Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Canada sẽ gửi vũ khí chống tăng cho Ukraine

Binh sĩ Canada khai hỏa vũ khí chống thiết giáp tầm ngắn Carl Gustav trong cuộc tập trận tấn công trực diện bằng đạn thật trên trường bắn trong Chiến dịch REASSURANCE (tạm dịch TRẤN AN), ở Cincu, Romania, vào ngày 09/04/2016. (Ảnh: Hạ sĩ Guillaume Gagnon/Camera chiến đấu của quân đội Canada/Flickr)

Hôm thứ Hai (28/02), Canada tuyên bố sẽ gửi vũ khí chống tăng đến hỗ trợ Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung để trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược của nước này.

Tại một cuộc họp báo ở Ottawa hôm 28/02 với sự tham gia của một số bộ trưởng trong nội các của ông, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada và các đồng minh không tìm cách kích động hoặc leo thang căng thẳng với Nga, nước vốn cho biết 27/02 rằng họ đang đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao.

Mặc dù ông Trudeau nói rằng lời đe dọa này là mối lo ngại đối với các nhà lãnh đạo G7, nhưng họ “kiên định và quyết tâm tiếp tục sát cánh cùng nhau để bảo vệ các nền dân chủ.”

Về mặt quân sự, ông Trudeau cho biết Canada cũng sẽ hỗ trợ không vận để gửi hàng tiếp tế và viện trợ đồng thời đóng góp vào các nỗ lực khác của NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand cho biết một chiếc phi cơ đã khởi hành đến Âu Châu hôm thứ Hai và một chiếc khác sẽ khởi hành vào cuối tuần này, và nỗ lực này được hỗ trợ bởi 50 nhân viên của Lực lượng Vũ trang Canada (CAF).

Vũ khí chống tăng sẽ được vận chuyển là súng trường không giật vác vai Carl Gustav xuất từ kho của CAF. Số lượng là không rõ ràng, với việc bà Anand cho biết số lượng sẽ là 100 trong bài diễn văn và sau đó là 125 khi trả lời một câu hỏi. Bộ trưởng cho biết Canada cũng đang cung cấp 2,000 quả đạn đã được nâng cấp ở Canada.

Súng Carl Gustav có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, một trong số đó được dẫn đường bằng laser để cải thiện độ chính xác. Hiện chưa rõ Canada đang cung cấp loại đạn nào.

Một số tin tức chỉ ra rằng hệ thống Javelin vác vai chống thiết giáp do Hoa Kỳ cung cấp đang tạo ra ảnh hưởng trên chiến trường, làm chậm bước tiến của Nga.

Thông báo của Canada về viện trợ quân sự được công bố sau một thông báo khác được đưa ra vào hôm 27/02 liên quan đến việc gửi viện trợ không sát thương dưới dạng áo chống đạn và mặt nạ phòng độc. Đầu tháng này (02/2022), Canada cho biết họ đã gửi số hàng viện trợ sát thương trị giá khoảng 10 triệu USD.

Hôm 28/02, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo các nước Liên minh Âu Châu cung cấp vũ khí và hàng hóa khác cho Ukraine về những hậu quả nguy hiểm.

Thủ tướng Trudeau cũng công bố các biện pháp bổ sung nhằm vào Nga sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng của nước này vào cuối tuần qua.

Thủ tướng cho biết Canada sẽ ngừng nhập cảng dầu thô của Nga, “một ngành công nghiệp đã mang lại lợi ích rất nhiều cho Tổng thống Putin và các nhà tài phiệt của ông ấy.”

“Và mặc dù Canada đã nhập cảng rất ít trong những năm gần đây, nhưng biện pháp này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ,” ông cho biết.

Theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Canada, trong năm 2019, 3% lượng dầu nhập cảng của Canada là từ Nga.

Ông Dan McTeague, chuyên gia về giá khí đốt và chủ tịch hội Người Canada Ủng Hộ Năng Lượng Giá Cả Phải Chăng (Canadians for Affordable Energy), nói với The Epoch Times rằng Ottawa nên đi xa hơn bằng cách ngăn chặn các tàu Nga sử dụng vùng biển Canada để vận chuyển 800,000 thùng dầu mỗi ngày đến Bờ Tây Hoa Kỳ.

“Vượt trên việc cấm dầu của Nga, chúng ta nên nỗ lực để thay thế nó,” ông McTeague nói thêm, đề cập đến việc giải phóng tiềm năng sản xuất dầu của Canada để làm tổn hại đến lợi nhuận của Điện Kremlin.

Để giải quyết vấn đề thông tin sai lệch, ông Trudeau cho biết chính phủ của ông cũng sẽ yêu cầu Ủy ban Phát thanh-Truyền hình và Viễn thông Canada (CRTC) xem xét sự hiện diện trên sóng Canada của Russia Today (RT), một kênh truyền thông nhà nước Nga bằng Anh ngữ.

Trước khi có thông báo này, các nhà cung cấp truyền hình lớn cho biết họ sẽ xóa RT khỏi danh sách kênh của mình.

Khi được một phóng viên hỏi liệu ông có cân nhắc áp dụng biện pháp này đối với các kênh thuộc sở hữu nhà nước khác như các hãng thông tấn của Trung Quốc hay không, Thủ tướng Trudeau nói rằng đó là “một câu hỏi hay và là một câu hỏi mà chúng tôi hoàn toàn nên và thực sự đang suy ngẫm,” nhưng ông nói thêm rằng tạm thời trọng tâm hiện tại đang đặt lên Nga.

Về hoạt động nhân đạo, Thủ tướng Trudeau thông báo rằng chính phủ sẽ kết hợp các khoản quyên góp được gửi đến quỹ Khủng Hoảng Nhân Đạo của Hội Chữ Thập Đỏ Canada, tổng cộng lên tới 10 triệu USD vào khoản 50 triệu USD tiền viện trợ nhân đạo mà Canada đã cam kết.

Bộ trưởng Di trú Sean Fraser cho biết kể từ ngày 19/01/2022, Canada đã nới lỏng quy trình nhập cư cho người Ukraine, dẫn đến việc chấp thuận gần 4,000 đơn đăng ký.

Việt Phương biên dịch

———
Hình ảnh vệ tinh của Maxar: Đoàn xe quân sự của Nga ở phía Bắc Kyiv kéo dài 40 dặm

Một hình ảnh vệ tinh từ Ivankiv cho thấy một đoàn xe quân sự của Nga đi qua vùng nông thôn bị cháy xém, phía tây bắc Kyiv, Ukraine hôm 28/02/2022. (Ảnh: Blacksky/Reuters) Tây Dương

Maxar Technologies cho biết, các bức ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Hai (28/02) cho thấy một đoàn xe quân sự của Nga ở phía bắc thủ đô Kyiv của Ukraine kéo dài khoảng 40 dặm (64 km), dài hơn đáng kể so với 17 dặm (27km) được ghi nhận trước đó trong ngày.

Maxar cũng cho biết các lực lượng trên bộ được điều động bổ sung và các đơn vị trực thăng tấn công mặt đất đã được nhìn thấy ở miền nam Belarus, cách biên giới Ukraine chưa đầy 20 dặm (32 km) về phía bắc.

———
Quan chức: Pháo binh Nga sát hại 70 binh sĩ Ukraine

Hơn 70 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng sau khi pháo binh Nga bắn trúng một căn cứ quân sự ở Okhtyrka, một thành phố nằm giữa Kharkiv và Kyiv, người đứng đầu khu vực này viết trên Telegram.

Ông Dmytro Zhyvytskyy đã đăng những bức ảnh về lớp vỏ cháy đen của một tòa nhà bốn tầng và các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm đống đổ nát. Trong một bài đăng trên Facebook sau đó, ông cho biết nhiều binh sĩ Nga và một số cư dân địa phương cũng đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh hôm Chủ Nhật (27/02). The Epoch Times chưa thể được xác nhận ngay lập tức thông tin từ ông Zhyvytskyy.

———

Tòa án hình sự quốc tế điều tra Nga về tội ác chiến tranh ở Ukraine

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 28/2 thông báo họ có kế hoạch mở một cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người ở Ukraine “càng nhanh càng tốt”.

“Tôi cảm thấy đã có cơ sở hợp lý để tin rằng cả tội ác chiến tranh bị cáo buộc và tội ác chống lại loài người đã được tiến hành ở Ukraine liên quan đến các sự kiện đã được đánh giá trong quá trình kiểm tra sơ bộ của Văn phòng,” Công tố viên trưởng Karim Khan cho biết trong một tuyên bố.

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh ban hành “một chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine hôm 24/2, các lực lượng Nga đã tấn công nhiều thành phố trên khắp đất nước và khiến hàng trăm người thương vong. Theo Quy chế Rome, các hành động mà ông Putin thực hiện nhằm vào Ukraine được coi là “tội ác xâm lược”. Các tội ác xảy ra trên lãnh thổ Ukraine cũng thuộc thẩm quyền của tòa án.

Đáng chú ý, ông Putin sẽ không thể bị xét xử trước ICC vì cả thủ phạm và nạn nhân đều phải là thành viên Quy chế Rome, trong khi Nga lại không phải. Tuy nhiên, Nga vẫn có thể bị truy tố về tội ác chiến tranh chống lại Ukraine nếu bằng chứng cho thấy nước này cố tình tấn công dân thường trên lãnh thổ Ukraine.

Ông Khan trước đó từng bày tỏ quan ngại về các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine và nói thêm trong tuyên bố rằng, ý định của ông là điều tra các tội danh mới bị cáo buộc. Tuy nhiên, ông vẫn cần sự cho phép của tòa án để mở một cuộc điều tra toàn diện. Sẽ rất khó khăn để mở một cuộc điều tra vì cả Nga và Ukraine đều không nằm trong số 123 quốc gia thành viên của tòa án, mặc dù Ukraine đã chấp nhận thẩm quyền của tòa án.

Ông Khan cho hay, ông đã nói với nhóm của mình về việc tìm hiểu cách lưu giữ bằng chứng tội ác, nhưng các bước tiếp theo là xin phép tòa án. Quá trình này có thể được đẩy nhanh nếu một quốc gia thuộc tòa án yêu cầu điều tra và chuyển nó cho văn phòng của ông Khan, điều này sẽ cho phép ông ngay lập tức tiến hành điều tra.

Cuộc điều tra sẽ xem xét các tội phạm bị cáo buộc đã được thực hiện ở Ukraine từ ngày 21/11/2013 đến ngày 22/11/2014. Cuộc điều tra thứ hai sẽ xem xét các tội phạm bị cáo buộc đã thực hiện từ ngày 20/2/2014 trở đi.

Người đứng đầu tổ chức nhân quyền của LHQ, bà Michelle Bachelet thông báo, hiện 102 thường dân Ukraine đã thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em, và 304 người khác bị thương. Tuy nhiên, bà cảnh báo con số thực có thể “cao hơn đáng kể”.

Công tố viên Karim Khan lưu ý, ông sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế khi bắt đầu điều tra.

“Tôi sẽ kêu gọi thêm ngân sách bổ sung, đóng góp tự nguyện để hỗ trợ tất cả các tình huống của chúng tôi, và cả về nhân sự. Tầm quan trọng cũng như tính cấp bách trong nhiệm vụ của chúng tôi là quá nghiêm trọng để có thể bị bắt làm con tin vì thiếu phương tiện,” ông nhấn mạnh.

———
Tòa Bạch Ốc phản đối đề nghị về vùng ‘cấm bay’ dành cho Ukraine

Cả chính phủ Tổng thống Biden và NATO đều bác bỏ lời kêu gọi thiết lập vùng “cấm bay” dành cho Ukraine, cho rằng làm như vậy sẽ khiến xung đột leo thang.

Cuối tuần qua (26-27/02) đã có nhiều lời kêu gọi Hoa Kỳ và NATO thiết lập một vùng cấm bay như vậy trên bầu trời Ukraine, trong bối cảnh các phản lực cơ của Nga thực hiện các cuộc đánh bom vào các mục tiêu của Ukraine. Dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois) là một trong những người kêu gọi làm như vậy, thu hút sự chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội.

Sáng hôm thứ Hai (28/02), phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết trên MSNBC rằng thiết lập một vùng cấm bay sẽ đòi hỏi việc thực thi, đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ và NATO sẽ phải bắn hạ phi cơ Nga.

“Điều đó chắc chắn sẽ leo thang và có khả năng khiến chúng ta rơi vào tình thế xung đột quân sự với Nga. Đó là điều mà tổng thống không muốn làm,” bà nhận xét. Bà Psaki cho biết Tòa Bạch Ốc và Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần nói rằng quân đội Mỹ sẽ không chiến đấu với binh lính Nga trừ khi Moscow quyết định tấn công một thành viên NATO trong một tình huống được quy định trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

———
Hollywood ngừng phát hành phim tại Nga, bao gồm cả ‘The Batman’

Ba hãng phim lớn của Hollywood đã quyết định tạm ngừng phát hành các bộ phim chiếu rạp sắp tới của họ ở Nga, bao gồm cả việc ra mắt “The Batman” tại các rạp ở đó trong tuần này.

Các hãng phim Warner Bros, Walt Disney, và Sony Pictures cho biết hôm thứ Hai (28/02) rằng họ sẽ “tạm dừng” việc phát hành các bộ phim của mình ở Nga. Mỗi hãng phim đều có những bộ phim quan trọng sắp phát hành đã được lên lịch ra mắt quốc tế trong những tuần tới đây. “The Batman”, một trong những bộ phim rất được mong đợi của năm, sẽ khởi chiếu vào thứ Sáu (04/03) tại Bắc Mỹ và nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại.

Walt Disney đã đưa ra quyết định tương tự ngay sau hành động của Warner Bros. Hãng phim này từng lên kế hoạch công chiếu bộ phim “Turning Red” của Pixar tại Nga vào ngày 10/03/2022. Bộ phim đó sẽ được chuyển thẳng lên dịch vụ xem phim trực tuyến Disney+ ở Hoa Kỳ.

Sony cũng theo sau, cho biết họ sẽ trì hoãn việc phát hành bộ phim chuyển thể từ truyện tranh “Morbius” ở Nga.

Nga không phải là thị trường hàng đầu của Hollywood, nhưng quốc gia này thường có tên trong danh sách hàng chục quốc gia hàng đầu thế giới về doanh thu phòng vé.

———

Ngày càng nhiều công ty Âu, Mỹ rời Nga

Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đang đảo ngược làn sóng đầu tư nước ngoài vào đây suốt 30 năm qua.

Số công ty tuyên bố chấm dứt quan hệ làm ăn hoặc đánh giá lại hoạt động ở Nga đang tăng lên khi nhiều nước áp lệnh trừng phạt lên Nga, đóng cửa không phận với máy bay nước này và loại một số nhà băng Nga khỏi SWIFT. Một số công ty cho biết rủi ro về danh tiếng và tài chính là quá lớn để họ tiếp tục hoạt động tại đây.

Sáng 28/2 đồng rouble mất giá tới hơn 30% so với đô la Mỹ sau khi Wasshington cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga, hạn chế khả năng nước này sử dụng khối dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD để bảo vệ nội tệ.

Với một số công ty, việc rút khỏi Nga đã chấm dứt khoản đầu tư béo bở suốt vài chục năm qua. Các hãng năng lượng đi tiên phong trong việc rót tiền vào Nga từ thập niên 90. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga – BP – hôm 27/2 bất ngờ thông báo sẽ từ bỏ 20% cổ phần trong hãng dầu khí Rosneft. Động thái này có thể khiến họ thiệt hại 25 tỷ USD và mất 30% sản lượng dầu khí. BP hiện cân nhắc bán lại số cổ phần này cho Rosneft, Bloomberg trích lời nguồn tin thân cận cho biết.

Shell hôm qua cũng có động thái tương tự. Hãng này cho biết sẽ chấm dứt hợp tác với hãng dầu khí Gazprom, trong đó có cơ sở sản xuất khí đốt Sakhalin-II và dự án đường ống Nord Stream 2. Cả hai dự án có tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Equinor – công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, do chính phủ nước này nắm cổ phần lớn, cũng thông báo sẽ bắt đầu rút khỏi các liên doanh với Nga, trị giá 1,2 tỷ USD. “Trong tình hình hiện tại, chúng tôi nhận thấy vị thế của mình khó có thể biện minh”, CEO Anders Opedal cho biết. Hiện tại, Exxon Mobil và TotalEnergies là các hãng năng lượng lớn duy nhất còn duy trì khai thác ở Nga.

Một nhà máy lọc dầu của Rosneft ở Novokuibyshevsk (Nga). Ảnh: Bloomberg

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chứng kiến nhiều thông báo rút lui nữa”, Allen Good – chiến lược gia tại Morningstar nhận định, “BP chịu sức ép lớn từ chính phủ Anh. Nhưng tôi không chắc TotalEnergies có chịu sức ép tương tự hay không, do mối quan hệ giữa Nga và Pháp rất khác”.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các công ty nước ngoài nhận thấy cơ hội khổng lồ tại thị trường này với hàng triệu người tiêu dùng, cùng lượng khoáng sản, dầu mỏ khổng lồ. Họ đã rót vốn vào để mua bán và hợp tác với các công ty Nga. Tuy nhiên, xu hướng này đang dừng lại. Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy cho biết sẽ đóng băng tài sản Nga trị giá khoảng 2,8 tỷ USD và sẽ lên kế hoạch rời đi trước ngày 15/3.

Một số hãng luật và kế toán lớn cũng đang đánh giá lại hoạt động tại Nga. Baker McKenzie tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ với một số khách hàng Nga để tuân thủ lệnh trừng phạt. Các khách hàng lớn của công ty này gồm Bộ Tài chính Nga và ngân hàng lớn thứ nhì Nga – VTB (hiện chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh, EU).

Bob Sternfels – lãnh đạo McKinsey & Co thì cho biết công ty này sẽ không hợp tác với các thực thể quốc doanh tại Nga nữa. Tuy nhiên, họ sẽ không rút chân hoàn toàn. McKinsey đã hoạt động tại đây gần 30 năm.

Sức ép với các công ty bán sản phẩm cho Nga cũng đang tăng lên. Daimler Truck Holding cho biết sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga cho đến khi có thông báo mới, đồng thời có thể xem xét lại việc hợp tác với đối tác địa phương Kamaz.

Volvo Car và Volvo ngừng bán hàng và sản xuất tại Nga. Harley-Davidson cũng ra thông báo tương tự. Châu Âu và Trung Đông đóng góp 31% doanh số xe máy cho hãng này năm ngoái. General Motors cũng ngừng bán hàng cho Nga, vì “các yếu tố bên ngoài, trong đó có vấn đề chuỗi cung ứng và các vấn đề khác ngoài tầm kiểm soát của công ty”. Mỗi năm, GM xuất khẩu khoảng 3.000 xe từ Mỹ sang Nga.

Những hãng khác thì đang chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm. Hãng xe Pháp Renault hôm qua mất 12% do nhà đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến mảng kinh doanh của họ tại Nga – thị trường lớn thứ nhì của hãng. AvtoVaz – công ty Renault nắm 68% cổ phần – sản xuất xe thương hiệu Lada – chiếm 20% thị phần Nga.

Ford Motor thì khẳng định chưa có kế hoạch rút khỏi liên doanh tại Nga với Sollers. “Các lợi ích hiện tại của chúng tôi vẫn an toàn”, hãng giải thích.

Dù vậy, các công ty hàng tiêu dùng có hoạt động và sản xuất tại Nga khó có thể dễ dàng rời đi, kể cả nếu họ muốn vậy. Trước chiến dịch quân sự của Nga tuần trước, hãng sữa Danone đã chuẩn bị kịch bản nếu căng thẳng quân sự leo thang. Giám đốc Tài chính Juergen Esser cho biết họ đã mua thêm nhiều nguyên liệu địa phương để sản xuất cho cả hai thị trường. Danone vào thị trường Nga 30 năm trước.

Còn với Carlsberg, việc phần lớn chuỗi cung ứng, sản xuất và khách hàng cho thị trường Nga đều nằm ở đây đã giúp giảm bớt tác động của lệnh trừng phạt. Họ đã hạn chế xuất nhập khẩu, nhưng hiện chưa thể đánh giá đầy đủ tác động trực tiếp và gián tiếp từ các lệnh trừng phạt. Công ty này có 1.300 lao động từ Ukraine và tuần trước đã phải cho nhà máy ngừng hoạt động để nhóm này về quê.

———
Úc cam kết viện trợ quân sự 50 triệu USD cho Ukraine

Thủ tướng Úc Scott Morrison

Úc sẽ viện trợ cho Ukraine 70 triệu Úc kim (50 triệu USD) về hỏa tiễn, đạn dược, và các khí tài quân sự khác để chống lại quân xâm lược Nga.

Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm thứ Ba (01/03) đã trình bày chi tiết về các kế hoạch của đất nước ông sau khi tiết lộ một ngày trước đó rằng chính phủ ông sẽ cung cấp cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky các thiết bị quân sự sát thương. Hồi tuần trước (21-27/02) ông Morrison đã hứa chỉ viện trợ quân bị không gây sát thương.

“Tổng thống Zelensky nói: ‘Đừng cho tôi một chuyến đi nhờ, mà hãy cho tôi đạn dược,” và đó chính xác là những gì chính phủ Úc đã đồng ý làm,” ông Morrison nói.

Ông nói, Úc đã cam kết sử dụng 50 triệu USD để cung cấp viện trợ phòng thủ sát thương và không sát thương cho Ukraine thông qua NATO.

“Phần lớn trong số đó… sẽ thuộc loại gây sát thương,” ông Morrison nói.

Ông Morrison cho biết: “Chúng tôi đang nói về hỏa tiễn, đang nói về đạn dược, đang nói về việc hỗ trợ họ trong việc bảo vệ quê hương của họ ở Ukraine và chúng tôi sẽ làm điều đó với sự hợp tác của NATO.”

“Tôi sẽ không đi vào chi tiết cụ thể của khoản viện trợ đó bởi vì tôi không có kế hoạch cấp cho chính phủ Nga lời cảnh báo trước về những gì sẽ đến với họ, nhưng tôi có thể bảo đảm với họ rằng sự việc này đang diễn ra rồi,” ông nói thêm.

FIFA và UEFA loại đội tuyển Nga khỏi tất cả các giải đấu

Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) đã đưa ra một tuyên bố chung vào thứ Hai (ngày 28/2), trong đó cấm tất cả đội tuyển Nga tham dự các giải đấu của họ cho đến khi có thông báo mới.

Tuyên bố cho hay: “Hôm nay FIFA và UEFA cùng đưa ra quyết định rằng tất cả đội tuyển của Nga, dù là đội đại diện quốc gia hay đội câu lạc bộ, sẽ bị đình chỉ tham gia các cuộc thi đấu của FIFA và UEFA cho đến khi có thông báo mới”

“Các quyết định trên đã được thông qua ngày hôm nay bởi Văn phòng Hội đồng FIFA và Ủy ban điều hành UEFA, là những cơ quan ra quyết định cao nhất của cả hai tổ chức trong những trường hợp khẩn thiết như thế này.”

“Tại đây, bóng đá hoàn toàn sát cánh và đoàn kết với tất cả những người bị ảnh hưởng tại Ukraine. Cả hai Chủ tịch [của FIFA và UEFA] đều hy vọng rằng tình hình ở Ukraine sẽ cải thiện nhanh chóng và đáng kể, để bóng đá một lần nữa có thể trở thành cầu nối cho sự hòa bình và đoàn kết giữa mọi người.”

Trong một tuyên bố riêng, UEFA thông báo rằng họ đã chấm dứt quan hệ đối tác với công ty năng lượng Nga Gazprom, và điều này “có hiệu lực ngay lập tức.”

Trước đó, FIFA cũng đã có các cuộc đàm phán cấp cao liên quan đến vấn đề của đội tuyển Nga sau khi Ba Lan, Thụy Điển và Cộng hòa Séc từ chối thi đấu với nước này trong các trận tranh tài dự kiến diễn ra vào ngày 24/3 và ngày 29/3 tại Moscow, cũng như trong trận bán kết vòng loại World Cup nam sắp tới.

Chủ nhật vừa qua (ngày 27/2), Cơ quan quản lý bóng đá thế giới xác nhận rằng các đội tuyển của Nga phải thi đấu tại những địa điểm trung lập trong bối cảnh Nga đang có hoạt động quân sự tại Ukraine. Các đội tuyển bóng đá Nga cũng sẽ phải thi đấu với tư cách “Liên đoàn bóng đá Nga”, thay vì quốc gia Nga và không có sự cổ vũ của người hâm mộ, không được sử dụng quốc kỳ và hát quốc ca.

Tuy nhiên vào ngày 28/2, FIFA và UEFA đã ra quyết định ‘nặng tay’ hơn, loại hoàn toàn các đội tuyển Nga cũng như các đội câu lạc bộ của nước này khỏi tất cả các giải đấu của họ cho đến khi có thông báo mới. Điều này đồng nghĩa với việc đội tuyển nam của Nga gần như chắc chắn sẽ bị cấm thi đấu vòng loại để giành suất tham dự World Cup 2022 tại Qatar.

Nếu không có gì thay đổi, lệnh cấm cũng tương đương với việc, đội tuyển nữ quốc gia Nga sẽ bị loại khỏi các cuộc tranh tài tại Euro 2022.

Để đến với FIFA World Cup 2022, đội tuyển nam của Nga cần phải đánh bại Ba Lan, sau đó là Thụy Điển hoặc Cộng hòa Séc. Trong khi đó, đội tuyển nữ đã đủ điều kiện để tham dự giải Euro do UEFA tổ chức tại Anh. Tuyển nữ của Nga dự kiến sẽ đối đầu với Thụy Sĩ trong cuộc đụng độ tại bảng C vào ngày 9/7.

Tuần trước, UEFA đã ra thông báo rằng họ sẽ dời trận chung kết nam Champions League 2022 từ thành phố St.Petersburg của Nga đến thủ đô Paris của Pháp.

———

Trung Quốc bắt đầu sơ tán dân khỏi Ukraine

Đồng thời, trong ngày thứ 6 của chiến sự (1/3), Tòa dại sứ quán Trung Quốc cho biết họ bắt đầu di tản công dân của họ khỏi Ukraine

Tòa đại sứ cho biết, nhóm có tổ chức đầu tiên đã rời đi vào ngày 28/2. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng, họ là những sinh viên Trung Quốc quá cảnh Kyiv tới Moldova.

Việc Trung Quốc sơ tán công dân của họ có thể có một số ý nghĩa. Một khả năng là Bắc Kinh ban đầu cảm thấy không nên làm mất lòng Nga quá sớm. Một điều khác, đó là Trung Quốc có thể nghĩ rằng Nga sẽ chiếm Ukraine nhanh đến mức không cần người dân phải rời đi. Một khả năng khác đáng lo ngại hơn, Trung Quốc đã tính toán rằng cuộc xâm lược của Nga sắp trở nên tồi tệ hơn nhiều.

———
Ukraine cho biết Nga tăng cường các đợt pháo kích trong lúc đàm phán diễn ra

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskys cho biết quân đội Nga đã tăng cường các đợt pháo kích vào Ukraine, gọi đó là một nỗ lực buộc chính phủ của ông phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán diễn ra hôm thứ Hai (28/02).

Trong một video vào cuối ngày thứ Hai, ông Zelensky nói rằng “các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh các cuộc ném bom và pháo kích dội vào lãnh thổ của chúng tôi, các thành phố của chúng tôi. Việc các cuộc pháo kích diễn ra đồng thời với quá trình đàm phán là điều dễ nhận thấy. Tôi tin rằng Nga đang cố gắng gây áp lực (lên Ukraine) bằng phương pháp đơn giản này.”

Tổng thống không đưa ra chi tiết nào về các cuộc đàm phán kéo dài hàng giờ đồng hồ. Tuy nhiên, ông nói rằng Ukraine chưa sẵn sàng nhượng bộ “khi một bên đang tấn công họ bằng pháo phản lực.”

Ông Zelensky cho rằng thủ đô Kyiv vẫn là “một mục tiêu chính” đối với Nga và các lực lượng Nga cũng đã nã pháo phản lực vào thành phố Kharkiv.

———
Hoa Kỳ yêu cầu 12 nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc của Nga rời khỏi đất nước

Hoa Kỳ đã yêu cầu 12 nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc của Nga rời khỏi đất nước do cáo buộc tham gia “các hoạt động không phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của họ với tư cách là các nhà ngoại giao,” Đại sứ Richard Mills, Phó đại diện của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, cho biết trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào chiều thứ Hai (28/02).

Phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc cũng cho biết trong một tuyên bố rằng 12 nhà ngoại giao Nga là “đặc vụ tình báo … đã lạm dụng đặc quyền cư trú ở Hoa Kỳ bằng cách tham gia các hoạt động gián điệp có hại cho an ninh quốc gia của chúng tôi.”

———
Ukraine công bố video quay cảnh phi cơ không người lái phá hủy hệ thống hỏa tiễn của Nga

Ảnh ghép trích từ video do ông Valery Zaluzhny, chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, công bố cho thấy một cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái nhắm vào một hệ thống hỏa tiễn của Nga ở khu vực Zhytomyr hôm 27/02/2022. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của ông Valery Zaluzhny/Reuters)

Một quan chức quân đội Ukraine đã công bố đoạn phim quay ngày 27/02 cho thấy một hệ thống hỏa tiễn thuộc Lực lượng Vũ trang Nga bị một phi cơ không người lái của Ukraine phá hủy.

Ông Valery Zaluzhny, chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết trên mạng xã hội rằng một phi cơ không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã được sử dụng để phá hủy máy móc của Nga ở khu vực xung quanh thành phố Malyn thuộc vùng Zhytomyr.

The Epoch Times không thể xác minh cảnh quay một cách độc lập.

———
Phần Lan thay đổi chính sách, gửi vũ khí đạn dược cho Ukraine

Hôm thứ Hai (28/02), Thủ tướng Sanna Marin cho biết Phần Lan sẽ gửi vũ khí và đạn dược cho Ukraine, trong một quyết định thay đổi chính sách.

Lô hàng sẽ bao gồm 2,500 súng trường tấn công, 150,000 viên đạn, 1,500 vũ khí chống tăng và 70,000 gói thực phẩm, Bộ trưởng Quốc phòng Antti Kaikkonen cho biết thêm.

Quyết định này có nghĩa là một sự thay đổi trong chính sách đối với Phần Lan, quốc gia kể từ thời Liên Xô năm 1956 vẫn duy trì hình ảnh một quốc gia không liên kết (tức không đứng về phe nào trong Chiến Tranh Lạnh).

———
Tổng thống Ukraine ký đơn chính thức yêu cầu gia nhập EU

Một cố vấn hàng đầu của tổng thống Ukraine cho biết, vòng đàm phán đầu tiên với Nga về việc chấm dứt giao tranh ở Ukraine đã kết thúc và nhiều cuộc đàm phán hơn có thể sẽ sớm diễn ra.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine đã ký đơn xin gia nhập Liên minh u Châu của Ukraine, nhằm củng cố mối quan hệ của nước này với phương Tây.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đăng những bức ảnh ghi lại cảnh ông ký đơn và văn phòng của ông cho biết thủ tục giấy tờ đang được chuyển đến Brussels, nơi đặt trụ sở chính của 27 quốc gia EU.

———
Ukraine ‘không sẵn sàng đầu hàng’ Nga

Ukraine tuyên bố sẽ không đầu hàng Nga trong bối cảnh các đại biểu của cả hai nước đang có các cuộc đàm phán dọc biên giới.

“Ukraine sẵn sàng tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng Ukraine không sẵn sàng đầu hàng có điều kiện hoặc vô điều kiện,” Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói với CNBC hôm thứ Hai (28/02), vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố xâm lược Ukraine.

Ông Kuleba nói với hãng thông tấn này rằng ông không chắc liệu các cuộc đàm phán sẽ thành công hay không. Hôm Chủ Nhật (27/02), các quan chức Ukraine xác nhận sẽ có các cuộc đàm phán dọc theo biên giới Ukraine-Belarus.

“Tôi là một nhà ngoại giao, tôi phải tin vào sự thành công của các cuộc đàm phán, nhưng đồng thời mục tiêu chính của tôi với tư cách là một nhà ngoại giao bây giờ là áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Nga, đưa nhiều vũ khí hơn đến Ukraine, và cô lập Nga nhiều nhất có thể trong khả năng của chúng tôi trên trường quốc tế, vì vậy tôi tập trung vào phần này của ngoại giao,” ông nói và cho biết thêm rằng “chúng tôi không chỉ đại diện cho bản thân mà còn cho trật tự thế giới như tất cả chúng ta đều biết.”

———
Nga-Ukraine bắt đầu đàm phán ngừng bắn

Các quan chức Nga và Ukraine tham gia cuộc đàm phán tại khu vực Gomel, Belarus, hôm 28/02/2022. (Ảnh: Sergei Kholodilin/BelTA/Phân phát qua Reuters)

Các cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và Ukraine đã bắt đầu ở biên giới Belarus hôm thứ Hai (28/02), khi Nga đối mặt với sự cô lập kinh tế ngày càng nghiêm trọng, bốn ngày sau khi xâm lược Ukraine trong cuộc tấn công lớn nhất nhắm vào một quốc gia Âu Châu kể từ Đệ nhị Thế Chiến.

Hôm thứ Hai (28/02), hãng thông tấn Interfax cho biết các lực lượng Nga đã chiếm giữ hai thành phố nhỏ ở phía đông nam Ukraine và khu vực xung quanh một nhà máy điện hạt nhân, nhưng đã vấp phải sự kháng cự gay gắt ở những nơi khác.

Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết các cuộc đàm phán bắt đầu với mục đích ngừng bắn ngay lập tức và rút các lực lượng của Nga, sau khi bước tiến của Nga diễn ra chậm hơn so với một số người dự đoán.

Nga tỏ ra dè dặt về các cuộc đàm phán, trong khi Điện Kremlin từ chối bình luận về mục tiêu của Moscow.

Không rõ liệu có thể đạt được tiến triển nào hay không sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công hôm thứ Năm (24/02) và đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao hôm Chủ Nhật (27/02).

Các cuộc đàm phán đang được tổ chức ở biên giới với đồng minh mạnh mẽ của Nga là Belarus, nơi một cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật (27/02) đã thông qua một hiến pháp mới từ bỏ quy chế phi hạt nhân của Belarus vào thời điểm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này trở thành một bệ phóng cho quân đội Nga xâm lược Ukraine.

———
Hoa Kỳ đóng cửa đại sứ quán tại Belarus

Các quan chức Hoa Kỳ thông báo hôm 28/02 rằng Hoa Kỳ đã đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Belarus, một quốc gia láng giềng của Ukraine và tất cả nhân viên Mỹ đã rời khỏi nước này.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng cho biết Belarus có chung đường biên giới với Ukraine và Nga nhưng nước này đã cho phép quân đội Nga đưa binh sĩ qua vùng trời của mình để thực hiện các cuộc tấn công từ các mặt trận bổ sung chống lại các lực lượng của Ukraine.

———
Liên Hiệp Quốc cho biết khu xử lý chất thải phóng xạ của Ukraine bị trúng hỏa tiễn

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết hỏa tiễn đã bắn trúng một khu xử lý chất thải phóng xạ ở thủ đô Kyiv của Ukraine, nhưng không có báo cáo về thiệt hại đối với các tòa nhà hoặc dấu hiệu cho thấy chất phóng xạ bị phóng thích.

Trong một tuyên bố vào cuối hôm Chủ Nhật (27/02), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết các nhà chức trách Ukraine đã thông báo cho văn phòng của ông về vụ tấn công qua đêm. Ông cho biết cơ quan của ông hy vọng sẽ sớm nhận được kết quả giám sát phóng xạ tại hiện trường.

Thông tin trên xuất hiện một ngày sau khi một máy biến áp điện tại một cơ sở xử lý tương tự ở thành phố Kharkiv của Ukraine bị hư hỏng.

Những cơ sở như vậy thường chứa các vật liệu phóng xạ ở mức độ thấp như chất thải từ bệnh viện và chất thải công nghiệp, nhưng ông Grossi nói rằng hai sự cố trên nêu bật một “rủi ro rất thực tế”. Ông nói nếu các địa điểm bị hư hại, có thể có “hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng đối với sức khỏe con người và môi trường.”

Related posts