Nga đe doạ răn đe hạt nhân, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức khó lường. Liệu ĐCSTQ có bị trói chặt cùng cỗ xe của Nga?
Trước một loạt các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ và châu Âu nhắm vào các ngân hàng, quan chức cấp cao và công nghệ cao của Nga đối với việc Nga xâm lược Ukraina, Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 27/2 đã gọi đây là các biện pháp trừng phạt “bất hợp pháp”, và ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động chiến đấu. Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lệnh răn đe này “nhằm ngăn chặn sự xâm lược chống lại Nga và các đồng minh của nước này và đánh bại kẻ xâm lược, kể cả trong một cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Việc ông Putin đe doạ răn đe hạt nhân trước hết phản ánh rằng cuộc tiến quân của ông ở Ukraina không như mong đợi. Theo dự đoán trước chiến tranh, các lực lượng Nga sẽ chiếm Kiev thông qua một cuộc tiến công nhanh chóng, lật đổ chế độ Ukraina hiện tại và xây dựng một chế độ bù nhìn thân Nga, sau đó quân đội Nga sẽ rút khỏi Ukraina, suy cho cùng, chi phí cho việc chiếm đóng Ukraina là rất lớn. ĐCSTQ, người biết về kế hoạch tấn công của quân đội Nga, đã không sơ tán công dân của mình và để người Trung Quốc ở Ukraina treo cờ Trung Quốc. Trên thực tế, họ tin rằng quân đội Nga có thể nhanh chóng chiếm đóng Kiev.
Tuy nhiên, trước sự ngỡ ngàng của Matxcơva, Bắc Kinh và cả thế giới, Ukraina vẫn chưa bị đánh bại sau vài ngày giao tranh, sự chống trả ngoan cường của quân và dân Ukraina đã cản trở bước tiến của quân Nga, Kiev không bị quân Nga chiếm đóng. Ngoài các lệnh trừng phạt chống lại Nga, Mỹ và châu Âu đã tăng cường hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraina, và không loại trừ khả năng tiếp viện.
Rõ ràng, chiến tranh càng kéo dài, ông Putin càng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ các bên khác nhau. Về phần Ukraina, dù kiên cường chống trả, nhưng khoảng cách quân sự giữa nước này với Nga quả thực chỉ có thể trì hoãn cuộc tấn công của quân đội Nga. Trong trường hợp này, hai bên đã đàm phán tại Gomel Oblast, Belarus vào ngày 28/2. Trước cuộc đàm phán, ông Putin đã đề cập đến khả năng răn đe hạt nhân, cũng nhằm mục đích răn đe và gây áp lực lên Ukraina.
Tuy nhiên, trong mắt Hoa Kỳ và châu Âu, ngôn luận của ông Putin là cực kỳ nguy hiểm. Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói với CNN vào ngày 27/2 rằng đó là một phần trong “ngôn luận nguy hiểm” của ông Putin. Toà Bạch Ốc cho biết “chúng tôi có khả năng tự bảo vệ mình”.
Vậy xác suất mà ông Putin, người đã đề cập đến khả năng răn đe hạt nhân, sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân là bao nhiêu? Trừ khi bạn muốn tiêu diệt Nga, nếu không xác suất sử dụng nó không cao. Bạn phải biết rằng mặc dù vũ khí hạt nhân của Ukraina đã bị phá hủy từ lâu, nhưng NATO, vốn được thành lập để chống lại Liên Xô, không chỉ có lực lượng thông thường, mà còn có một số lượng lớn vũ khí hạt nhân.
Vào năm 2020, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Trachtenberg cho biết trong một bài phát biểu rằng răn đe hạt nhân là sự bảo đảm cho tất cả các hoạt động ngoại giao, ngăn chặn kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân để cưỡng chế, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ông cũng nói rằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã hành động để thể hiện cam kết với các đồng minh và đối tác bằng cách tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, chẳng hạn như yêu cầu 25 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng năm 2020 để hiện đại hóa bộ ba hạt nhân, chia sẻ chiến lược hạt nhân và khả năng khai triển hạt nhân với các đối tác NATO và chuyển vũ khí hạt nhân của Mỹ tới châu Âu.
Tuy nhiên, mặc dù cả Nga và NATO đều có khả năng ném bom hạt nhân vào lãnh thổ của nhau, nhưng cả hai bên với suy nghĩ bình thường cũng biết rằng nếu cả hai cùng ném bom hạt nhân vào nhau, ném càng nhiều thì số người chết càng lớn, dù thắng thì tương lai cũng chẳng dễ dàng gì. Do đó, trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, không có bên nào là bên chiến thắng. Đó là lý do tại sao không ai trong thế giới ngày nay dám khinh suất sử dụng vũ khí hạt nhân.
Vì vậy, trong chiến tranh Nga-Ukraina, hai bên tập trung nhiều hơn vào việc sử dụng vũ khí thông thường để thực hiện các cuộc tấn công, xét cho cùng, khả năng tấn công thông thường tầm trung và tầm xa của quân đội Nga không hề yếu kém. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân trước khi phát huy hết khả năng tấn công thông thường, điều này sẽ dẫn đến sự lên án toàn cầu và gây tổn hại trong nước, chắc chắn không phải là một quyết định của một nhà lãnh đạo có lý trí.
Điều đáng chú ý là đề xuất răn đe hạt nhân đối với Ukraina của ông Putin vẫn đặt ra một vấn đề đối với Bắc Kinh. Tại sao lại như vậy?
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraina từng trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân lớn thứ ba do số lượng lớn vũ khí của Liên Xô để lại ở nước này. Vào ngày 5/12/1994, Hoa Kỳ, Nga và Vương quốc Anh đã ký một văn kiện ngoại giao được gọi là “Bản ghi nhớ An ninh Budapest” tại cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu được tổ chức lần lượt tại Budapest, Hungary, với Ukraina, Belarus và Kazakhstan. Bản ghi nhớ tập trung vào việc phi hạt nhân hóa Ukraina, Belarus và Kazakhstan, đồng thời “tôn trọng và kiềm chế các mối đe dọa đối với độc lập và chủ quyền của các vùng lãnh thổ hiện có của Ukraina, Belarus và Kazakhstan, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực”.
Theo bản ghi nhớ, Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cam kết tôn trọng độc lập của Ukraina trong các biên giới hiện có để đổi lấy việc Ukraina (hoặc Belarus, hoặc Kazakhstan) gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và hoàn thành việc chuyển giao kho vũ khí hạt nhân của họ cho Nga; ngăn chặn mọi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại Ukraina; không sử dụng sức ép kinh tế đối với Ukraina để ảnh hưởng đến các chính sách của nước này; tìm kiếm sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng chống lại Ukraina; và hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraina.
Những người ký bản ghi nhớ bao gồm Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton, Thủ tướng Anh John Major, Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Tổng thống Ukraina Kuchma, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev.
Vào ngày 4/12/2009, ngày hết hiệu lực của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START), Hoa Kỳ và Nga đã ra một tuyên bố chung tái khẳng định rằng các bảo đảm an ninh trong Bản ghi nhớ về bảo đảm an ninh Budapest đã ký với Ukraina, Belarus và Kazakhstan sẽ vẫn có hiệu lực sau ngày đó. Rõ ràng, Nga đã đặt tất cả các cam kết của mình ra phía sau.
Không chỉ Hoa Kỳ, Anh và Nga đã đưa ra cam kết với Ukraina và các nước khác, mà ĐCSTQ cũng hứa cung cấp cho Ukraina các bảo đảm an ninh hạt nhân, và Ukraina cũng được cho là quốc gia duy nhất mà ĐCSTQ hứa cung cấp bảo đảm an ninh hạt nhân. Theo báo cáo, vào cuối năm 2013, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Ukraina Yanukovych, ông đã ký một hiệp ước hữu nghị với Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều 2 của hiệp ước nêu rõ rằng Trung Quốc đánh giá cao việc Ukraina đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân, phù hợp với Nghị quyết 984 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tuyên bố ngày 4/12/1994, của chính phủ Trung Quốc về việc cung cấp các bảo đảm an ninh cho Ukraina, cam kết sẽ không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraina một cách vô điều kiện với tư cách là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân và cung cấp cho Ukraina những bảo đảm an ninh tương ứng trong trường hợp gây hấn hoặc đe dọa gây hấn bằng vũ khí hạt nhân.
Vậy, ĐCSTQ làm gì khi Nga đưa ra lời đe dọa hạt nhân chống lại Ukraina? Bắc Kinh có những lựa chọn nào trong trường hợp Nga đi chệch hướng và sử dụng vũ khí hạt nhân? Làm thế nào để bảo đảm an ninh cho Ukraina “trong trường hợp bị xâm lược hoặc đe dọa gây hấn với việc sử dụng vũ khí hạt nhân?” Nếu đây không phải là vấn đề đối với Bắc Kinh, thì đó là gì?
Không nghi ngờ gì nữa, Nga không muốn giữ Bắc Kinh đứng ngoài cuộc. Trong tình hình hiện nay khi Nga đang chịu các lệnh trừng phạt mạnh mẽ từ phương Tây và bị cô lập trên trường quốc tế, sự hỗ trợ từ Bắc Kinh rõ ràng là rất quan trọng, và Matxcơva nhất định phải trói chặt ĐCSTQ vào cỗ xe của mình. Ngày 28/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng Nga vẫn có bạn bè trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặc dù ĐCSTQ bảo vệ cuộc xâm lược của Nga, đổ lỗi cho Hoa Kỳ và “không ủng hộ việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để giải quyết vấn đề, và thậm chí phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”, thậm chí còn cung cấp cho Nga các quỹ kinh tế dù rõ ràng hay ngầm hiểu, nhưng vẫn không dám công khai đứng cùng Matxcơva, ví dụ như khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hành động xâm lược của Nga, ĐCSTQ đã bỏ phiếu trắng.
Ngoài ra, sau khi ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT toàn cầu, các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ cẩn thận hơn để tránh bị Hoa Kỳ và châu Âu trừng phạt. Theo Hãng thông tấn Sputnik Nga, ngày 27/2, đại diện cấp cao của Chính phủ Mỹ cho biết, Trung Quốc sẽ không giúp Nga đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây. “Các dấu hiệu gần đây cho thấy Trung Quốc sẽ không giúp đỡ. Tôi nghĩ đã có báo cáo ngày hôm qua hoặc một ngày trước đó rằng Trung Quốc đã hạn chế một số ngân hàng của họ cấp các khoản vay để mua các nguồn năng lượng từ Nga.” Nhưng tác giả bài viết cho rằng sự giúp đỡ có khả năng được đưa ra, nhưng chắc chắn sẽ rất cẩn thận.
Kết quả của cuộc đàm phán Nga-Ukraina sẽ sớm được biết, Nga nên coi đây là sự lựa chọn tốt nhất để rút quân, nhưng rõ ràng là nước này đã rất mất mặt và đã phải trả một cái giá không nhỏ nên các yêu cầu của Nga trong cuộc đàm phán có thể không được thỏa mãn, chiến tranh có thể tiếp diễn, thậm chí quân đội Nga sẽ gia tăng nỗ lực tấn công. Trong tương lai, rất có thể hai bên sẽ vừa đàm phán vừa giao tranh, nhưng dù thế nào thì lần này Nga cũng sẽ mất nhiều hơn được, và thái độ của thế giới đối với Nga sẽ khiến Trung Nam Hải hiểu rằng nếu đánh Đài Loan thì cái giá mà Bắc Kinh phải trả sẽ cao hơn rất nhiều so với Nga.
Theo Epoch Times