Đông Phương
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, khác với thế hệ ông cha, người trẻ Trung Quốc hiện nay không còn chấp nhất vào việc phải làm trong đơn vị hay tổ chức, mà họ theo đuổi những công việc “phù hợp với sở thích và chuyên môn” hơn. Tuyên bố này đã bị nhiều người chỉ trích. Vì trước tình hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc, do rất khó để tìm được việc làm nên “việc làm linh hoạt” thực sự là một lựa chọn bất đắc dĩ.
“Việc làm linh hoạt” (flexible employment) là một cụm từ phổ biến xuất hiện trong các chính sách của chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây. Chủ yếu là chỉ những lao động bán thời gian, có thể là nhân viên giao đồ ăn, tài xế công nghệ hay người bán rong trên phố…
Tính “linh hoạt” này nằm ở chỗ, nó tự do hơn so với mô hình việc làm truyền thống về giờ làm việc, thù lao thu nhập, nơi làm việc, quyền lợi bảo hiểm, v.v. Vậy nên, đối với những lao động phổ thông ở Trung Quốc đại lục, “việc làm linh hoạt” thực chất là việc làm tự do (Freelancer). Do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), Trung Quốc liên tục có báo cáo về việc cắt giảm lương, thậm chí sa thải nhân sự trong hai năm qua. Nhiều người buộc phải chuyển sang làm các công việc tự do như tài xế công nghệ, người giao hàng (shipper). Do đó, “việc làm linh hoạt” cũng được coi là cụm từ mà chính quyền dùng để tô vẽ cho trạng thái “thất nghiệp”.
Bài báo vô tình đánh trúng điểm nhức nhối của không ít cư dân mạng đại lục
Giới chức Trung Quốc gần đây đã đăng một bài báo có tiêu đề “Người trẻ lựa chọn việc làm linh hoạt, không cần phải lo lắng quá nhiều” trên trang Mạng Quang minh (Guangming Online). Bài báo chỉ ra rằng, việc làm linh hoạt đã trở thành một “lựa chọn việc làm mới” cho những người trẻ tuổi. Khác với thế hệ ông cha, người trẻ Trung Quốc hiện nay không còn chấp nhất vào việc phải làm trong đơn vị hay tổ chức, mà họ theo đuổi những công việc “phù hợp với sở thích và chuyên môn” hơn, hưởng thụ sự tự do của công việc cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn.
Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA), lời chỉ trích phổ biến nhất từ cư dân mạng là, dường như truyền thông nhà nước Trung Quốc đang muốn sử dụng bài báo này để hợp lý hóa tình trạng “việc làm linh hoạt” của những người trẻ tuổi không tìm được việc.
Người trẻ bất đắc dĩ lựa chọn việc làm linh hoạt vì khó tìm việc?
Cư dân mạng Trung Quốc đã trích dẫn dữ liệu của chính quyền và chỉ ra rằng, vào tháng 7/2021, khi lứa học sinh, sinh viên tốt nghiệp cấp 3 và đại học mới nhất ra khỏi trường, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi cao tới 16%. Con số này cho thấy, sau khi tốt nghiệp, nhóm người này gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, thanh niên nông thôn cũng khó tìm được việc làm ở thành phố. Do đó, ngày càng có nhiều người chọn những “việc làm linh hoạt”, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đồng thời, theo khảo sát của các công ty môi giới nhân lực Trung Quốc, trong các vị trí “việc làm linh hoạt” được cung cấp trong năm 2021, “lao động phổ thông” sẽ chiếm khoảng 45%, bao gồm công nhân xây dựng, nhân viên ngành dịch vụ, nhân viên dọn dẹp, nhân viên an ninh, giúp việc, v.v.
Phân tích chỉ ra rằng, “việc làm linh hoạt” phản ánh hiện thực tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Bài báo trên truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, “việc làm linh hoạt là sự lựa chọn chủ động”, đây thực sự là sự lựa chọn chủ động trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Trước hiện trạng kinh tế Trung Quốc không mấy lạc quan, những câu từ như “sự lựa chọn chủ động” hay “không cần phải lo lắng quá” trong bài báo đã làm dấy lên sự giận dữ từ công chúng.
Đông Phương
Theo Vision Times