Ngày thứ 6 Nga xâm lược Ukraine, người dân Ukraine thức dậy khi nghe tiếng hú của còi báo động và tin tức về một đoàn xe tăng Nga trải dài 65km đang tiến về thủ đô Kyiv. Theo sau đó là đoàn pháo kích tăng cường tiến vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Trước tình hình này, vòng 2 của cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào hôm nay (2/3 (giờ London).
Đài tưởng niệm người Do Tháo ở Kyiv trúng không kích
“Vừa rồi, đài tưởng niệm Babyn Yar đã bị bắn trúng. Ba quả tên lửa đã bắn trúng nơi này”, CNN dẫn lời giáo sĩ Moshe Reuven Azman nói trong một video đăng tải trên trang Facebook cá nhân.
“Babyn Yar là biểu tượng, nơi có 200.000 người già, phụ nữ và trẻ em vô tội đã nằm xuống”, ông nói thêm.
Từ năm 1941 đến năm 1943, Đức Quốc xã đã bắn chết hàng chục nghìn người tại Babyn Yar, bao gồm gần như toàn bộ người Do Thái ở Kyiv, theo trang web chính thức của đài tưởng niệm.
“Tôi liên tục nhận được các cuộc gọi từ người Do Thái, không chỉ người Do Thái, cả người Ukraine và người Nga từ khắp Kyiv yêu cầu giúp đỡ”, giáo sĩ nói.
“Họ cần viện trợ nhân đạo. Tôi đang cố gắng giúp đỡ mỗi ngày. Những người già gọi điện nói rằng họ không có thuốc cần thiết, các bà mẹ nói rằng họ không có thức ăn cho trẻ em, họ đang phải chịu đựng cuộc pháo kích”, vị giáo sĩ nói thêm.
Thủ đô Kyiv bị tấn công tên lửa sau khi Nga cảnh báo người dân sơ tán
Khói bốc lên từ tòa tháp ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga được các hãng thông tấn nhà nước dẫn lời rằng quân đội nước này sẽ tấn công các địa điểm ở Kyiv thuộc cơ quan an ninh của Ukraine và một đơn vị hoạt động đặc biệt.
“Lực lượng Nga vừa nổ súng vào Tháp truyền hình Kyiv”, Quốc hội Ukraine viết trong một bài đăng trên mạng xã hội, chia sẻ hình ảnh về tòa tháp bốc khói.
Vài giờ trước đó, Nga cho biết các cuộc tấn công nhằm ngăn chặn “các cuộc tấn công thông tin chống lại Nga”, kêu gọi người dân Ukraine sơ tán khỏi các khu vực xung quanh các địa điểm.
Đánh chiếm Kyiv, quốc gia có khoảng 2,8 triệu dân, là mục tiêu chính của quân đội Nga, theo các quan chức Ukraine, Mỹ và Anh.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao nói với các phóng viên trong một cuộc gọi vào hôm thứ Ba, Nga đã tiến đến Kyiv vào hôm thứ Ba nhưng rất ít tiến triển.
Các bức ảnh do công ty vệ tinh Maxar của Mỹ công bố cho thấy xe tăng, pháo và xe chở nhiên liệu của Nga trải dài khoảng 65km dọc theo một đường cao tốc về phía bắc. Một bức ảnh vệ tinh cho thấy đoàn xe thiết giáp của Nga đang tiến về Thủ đô Kyiv Ảnh: Getty Images
WB viện trợ khẩn cấp cho Ukraine
Ngân hàng Thế giới (WB) chuẩn bị gói viện trợ khẩn cấp 3 tỷ USD cho Ukraine, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang sớm xem xét các yêu cầu tài trợ khẩn cấp cho nước này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết trên một tuyên bố hôm 2/3, theo Sputnik.
“Tại Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đang chuẩn bị gói hỗ trợ 3 tỷ USD trong những tháng tới, bắt đầu với hoạt động hỗ trợ ngân sách giải ngân nhanh với ít nhất 350 triệu USD sẽ được trình lên để hội đồng phê duyệt trong tuần này”, tuyên bố cho biết.
Một phòng khám phụ sản gần Kyiv bị trúng tên lửa
Theo bài đăng trên Facebook của ông Vitaliy Gyrin, Giám đốc phòng khám phụ sản Adonis, một tên lửa đã bắn trúng phòng khám tư nhân này hôm 2/3.
“Một tên lửa đã bắn trúng phòng khám phụ sản gây ra nhiều thiệt hại, nhưng tòa nhà vẫn đứng vững. Mọi người đã được sơ tán”, ông Gyrin viết, CNN đưa tin.
Ông cũng đặc biệt yêu cầu mọi người không đến phòng khám: “Điều quan trọng nhất là đừng đến đây bây giờ. Mọi người đang ở một nơi an toàn. Đây là điều chắc chắn”.
Tổng thống Ukraine: ‘Nga hãy ngừng ném bom trước đã’
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 1/3 nói rằng Nga phải ngừng ném bom xuống các thành phố nước này trước khi các cuộc đàm phán mới có thể bắt đầu.
“Ít nhất cần phải ngừng ném bom vào người dân. Hãy ngừng ném bom và sau đó ngồi xuống bàn đàm phán”, vị tổng thống nói với Reuters.
Yêu cầu được đưa ra sau khi vòng đàm phán đầu tiên diễn ra đầu tuần này đạt được rất ít tiến triển.
Trong khi đó, TASS dẫn lời một người ở phía Nga nói rằng vòng 2 của cuộc đàm phán có thể diễn ra ngày hôm nay (2/3).
Tổng thống Zelenskiy cũng kêu gọi các thành viên NATO áp đặt vùng cấm bay để ngăn chặn lực lượng không quân Nga, đồng thời cho rằng đây chỉ là một biện pháp phòng ngừa và không có nghĩa kéo liên minh vào cuộc chiến với Nga.
Ukraine đã thúc ép NATO đẩy nhanh tiến độ gia nhập, một động thái bị Nga phản đối dữ dội và được cho là một trong những lý do khiến Moscow khởi động chiến dịch quân sự.
Nga – Ukraine đàm phán trở lại vào ngày 2/3
Truyền thông Nga và Ukraine dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ vòng 2 cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ bắt đầu vào ngày 2/3 tại Belarus. Phía Ukraine giữ yêu cầu ký thỏa thuận ngừng bắn và Nga rút quân về nước.
Ngày 1/3, Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn các nguồn tin từ phía Nga tiết lộ vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra vào ngày 2/3.
Zerkalo Nedeli và Glavkom, hai tờ báo của Ukraine, cùng ngày 1/3 cũng dẫn các nguồn tin từ phái đoàn Ukraine xác nhận vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra ngày 2/3. Chiến tranh Ukraine: Nga muốn tổ chức các cuộc đàm phán tại Belarus – nơi có liên kết chặt chẽ với Điện Kremlin (Ảnh: NTD)
Hiện chưa rõ địa điểm cuộc gặp lần này có giống lần trước là vùng Gomel của Belarus hay không.
Các nguồn tin này cũng tiết lộ những điều khoản mà hai bên đưa ra trong cuộc gặp đầu tiên hôm 28/2, theo hãng thông tấn TASS.
Trong đó Nga yêu cầu Ukraine phải chính thức tuyên bố không gia nhập các khối chống lại Nga và tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này. Kyiv cũng phải công nhận độc lập của hai vùng ly khai là Donetsk và Lugansk, cũng như từ bỏ yêu cầu Nga trả lại bán đảo Crimea (sáp nhập năm 2014).
Phía Ukraine, theo tờ Glavkom, yêu cầu Nga ký kết lệnh ngừng bắn và rút quân đội khỏi lãnh thổ của mình.
Trong một cuộc họp báo ngày 1/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã được thông báo về nội dung cuộc đàm phán.
Ông Peskov cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá kết quả đàm phán vòng 1 và Moscow vẫn đang “phân tích” cuộc gặp đầu tiên.
Đại diện Điện Kremlin cũng cho biết chưa có bất kỳ kế hoạch nào để ông Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau.
Theo ông Peskov, Nga vẫn công nhận ông Zelensky là tổng thống Ukraine và nhà lãnh đạo này hoàn toàn có thể ngăn chặn thương vong leo thang bằng cách ra lệnh quân đội hạ vũ khí.
Hôm 24/2, Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine – một động thái vấp phải sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ của phương Tây.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố các chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ không dừng lại cho đến khi Nga “đạt được các mục tiêu đề ra”.
Chính quyền Kyiv một mặt kêu gọi sự hỗ trợ của các nước, từ tài chính đến quân sự và nhân đạo, mặt khác thúc giục cộng đồng quốc tế gây sức ép để Nga chấm dứt các hành động quân sự.
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 1/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi Bắc Kinh sử dụng quan hệ thân cận với Moscow để thuyết phục Nga.
Đáp lại, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc ủng hộ giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột và sẽ ủng hộ bất kỳ nỗ lực quốc tế nào giúp hai bên đạt được giải pháp chính trị.Huyền Anh
Ông Blinken đề nghị loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tố cáo các hành động tấn công liên tục của Nga nhằm vào Ukraine và đề nghị loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Phát biểu hôm 1/3, ông Blinken nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc rằng, các cuộc không kích của Nga ở Ukraine “nhằm vào các trường học, bệnh viện và các tòa nhà dân cư” dẫn đến cái chết của những thường dân vô tội. Tính đến nay đã là ngày thứ 6 sau khi Tổng thống Vladimir Putin khởi xướng cuộc xâm lược Ukraine từ ngày 24/2, và ông Blinken gợi ý, nên loại bỏ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga.
Ông Blinken cho biết: “Họ đang phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng, nơi cung cấp nước uống, cung cấp điện và cung cấp khí đốt cho hàng triệu người trên khắp Ukraine để họ không bị chết cóng. Xe buýt dân dụng, ô tô và thậm chí cả xe cứu thương đã bị nã pháo vào. Nga đang làm điều này hàng ngày — trên khắp Ukraine.”
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đúng như tên gọi của nó, là một phân nhóm trong tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Nó hiện có 47 quốc gia là thành viên, trong tổng số 193 quốc gia tổ thành Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Nga. Trước đây, tổ chức này đã bị chỉ trích vì liên tục cho phép các nước bị cáo buộc vi phạm nhân quyền (như Trung Quốc) tham gia tư cách thành viên.
Bình luận hôm 1/3 của ông Blinken lặp lại những tuyên bố trước đó của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi ông cáo buộc Nga về tội ác chiến tranh sau cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv. Như đã lưu ý trong bài phát biểu của ông Blinken, các chiến thuật của quân đội Nga ở Ukraine đã trở nên hung hãn hơn trong hai ngày qua, nhiều dân thường hơn dường như bị nhắm mục tiêu thay vì cơ sở hạ tầng quân sự nghiêm ngặt.
Cùng ngày 1/3, Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Herashchenko báo cáo, các cuộc tấn công bằng tên lửa tại Kharkiv đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 35 người khác bị thương. Trong khi đó, theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tổng số dân thường thiệt mạng ở Ukraine là 104 người, với khoảng 304 người bị thương. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng thông báo, một tòa nhà chính phủ ở thành phố này đã bị phá hủy trong một vụ nổ lớn.
Bà Agnès Callamard, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế khẳng định: “Quân đội Nga đã thể hiện sự coi thường mạng sống thường dân một cách trắng trợn bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí nổ khác với hiệu ứng diện rộng ở các khu vực đông dân cư. Một số cuộc tấn công này có thể là tội ác chiến tranh.”
Các chuyên gia về đạn dược qua đánh giá đoạn video ghi lại các cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv hôm 28/2 nhận định rằng, khả năng Moscow đã sử dụng bom chùm. Tổng thống Zelensky cũng lên án hành vi nã pháo vào thành phố Kharkiv chẳng khác gì “hoạt động khủng bố nhà nước”.
Trường Giang (Theo Newsweek)
Chủ sở hữu đường ống Nord Stream 2 nộp đơn xin phá sản
Công ty sở hữu đường ống Nord Stream 2 đã nộp đơn xin phá sản và sa thải các công nhân. Một quan chức Thụy Sĩ đã xác nhận sự việc trên với đài phát thanh SRF của Thụy Sĩ hôm thứ Ba.
Đường ống Nord Stream 2 chạy giữa Nga và Đức đã được hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái, nhưng Đức gần đây cho biết việc phê duyệt cuối cùng cho Nord Stream 2 đã bị hoãn lại do các hành động xâm lược của Nga ở Ukraine.
Tin tức về việc công ty nộp đơn phá sản và sa thải tất cả hơn 100 nhân viên của mình đã xuất hiện một ngày trước thời hạn mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra.
Công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ xây dựng đường ống này đã bị nhắm mục tiêu trong các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ do chính quyền Biden công bố vào tuần trước. Một lệnh hành pháp do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành đã chỉ đạo “kết thúc các giao dịch liên quan đến Nord Stream 2”, cũng như liên quan đến “bất kỳ pháp nhân nào mà Nord Stream 2 sở hữu, trực tiếp hoặc gián tiếp,” trước ngày 2/3.
Silvia Thalmann-Gut, người giữ chức vụ giám đốc kinh tế bang Zug của Thụy Sĩ, nói với SRF rằng các văn phòng của Nord Stream 2 đã được thông báo ngắn gọn về việc phá sản và rằng các nhân viên đã nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng.
Theo trang web Nord Stream 2, đường ống chạy dưới biển Baltic được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên trực tiếp từ các khu dự trữ của Nga và sang châu Âu.
Đường ống này, cùng với đường ống Nord Stream hiện đã hoạt động từ năm 2011, có khả năng cung cấp hơn một phần tư lượng khí đốt mà châu Âu sử dụng hàng năm, BBC đưa tin.
Trong khi một số người đã quảng cáo về lợi ích của đường ống, những người khác lại cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng của việc đặt quá nhiều quyền lực vào tay Nga.
Lê Vy
8 nước EU đưa ra thư ngỏ: Ủng hộ việc Ukraine nhanh chóng gia nhập EU
Tối thứ Hai (28/2), các nhà lãnh đạo của 8 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một bức thư ngỏ thúc giục EU ngay lập tức cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên và đàm phán tư cách thành viên chính thức.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng kết nạp Ukraine bằng “quy trình mới”.
“Mục tiêu của chúng tôi là được đứng cạnh tất cả người dân châu Âu và quan trọng nhất là bình đẳng. Tôi chắc rằng điều đó là công bằng. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi xứng đáng với điều đó”, ông Zelensky phát biểu vào ngày 28/2, sau khi ký đơn xin gia nhập EU.
Động thái xin gia nhập EU của Ukraine diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga mở màn. Phái đoàn Nga và Ukraine ngày 28/2 đã tới Belarus đàm phán trong 5 giờ, nhưng không đạt được kết quả cụ thể.
Theo thông cáo, các nhà lãnh đạo nhà nước của Estonia, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia đã cùng ra thư ngỏ.
Trong thư, 8 nước này “tin tưởng mạnh mẽ rằng Ukraine nên được tạo cơ hội gia nhập EU ngay lập tức.”
“Chúng tôi kêu gọi các nước thành viên EU tăng cường hỗ trợ chính trị cao nhất cho Ukraine, khiến thể chế EU có thể thực hiện các bước ngay lập tức trao cho Ukraine tư cách ứng viên EU và bắt đầu quá trình đàm phán”, bức thư viết.
Các nhà lãnh đạo cho biết: “Vào thời điểm quan trọng này, chúng tôi tái khẳng định tình đoàn kết hoàn toàn của chúng tôi với Ukraine và nhân dân Ukraine.”
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Volodymyr Zelensky, cho biết Ukraine có quan hệ chặt chẽ với châu Âu và hoan nghênh nước này gia nhập EU.
“Họ thuộc về chúng tôi. Họ là của chúng tôi và chúng tôi muốn họ tham gia”, bà nói.
Sau đó bà Zelensky đã ký đơn xin gia nhập, chính thức đề nghị Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu. Bà kêu gọi EU cấp quyền thành viên cho quốc gia của mình ngay lập tức vì Ukraine đang phải vật lộn để chống lại một cuộc xâm lược của Nga.
Tuy nhiên, trở thành thành viên của EU là một quá trình phức tạp, liên quan đến việc thông qua luật pháp và đơn vị tiền tệ của khối và Ukraine hiện không phải là ứng cử viên chính thức gia nhập EU. Croatia là quốc gia tham gia gần đây nhất, với đơn đăng ký chính thức được chấp nhận vào năm 2013, tức 10 năm sau khi họ đăng ký trở thành thành viên.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng mặc dù Ukraine được coi là một phần của “ngôi nhà châu Âu”, nhưng khả năng gia nhập EU của Ukraine không phải viễn cảnh có thể thực hiện được chỉ trong vài tháng.
Ngày 28/2, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết mọi nỗ lực trở thành thành viên khối này đều có thể “mất nhiều năm”.
Đây được xem là “gáo nước lạnh” đối với nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine.
Hiện Nga và Ukraine đang giao tranh ác liệt xung quanh cảng Mariupol và phía đông thành phố Kharkiv.
Thành phố Kherson ở miền nam nước này đã bị binh lính Nga bao vây, nhưng vẫn duy trì được điện và nước, tờ “Kyiv Independent” đưa tin.
Ngoài ra, quân đội Nga đang tập trung quân ở phía bắc thủ đô Kiev. Theo hình ảnh vệ tinh mới nhất, đoàn xe quân sự của Nga đã kéo dài hơn 60 km. Căn cứ không quân Antonov cách khoảng 17 dặm Anh (27 km) từ trung tâm Kiev, kéo dài về phía bắc của Pribyrsk, gần biên giới Belarus.
AP đưa tin Tổng thống Zelensky đang tạm thời dỡ bỏ yêu cầu về thị thực nhập cảnh đối với bất kỳ người nước ngoài nào sẵn sàng tham gia Quân đoàn Phòng vệ Quốc tế của Ukraine và sát cánh với Ukraine trong cuộc đối đầu với quân đội Nga. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3.
Tổng thống Zelensky hôm nay nói rằng quân đội Nga vẫn tăng cường pháo kích vào Ukraine và đây được xem là nỗ lực của Moscow nhằm buộc Chính phủ Ukraine phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán giữa phái đoàn hai nước hôm 28/2. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine tuyên bố ông không sẵn sàng nhượng bộ “khi một bên vẫn đang tấn công bên còn lại bằng pháo kích”.
Bình Minh
Pakistan sẽ nhập cảng lúa mì, khí đốt từ Nga
ISLAMABAD – Hôm thứ Hai (28/02), Thủ tướng Pakistan Imran Khan thông báo nước ông sẽ nhập cảng khoảng 2 triệu tấn lúa mì từ Nga và mua khí đốt tự nhiên cũng như tuân theo các thỏa thuận song phương mà hai bên đã ký hồi tuần trước trong chuyến công du chính thức của ông tới Moscow.
Ông Khan đã tiếp tục chuyến thăm hai ngày và gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào thứ Năm (24/02), vài giờ sau khi các lực lượng Nga xâm lược Ukraine, trong khi các nước phương Tây đang thúc đẩy cô lập nhà lãnh đạo Nga này vì các hành động của ông ấy.
Hôm thứ Hai, thủ tướng Pakistan đã bảo vệ chuyến đi của mình và đáp lại những người chỉ trích trong một bài diễn văn trên truyền hình trước toàn quốc, nói rằng các lợi ích kinh tế của Pakistan đòi hỏi ông phải làm như vậy.
“Chúng tôi đến đó vì chúng ta phải nhập khẩu 2 triệu tấn lúa mì từ Nga. Thứ hai, chúng tôi đã ký các thỏa thuận với họ để nhập cảng khí đốt tự nhiên vì trữ lượng khí đốt của bản thân Pakistan đang cạn kiệt,” ông Khan nói.
“Inshallah (Lạy Chúa lòng lành), thời gian sẽ cho thấy chúng ta đã có những cuộc thảo luận tuyệt vời,” nhà lãnh đạo Pakistan này nói, đề cập đến cuộc gặp kéo dài 3 giờ của ông với ông Putin. Ông đã không chia sẻ thêm chi tiết.
Tuy nhiên, các nhà phê bình tỏ ra nghi ngờ về sự hợp tác kinh tế Moscow-Islamabad, với lý do các biện pháp trừng phạt quốc tế cứng rắn hơn nhằm vào Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
Hôm thứ Năm, ông Putin đã tiếp ông Khan tại Điện Kremlin trước ống kính máy quay một cách nồng nhiệt, bắt tay và ngồi ngay cạnh vị khách này vì những gì các quan chức Pakistan nói là những thảo luận trên phạm vi rộng về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.
“Thủ tướng lấy làm tiếc về tình hình mới nhất giữa Nga và Ukraine và nói rằng Pakistan đã hy vọng ngoại giao có thể ngăn được cuộc xung đột quân sự,” một tuyên bố sau cuộc gặp dẫn lời ông Khan nói với ông Putin.
Các quan chức Pakistan và bản thân ông Khan khẳng định rằng chuyến thăm Moscow đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra và chỉ nhằm mục đích xem xét lại các mối quan hệ thương mại song phương, bao gồm cả hợp tác năng lượng.
Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ lạnh nhạt của Pakistan với Hoa Kỳ đã đẩy quốc gia Nam Á này xích lại gần các nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Nga hơn trong những năm gần đây.
Sau khi phái đoàn [của ông Khan] trở về Pakistan, Ngoại trưởng Shah Mehmood Qureshi, người tháp tùng ông Khan trong chuyến thăm này, cho biết Hoa Thịnh Đốn đã liên lạc với Islamabad trước chuyến công du Moscow này.
“[Các quan chức Hoa Kỳ] đã trình bày quan điểm của họ và chúng tôi giải thích cho họ mục đích của chuyến đi và tiếp tục tiến hành nó,” ông Qureshi nói với các phóng viên khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có phản đối chuyến thăm. “Tôi bị thuyết phục sau chuyến thăm này rằng chúng tôi đã làm đúng.”
Nói về chuyến đi của ông Khan đến Nga, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khi được hỏi về việc này, đã cho biết Hoa Thịnh Đốn tin rằng Pakistan, giống như “mọi quốc gia có trách nhiệm”, sẽ lên tiếng phản đối các hành động của ông Putin.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Pakistan đã tránh chỉ trích sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine và nhấn mạnh cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp điều đình cho cuộc khủng hoảng này.
Islamabad cũng đã phát triển quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với Ukraine trong những năm gần đây, với việc Pakistan là một nước nhập cảng lúa mì chính của Ukraine.
Ông Qureshi đã nói chuyện với Ngoại trưởng Dmytro Kuleba của Ukraine hôm Chủ Nhật (27/02) và nhắc lại việc Islamabad “rất quan tâm đến tình hình, nêu bật tầm quan trọng của việc giảm leo thang, và nhấn mạnh không thể bỏ qua ngoại giao.”
Pakistan đã đứng về phía Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh và đóng một vai trò quan trọng trong việc trang bị vũ khí cũng như huấn luyện khả năng kháng cự do Hoa Thịnh Đốn tài trợ để chống lại sự chiếm đóng hàng thập niên của Liên Xô ở nước láng giềng Afghanistan trong những năm 1980.
Mặc dù các mối quan hệ thường không mấy dễ chịu của Islamabad với Hoa Thịnh Đốn gần đây trở nên căng thẳng do nước này đang hậu thuẫn cho lực lượng Hồi giáo Taliban ở Afghanistan, nhưng quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã củng cố vững chắc trong những năm gần đây do có những lo ngại chung xuất phát từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ấn Độ, địch thủ của Islamabad, đã có quan hệ chặt chẽ với Nga trong Chiến Tranh Lạnh, vì Moscow là nước xuất cảng vũ khí lớn cho New Delhi.
Tuy nhiên, Moscow đã khôi phục quan hệ với Islamabad trong những năm gần đây. Hai nước này thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung và đang nỗ lực làm sâu sắc hơn hợp tác năng lượng để giúp Pakistan khắc phục tình trạng thiếu hụt.
Trong bài diễn văn hôm thứ Hai, ông Khan nhắc lại rằng quyết định của Pakistan tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan là kết quả của “chính sách ngoại giao sai lầm” của những người tiền nhiệm.
“Tôi đã khẳng định ngay từ ngày đầu rằng lẽ ra chúng ta không nên tham gia [vào cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo],” ông nói, và nói thêm rằng Pakistan đã phải gánh chịu 80,000 thương vong vì một cuộc trả đũa của lực lượng Hồi giáo và bị thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD.
“Phần đáng xấu hổ nhất là việc một quốc gia đang chiến đấu để ủng hộ một quốc gia đang đánh bom mình,” ông Khan nói, ý nói đến các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái của Hoa Kỳ nhằm vào những nơi ẩn náu được nghi là của phiến quân ở các khu vực của Pakistan gần biên giới Afghanistan.
Ông Khan cũng tuyên bố cắt giảm giá nhiên liệu và giá điện để giúp bù đắp cho việc giá tăng quá cao trên thị trường dầu mỏ toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine.
Ông hứa sẽ giữ ổn định mức giá mới này cho đến khi có ngân sách tiếp theo vào tháng Sáu. Các nhà phê bình cho rằng biện pháp này có thể xuất phát từ các cuộc biểu tình phản đối của phe đối lập về việc lạm phát gia tăng được các quan chức đổ lỗi cho sự bùng phát virus corona và những cải cách kinh tế mạnh mẽ mà chính phủ đang thực hiện với gói cứu trợ 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Do Ayaz Gul của Voice of America thực hiện
Cẩm An biên dịch