Đông Phương
Cùng với diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, một loạt các thông tin xuất hiện gần đây khiến ngoại giới cho rằng, giới lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đã đánh giá sai tình hình và có nhiều dấu hiệu chia rẽ nội bộ.
Theo một bài báo đăng hôm thứ Năm (3/3) của phóng viên cấp cao Katsuji Nakazawa thuộc tờ Nikkei Asian Review, sự thất bại trong các chính sách ngoại giao và an ninh của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến quyền lực của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và mở đường cho những thay đổi chính sách về kinh tế và các vấn đề quan trọng khác. Nếu tình huống này xảy ra, nó sẽ tác động đến cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra trước thềm Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Nam Hải bí mật họp bàn trong hơn một tuần
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã biến mất khỏi các bản tin trong hơn một tuần.
The Wall Street Journal là tờ báo đầu tiên dẫn nguồn tin cho biết, 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã họp bí mật tại Trung Nam Hải để thảo luận về tình hình Ukraine và cách phản ứng của Bắc Kinh.
Nội dung cuộc họp được bảo mật và ngoại giới không cách nào có thể biết được. Ông Katsuji Nakazawa phân tích rằng, nếu các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ vẫn có những ý kiến bất đồng về vấn đề Ukraine, thậm chí có thể một số Ủy viên Thường vụ đặt nghi vấn liệu lập trường ủng hộ Putin hiện nay có phải là khôn ngoan, vậy thì tình hình vẫn khá là an toàn.
Nhưng ông Katsuji Nakazawa cho rằng, tuyên bố hôm 28/2 của Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc có thể đã phản ánh ý kiến phản đối của giới lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ về vấn đề Ukraine. Bởi vì Bắc Kinh hiện đang phải trả giá đắt cho lập trường ủng hộ Moscow.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine vào hôm thứ Hai, Đại sứ Trương Quân (Zhang Jun) cho biết: “Tình hình đã phát triển đến mức mà Trung Quốc không muốn thấy, điều này không có lợi cho bất kỳ bên nào”.
Bắc Kinh luôn từ chối chỉ trích Nga
Vào ngày 4/2, ngày khai mạc Thế vận hội, ông Putin đã đến Bắc Kinh và cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng phản đối về sự mở rộng của NATO. Ông Putin là nhà lãnh đạo nước lớn duy nhất đến dự Thế vận hội Bắc Kinh 2022.
Sau khi ngọn lửa Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh dụi tắt, Nga cũng bắt đầu xâm lược Ukraine.
Sau đó, một loạt động thái của chính quyền Trung Quốc khiến ngoại giới cho rằng dường như Bắc Kinh tán thành hành động của ông Putin. Ở trong nước, ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin về cuộc xâm lược của Nga, trọng tâm đưa tin chỉ có thể là các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc sử dụng thống nhất thuật ngữ “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga nhắm vào Ukraine thay vì cụm từ “chiến tranh” hay “xâm lược”. Xinwen Lianbo – chương trình thời sự giờ vàng của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vẫn sử dụng cụm “hoạt động quân sự đặc biệt của Nga” khi đưa tin về cuộc chiến Nga – Ukraine hôm 28/2.
Một mặt, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine; mặt khác, họ lại từ chối chỉ trích Nga. Ngay cả đối với 6.000 người Trung Quốc mắc kẹt ở Ukraine, các hoạt động sơ tán công dân của nhà chức trách Bắc Kinh cũng kém xa các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác trong khu vực Châu Á như Ấn Độ, Singapore và Đài Loan.
ĐCSTQ từng hy vọng rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ có lợi cho họ
Ông Katsuji Nakazawa nói, trong giới chính trị của ĐCSTQ vốn có quan điểm cho rằng vấn đề Ukraine có thể là chuyện tốt. Họ cho rằng nếu Hoa Kỳ và Nga va chạm ở Châu Âu, khả năng Hoa Kỳ triển khai lực lượng quân sự ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ giảm xuống, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống và triệt tiêu chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chiến lược tại Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cũng bao gồm việc ngăn chặn Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực.
Ông Katsuji Nakazawa cho biết, ít nhất trong số các quan chức an ninh Trung Quốc, quan điểm đa số là Trung Quốc sẽ không thua trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nhưng hiện nay, ĐCSTQ ngày càng lo lắng rằng lợi ích của họ sẽ bị tổn hại nếu bị kéo vào “Nhà hát Putin”.
Trước đây, các cơ quan tư vấn của Trung Quốc đưa ra kết luận dựa trên phân tích tình báo của Nga rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ nhanh chóng bỏ chạy trước sức mạnh quân sự áp đảo của Nga. Hơn nữa, họ cho rằng quân đội Ukraine sẽ đầu hàng và cuộc giao tranh sẽ kết thúc trong vài ngày.
Nhưng sự phản kháng ngoan cường của Ukraine đã khiến cuộc chiến kéo dài một tuần và chưa có dấu hiệu kết thúc. Đồng thời, các lệnh trừng phạt gần như một chiều từ cộng đồng quốc tế đã gây áp lực lên cả Trung Quốc và Nga.
Câu chuyện đằng sau tuyên bố “sát cánh” của Trung – Nga
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Trung Quốc và các cố vấn chính sách đối ngoại cho biết hôm thứ Năm (3/3) rằng, câu “tình hữu nghị giữa hai nước không có giới hạn và hợp tác không có vùng cấm” trong tuyên bố chung Trung – Nga công bố ngày 4/2 là do phía Trung Quốc gợi ý đưa vào. Tuyên bố này phản ánh tầm nhìn chiến lược của cá nhân ông Tập Cận Bình, đó là lôi kéo Nga đối đầu với Hoa Kỳ.
Bắc Kinh đã cân nhắc tuyên bố này trong gần nửa năm. Trong các cuộc họp nội bộ trong năm vừa qua, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích của Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ tập trung chính sách đối ngoại vào việc liên minh với Nga để chống lại Washington.
Những nguồn tin này cũng cho biết, kế hoạch của Bắc Kinh đã không tính đến biểu hiện ngày càng quyết liệt của Moscow trước vấn đề Ukraine. ĐCSTQ vẫn cho rằng tình huống này khó có thể xảy ra ngay cả khi họ đã nhiều lần nhận được thông tin tình báo của Mỹ về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Ngoại giới cho rằng đây là một phán đoán sai lầm về chính sách ngoại giao của ban lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ. Họ đã không xem xét khả năng Nga thực sự xâm lược Ukraine và không đưa ra được chính sách phòng ngừa rủi ro tương ứng.
Ông Kurt Campbell, điều phối viên cấp cao về chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSC), cho biết tại một cuộc hội thảo do Quỹ Marshall của Đức tổ chức hôm 28/2 rằng, Hoa Kỳ hy vọng Bắc Kinh đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích Putin xem xét lại việc xâm lược Ukraine, nhưng “chúng tôi cho rằng họ đã chọn không cân nhắc lợi – hại trước”.
Phe đối lập mượn chiến sự ở Ukraine để phản kích phe Tập?
The New York Times dẫn báo cáo của tình báo phương Tây cho biết vào ngày 2/3 rằng, trước khi Nga xâm lược Ukraine, giới lãnh đạo Trung Quốc đã “nắm bắt ở một mức độ nhất định” kế hoạch chiến tranh của Nga. Bắc Kinh đã vận động Moscow vào hồi đầu tháng Hai với hy vọng rằng, chỉ phát động cuộc chiến sau khi Thế vận hội Mùa đông kết thúc.
Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh kết thúc vào ngày 20/2. Vào ngày 21/2, ông Putin ngay lập tức tuyên bố công nhận nền độc lập của hai khu vực ở miền đông Ukraine và ra lệnh cho quân đội Nga triển khai hoạt động quân sự. Đến ngày 24/2, quân đội Nga bắt đầu một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Mốc thời gian này có phải chỉ là sự “trùng hợp”? The New York Times cho biết các quan chức Hoa Kỳ và Châu Âu đã xem xét thông tin tình báo và thấy nó đáng tin cậy.
Việc rò rỉ tin tức trên, cộng thêm việc các kênh truyền thông của ĐCSTQ vốn thuộc phe Giang Trạch Dân, như South China Morning Post và Duowei News, cũng đưa tin này, khiến ngoại giới nghi ngờ rằng đây là một màn trong cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ. Phe của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đang nhân cơ hội để chống lại phe Tập Cận Bình.
Trả lời phỏng vấn của NTDTV, nhà bình luận thời sự Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) phân tích rằng: “Trên danh nghĩa, South China Morning Post là kênh truyền thông thuộc sở hữu của Jack Ma, nhưng trên thực tế nó là kênh truyền thông do phe của Tăng Khánh Hồng kiểm soát. Vào thời điểm nhạy cảm này, một kênh truyền thông như vậy dám đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc đồng lõa với Putin xâm lược Ukraine, rõ ràng là có yếu tố đấu đá bên trong ĐCSTQ”.
Ông Đường cho rằng, “Thực chất đây là thủ đoạn mượn dao giết người, lợi dụng làn sóng trừng phạt Putin, trừng phạt những kẻ phát động chiến tranh hiện nay của cộng đồng quốc tế để hướng mũi giáo về phía Tập Cận Bình. Ngoài việc truy cứu trách nhiệm của Tập Cận Bình, còn đập một gậy vào thế lực phe Tập, mục đích chính là muốn ngăn cản Tập Cận Bình tái đắc cử tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20”.
Đông Phương