Hoa Kỳ tập trung vào Nam Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc

(Từ trái qua phải) Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Úc kiệm Bộ trưởng Phụ nữ Marise Payne, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Tiến sĩ S. Jaishankar, và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tại Văn phòng Nghị viện Khối thịnh vượng chung Melbourne tại Melbourne, Úc, hôm 11/02/2022. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Bộ Tứ năm 2022 quy tụ các bộ trưởng ngoại giao của Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Ấn Độ đang họp mặt để thảo luận về sự hợp tác giữa các quốc gia trong các lĩnh vực bao gồm kinh tế, an ninh, và đại dịch virus corona. (Ảnh: AAP Image/Pool/Darrian Traynor)

NEW DELHI – Hoa Kỳ và một số đồng minh báo hiệu một sự tập trung mới vào khu vực Quần đảo Thái Bình Dương bằng các chuyến thăm và các hoạt động ngoại giao mới trong tháng này (02/2022), nhưng theo các chuyên gia cần phải làm nhiều việc hơn nữa để giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã đều đặn mở rộng dấu chân kinh tế và chính trị của mình ở Nam Thái Bình Dương, một khu vực gồm 14 quốc đảo có chủ quyền và 7 vùng lãnh thổ với dân số tổng cộng là 13 triệu người.

Nhưng vì Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh đẩy mạnh cam kết của họ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại sự khuếch trương ngày càng tăng của Trung Quốc ở đó, nên họ cũng đã chú ý đến các đảo ở khu vực Thái Bình Dương này.

Trong cuộc họp hôm 11/02 tại Melbourne, Úc, các ngoại trưởng của nhóm Bộ Tứ (QUAD) không chính thức gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Ấn Độ, các nước đã đồng ý tăng cường hợp tác của họ để bảo đảm khu vực này “không bị ép buộc”, một cách nói kín đáo đả động đến Trung Quốc.

Ngày hôm sau, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (pdf), trong đó cho biết Hoa Thịnh Đốn sẽ tập trung vào “mọi ngóc ngách của khu vực này,” bao gồm cả Quần đảo Thái Bình Dương. Tài liệu cho biết, sự tập trung tăng cường như vậy là cần thiết bởi hiện có “những thách thức đang gia tăng, đặc biệt là từ CHND Trung Hoa,” tên viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (bên trái) tham dự một cuộc họp với quyền Thủ tướng Fiji Aiyaz Sayed-Khaiyum (bên phải) tại Nadi, Fiji, hôm 12/02/2022. (Ảnh: Leon Lord/AFP/Getty Images)

Ngay sau cuộc họp tại Melbourne, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến thăm Fiji — chuyến thăm đầu tiên đối của một ngoại trưởng Hoa Kỳ trong 36 năm qua. Ông cũng chủ trì một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của 14 quốc đảo Thái Bình Dương.

Cùng thời điểm đó, Bộ Ngoại giao thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ mở lại đại sứ quán của mình tại Quần đảo Solomon sau 29 năm để tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực này. Hành động này diễn ra vài tháng sau khi những kẻ bạo loạn tiến vào quốc hội của đảo quốc này và đốt cháy phần lớn khu phố Tàu của thủ đô Honiara. Bạo loạn đã gia tăng từ các cuộc biểu tình ôn hòa xuất phát từ căng thẳng sắc tộc, các vấn đề kinh tế, và lo ngại về mối liên hệ ngày càng tăng của đất nước này với Trung Quốc.

Bà Cleo Pascal, một cộng sự tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, nói với The Epoch Times rằng Quần đảo Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc trong nỗ lực phát triển sức mạnh ở khu vực rộng lớn hơn.

Bà Pascal nói rằng, “Họ đang cố gắng đạt được ảnh hưởng đối với các quốc gia này theo cách điển hình của ĐCSTQ, đó là họ đi đến đó thông qua mặt trận thương mại, điều này có lý do chiến lược. Và đan xen trong đó là yếu tố thứ ba … hoạt động tội phạm.”

Bằng hoạt động tội phạm, bà Pascal cho biết ĐCSTQ đang thúc đẩy “tham nhũng, tội phạm có tổ chức, ma túy, mại dâm, và cờ bạc,” tất cả những điều này đang phá hủy kết cấu xã hội của nhiều quốc đảo Thái Bình Dương.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh

Theo bà Pascal, sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ rút lui khỏi khu vực Quần đảo Thái Bình Dương vì nghĩ rằng đây không còn là một ưu tiên chiến lược nữa, và giao quyền “giám sát chiến lược” cho năm đối tác quan trọng bao gồm Úc, New Zealand, và Anh.

Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng cửa các đại sứ quán trong khu vực này và “Úc, New Zealand đã không cung cấp những gì mà người dân Thái Bình Dương cần,” bà Pascal nói. “Trong một số trường hợp, mối quan hệ chỉ mang tính chất hậu thuộc địa theo cách mà họ cố gắng thu được lợi ích từ các nền kinh tế trong khu vực,” bà cho biết thêm.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tiến vào khu vực này với một “lời đề nghị khác,” bà nói. Bắc Kinh đã cung cấp các khoản viện trợ, đầu tư và cho vay một cách hào phóng, báo hiệu một mối quan tâm lâu dài đối với các quốc đảo nhỏ bé này.

Bà nói, điều này “dễ hiểu là hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên đối với nhiều quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương.”

Kể từ đó, các khoản viện trợ, đầu tư, và cho vay của Trung Quốc trong khu vực này đã tăng lên nhiều lần. Mặc dù Bắc Kinh không phải là một nhà cho vay chi phối trong khu vực này, nhưng họ vẫn sử dụng việc cho vay như một lộ trình để tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong khu vực này.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (bên phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kiểm tra vệ binh danh dự trong buổi lễ đón tiếp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 09/10/2019. (Ảnh: Wang Zhao/AFP/Getty Images)

Khu vực thử nghiệm hỏa tiễn

Theo ông Satoru Nagao, một thành viên không thường trực tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, chính quyền Trung Quốc cũng sử dụng khu vực Nam Thái Bình Dương cho các mục đích quân sự, vì đây là một khu vực mà họ dùng để thử nghiệm hỏa tiễn tầm xa.

Từ tháng 01/2021 đến tháng 09/2021, Bắc Kinh đã tiến hành ít nhất 250 vụ thử hỏa tiễn đạn đạo, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết hồi tháng 10/2021. Ông đã gọi các cuộc thử nghiệm này là một “sự mở rộng nhanh chóng về khả năng hạt nhân của CHND Trung Hoa”, là điều “đặc biệt đáng lo ngại.”

Ông Nagao cho biết, “Tất cả các hỏa tiễn liên lục địa tầm xa hơn cần có khu vực thử nghiệm tầm xa và vùng Nam Thái Bình Dương này là nơi duy nhất dành cho Trung Quốc. Nếu Trung Quốc trực tiếp thử hỏa tiễn chống lại Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ sẽ đáp trả. Vì vậy, Trung Quốc cần một hướng an toàn hơn để làm nơi thử nghiệm. Hướng đó chính là vùng Nam Thái Bình Dương.”

Ngoài ra, bất an đang ngày càng gia tăng về khả năng Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực này. Tháng Năm năm ngoái, Kirabati, một quốc gia quần đảo ở vùng Trung tâm Thái Bình Dương, đã xác nhận rằng chính quyền Trung Quốc đang có kế hoạch tài trợ để nâng cấp một đường băng từ thời Thế Chiến II trên một hòn đảo nhỏ bé cách Hawaii 1,800 dặm (2,896 km) về phía tây nam. Lời bảo đảm của Kiribati rằng dự án này sẽ được sử dụng cho mục đích dân sự đã không làm nguôi ngoai mối lo ngại của các nhà phân tích rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đường băng có vị trí chiến lược này để làm một trung tâm hoạt động gián điệp và quân sự.

Xe quân sự mang hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa DF-5B tham gia cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

‘Hoa Kỳ đã trở lại’

Hôm 12/02, tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Quyền Thủ tướng Fiji Aiyaz Sayed-Khaiyum cho biết các quốc đảo ở Thái Bình Dương cảm thấy họ đã bị Hoa Kỳ lãng quên, nhưng chuyến thăm của ông Blinken đã cho thấy rằng “Hoa Kỳ đã trở lại.”

Ông Sayed-Khaiyum nói: “Fiji và Hoa Kỳ đều đang nỗ lực để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định, an toàn hơn, và thực sự là một khu vực hòa bình.”

Ông Blinken nói rằng Hoa Kỳ muốn phát triển “quan hệ đối tác bền vững, sáng tạo, tăng cường lẫn nhau trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” bao gồm cả Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) mà Fiji đang chủ trì trong năm nay.

PIF là diễn đàn chính trị chính của Thái Bình Dương, và đã gặp khó khăn vào năm ngoái sau khi năm quốc đảo Thái Bình Dương quyết định từ bỏ diễn đàn này vì một tranh chấp về việc bầu lãnh đạo. Nhưng các quốc gia đó đã đồng ý tạm thời thu hồi việc rút lui của họ vào tháng Hai.

Trung Quốc đã công bố các sáng kiến mở rộng mối bang giao với các nước PIF ngay từ năm 2003, và thậm chí đã cảnh báo các quốc gia thành viên “không được trao đổi mang tính chất chính thức hoặc quan hệ đối thoại dưới bất kỳ hình thức nào với Đài Loan,” theo thông cáo của đại sứ quán Trung Quốc tại Papua New Guinea.

Bà Pascal nói rằng Mỹ vẫn chưa giải quyết được nhiều vấn đề với các quốc đảo Thái Bình Dương, đặc biệt là ba Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) là Cộng hòa Quần đảo Marshall, Palau, và Liên bang Micronesia. FAS là các quốc gia độc lập đã ký một thỏa thuận toàn diện với Hoa Kỳ được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA). Theo thỏa thuận này, Hoa Kỳ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính để đổi lấy toàn quyền về quốc phòng.

Bà Pascal cho hay, “Vì vậy, người dân của các quốc gia này có thể đến và làm việc tại Hoa Kỳ. Rất nhiều người trong số họ phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ và Hoa Kỳ đang cung cấp các dịch vụ bưu chính và nhiều dịch vụ khác trong các quốc gia đó. Và Hoa Kỳ có quyền tiếp cận chiến lược và quyền từ chối chiến lược đối với các quốc gia khác. Đó là một mối liên hệ rất độc đáo.”

COFA của cả ba quốc gia FAS sẽ được gia hạn trong hai năm tới. Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Biden đã làm chậm tiến độ đàm phán gia hạn bất chấp có nhiều lá thư của lưỡng đảng được gửi từ Quốc hội, bà Pascal cho biết.

“Nếu mối liên hệ của Hoa Kỳ với Thái Bình Dương đã thực sự đi đúng hướng thay vì hướng tới việc đi đúng hướng, thì ông Blinken lẽ ra nên đến một trong những Quốc gia Liên kết Tự do này bởi vì những quốc gia đó có mối liên hệ rất sâu sắc với Hoa Kỳ,” bà Pascal nói thêm rằng điều này chỉ ra rằng vẫn còn một số vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết với FAS.

Nhưng bà Pascal đã thừa nhận rằng những hành động gần đây của Hoa Thịnh Đốn, bao gồm cả việc công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và việc mở lại đại sứ quán ở Quần đảo Solomon, là một bước đi đúng hướng.

Điều đó cho thấy một nhận thức trong chính phủ Hoa Kỳ rằng họ cần phải cung cấp một “chiến lược để cung cấp cho người dân Thái Bình Dương những công cụ mà họ cần để phát triển mà không trở thành các nước chư hầu của Trung Quốc,” bà nói.

Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts