Bảo Nguyên
Nhân dân Nhật báo, tờ báo quyền lực nhất Trung Quốc, mới đây đã công kích Starbucks. Đại diện cho lối sống Mỹ, hãng cà phê này ‘miễn cưỡng’ trở thành mục tiêu của ĐCSTQ. Không biết Starbucks, một hãng cà phê vốn nhận được cảm tình của nhiều người Trung Quốc, sẽ tồn tại được bao lâu sau khi chính thức mất đi sự ủng hộ của Bắc Kinh.
Starbucks cung cấp “trải nghiệm lối sống Mỹ” với giá 4 USD một cốc đồ uống. Nhưng việc mua cà phê Mỹ – một trong những cách duy nhất để người Trung Quốc có thể bày tỏ quan điểm – đang đe dọa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) là tờ báo chính thức của ĐCSTQ. Nếu ông Tập Cận Bình muốn công bố một ý kiến nào đó, nó sẽ xuất hiện trên tờ báo này. Vì vậy, khi tờ Nhân dân Nhật báo xuất bản điều gì đó, nó sẽ thu hút chú ý tại Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Tờ Nhân dân Nhật báo gọi Starbucks là kiêu ngạo
Vào ngày 15/02, tờ Nhân dân Nhật báo đã tìm được một cái cớ nhỏ nhoi để công kích Starbucks. Theo một người dùng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, có vẻ như một nhân viên Starbucks không may mắn nào đó ở thành phố Trùng Khánh đã yêu cầu một số cảnh sát đang ăn bên ngoài cửa hàng di chuyển. Một số cư dân mạng Trung Quốc đã tỏ ra phẫn nộ.
Tờ Nhân dân Nhật báo đã tìm những tranh cãi được lan truyền trên mạng, đây có lẽ là cái cớ mà tờ báo này chờ đợi. Những người viết bài cho tờ báo này thường quan tâm tới những chủ đề cao cả hơn. Tuy nhiên lần này, họ đã hạ mình chiếu cố tới vấn đề trong một bài bình luận và cho rằng Starbucks “kiêu ngạo”, qua đó báo hiệu cho cả đất nước Trung Hoa rằng công ty này, một cách chính thức, không còn được ủng hộ.
Starbucks gọi sự cố được cho là đã xảy ra vào Ngày lễ tình nhân là một “sự hiểu lầm”.
Lịch sử phát triển của Starbucks tại Trung Quốc
Thương hiệu đồ uống nổi tiếng của Mỹ đã mở rộng quy mô ồ ạt tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của công ty sau Mỹ. Có vẻ như người dân Trung Quốc sẵn sàng trả khoảng 4 USD một cốc đồ uống để “trải nghiệm lối sống Mỹ”. Đó là khoản tiền lớn đối với một quốc gia có GDP bình quân đầu người vào khoảng 10.500 đô la – ít hơn một phần sáu so với chỉ số này của người Mỹ.
Trong khi đó, một tách trà từ một cửa hàng Trung Quốc thông thường, có thể rơi vào khoảng năm mươi xu. Với sự chênh lệch giá như thế, thật bất ngờ là Starbucks đã kinh doanh thành công trong vòng 2 thập kỷ qua.
Công ty có trụ sở tại Seattle đã mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1999 và hiện có khoảng 5.400 cửa hàng tại đây. Starbucks đã cố gắng thu hút sự ủng hộ của người dân địa phương bằng cách mở “Khu vực đổi mới cà phê” của Trung Quốc vào năm 2020, giai đoạn đầu có chi phí tới 170 triệu USD. Cơ sở này, nằm ở Côn Sơn gần Thượng Hải, đang thực hiện “đổi mới” bằng cách trở thành cơ sở rang cà phê xanh nhất (thân thiện với môi trường nhất) từ trước đến nay. Cơ sở này đã tiết kiệm được 30% năng lượng khi rang cà phê.
Starbucks trở thành mục tiêu của ĐCSTQ
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Starbucks ở Trung Quốc đang chậm lại và dự kiến sẽ dừng tăng trưởng vào quý đầu tiên của năm 2022. Đó là trước khi công ty này chính thức trở thành mục tiêu của cơn thịnh nộ từ tờ Nhân dân Nhật báo. Starbucks hiện phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc mới gia nhập với mức giá thấp hơn trong thị trường “cà phê cao cấp”. Một vài trong số những công ty này được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư có liên kết với các công ty Trung Quốc, như Bytedance và Meituan; mỗi công ty có trị giá hơn 100 tỷ USD.
Chắc chắn là các quan chức ở Bắc Kinh sẽ hài lòng khi thấy các cửa hàng cà phê địa phương được hỗ trợ bởi các tập đoàn khổng lồ của quốc gia này đánh bại chủ nghĩa tư bản Mỹ. Thành công của Starbucks hẳn là một cái gai trong mắt họ — tại sao những người Trung Quốc “yêu nước” lại mua thứ cà phê Mỹ đắt đỏ, nhằm trải nghiệm đôi chút phong cách Mỹ – điều mà Trung Quốc không ủng hộ?
Điều này rõ ràng đang khiến Starbucks trở thành mục tiêu của các đảng viên Cộng Sản đầy tham vọng. Vào tháng 12, một cuộc điều tra bí mật của tờ Tin tức Bắc Kinh (Beijing News) đã phát hiện ra vi phạm an toàn thực phẩm tại 2 cửa hàng Starbucks ở Vô Tích, gần Thượng Hải. Theo báo cáo, các cửa hàng đã sử dụng bánh ngọt hỏng và matcha lỏng đã hết hạn.
Starbucks đã xác nhận các vi phạm, đóng cửa 2 cửa hàng, xin lỗi và thực hiện đào tạo nhân viên cũng như tự tiến hành kiểm tra tất cả hàng nghìn cửa hàng ở Trung Quốc.
Cơ quan Giám sát Thị trường của thành phố Vô Tích cũng đã tiến hành kiểm tra tất cả 82 cửa hàng Starbucks trong thành phố. 15 vấn đề đã bị phát hiện, bao gồm khử trùng không đầy đủ và nhân viên không đội mũ đồng phục trong khi làm việc theo yêu cầu.
Tin tức trên đã có hàng chục triệu lượt xem trên Weibo. Theo Reuters, một người dùng Weibo cho biết: “Nếu Starbucks mà còn như thế, các cửa hàng khác thực sự khiến tôi lo lắng. Starbucks bị soi mói hơn vì nó là thương hiệu nước ngoài”.
Starbucks mang hơi thở của tự do phương Tây đến Trung Quốc
Sự nổi tiếng của Starbucks một phần tới từ nguồn gốc nước ngoài của nó, và cụ thể là từ Mỹ.
Sự phản kháng chính trị đối với ĐCSTQ không thể bị chấm dứt thông qua việc tiêu diệt quyền tự do ngôn luận ủng hộ dân chủ. Đối với nhiều người, việc mua hàng của họ phản ánh ước mơ và khát vọng được sống trong một xã hội hiện đại và cởi mở. Đó có thể là sự ủng hộ cho các ngày lễ phương Tây như Giáng sinh và Halloween, hay quyết định hàng ngày mua cà phê từ Starbucks thay vì mua đồ địa phương với chất lượng tương đương nhưng rẻ hơn.
Sự phản đối chống lại Bắc Kinh có thể được thể hiện qua những cách thức tinh tế như trên, hoặc từ những nguồn không ngờ tới, như từ cựu biên tập viên của Thời báo Hoàn Cầu, ông Hu Xijin. Sau cuộc công kích mới đây của Nhân dân Nhật báo nhắm vào Starbucks, thì ngay cả ông Hu, vốn được biết đến là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, cũng cho rằng nên có sự tiết chế.
Theo Reuters, ông Hu “kêu gọi người dùng Weibo coi vụ việc Starbucks tại Trùng Khánh chỉ là một tai nạn, đồng thời nói thêm rằng Starbucks – một thương hiệu nước ngoài – không nên phải hứng chịu thêm các chỉ trích”.
Ông Hu nói: “Trung Quốc là một quốc gia cởi mở với thế giới. Việc gán nhãn một sai lầm là sự kiêu ngạo không có lợi cho một môi trường cởi mở”.
Ông Hu, người vừa thôi giữ chức tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, đang tỏ ra ủng hộ một Trung Quốc “cởi mở” một cách rõ rệt. Ông Hu đã trực tiếp chỉ trích cách dùng từ của Nhân dân Nhật báo, tờ báo quyền lực nhất Trung Quốc.
Tại sao người dân Trung Quốc lại thích Starbucks?
Quan điểm của ông Hu cho thấy cách nhìn vốn có từ lâu về Starbucks của nhiều người dân Trung Quốc. Theo một nghiên cứu năm 2012 của Jennifer Smith McGuire và Dan Hu, “chúng ta có thể thấy cách những người dân Trung Quốc được hỏi coi các thuộc tính cụ thể của Starbucks là ‘các yếu tố [tạo nên] gắn kết’ … liên quan tới một hoặc tất cả các ‘vấn đề’ về bản sắc tập thể hoặc cá nhân”.
Hai nhà nghiên cứu trích dẫn lời của 5 công dân Trung Quốc (tên viết tắt nằm trong ngoặc đơn) mô tả cách nhìn của họ về Starbucks.
“Phong cách sống, tính thời thượng và sự liên hệ với phương Tây của thương hiệu này là cách thức để thể hiện cá tính, với tư cách là một cá nhân — một người ‘khá hiện đại’ (LL) với ‘cá tính và gu thẩm mỹ riêng’ (CW). Nhưng đồng thời, ý thức cá nhân về bản thân gắn liền với việc thể hiện bản sắc cộng đồng, thông qua giai tầng xã hội – để được coi là ‘một chuyên gia trẻ hiện đại’ (YS); thông qua truyền thống — để thể hiện các giá trị văn hóa về tính tiết kiệm và sự khôn ngoan trên thị trường bằng cách chọn một thương hiệu có ‘danh tiếng tốt’ và được ‘tin tưởng dựa trên danh tiếng toàn cầu’ (YaY); và thông qua tính dân tộc — để là công dân tiêu dùng của một Trung Quốc ‘đã và đang kết nối với thế giới bên ngoài’ (JW)”.
Starbucks sẽ tồn tại được bao lâu nữa ở thị trường Trung Quốc?
Thông qua cách nhìn của người Trung Quốc về Starbucks và cuộc công kích gần đây nhất vào công ty này bởi cơ quan ngôn luận quan trọng nhất của chế độ, có 2 kết luận chính cần rút ra.
Thứ nhất, các công ty phương Tây hoạt động ở Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro lớn tạo ra bởi chính quyền Bắc Kinh khi mà định huống chống phương Tây của Bắc Kinh ngày một trở nên rõ ràng hơn.
Thứ hai, chế độ này bắt đầu nhận thấy mối đe dọa đối với ổn định xã hội khi mà một số lượng đáng kể người tiêu dùng Trung Quốc đang lựa chọn các sản phẩm phương Tây. Việc một người như ông Hu sẵn sàng thách thức tờ Nhân dân Nhật báo để bảo vệ quán cà phê ưa thích là một tín hiệu cho thấy nhiều người Trung Quốc đang phản đối sự thái quá của Bắc Kinh.
Do đó, một tách cà phê được pha vào buổi sáng ở Trung Quốc không chỉ có ảnh hưởng về mặt văn hóa mà còn về mặt chính trị. Starbucks đang mang hương vị của tự do đến với Trung Quốc trong từng tách cà phê được pha. Điều này sẽ không mang tới sự thay đổi cho chế độ này trong tương lai gần, nhưng thành công thương mại của Starbucks sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về dư luận Trung Quốc. Và khi mà Bắc Kinh phản đối việc thể hiện quan điểm như thế, đặc biệt là quan điểm ủng hộ phương Tây, Starbucks nên cẩn thận đề phòng.
Starbucks có lẽ không còn nhiều tương lai tại Trung Quốc.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power (Tập trung quyền lực) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).
Bảo Nguyên