Putin tình cờ mở đường cho một cuộc cách mạng ở Đức

Nguồn: Jeff Rathke, Putin Accidentally Started a Revolution in Germany, Foreign Policy, 27/02/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cuộc xâm lược Ukraine đã vô tình làm đảo ngược đại chiến lược của Berlin.

Nền chính trị Đức thường được đặc trưng bởi sự liên tục thận trọng, khéo léo cân bằng, và chậm chạp trong thích ứng với những hoàn cảnh thay đổi. Nhưng nó vẫn có thể gây bất ngờ. Trong tuần qua, Thủ tướng Olaf Scholz và chính phủ của ông đã tiến hành một cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Đức: chỉ trong vài ngày, họ loại bỏ những giả định đã lỗi thời về giấc mơ hậu Chiến tranh Lạnh của Berlin, và đặt ra một lộ trình cho cuộc đối đầu với Nga, mà theo đó sẽ mang lại sự gia tăng đáng kể về nguồn lực, và giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang của nước này.

Mỗi ngày, chúng ta lại chứng kiến những bước đi mới rời xa truyền thống của Đức. Ngày 27/02, trong một phiên họp bất thường của Quốc hội Đức (phiên họp đầu tiên trong lịch sử diễn ra vào Chủ nhật), Scholz mô tả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là một “bước ngoặt” đòi hỏi nỗ lực quốc gia từ phía Đức, để duy trì trật tự chính trị và an ninh ở châu Âu. Thủ tướng công bố thành lập quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (113 tỷ USD) cho quân đội Đức trong năm nay, và cam kết đất nước sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng kể từ thời điểm này. Ông nêu bật những đóng góp của Đức đối với NATO và mở rộng các cam kết, bao gồm sự hiện diện mang tính răn đe ở Litva, và cho phép các quốc gia thành viên Đông Âu tiếp cận hệ thống phòng không của Đức. Ông nhấn mạnh vai trò hạt nhân của Đức trong NATO, đồng thời chỉ ra rằng chính phủ có thể sẽ mua máy bay F-35 thay cho kế hoạch mua F/A-18 Super Hornet trước đó. Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của Berlin trong NATO, nhưng là theo một kiểu khác với chính sách quốc phòng xưa nay của Đức, và còn khẳng định các biện pháp này là nhằm đảm bảo an ninh quốc gia của Đức. Hàng thập niên cấm kỵ và nhạy cảm của người Đức đã tan biến trong tiếng vỗ tay của các đảng chính thống và trong tiếng hô ủng hộ Ukraine của hơn nửa triệu người biểu tình khắp trung tâm Berlin.

Và đó chỉ là sự kiện ngày chủ nhật. Một ngày trước đó, chính phủ Đức đã quyết định từ bỏ lập trường là một trong những thành trì xuyên Đại Tây Dương cuối cùng chống lại việc loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống viễn thông tài chính SWIFT. Bộ Quốc phòng tuyên bố sẽ cấp cho Ukraine 1.000 hệ thống chống tăng và 500 tên lửa phòng không Stinger, đảo ngược chính sách lâu nay của Đức là cấm cung cấp vũ khí cho các khu vực khủng hoảng. (Berlin cũng dỡ bỏ các lệnh cấm quan trọng đối với các nước thứ ba cung cấp thiết bị có xuất xứ từ Đức cho Ukraine.) Những động thái lịch sử đó xuất phát từ các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn mà Liên minh châu Âu áp đặt lên Moscow trong vòng 24 giờ kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược – các biện pháp vốn dĩ cũng gây tổn hại cho Đức, vì Nga là một trong năm thị trường xuất nhập khẩu hàng đầu bên ngoài EU của nước này. Chỉ năm ngày trước, vào ngày 22/02, Scholz đã quyết định tạm dừng quá trình nghiệm thu đường ống Nord Stream 2.

Trong vòng bảy ngày, Đức đã chấm dứt dự án năng lượng lớn nhất với Nga, áp đặt các lệnh trừng phạt sẽ gây ra những tổn thất đáng kể cho nước nhà, và thiết lập một kế hoạch sẽ đưa Đức trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất châu Âu, trang bị những máy bay tiên tiến nhất và gia tăng sự hiện diện ở Trung và Đông Âu. Người ta có thể tự hỏi: liệu những người hay chỉ trích Đức ở Washington có để ý đến các động thái này hay không. Làm thế nào mà mọi chuyện lại chuyển biến nhanh đến vậy, bởi lẽ, suốt cả thời gian dài, các quan chức Đức vẫn kiên trì bảo vệ chính sách nguyên trạng của họ?

Sự tàn bạo trong cuộc chiến Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin là lý do quan trọng nhất. Scholz và chính phủ của ông đã thực hiện mọi nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn chiến tranh, bao gồm cả chuyến thăm ngày 15/02, khi đích thân Scholz tới Moscow để cố gắng cứu Tiến trình Minsk. Putin đã đưa ra những than vãn và những câu chuyện lịch sử bị bóp méo – điều mà Scholz sau này cho là “nực cười” – và việc Tổng thống Nga công nhận các khu vực ly khai ở Donetsk và Luhansk đã giết chết hoàn toàn các thỏa thuận ở Minsk. Scholz và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhận ra, từ chính trải nghiệm cá nhân, rằng Nga đã đóng cửa con đường ngoại giao.

Những dàn xếp chính trị mới của Đức đã mở đường cho cuộc cách mạng này. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Scholz điều hành chính phủ liên minh cùng với Đảng Xanh theo định hướng thúc đẩy các giá trị và Đảng Dân chủ Tự do theo đường hướng tự do, cả hai đều ủng hộ đường lối cứng rắn hơn đối với Moscow. Tham vọng chuyển đổi năng lượng của chính phủ, đặt ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045, hiện đã trở thành một khía cạnh an ninh quốc gia. Điều này có thể tạo ra rắc rối cho việc cung cấp đầy đủ khí đốt tự nhiên trong tương lai gần, nhưng Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck, một thành viên Đảng Xanh, đã coi cuộc khủng hoảng ở Nga như một lý do bổ sung để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và mở rộng mạng lưới năng lượng. Scholz đưa ra mục tiêu cho Đức là xây dựng hai kho cảng tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng “càng sớm càng tốt”, như một phần trong nỗ lực quốc gia nhằm khắc phục sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp riêng lẻ.

Trong đảng của mình, Scholz, vốn theo đường lối thực dụng, cũng đã ủng hộ việc đánh giá lại cách tiếp cận lỗi thời của SPD đối với Nga, vốn dựa trên sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau và di sản của việc kiểm soát vũ khí. Cuộc xâm lược của Putin mang đến cho Scholz một cơ hội để bắt đầu lại từ đầu, và ông đã không mất nhiều thời gian. Đứng trước những hành động không thể biện minh của Nga, lập luận của cánh “đối thoại” trong SPD đã đổ vỡ. Người ủng hộ Nga công khai nhất, cựu Thủ tướng Gerhard Schröder của SPD, đã bị toàn bộ ban lãnh đạo đảng chỉ trích, vì lý do ông đang giữ nhiều chức vụ trong hội đồng quản trị của các tập đoàn năng lượng Nga, như Nord Stream AG, Rosneft, và mới đây là Gazprom (mặc dù vị trí đó vẫn đang chờ xét duyệt). Trong vài tuần, Schröder đã từ một trong những tài sản quý giá nhất của Nga ở Đức trở thành một gánh nặng chính trị.

Ngoài ra, một phần công lao cũng thuộc về chính quyền Biden. Bất chấp sức ép từ Quốc hội Mỹ và cộng đồng chính sách đối ngoại, Tổng thống Joe Biden đã cẩn trọng xây dựng mối quan hệ đối tác về chính sách với Nga – đầu tiên là với Thủ tướng Angela Merkel, thông qua tuyên bố chung về an ninh năng lượng vào tháng 07/2021, và sau đó là đứng ra bảo vệ cách tiếp cận của Đức, thậm chí ngay trong chuyến thăm của Scholz đến Washington vào ngày 07/02. Biden đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ Đảng Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ, nhưng ông nhận ra rằng sự thay đổi trong chính sách Nga của Đức sẽ phải đến từ Berlin, chứ không phải từ Washington. Nếu Biden chấp nhận lời kêu gọi sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Nord Stream 2, thì có lẽ ông đã gặp phải phản ứng phòng thủ từ chính phủ Đức, điều sẽ khiến “cú quay xe” toàn diện của Scholz trở thành điều không thể tưởng tượng nổi.

Thay đổi trong chính sách của Đức đã diễn ra theo cách tương tự như những gì Ernest Hemingway mô tả sự phá sản: đầu tiên là dần dần, sau đó là đột ngột. Đó cũng là cách bà Merkel tăng tốc loại bỏ điện hạt nhân năm 2011 sau thảm họa Fukushima; hay các quyết định của bà trong năm 2015, khiến hơn 1 triệu người tị nạn từ Syria và các nơi khác chuyển đến Đức; và gói hỗ trợ kinh tế COVID-19 của EU, trong đó Đức lần đầu tiên ủng hộ việc phát hành trái phiếu chung của EU.

Con đường phía trước đối với chính phủ của Scholz sẽ không dễ dàng. Mức độ hợp tác kinh tế giữa Đức và Nga là rất lớn, và giảm bớt sự phụ thuộc sẽ là điều cực kỳ tốn kém. Nguy cơ lạm phát và tác động của tình trạng thiếu thốn năng lượng đối với các ngành công nghiệp Đức có thể trở thành trách nhiệm chính trị mà phe đối lập (bao gồm cả đảng cực hữu Lựa chọn khác cho nước Đức) sẽ cố gắng khai thác. Việc xây dựng quân đội mà Scholz dự tính sẽ cần nhiều thời gian, mà trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng đã phải chật vật để chuyển sự gia tăng ngân sách thành các mục tiêu có thể triển khai. Việc loại bỏ ảnh hưởng của Nga trong nền chính trị Đức sẽ không dễ dàng. Nhưng có một điều chắc chắn là Scholz đã củng cố trụ cột xuyên Đại Tây Dương trong chính sách của Đức, và định vị Berlin trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn của châu Âu, đồng thời là một bức tường thành chống lại sự bắt nạt của Nga trong nhiều thập niên tới.

Jeff Rathke là chủ tịch Viện Nghiên cứu Đức Đương đại tại Đại học Johns Hopkins. Ông có thâm niên 24 năm là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

Related posts