Ông Biden thảo luận với Quốc vương Ả Rập Xê út về vấn đề năng lượng

Thanh Đoàn

Ông Biden thảo luận với Quốc vương Ả Rập Xê út về vấn đề năng lượng, Iran và Yemen
Tổng thống Joe Biden phát biểu khi gặp các thành viên trong chính quyền của mình tại Nhà Trắng ở Washington vào ngày 24/1/2022. (Ảnh Getty Images)

Trong bối cảnh giá dầu leo thang, các đề nghị của Mỹ với OPEC về việc tăng sản lượng bị phớt lờ cũng như các rủi ro hỗn loạn ở Trung Đông gia tăng chỉ sau hơn một năm ông Biden bước chân vào Nhà Trắng, ông Biden hiện có thảo luận với Quốc vương Ả Rập Xê út về nguồn cung cấp năng lượng cũng như các điểm nóng Trung Đông như Iran và Yemen. Việc thảo luận về nguồn cung cấp dầu lúc này trở nên thiết yếu vì giá dầu càng tăng, sức chiến đấu và mặc cả của Nga càng lớn…

Theo nguồn tin từ Reuters, hôm qua (9/2/2022) Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út đã điện đàm về nguồn cung cấp năng lượng trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, những diễn biến ở Trung Đông đang trở nên tiêu cực hơn; bao gồm các vấn đề của Iran và Yemen.

“Hai nhà lãnh đạo cam kết đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng toàn cầu”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

Quốc vương Salman, người đứng đầu quốc gia có sản lượng sản xuất dầu thô lớn nhất trong khối OPEC, nói về việc duy trì cân bằng và ổn định giá cả trên thị trường xăng dầu, theo truyền thông nhà nước Ả Rập Xê Út.

Tuy vậy, Quốc vương cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thỏa thuận cung cấp mà OPEC có với các đồng minh bao gồm Nga, một nhóm được gọi là OPEC +.

Tuần trước, OPEC + đã đồng ý duy trì mức tăng vừa phải trong sản lượng dầu của mình. Động thái này giúp giá dầu giảm nhẹ 0,61% trong tuần, nhưng hiện vẫn tăng gần 12% trong tháng và đã tăng tới 54,05% so cùng kỳ năm 2021.

Thực tế, OPEC+ đã phớt lờ rất nhiều lời kêu gọi của ông Biden về việc tăng sản lượng dầu khí để duy trì mức giá dầu ổn định trong suốt năm 2021. Sau khi không thể thúc đẩy được OPEC+, vốn gần gũi hơn với Nga, ông Biden đã phải tuyên bố sử dụng kho dự trữ dầu cuộc gia để đối đầu với chính sách sản lượng của OPEC+; một số đông minh của Mỹ cũng lập tức ủng hộ kế sách này. Tuy nhiên, giá dầu chỉ giảm tạm thời trong ngắn hạn như dự báo của các chuyên gia trước đó.

Tuy nhiên, đây không thể là kế sách lâu dài của Mỹ, nó cho thấy Mỹ đang lúng túng với vấn đề sản lượng và giá cả dầu khí trong bối cảnh ngành khai thác dầu của Mỹ đang khốn đốn vì chính sách chống biến đổi khí hậu quá nhiệt thành của Nhà Trắng. Giá dầu càng cao, ngoại tệ chảy về Nga càng lớn và các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU, nếu có, đều sẽ không tác động tiêu cực đủ mức (ở ngắn và trung hạn) lên nền kinh tế Nga.

Các nhà phân tích cho biết, giá dầu thô toàn cầu, đã tăng khoảng 20% ​​kể từ đầu năm nay, có khả năng vượt 100 USD/thùng do nhu cầu từ biến thể Omicron của coronavirus giảm hơn dự kiến.

Giá dầu cao là một rủi ro đối với chính quyền Biden trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 tới đây, trong đó các đảng viên Đảng Dân chủ của ông sẽ bảo vệ đa số mỏng trong Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ.

Một nguồn tin của Hoa Kỳ quen thuộc với cuộc điện đàm cho Reuters biết, “Ả Rập Xê Út trong lịch sử đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thị trường năng lượng toàn cầu được cung cấp đầy đủ để hỗ trợ các nền kinh tế mạnh mẽ và có khả năng phục hồi”.

“Tổng thống lưu ý rằng đó là điều đặc biệt quan trọng hiện nay, trong thời điểm bất ổn địa chính trị và phục hồi toàn cầu”, nguồn tin giấu tên cho biết.

Giá dầu mỏ tăng cũng được hỗ trợ bởi tình hình căng thẳng ở Ukraine khi Nga điều hơn 100.000 quân tới biên giới của mình.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong tuần này, chính quyền đã phối hợp với các đồng minh và đối tác “cách tốt nhất để chia sẻ nguồn dự trữ năng lượng trong trường hợp Nga ngừng cung cấp dầu khi cho Châu Âu hoặc bắt đầu một cuộc xung đột làm gián đoạn dòng khí đốt qua Ukraine”.

Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm, ông Biden cũng lặp lại cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ Ả Rập Xê-út tự vệ trước các cuộc tấn công của nhóm Houthi liên kết với Iran ở Yemen.

Ông Biden cũng thông báo ngắn gọn với Quốc vương Salman về các cuộc đàm phán quốc tế nhằm “tái thiết lập các ràng buộc đối với chương trình hạt nhân của Iran”, dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng.

Xung đột ở Yemen phần lớn được coi là cuộc chiến giữa Ả Rập Xê-út và Iran. Nhóm vũ trang Houthis, người đã lật đổ chính phủ khỏi thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014, nói rằng họ đang chống lại một hệ thống tham nhũng và sự xâm lược của nước ngoài.

Quốc vương Salman nói với ông Biden rằng Ả Rập Xê-út muốn có một “giải pháp chính trị” ở Yemen”.

Thanh Đoàn

Related posts