Cao Dương
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo tạm dừng việc chứng nhận đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Đức và Nga, vào lúc các nước phương Tây triển khai các biện pháp trừng phạt đối với các hành động của Điện Kremlin ở Ukraina.
22/02/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo với các phóng viên tại Berlin rằng, quyết định đình chỉ đường ống khí đốt Nord Stream 2 của chính phủ ông được đưa ra nhằm đáp trả việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraina, một động thái được cho là báo hiệu cho một cuộc xâm lược quy mô lớn.
Ông Scholz phát biểu: “Giờ đây, cộng đồng quốc tế phải phản ứng trước hành động một chiều, không thể hiểu được, và phi lý này của Tổng thống Nga”. Ông nói thêm rằng, cần phải “gửi một tín hiệu rõ ràng cho Matxcơva rằng, những hành động như vậy sẽ không thể tiếp diễn mà không có hậu quả”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trên Twitter rằng, các thành viên của chính quyền Biden đã “tham vấn chặt chẽ với Đức qua đêm và hoan nghênh thông báo của họ”, và nói thêm rằng, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp của riêng mình để trừng phạt Nga vì hành vi gây bất ổn ở Ukraina.
Hôm thứ Hai, ông Putin tuyên bố hai vùng gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) do phe ly khai kiểm soát là các quốc gia “độc lập”, đồng thời ban hành sắc lệnh điều quân đội Nga tới hai khu vực này, được cho là để “duy trì hòa bình”.
Tổng thống Nga cảnh báo Ukraina nên rút lực lượng của họ khỏi khu vực xung quanh hai nơi này. Ông nói rằng, nếu không thì “chế độ cầm quyền của Ukraina sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ và hoàn toàn về khả năng tiếp tục đổ máu”.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 21/02 rằng, việc Putin công nhận các vùng tự xưng là các nước cộng hòa là một nỗ lực tạo cớ cho một cuộc xâm lược. Bà Thomas-Greenfield bác bỏ những tuyên bố “vô nghĩa” của Putin rằng, quân đội Nga tiến vào các khu vực này là lực lượng gìn giữ hòa bình.
Các nhà lãnh đạo phương Tây từ lâu đã cảnh báo rằng, Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược quy mô lớn vào Ukraina, và có khả năng sẽ sử dụng một hành động khiêu khích cờ giả làm cái cớ để tiến hành một cuộc tấn công. Điện Kremlin vẫn luôn bác bỏ những tuyên bố này.
Thông báo của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về việc dừng hoạt động Nord Stream 2 — vốn đã hoàn thành xây dựng vào tháng 9/2021, nhưng vẫn chưa hoạt động kể từ đó để chờ Đức và Liên minh châu Âu chứng nhận — cho thấy Berlin nghiêm túc về việc áp đặt những cái giá khó khăn lên Matxcơva vì các hành động của họ ở Ukraina.
“Đây là một sự thay đổi lớn cho chính sách đối ngoại của Đức với những tác động to lớn đối với an ninh năng lượng và lập trường rộng lớn hơn của Berlin đối với Moscow”, theo như Marcel Dirsus — thành viên không thường trú tại Viện Chính sách An ninh của Đại học Kiel — chia sẻ với tờ algemeiner.
Chính phủ Đức từ lâu đã chống lại việc dừng dự án đường ống gây tranh cãi này, bất chấp áp lực từ Mỹ và các nước châu Âu khác. Đức — quốc gia có được một nửa lượng khí đốt của mình từ Nga — đã lập luận rằng, Nord Stream 2 là một sáng kiến thương mại nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.
Washington đã lập luận trong nhiều năm rằng, Nord Stream 2 gây ra rủi ro an ninh, bằng cách gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, và cho phép Matxcơva đi vòng qua Ba Lan và Ukraina để cung cấp khí đốt tới Tây Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina Dmytro Kuleba đã lên Twitter ca ngợi quyết định ngừng chứng nhận của Đức. Ông gọi đây là một “bước đi đúng đắn về mặt đạo đức, chính trị, và thực tế trong hoàn cảnh hiện tại”.
“Sự lãnh đạo đích thực có nghĩa là những quyết định khó khăn trong những thời điểm khó khăn. Động thái của Đức chứng minh điều đó”, ông nói thêm.
Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Joe Biden đã nói rằng, nếu Nga xâm lược Ukraina, thì “sẽ không còn Nord Stream 2”.
“Chúng tôi sẽ kết thúc nó”, ông Biden cho biết vào thời điểm đó.
Đường ống Nord Stream 2, nếu được thông qua, sẽ vận chuyển khoảng 55 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức mỗi năm.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, nguồn cung cấp khí đốt của đất nước ông được đảm bảo an toàn, ngay cả khi không có Nord Stream 2 hoạt động. Mặc dù ông nói với các nhà báo hôm 22/02 rằng, giá khí đốt có thể sẽ tăng trong ngắn hạn.
Giá năng lượng đã tăng ở châu Âu do nguồn cung không theo kịp nhu cầu vốn đã phục hồi mạnh mẽ từ cuộc suy thoái liên quan đến COVID-19.
Cao Dương
Theo The Epoch Times