Ngọc Minh
Ngày mùng 8 tháng 3 được gọi là ngày Quốc tế Phụ nữ. Ở Việt Nam, các nơi đều tổ chức những sự kiện chúc mừng ngày này, những món quà, những đóa hoa được trao tặng như một cách để tôn vinh phụ nữ. Nhưng nhìn ra nước ngoài, gần như không có mấy quốc gia nào tổ chức chào mừng ngày này, thậm chí còn không quan tâm đó là ngày gì. Vậy ngày 8/3 có phải là tôn vinh phụ nữ hay không, và thế nào mới thực sự là tôn vinh phụ nữ?
Ngày 8 tháng 3 vốn là ngày kỷ niệm việc phụ nữ được giải phóng. Nhưng tại sao lại phải giải phóng phụ nữ? Họ được giải phóng khỏi điều gì? Xã hội nhân loại từ hàng nghìn năm nay, bất kể là phương Đông hay phương Tây, đàn ông đều ra ngoài gánh vác việc xã hội, kiếm tiền nuôi gia đình, làm những công việc nặng nhọc… còn phụ nữ thì chăm sóc con cái, vun vén lo cho gia đình, làm công việc đối nội. Điều này phù hợp với sức khỏe và các đặc điểm sinh học của hai giới. Và cũng không phải tự nhiên mà có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Người đàn ông lo cho “cái vỏ”, còn đàn bà lo cho phần hồn của cái tổ ấm của họ, vai trò của họ nào có ít cao quý hơn đàn ông?
Trong xã hội cũ, vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội vẫn luôn được tôn vinh, điều này đi vào trong tâm thức của con người. Không phải tự nhiên mà các con sông lớn cung cấp phù sa nuôi dưỡng con người được gọi là “sông cái”, mảnh đất quê hương được gọi là “đất mẹ”, những người con đi xa nhớ nhất là vòng tay che chở, yêu thương mẹ mình.
Người ta hay nói rằng, các nước Á Đông có truyền thống trọng nam khinh nữ. Vậy tại sao trong lịch sử Việt Nam có nữ vương như Trưng Trắc và Trưng Nhị, Trung Quốc có nữ Hoàng đế Võ Tắc Thiên, Nhật Bản có nữ Thiên hoàng Suiko… cùng vô số các nhà sử học, nhà thơ, từ, các trí thức nữ khác. Điều đó có nghĩa là xã hội vẫn luôn cho những người phụ nữ giỏi giang, có năng lực được chứng minh khả năng của mình, chứ ko phải ở trong cái vòng tròn quẩn quanh của công việc nội trợ gia đình như nhiều báo đài vẫn tuyên truyền.
Vậy tại sao thế kỷ 20 lại hô hào giải phóng phụ nữ? Giải phóng họ khỏi điều gì? Khỏi vị trí cao quý của họ trong tâm trí xã hội chăng? Nếu đã ở vị trí cao quý, sao họ lại cần phải hạ mình xuống để cạnh tranh những công việc tay chân hùng hục của đàn ông? Chẳng lẽ sinh hạ và nuôi dưỡng những đứa con khỏe mạnh, có ích cho xã hội, thành những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhà khoa học, nhà du hành vũ trụ… giỏi giang lại ít cao quý hơn so với việc xây một ngôi nhà, phát triển một công ty tầm vóc… như đàn ông vẫn làm? Vậy nói “giải phóng”, chẳng phải là đang coi thường vai trò của họ hay sao?
Và kết quả của “giải phóng” đó là gì? Nếu như trước đây một người đàn ông đi làm, tiền lương của mình anh ta có thể nuôi sống cả gia đình, thì ngày nay, với một số lượng lớn phụ nữ ra nhập lực lượng lao động, tình hình cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng gắt gao, mức lương của người lao động nói chung càng ngày càng giảm, trong khi công việc lại bận rộn hơn, mức độ áp lực công việc xã hội càng thêm khủng khiếp.
Và người chịu hậu quả này lại chính là phụ nữ. Ra ngoài đi làm, gồng mình lên làm cả những công việc vất vả của đàn ông, thân thể vốn đã yếu đuối của phụ nữ đã khó chịu đựng được, rồi đi làm về họ vẫn phải chăm sóc gia đình, sức lực của họ thường xuyên bị vắt kiệt. Và càng cố gắng chứng tỏ mình mạnh mẽ, giỏi giang, đảm nhận được cả những công việc của đàn ông, họ lại càng trở nên ngày càng nam tính hóa, càng tự mãn và bất cần.
Đó có phải là quy luật không? Khi đàn bà càng nam tính, mạnh mẽ, càng có xu hướng lấn át người đàn ông trong gia đình. Nhu cầu được chở che của họ càng ít đi thì người đàn ông của họ càng ít nam tính hơn, và khi không được thỏa mãn lòng tự tôn, người đàn ông càng có xu hướng rời xa gia đình hơn. Và có phải là ngẫu nhiên không khi từ khi phong trào giải phóng phụ nữ được khởi xướng, tỷ lệ ly hôn, ngoại tình bỗng nhiên tăng vọt?
Người chịu hậu quả thê thảm nhất trong quá trình này là những đứa trẻ. Khi phụ nữ đi làm, họ phải phó mặc con cái của họ cho nhà trẻ, người giúp việc, trường học… Không có bàn tay mẹ thường xuyên chăm sóc, đứa trẻ dễ tự kỷ hơn, hung bạo hơn, và dễ mắc các bệnh tâm thần và trầm cảm hơn. Vì vậy, có ngẫu nhiên không khi từ lúc phong trào giải phóng phụ nữ ra đời, tỷ lệ những thanh thiếu niên nghiện ma túy, trở thành tội phạm cao hơn so với những năm trước đó rất nhiều.
Khi người phụ nữ ra ngoài cạnh tranh trực tiếp với đàn ông, tâm tranh đấu của họ cũng trở nên ngày càng mạnh mẽ, những đòi hỏi, dục vọng của họ càng ngày càng cao, vượt qua cả những khuôn phép mà nhân loại hàng nghìn năm trước đã gây dựng để duy trì sự ổn định của xã hội loài người: phong trào giải phóng tình dục ra đời!
Với phong trào này, không chỉ phụ nữ, mà cả xã hội đã giải phóng bản ngã của mình, con quỷ dục vọng tự do được tung hoành, đạo đức nhân loại cũng theo đó mà trượt xuống. Khi đã phóng túng thì hiển nhiên sẽ có hậu quả, việc mang thai ngoài ý muốn tràn lan. Để rồi, nạn phá thai tràn lan chỉ trong vòng chưa đến một thế kỷ qua đã giết chết hàng trăm triệu sinh linh khi chúng còn chưa kịp chào đời.
Con cái hư hỏng, gia đình tan nát, giết chính những đứa con của mình khi chúng còn trong bụng mẹ, sức lực cạn kiệt, … đó có phải là điều phụ nữ muốn không? Vậy hỏi rằng họ được điều gì khi hô hào giải phóng chính mình? Phụ nữ vốn được ví như nước, dịu dàng, nhu mì nhưng lại có sức mạnh làm mòn cả đá, nuôi dưỡng vạn vật, nhưng tự họ đã tước đi thứ vũ khí tuyệt vời nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho mình khi đòi giải phóng.
Về điều này, nhận xét của Thánh Gandhi rất xác đáng: “Tôi tin tưởng vào sự giáo dục thích ứng cho phụ nữ. Nhưng tôi cũng tin tưởng phụ nữ không đóng góp cho thế giới bằng cách bắt chước hay chạy đua với người đàn ông. Phụ nữ có thể thi đua, nhưng không thể tiến đến đỉnh cao bằng cách bắt chước người đàn ông.”
Ở đây chúng ta có thể nhìn vào sự thông thái của người phương Đông cổ khi họ tạo ra hình tượng Âm Dương. Đường cong phân chia hai phần sáng tối chứng tỏ rằng sự đối lập không cần thế đối đầu, lúc phần nay tiến thì phần kia thoái và ngược lại, do vậy cân bằng. Phụ nữ phải là phần bổ sung cho nam giới.
Xã hội truyền thống nhìn nhận rằng nam giới là dương, thể hiện sự cứng rắn, phụ nữ là âm, thể hiện sự nhu thuận, mềm dẻo. Nam giới gánh vác trách nhiệm là trụ cột của gia đình và xã hội, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhưng chủ nghĩa nữ quyền lại muốn thách thức kết cấu xã hội phụ quyền này, cho rằng nam nữ đều giống nhau, rằng chính xã hội phụ quyền đã tạo ưu thế cho nam giới và “áp bức” phụ nữ. Do vậy, tinh thần hiệp sỹ và phong độ lịch thiệp truyền thống đều bị xem thường. Theo lý tưởng của chủ nghĩa nữ quyền thì xã hội tương lai sẽ không được chứng kiến sự cao thượng của những người đàn ông trên con tàu Titanic trước khi chìm xuống đáy biển, họ đã chủ động nhường hết cơ hội được cứu sống của mình cho những người phụ nữ mà họ thương yêu.
Ngọc Minh