Barbara Kay
Thế vận hội Mùa Đông, được một số người mệnh danh là “Thế vận hội diệt chủng”, hiện đang diễn ra tại Bắc Kinh, với 91 quốc gia tham dự.
Tôi thường cố gắng tránh cường điệu, nhưng tâm trí tôi cứ quay trở lại Thế vận hội Olympic 1936 ở Berlin, khi lần đầu tiên trong lịch sử Olympic một cuộc tẩy chay đã được đề xướng trên cơ sở vi phạm nhân quyền, nhưng đã không được thực hiện. Hitler đã lý giải việc quốc tế phản đối cuộc tẩy chay như một biểu hiện cho thấy cuộc đàn áp người Do Thái và các chính sách bành trướng của ông ta sẽ được dung thứ nếu ông ta đẩy nhanh chúng sau Thế vận hội đó. Ông ta đã đúng.
Một số đồng nghiệp của tôi dường như có tâm trạng ảm đạm không kém. Các tác giả cộng tác với Epoch Times là Lawrence Solomon và Patricia Adams gần đây đã ghi lại quan sát của họ trong các bài viết trên tờ báo này rằng mặc dù Thế vận hội hiện đại có tiền đề về mặt lịch sử dựa trên các giá trị về “sự ưu việt, lòng tôn trọng [và] tình hữu nghị,” thế nhưng các biện pháp cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tạo ra một sự nhạo báng đối với cả ba giá trị trên, trong quá trình dàn dựng “Thế vận hội rùng rợn nhất trong lịch sử” này.
Đã gần 14 năm kể từ lần cuối cùng Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội vào năm 2008. Khi đó, ĐCSTQ thậm chí còn là một chế độ độc tài toàn trị công khai, tham lam, cũng như không quan tâm đến nhân quyền và thẳng tay đàn áp các dân tộc thiểu số của mình. Pháp Luân Công, các tín hữu Cơ Đốc, và người Tây Tạng lúc đó đều đang cảm nhận được đòn roi tàn bạo của ĐCSTQ. Nhưng ĐCSTQ cảm thấy đã đến lượt mình tổ chức Thế vận hội. “Thế vận hội Olympic thuộc về toàn thế giới,” một quan chức Trung Quốc lên tiếng. “Việc Thế vận hội vẫn chưa được tổ chức tại Trung Quốc là một thất bại của phong trào Olympic.” Như vậy suy ra, một phong trào Olympic thành công theo quan điểm của ĐCSTQ là một phong trào đề cao sức mạnh thể chất nhưng hoàn toàn không có bất kỳ giá trị hay nguyên tắc ràng buộc nào.
Trong nhiều năm, thế giới đã chứng kiến người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị thanh lọc sắc tộc một cách từ từ thông qua việc giam giữ trong các trại cải tạo, cưỡng bức phá thai, và triệt sản. Một chương trình của chính quyền liên quan đến cưỡng gian hàng loạt đã để các cán bộ Đảng sống chung với các gia đình người Duy Ngô Nhĩ nhằm tăng tốc độ đồng hóa. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định rằng nếu kết hợp những sự việc đó với nhau, thì các chính sách này tương đương với tội ác diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại. Nhưng nếu ngay cả tội ác diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại cũng không đủ để khởi phát hành động có ý nghĩa, phi bạo lực, khiến cho những thủ phạm phải xấu hổ, thì tuyên bố này có tác dụng gì ngoài việc chỉ đưa ra những định nghĩa như vậy và/hoặc thừa nhận sự bất lực của phương Tây?
Không có khán giả tham dự và tất cả các phương tiện truyền thông đều bị kiểm soát chặt chẽ, và ngay cả việc Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, trong đó có Canada, tẩy chay ngoại giao Thế vận hội cũng chỉ là một hành động chỉ trích yếu ớt, vì Tổng thư ký ngu ngốc của Liên Hiệp Quốc, ông António Guterres, đã ở đó để hợp pháp hóa Thế vận hội thay mặt cho tất cả các chính phủ trên toàn thế giới.
Thậm chí ĐCSTQ có còn chút hổ thẹn nào không trước sự hắt hủi từ những người như ông Justin Trudeau? Làm sao mà chúng ta biết được? Những kẻ tàn nhẫn này không bao giờ đỏ mặt. Thay vì thế, đáp lại những lời chỉ trích của ngoại quốc, phương pháp mặc định của họ là tăng cường tuyên truyền gấp bội. Hàng ngàn người phương Tây có ảnh hưởng trên mạng xã hội TikTok và Instagram đã được tuyển dụng để tuyên truyền những câu chuyện mang tính tích cực cho Trung Quốc trong suốt Thế vận hội này. Truyền thông Trung Quốc đã “ồ ạt tung ra những câu chuyện về những đứa trẻ người Duy Ngô Nhĩ vui vẻ tham gia các môn thể thao trên tuyết” để quảng bá cho Thế vận hội. Việc tẩy chay đầu tư có lẽ sẽ có tác động, nhưng các nhà tài trợ doanh nghiệp như NBC và Coca-Cola — rất nhiệt tình quảng bá chứng chỉ thức tỉnh của họ tại quê nhà — đã không ngủ quên dù chỉ một phút trong sự thông đồng của họ khi phục vụ cho các lợi ích của chế độ tàn ác này.
Nhìn vào lòng tự tôn dân tộc bị tự thổi phồng lên dữ dội của chúng ta thông qua việc lạm dụng các trường nội trú dành cho người bản địa (Indian Residential School, IRS) đã đóng cửa từ lâu của Canada, người ta có thể cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta sẽ đặc biệt nhạy cảm trước viễn cảnh cộng tác với một quốc gia hiện đang nhiệt tình tiến hành một hoạt động tương tự. Những đứa trẻ Duy Ngô Nhĩ có cha mẹ trong các trại cải tạo lao động đã bị ép vào các trường nội trú ở Tân Cương. Và, theo một báo cáo hồi tháng 12/2021 của Viện Hành động Tây Tạng (Tibet Action Institute), có khoảng 800,000 trẻ em Tây Tạng – gần 80% dân số Tây Tạng từ 6 đến 18 tuổi – hiện đang theo học tại các trường nội trú thuộc địa, mặc dù có tính chất cưỡng chế hơn rất nhiều, giống như các trường IRS của Canada. Các trường học kiểu này đã bị tố cáo ở Canada, nhưng điều đó dường như không làm dấy lên sự phẫn nộ mà người ta mong đợi từ các chuyên gia cánh tả bị ám ảnh về những tội ác thực dân của Canada.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) có một bộ quy tắc đạo đức nghiêm ngặt khi nói về nhân quyền. IOC cấm Nam Phi cử các tuyển thủ tham dự Thế vận hội năm 1964 và các kỳ Thế vận hội tiếp theo vì các quy định của tổ chức này yêu cầu phải bảo vệ những người tham dự bị ảnh hưởng bởi các vi phạm nhân quyền, đây là tình trạng của các vận động viên thời kỳ phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, nếu nước chủ nhà vi phạm nhân quyền đối với người dân của chính họ, nhưng lại miễn cho các vận động viên Olympic của họ khỏi những hạn chế tương tự, thì IOC lại tự cho phép bản thân làm ngơ. Chỉ khi nước chủ nhà tuân thủ lằn ranh đỏ của IOC thì trò chơi chính trị này mới có thể thành công. Bằng cách vượt qua lằn ranh đó, Bắc Kinh đang công khai xúc phạm IOC.
Nhà nhân chủng học và giáo sư khoa học xã hội John MacAloon của Đại học Chicago đã nghiên cứu Thế vận hội trong nhiều thập niên, đặc biệt chuyên về quan hệ quốc tế, ngoại giao văn hóa, và nhân quyền. Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã mô tả Olympic Bắc Kinh là “chưa từng có tiền lệ” khi mà quyền tự do ngôn luận của các vận động viên đang bị kiểm soát chặt chẽ.
Việc kiểm duyệt các vận động viên trái với “Quy tắc 50” của chính IOC, được đưa vào Hiến chương Olympic vào năm 1975. Quy tắc 50 cấm các vận động viên tham gia “biểu tình” và “tuyên truyền”, bao gồm biểu tình trong chính cuộc thi, trên bục nhận giải hoặc trong các lễ khai mạc; nhưng quy tắc này không cấm tự do ngôn luận trong các bối cảnh khác, chẳng hạn như khi giao tiếp với các ký giả hoặc đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội của riêng họ. Chính quyền Trung Quốc đã nói với các vận động viên rằng họ sẽ đối mặt với “sự trừng phạt nhất định” nếu họ hành động, phát ngôn, hoặc biểu tình theo cách xúc phạm luật pháp và chính quyền, kể cả những gì họ nói với các ký giả và trên mạng xã hội. “Chuyện như thế này chưa từng xảy ra trước đây,” ông MacAloon nói. “Đó là điều hoàn toàn chưa từng có tiền lệ trong 50 năm chuyên ngành dân tộc học của tôi với tư cách là nhà nhân chủng học của Thế vận hội Olympic.”
Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ Thế vận hội Berlin. Đến năm 1936, mọi người đều đã hiểu Đức Quốc Xã là vấn nạn đối với Âu Châu, và lý do tại sao. Nhưng, công bằng mà nói đối với những người lạc quan, không ai có thể nói trước được mức độ khủng khiếp của thảm họa sắp xảy ra. Và về mặt tích cực, đó là một ngày tuyệt vời đối với thể thao khi Jesse Owens, Ralph Metcalfe, và các vận động viên gốc Phi Châu khác đã thể hiện khí phách của họ với Đức và thế giới, khiến nước chủ nhà phân biệt chủng tộc của họ bị bẽ mặt trong một thời khắc ngắn ngủi.
Tuy nhiên ngày nay, chúng ta đã đang trực tiếp chứng kiến thảm họa diễn ra trên đất Trung Quốc trong thời gian thực. Chúng ta biết được vị trí của các trại tập trung. Chúng ta biết nơi các thi thể được chôn cất. Chúng ta biết tên các nạn nhân của họ và nơi những người này bị giam cầm. Chúng ta biết được các ý đồ bành trướng của họ. ĐCSTQ sẽ làm gì với món quà mà chúng ta đã trao cho họ? Bất cứ điều gì họ muốn, khi mà giờ đây họ đã kiểm tra xong kim chỉ nam cho luân lý của chúng ta và nhận thấy rằng nó không được đặt theo hướng bắc đích thực, thì họ sẽ chỉ tăng cường những hành vi tàn bạo đó “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”.
Bà Barbara Kay là một tác giả chuyên mục thường xuyên viết cho National Post từ năm 2003, đồng thời là tác giả chuyên mục cao cấp của Western Standard, và cũng viết cho các ấn phẩm khác. Tác phẩm mới nhất của bà là cuốn sách “Unsporting: How Trans Activism and Science Denial are Destroying Sport” (“Phi Thể Thao: Cách Việc Vận Động Chuyển Giới và Phủ Định Khoa Học đang Phá Hoại Thể Thao”), nơi bà là đồng tác giả với bà Linda Blade.
Thanh Ân biên dịch