Eva Fu
Khi cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga leo thang, thì chính quyền Trung Quốc tự thấy mình rơi vào tình thế khó xử.
Mặc dù Bắc Kinh đã thắt chặt quan hệ với Moscow, nhưng họ cũng thận trọng để tránh bị gánh hậu quả khi được xem là trực tiếp ủng hộ động thái đơn phương chiếm chủ quyền của một quốc gia khác — vì nhà cầm quyền này có những mưu tính của riêng mình trong việc chiếm lấy Đài Loan tự trị.
Mặc dù người ta cũng đoán trước được rằng việc đưa tin về một sự kiện địa chính trị nhạy cảm như vậy sẽ được chắt lọc để đáp ứng các nhu cầu tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng một bài đăng gần đây trên mạng xã hội — được đưa ra công luận một cách tình cờ — cung cấp một cái nhìn sơ lược hiếm hoi về cách thông điệp của ĐCSTQ được phân luồng đến đại chúng.
Horizon News, một mạng tin tức video trực thuộc tờ Báo Bắc Kinh do nhà nước điều hành, hôm 22/02 đã hướng dẫn nhân viên tránh đăng bất kỳ nội dung nào liên quan đến Ukraine trên nền tảng giống như Twitter của Trung Quốc là Weibo mà có thể gây bất lợi cho Nga hoặc ủng hộ phương Tây.
“Hãy để tôi xem lại bản thảo của anh ngay từ đầu trước khi anh đưa nó ra,” bài đăng trên Weibo cho biết, bài đăng này đã bị xóa. Các bài ý kiến bình luận, bài đăng nói thêm, phải được “lựa chọn và kiểm soát cẩn thận”, trong khi các lựa chọn chủ đề phải tuân theo sự dẫn dắt của Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã, và CCTV — ba trong số những cơ quan ngôn luận quan trọng nhất của Đảng ở quốc gia này.
“Ai xuất bản những bài viết đó sẽ phải chịu trách nhiệm,” bài đăng nêu rõ, lưu ý rằng mỗi bài đăng phải được theo dõi trong ít nhất hai ngày.
Mặc dù Trung Quốc nổi tiếng với các hạn chế ngặt nghèo đối với quyền tự do báo chí, nhưng bài đăng này cung cấp một tiết lộ hiếm hoi, dù là nhỏ, về cách thức hoạt động của bộ máy truyền thông Trung Quốc và những mối lo bên trong nội bộ của nhà cầm quyền này khi xuất hiện đầy rẫy những diễn biến chính trị quốc tế.
“Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, một cú huých nhẹ sẽ gây ra phản ứng dây chuyền,” ông Minh Kim Duy (Ming Jinwei), cựu biên tập viên cao cấp của Tân Hoa xã, viết trên blog cá nhân của mình, cảnh báo Trung Quốc nên khéo léo giải quyết mối quan hệ với tất cả các bên liên quan để tránh “chiêu mời rắc rối”.
Ông viết, Trung Quốc phải “hỗ trợ Nga về mặt tinh thần và tình cảm nhưng lại không quá khiêu khích Mỹ và Liên minh Âu Châu.”
Trong khi “các vấn đề chủ yếu xuất phát từ Mỹ”, ông viết, nhưng tình hình hiện tại đang có lợi cho Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ, và sẽ là không khôn ngoan nếu chọc giận Hoa Thịnh Đốn.
“Nói nhiều hơn, làm ít hơn”, ông Minh viết, ông đã khuyên các nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng các kênh riêng tư để truyền tải sự ủng hộ tinh thần của họ đối với Nga và khuyến khích đối thoại trong các cơ quan công quyền.
Đó là lời khuyên mà nhà cầm quyền này có vẻ đã làm theo.
Trong một tuyên bố vào hôm 23/02, ông Trương Quân (Zhang Jun), Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và “tìm kiếm các giải pháp hợp lý … thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.
Khi Nga chuyển quân vào hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine mà nước này tuyên bố là “độc lập”, Ukraine đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi công dân của mình rời khỏi Nga ngay lập tức.
Kể từ ngày 21/02, Tổng thống (TT) Joe Biden đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với hai khu vực ly khai của Ukraine, cùng với các ngân hàng quốc doanh của Nga và giới tinh hoa Nga. Hôm 22/02, chính phủ TT Biden đã điều thêm quân vào Đông Âu trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Đối mặt với việc thế giới này ngày càng xa lánh, Nga đã chơi thân hơn với Trung Quốc. Vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bay tới Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Trung Quốc, cuộc gặp kết thúc với việc hai nhà lãnh đạo tuyên bố một liên kết đối tác “không có giới hạn”.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Cẩm An biên dịch