Sự kiện Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc vào năm 1972 đã mở ra cho Trung Quốc cánh cửa thâm nhập thế giới tự do. Nhìn lại lịch sử 50 năm, sự kiện này được giới phân tích đánh giá là một sai lầm chiến lược của người Mỹ, đồng thời để lại hậu quả kéo dài tới tận ngày nay. Nhiều năm sau khi rời nhiệm sở, ông Nixon luôn trầm ngâm sợ rằng mình đã tạo ra một Frankenstein cho toàn thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm nửa thế kỷ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon đến Bắc Kinh, đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại các vấn đề có liên quan từ đó đến nay.
Nixon hạ mình để củng cố vị thế, không ngờ Trung Quốc hưởng lợi lớn
Các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát từng đồng loạt ca ngợi chuyến thăm của ông Richard Nixon đến Bắc Kinh. Bức ảnh năm 1972 chụp Nixon vừa bước xuống từ chiếc Không Lực Một, vợ ông mặc chiếc áo khoác màu đỏ tươi mang đầy tính biểu tượng cho chế độ cộng sản ở Trung Quốc, đã được thể hiện một cách thật nổi bật trên một loạt phương tiện truyền thông. Sự chào đón của Thủ tướng Chu Ân Lai đối với Tổng thống Nixon được mô tả là “cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương tượng trưng cho sự tan băng trong mối quan hệ giữa siêu cường tư bản và quốc gia đang phát triển đông dân nhất thế giới dưới một đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Marx”.
Dưới góc nhìn của Trung Quốc thì sự ca ngợi dành cho “tuần lễ đã thay đổi cả thế giới” là chính đáng: Chuyến thăm thực sự là một thắng lợi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp đối với họ.
Tình hình đối với Mỹ lại không được như vậy. Vẻ bề ngoài là rất quan trọng, đặc biệt ở một quốc gia quan tâm đến thể diện như Trung Quốc; và chuyến thăm của Nixon đến Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp sai lầm.
Trung Quốc vào thời điểm đó là quốc gia yếu hơn rất nhiều so với Mỹ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc lẽ ra phải đến thăm Washington, chứ không phải ngược lại. Đặt câu hỏi về việc ai nên đến thăm ai sang một bên, thì Nixon, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, lẽ ra phải được đón tại sân bay bởi người đồng cấp Mao Trạch Đông, chứ không phải Thủ tướng Chu Ân Lai.
Việc thảo luận về một liên minh Trung – Mỹ chống lại mối đe dọa chung từ Liên Xô cũng được xây dựng trên cơ sở sai lầm. Trung Quốc có nhiều khả năng phải đối mặt với một cuộc tấn công sắp xảy ra từ Liên Xô. Thực tế là, hai bên dường như đã ở bên bờ vực chiến tranh sau cuộc đụng độ biên giới năm 1969. Quân đội Trung Quốc – với bộ chỉ huy tối cao bị hủy hoại bởi cuộc Đại Cách mạng Văn hóa vô sản thảm khốc của Mao Trạch Đông và với lực lượng quân đội vốn giỏi việc học thuộc những lời của Chủ tịch Mao hơn là kỹ năng chiến đấu – hầu như không có khả năng bảo vệ đất nước trước sự xâm lược của Liên Xô. Tóm lại, so với Mỹ, Trung Quốc thu được nhiều lợi ích hơn từ quan hệ đối tác Trung – Mỹ.
Vấn đề không dừng ở đó. Các yếu tố trong nước của Mỹ đã ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại theo cách gây hại cho vị thế của Mỹ trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc. Liên tục bị các phương tiện truyền thông chính thống thù địch tấn công và đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử được Nixon dự đoán là rất khó khăn, Tổng thống Nixon khi đó khao khát một sự quảng bá cho bản thân ông, điều mà những người chủ nhà Trung Quốc rất vui lòng đáp ứng.
Toàn bộ sự kiện được Bắc Kinh tổ chức một cách xuất sắc, phục vụ tối đa cho tuyên truyền. Các buổi thuyết trình trên truyền hình với các vở nhạc kịch cách mạng và triển lãm văn hóa đã được chiếu vào khung giờ vàng của Mỹ cho những người xem đầy háo hức từ New York đến Honolulu, cùng với một đoạn video quay cảnh Tổng thống và đoàn tùy tùng của ông đi dọc Vạn Lý Trường Thành, thậm chí bao gồm cả bức ảnh mà một Nixon lóng ngóng được Thủ tướng Chu Ân Lai kiên nhẫn hướng dẫn cách sử dụng đũa.
Toàn bộ sự việc gợi nhớ một cách kỳ lạ về cơ chế triều cống của các triều đại ở Trung Quốc xưa; trong đó sứ giả từ các nước chư hầu định kỳ trình diện tại triều đình, thực hiện nghi lễ quỳ lạy thể hiện sự tôn kính và nhận quà tặng từ thiên triều. Mao Trạch Đông đã tặng Tổng thống Mỹ một cặp gấu trúc. Tất cả những gì còn thiếu là việc Nixon phủ phục trên sàn Đại lễ đường Nhân dân và dập đầu để thực hiện nghi lễ quỳ lạy.
Thông cáo Thượng Hải có rất nhiều vấn đề
Giống như các tình tiết trong cuộc gặp, các văn kiện từ chuyến thăm của Tổng thống Nixon đến Trung Quốc cũng tồn tại nhiều thiếu sót. Thông cáo Thượng Hải ngày 28/02/1972, được các nhà ngoại giao của cả hai bên nghiêm túc lặp lại như là nền tảng của quan hệ Trung – Mỹ và kể từ đó được coi là tương đương với Mười Điều Răn nổi tiếng do Đức Chúa Trời trao cho Moses, có rất nhiều vấn đề.
Tuyên bố rằng “Mỹ thừa nhận tất cả người Trung Quốc ở hai bên bờ eo biển Đài Loan đều thuộc về một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ không thách thức lập trường đó” đã cho phép Trung Quốc khéo léo biến “không thách thức” thành “đồng ý”, và thường được các quan chức Mỹ tiếp tay vì thiếu hiểu biết hoặc bất cẩn.
Hơn nữa, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận thức rõ rằng “toàn bộ người Trung Quốc” là một cụm từ có tính bao hàm quá mức và đã bỏ qua hàng triệu người Đài Loan ở bên kia eo biển vốn không coi mình là người Trung Quốc. Xem xét hồ sơ đàm phán, nhà sử học ngoại giao Mỹ Nancy Bernkopf Tucker, vốn là cựu quan chức Bộ Ngoại giao, kết luận rằng thỏa thuận thể hiện sự nhượng bộ nhiều hơn mức cần thiết và rằng người dân Đài Loan và Mỹ (về mặt ngoại giao) đã phải trả cái giá rất lớn.
Nixon từ chức – nhưng hậu quả với Mỹ và thế giới còn tồi tệ đến nay
Diễn biến sau chuyến thăm cũng tồi tệ không kém. Ông Nixon đã có được sự quảng bá của mình; tuy nhiên sự việc diễn ra sau đó đã phá hoại hình tượng mà ông mong muốn. Chỉ 4 tháng sau, một vụ trộm vụng về tại trụ sở Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ ở Watergate và những nỗ lực sau đó của Nixon nhằm che đậy nó đã dẫn đến việc ông phải từ chức một cách nhục nhã. Từ “Watergate” trở thành biểu tượng cho tội ác chính trị và tham nhũng tới mức chỉ cần thêm “… gate” vào cuối một từ để biểu thị sự bê bối.
Nếu tổn hại đối với Nixon là tồi tệ, thì hậu quả của cuộc gặp đối với nước Mỹ còn tệ hơn. Ở Washington, hết chính quyền này đến chính quyền khác đã chấp nhận câu thần chú của giới chức Trung Quốc rằng ‘một Trung Quốc thịnh vượng sẽ là một Trung Quốc hòa bình’ và do đó, Mỹ có nhiệm vụ thúc đẩy sự thịnh vượng đó càng sớm càng tốt.
Việc cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong hoàn cảnh có lợi cho Trung Quốc đã được Tổng thống Bill Clinton biện minh là “liều thuốc độc” đối với Trung Quốc, vì ông tin rằng điều đó sẽ khuyến khích dân chủ hóa.
Thậm chí cả việc Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn về mặt quân sự cũng có thể và cũng đã được biện minh. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Joe Nye nói rằng nếu Trung Quốc bị coi là kẻ thù, nước này chắc chắn sẽ trở thành kẻ thù. Từ đó, nước Mỹ dễ dàng bỏ qua những thách thức ngày càng tăng từ Bắc Kinh đối với trật tự quốc tế ở vùng biển phía Nam và Đông Trung Quốc và đối với Đài Loan.
Nhiều năm sau khi rời nhiệm sở, ông Nixon trầm ngâm sợ rằng mình đã tạo ra một Frankenstein bằng cách mở cửa thế giới cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong khi đó, người có quan điểm ngược lại là Henry Kissinger, vốn luôn ủng hộ ĐCSTQ, thậm chí tới mức biện minh cho các hành động của Bắc Kinh tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông Kissinger còn thành lập một doanh nghiệp tư vấn, chuyên cung cấp các lời khuyên đắt đỏ cho các quốc gia như Trung Quốc về nhiều vấn đề, trong đó có quan hệ với Mỹ.
Những người khác ngoài Kissinger thì đã quá ngây thơ. Đối với rất nhiều người, tầm nhìn về tương lai là một phiên bản mới hơn về gánh nặng của người da trắng trong thế kỷ 19 (trong đó người da trắng có nhiệm vụ khai sáng cho các dân tộc kém văn minh hơn). Trong đó, Mỹ sẽ giới thiệu cho Trung Quốc những lợi thế của nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản, và sẽ được đền đáp bằng một Trung Quốc biết ơn và hòa bình.
Ngay cả khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng và Bắc Kinh đang trở nên kém dân chủ hơn, thì huyền thoại về đất nước này như một thị trường khổng lồ cho hàng hóa Mỹ vẫn tồn tại. Điều này giống như câu nói nổi tiếng của người Anh vào thế kỷ 19 rằng, nếu mọi người ở Trung Quốc chỉ cần thêm một inch vào sau đuôi áo sơ mi, thì các nhà máy dệt ở Lancashire có thể tiếp tục hoạt động mãi.
Người ta sẽ tự hỏi liệu có còn các nhà máy ở Lancashire hay không. Trên thực tế, rất khó để tìm thấy một chiếc áo thun không được sản xuất tại Trung Quốc, hoặc ở Ethiopia hay Bangladesh – trong một nhà máy của ông chủ Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới; và điều đó ngày càng đúng với các sản phẩm ‘công nghệ cao’ như dệt may. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Đại lễ đường Nhân dân, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 08/11/2018. (Ảnh: Thomas Peter / Pool / Getty Images)
Đã đến lúc người Mỹ chấm dứt ảo tưởng về Trung Quốc
Những hậu quả đáng tiếc của Thông cáo Thượng Hải vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Cơ sở lý luận chiến lược cho một liên minh Trung – Mỹ không những đã mất đi từ lâu mà còn hoàn toàn bị đảo ngược. Trung Quốc đã trở thành một đối tác tích cực của Nga trong việc ủng hộ chế độ chuyên quyền. Gần đây nhất, một cuộc khảo sát với hơn 200 chuyên gia ngoại giao và an ninh ở Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã chỉ ra rằng, sự gia tăng xung đột Mỹ – Trung là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình ở Đông Bắc Á.
Bài xã luận kỷ niệm 50 năm trên Thời báo Hoàn cầu của Bắc Kinh đã kêu gọi duy trì di sản ngoại giao của Nixon. Có lẽ đã đến lúc người Mỹ tự hỏi có nên làm như vậy hay không.
Tác giả June Teufel Dreyer là Giáo sư chính trị tại Đại học Miami, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cố vấn của Quỹ Rumsfeld và cựu Ủy viên của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung được quốc hội ủy nhiệm. Sách của ba bao gồm các nghiên cứu về các dân tộc thiểu số của Trung Quốc, quan hệ Trung – Nhật, cách đối xử toàn diện với chính quyền Trung Quốc (hiện đã được xuất bản lần thứ 10) và một cuốn sách về chính trị Đài Loan.
Bảo Nguyên