Những đóng góp nghiên cứu của người Việt tại Úc – hướng tới cộng đồng và xã hội.
Mai Đắc Lộc
Cộng đồng người Việt tại Úc được biết đến với nhiều đóng góp cho cộng đồng tại địa phương cũng như quốc gia Úc. Kể đến không thể thiếu những đóng góp về Văn hóa, Xã hội và Khoa học. Bài viết này xin giới thiệu một vài đóng góp nghiên cứu của Mai Đắc Lộc, phó giảng viên khoa Tâm lý, Tham vấn và Trị liệu, trường Đại học La Trobe, bang Victoria, Úc.
Mai Đắc Lộc, hay còn được biết đến với tên là Jimmy Mai, vừa hoàn tất chương trình đào tạo Tiến sĩ nghiên cứu (PhD) trong lĩnh vực Tâm lý học tại trường Đại học La Trobe năm 2021. Các dự án nghiên cứu của Lộc hướng đến lợi ích cùng lúc tới nhiều thành phần: tổ chức xã hội, cá nhân, và động vật. Sự kết hợp trong nghiên cứu này được Lộc đề xuất là một phần của chương trình tài trợ nghiên cứu nuôi và huấn luyện chó giúp đỡ người (Assistance Dogs) trị giá 2 triệu đô từ bộ Cựu Chiến binh Úc (Department of Veterans’ Affair)1, 2.
Trước khi trình bày cụ thể về nghiên cứu của Lộc, bài viết xin lược sơ dự án tài trợ nghiên cứu này của DVA. Mục đích sơ cấp của gói nghiên cứu này là để tìm hiểu về hiệu quả của việc kết hợp chó giúp đỡ vào quá trình trị liệu sang chấn tâm lý của các cựu chiến binh Úc. Một trong những khó khăn mà các cựu chiến binh bị sang chấn tâm lý (PTSD) là mất ngủ do ác mộng tái phát, hoặc lo sợ kéo dài do hồi tưởng những suy nghĩ khó chịu về quá khứ gây ra.
Những con chó được huấn luyện đặc biệt này sẽ theo sát chủ nhân (theo nghĩa là handler) và can thiệp khi chúng nhận thấy những dấu hiệu ác mộng tái phát khi ngủ hoặc khi họ có những suy nghĩ ám ảnh trong hoạt động hàng ngày. Chúng sẽ can thiệp bằng cách liếm tay, mặt, hoặc sủa để đánh thức chủ nhân. Với sự can thiệp này, những cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi PTSD có thể an tâm hơn khi đi ngủ và trong các hoạt động ban ngày bởi nếu sự kiện không muốn sảy ra thì họ sẽ được đánh thức khỏi những sự kiện này. Trên đây là thông tin chung về gói dự án lớn, mà kết quả nghiên cứu nên được trình bày riêng biệt trong một bài viết khác.
Nghiên cứu của Lộc tìm hiểu và cải thiện hệ thống và quá trình nuôi dạy ra những con chó đạt yêu cầu khắt khe kể trên, vì rằng quá trình nuôi dạy khá tốn kém trong khi tỉ lệ thành công chỉ ở khoảng 50%. Việc đào tạo một chó hướng dẫn đạt được kỹ năng và phẩm chất theo yêu cầu là cực kỳ tốn kém. Chi phí nuôi dạy chúng cho tới khi chúng được chứng nhận có thể lên tới A$40,000 chưa kể đến thời gian và công sức của các thiện nguyện viên (volunteer raisers) và an sinh của người nuôi và chó con trong quá trình nuôi dạy này.
Trong nghiên cứu này, Lộc hướng đến những thiện nguyện viên và nhấn mạnh đây là yếu tố then chốt trong việc nuôi dạy chó con đến khi chúng thành công. Hướng đi này đem lại góc nhìn từ khía cạnh giáo dục gia đình thay vì chỉ tập trung chọn lọc thể chất và tính cách của chó con. Kết quả nghiên cứu này không những chỉ ra một hướng tiếp cận giáo dục cho việc nuôi dạy chó giúp đỡ người, mà còn đề cao vai trò và nhu cầu cần hỗ trợ cho thiện nguyện viên nuôi dạy chó. Những nghiên cứu này được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu khoa học quốc tế và trình bày tại các hội thảo khoa học quốc tế dành riêng cho chủ đề nuôi dạy và huấn luyện chó nghiệp vụ và chó giúp đỡ người.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo tiến sĩ nghiên cứu tại trường Đại học La Trobe, Lộc được nhận ở lại trường để giảng dạy và nghiên cứu toàn thời gian ở vị trí Phó Giảng viên trong chương trình đào tạo phát triển sự nghiệp học thuật tại La Trobe (Associate Lecturer – Early Career Development Fellowship). Là một thành viên tích cực trong hoạt động văn hóa nghệ thuật và xã hội trong thời gian là du học sinh vừa qua, định hướng nghiên cứu và giảng dạy của Lộc trong thời gian tới đây là hướng tới Tâm lý học về văn hóa, xã hội và cộng đồng (cultural, social and community psychology), đặc biệt là tập trung vào những dự án để hiểu biết và nâng cao đời sống của cộng đồng người Việt tại Úc.
ooOoo
Nguồn tham khảo:
1 https://minister.dva.gov.au/news-and-media/assistance-dog-trial-help-tackle-veteran-mental-health