hệ thống kiểm soát xuất cảng của chúng tôi,” ông Matthew Axelrod, phụ tá bộ trưởng thực thi xuất cảng tại Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại, cho biết trong tuyên bố ngày 07/02 (pdf).
Ông Axelrod nói thêm rằng việc bổ sung 33 công ty có trụ sở tại Trung Quốc này “sẽ hỗ trợ các nhà xuất cảng của Hoa Kỳ tiến hành thẩm định và đánh giá rủi ro giao dịch, đồng thời báo hiệu cho chính phủ CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] về tầm quan trọng của sự hợp tác của họ trong việc sắp xếp thời gian cho việc xác thực bên sử dụng cuối.”
Thông báo của bộ được đưa ra một tuần sau khi Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo rằng “không quốc gia nào đặt ra mối đe dọa lớn hơn đối với các ý tưởng, sự đổi mới, và an ninh kinh tế của chúng ta hơn Trung Quốc.”
Ông Wray cũng nói rằng Cục Điều tra Liên bang của ông đang tiến hành hơn 2,000 cuộc điều tra tập trung vào nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cố gắng đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ, đồng thời cục này “cứ khoảng 12 giờ lại mở các vụ án mới để chống lại các hoạt động tình báo của Trung Quốc.”
Bộ Thương mại tiến hành kiểm tra một số công ty ngoại quốc mua hàng từ Hoa Kỳ để bảo đảm họ là doanh nghiệp hợp pháp và các sản phẩm đã mua của họ đang được sử dụng cho các mục đích đã nêu từ trước. Đó là một mối quan tâm đặc biệt ở Trung Quốc, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang khai triển một chiến lược gọi là “hợp nhất quân sự-dân sự” (MCF) để chuyển hướng công nghệ thương mại nhằm thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của mình.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng hành vi trộm cắp là một phần trong chiến lược MCF của nhà cầm quyền cộng sản.
Đây không phải là lần đầu tiên các công ty Trung Quốc được thêm vào “Danh sách Chưa xác minh”. Tháng 04/2019, 37 công ty cũng như trường học Trung Quốc và sáu tổ chức ở Hồng Kông đã được bổ sung vào bản danh sách này.
Một tổ chức mới được gắn cờ là Phòng thí nghiệm Trọng điểm Nhà nước về Cảm biến hóa học/sinh học và Hóa trắc học (State Key Lab of Chemo/Biosensing and Chemometrics) tại Đại học Hồ Nam, Trung Quốc. Theo một báo cáo năm 2019 (pdf) của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), trường này được Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc giám sát, là nơi đặt hai trong số các phòng thí nghiệm quốc phòng của nước này.
Báo cáo này dẫn chứng một ví dụ ở Đại học Hồ Nam — nơi một nhà khoa học dữ liệu lớn từng là chuyên gia được bổ nhiệm đặc biệt cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc — về cách bộ này có thể tận dụng “các trường đại học dân sự để đào tạo, nghiên cứu, tư vấn kỹ thuật và có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động gián điệp mạng.”
Khoa Kỹ thuật Cơ khí và Năng lượng tại Đại học Khoa học Công nghệ Nam Phương của Trung Quốc (SUSTech), hôm thứ Hai vừa qua (07/02) cũng được bổ sung vào danh sách này. Hồi tháng Sáu năm ngoái (2021), trang web của trường đại học này đã báo cáo rằng ông Từ Thiếu Lâm, một giáo sư tại khoa, đã được chọn làm bí thư đảng bộ của khoa này.
Tháng 09/2021, SUSTech đã loan báo trên mạng xã hội rằng trường Cao đẳng Kỹ thuật của trường đại học này đã tổ chức một cuộc họp ban chấp hành Đảng bộ. Trong cuộc họp, ông Uông Hoành, Bí thư Đảng bộ của trường cao đẳng này đã nói rằng sự phát triển của trường đại học phải được “thúc đẩy bởi việc xây dựng chính trị Đảng”.
Bên cạnh “Danh sách Chưa xác minh”, Bộ Thương mại hiện đang duy trì hai danh sách đen thương mại — “Danh sách Tổ chức” và “Danh sách Người dùng Quân sự Đầu cuối” — để cảnh báo các nhà xuất cảng Hoa Kỳ.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân biên dịch