Trung Quốc đề nghị cung cấp vắc-xin giúp Ấn Độ giải quyết khủng hoảng COVID-19

Lê Vy

Trung Quốc đã đề nghị giúp Ấn Độ chống lại sự bùng phát của đại dịch COVID-19 sau khi Hoa Kỳ từ chối yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu vắc-xin.

Notices about the shortage of COVISHIELD, a coronavirus disease (COVID-19) vaccine manufactured by Serum Institute of India, are seen outside a COVID-19 vaccination centre in Mumbai, India, April 20, 2021. REUTERS/Francis Mascarenhas

“Nhánh ô liu” từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc được chìa ra trong khi căng thẳng giữa hai quốc gia vẫn tiếp tục tăng cao dọc theo biên giới tranh chấp.

“Chính phủ và người dân Trung Quốc kiên quyết ủng hộ chính phủ và người dân Ấn Độ trong việc chống lại virus corona. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ theo nhu cầu của Ấn Độ và đang liên lạc với phía Ấn Độ về vấn đề này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết hôm thứ Sáu.

Ấn Độ hiện đang đối mặt với số ca mắc cao nhất thế giới theo ngày, với kỷ lục 346.786 ca mới được báo cáo vào thứ Bảy. Hệ thống bệnh viện của nước này đang trên bờ vực sụp đổ do thiếu giường chăm sóc đặc biệt, vật tư y tế và oxy.

Ấn Độ cũng đang cạn kiệt vắc-xin và đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất chúng, nhưng Washington từ chối, nói rằng họ có trách nhiệm chăm sóc người dân Mỹ trước.

Lời đề nghị giúp đỡ của Trung Quốc được đưa ra bất chấp những căng thẳng đang diễn ra dọc theo biên giới tranh chấp sau một vụ đụng độ chết người vào mùa hè năm ngoái.

Niu Haibin, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết: “Nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho sản xuất vắc-xin của Ấn Độ từ Mỹ và Châu Âu hiện đang bị hạn chế. Họ rất cần sự giúp đỡ của các quốc gia khác để đối phó với đại dịch.”

“Đây cũng là cơ hội để hai bên hàn gắn quan hệ song phương,” ông nói thêm.

Trung Quốc đồng thời cũng phủ nhận rằng họ đang sử dụng đề nghị cung cấp vắc-xin cho các quốc gia khác nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình.

Raj Verma, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Huaqiao ở Phúc Kiến, cho biết vì vắc-xin Trung Quốc chưa được phép sử dụng ở Ấn Độ, nên người dân ở đó sẽ không sẵn sàng đón nhận nhận chúng. Nhưng ông nói rằng Trung Quốc có thể giúp đỡ những cách khác, như cung cấp bình oxy.

Đến nay, các loại vắc-xin của Trung Quốc đã vươn tới hơn 60 nước trên thế giới trong bối cảnh các quốc gia giàu có tìm cách giữ thuốc của họ để tiêm chủng cho người dân trong nước. Nhưng các loại vắc-xin này vẫn đang được xem xét chờ WHO cấp phép, và những lo ngại về tính hiệu quả và minh bạch của dữ liệu vẫn còn đó.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile, sau khi tiến hành tiêm chủng vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, tỷ lệ lây nhiễm không những giảm đi mà còn tăng lên. Trước khủng hoảng niềm tin của người dân vào vắc-xin nội địa, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, ông Cao Phúc (Gao Fu) đã có dịp hiếm hoi thừa nhận “tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc là thấp”.

Ngoài ra, tờ Associated Press (AP) tại Mỹ chỉ ra, điều đáng nói là, mặc dù dữ liệu lâm sàng về vắc-xin của Trung Quốc không đầy đủ và độ an toàn không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng “chính sách ngoại giao vắc-xin” của Trung Quốc đã sớm được triển khai toàn diện và hiện có ít nhất 25 quốc gia đã chính thức thực hiện công tác tiêm chủng vắc-xin Trung Quốc, bao gồm Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Hungary, Brazil và Peru.

Trước đó, truyền thông Peru đưa tin, hai loại vắc-xin của Sinopharm phát triển trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại địa phương có tỷ lệ hiệu quả chỉ là 11,5% và 33%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hiệu quả mà Sinopharm tuyên bố là gần 80%, thậm chí còn thấp hơn ngưỡng 50% mà WHO đặt ra.

Chỉ trong hai tuần đầu tháng 3, Hồng Kông đã có 7 người tử vong sau khi tiêm vắc-xin của Sinovac, độ tuổi từ 55 đến 80 tuổi.

Lê Vy (t/h)

Related posts