Mộc Vệ
Ứng xử bất nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên quan đến cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đã khiến họ luôn trong cảnh bị động “như gà mắc tóc” khi phải xử lý những vấn đề bên lề liên quan.
Tránh trả lời vấn đề “người Hoa ở Ukraine có nên tiết lộ thân phận”
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ diễn ra ngày 28/2, có phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi, “xét về lập trường của Trung Quốc trong cuộc xung đột Ukraine-Nga, công dân Trung Quốc ở Ukraine có nên để lộ thân phận? Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch sơ tán công dân của mình ở Ukraine hay có lo lắng cho tình hình của công dân Trung Quốc ở Ukraine?”
Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không trực tiếp trả lời câu hỏi đầu tiên, chỉ nói rằng “tình hình ở Ukraine hiện nay rất phức tạp, Bộ Ngoại giao cùng với Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đang duy trì liên lạc với tất cả các bên, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, đồng thời nghiên cứu và xây dựng mọi phương án khả thi để hỗ trợ công dân Trung Quốc tại Ukraine tự nguyện sơ tán an toàn”.
Ông Uông cũng cho biết tình hình an toàn đường không và đường bộ tại Ukraine hiện nay rất bất ổn, qua đó nhắc nhở các công dân Trung Quốc tại Ukraine cần đề phòng. Tuy nhiên, không thấy có tuyên bố cụ thể về thời điểm ĐCSTQ hỗ trợ người Trung Quốc di tản.
Đáng chú ý là Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã không công bố trên trang web của họ phần câu hỏi mà ông Uông Văn Bân tránh trả lời, trong khi danh tính cơ quan truyền thông nước ngoài đã đặt câu hỏi cũng không ghi cụ thể mà chỉ ghi là “phóng viên truyền thông nước ngoài”, trong khi các câu hỏi từ các cơ quan khác như của CCTV, Nhật báo Trung Quốc, Bloomberg, Đài Phát thanh Quốc gia Thụy Điển… đều cho biết rõ kênh nào đặt câu hỏi.
Ngoài ra, gần đây quan chức ĐCSTQ đã cứng giọng rằng “sẽ không bao giờ có thể làm ngơ trước an toàn của đồng bào”, vào ngày 25/2 khởi động chuyến bay để di tản Hoa kiều, nhưng đến ngày 27/2 lại thay đổi khi giải thích rằng hoạt động di tản người Hoa rất khó thực hiện, cần tích cực nghĩ cách khác. Trong khi đó, những chuyến xe đặc biệt được Chính phủ Đài Loan thực hiện vào tối ngày 24/2 hỗ trợ các công dân Đài Loan mắc kẹt ở thủ đô Kiev của Ukraine đều lần lượt rời được khỏi Ukraine… Có lẽ vấn đề này khiến giới chức ĐCSTQ không tránh cảm giác tự thẹn nên đã chặn tất cả các tin tức liên quan trên Weibo hoặc WeChat.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc để lại bình luận: “Đáng lẽ phải sơ tán từ lâu rồi”; “Đài Loan cũng đã di tản được, sao chúng ta không được?”; “Đúng là bi hài kịch”…
Có cư dân mạng phàn nàn: “Vào ngày 24/2, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ nói rằng nếu bạn đang ở trên đường phố ở Ukraine, khi lái xe và dán cờ ĐCSTQ bạn sẽ được an toàn. Vào đêm ngày 25/2, ĐCSTQ nói rằng chúng tôi sẽ cung cấp các chuyến bay thuê bao tự trả chi phí riêng để cho ‘rau hẹ’ tại địa phương rời đi, nhưng không biết đến bao giờ mới có máy bay. Đêm ngày 26/2 thì lại bảo người Trung Quốc tại Ukraine không nên chủ động lộ ra thân phận và dấu hiệu nhận biết là người Trung Quốc. Đây có phải là một trò đùa?”
Trên mạng còn lan truyền một video cho thấy, một sinh viên Trung Quốc ở Ukraine nói rằng: “Chúng tôi thậm chí không dám nói mình là người Trung Quốc”, chỉ dám trả lời mình là người Nhật Bản.
Một tuyên bố từ Nga khiến Bắc Kinh căng thẳng
Ngoài ra, giới quan sát bên ngoài cũng nhận thấy quan chức ĐCSTQ ban đầu ủng hộ Nga về vấn đề chiến tranh Nga-Ukraine, nhưng sau đó lại chuyển sang thái độ trung lập hoặc thấp thỏm, lảng tránh. Một trong những nguyên nhân là do có thái độ thân Nga trước đó, khiến người Trung Quốc bị mắc kẹt ở Ukraine đã trở thành mục tiêu phân biệt đối xử, thậm chí là tấn công, khiến dư luận bất bình đối với cách hành xử của ĐCSTQ.
Dù Bắc Kinh bắt đầu chuyển thái độ dè dặt, nhưng họ lại bị ‘mũi tên bất ngờ’ từ Nga khiến một lần nữa đưa ĐCSTQ trở thành tâm điểm chú ý.
Theo Hãng thông tấn vệ tinh Nga (Sputnik), gần đây trên chương trình truyền hình “Nước Nga-1” (Россия-1), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã được hỏi “Nước Nga có còn bạn bè trên thế giới không?” thì câu trả lời được đưa ra là “Dĩ nhiên nước Nga có bạn bè trên thế giới…đặc biệt là Trung Quốc”.
Quan điểm được người phát ngôn của Nga đưa ra đã khiến ĐCSTQ có vẻ rất căng thẳng. Trong cuộc họp báo ngày 28/2, ông Uông Văn Bân lại nhấn mạnh “Vấn đề Ukraine của chúng tôi luôn nhất quán… luôn đứng về phe hòa bình và chính nghĩa”.
Vào ngày 25/2, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga, trong đó có 11 nước bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 3 thành viên là Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chọn bỏ phiếu trắng, chỉ có Nga bỏ phiếu chống lại. Vấn đề này được tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin, sau khi nhiều nước bày tỏ lệnh trừng phạt Nga thì đây là lần điều chỉnh thái độ mới nhất của Bắc Kinh đối với Nga.
Mộc Vệ (t/h)