TT Joe Biden đang ‘tiếp thêm’ sức mạnh cho TT Putin, và liệu có xảy ra Thế chiến thứ 3?

Xuân Trường

Liệu điểm nóng Ukraine có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện? (Ảnh tổng hợp)

Giữa lúc chiến sự tại Ukraine vẫn đang chuyến biển khó lường, thì có một thực tế: Chúng ta đang chứng kiến ​​sự ủng hộ vô cùng to lớn đối với Ukraine, và sự cuồng loạn chống Nga cũng đạt đến mức độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Khoan đề cập đến Đúng – Sai bởi mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, nhưng có một điều khó nhận thấy: Dường như ai đó cứ muốn chiến tranh tiếp diễn?

Ai muốn chiến tranh?

Cuộc tấn công của Nga tại Ukraine đang gây ra tổn thất sinh mạng cho những thường dân vô tội. Cùng với đó thế giới cũng chứng kiến mọi mặt hàng tăng giá, từ dầu thô đến ngũ cốc và dầu ăn, các mặt hàng tiêu dùng đang hứng chịu một cơn “rung chấn” kinh hoàng từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay, cùng với một loạt lệnh trừng phạt sâu rộng của Mỹ và châu Âu nhằm vào Nga.

Ảnh các tòa nhà bị phá hủy được ghi lại hôm thứ Năm (3/3) ở Irpin, Ukraine. (Hình ảnh Chris McGrath / Getty)

Nhưng có một nhóm được hưởng lợi từ sự đau khổ và thực tế đang chứng minh điều đó đúng. 

Chỉ trong tuần giao tranh đầu tiên tại Ukraine, người ta chứng kiến sự tăng giá của  33 loại cổ phiếu về quốc phòng và hàng không vũ trụ, với việc các nhà đầu tư hưởng lợi tới 69 tỷ đô la. Cổ phiếu của cả 3 ông lớn sản xuất vũ khí của Mỹ đều có mức tăng giá ngoạn mục.  

Theo Investors, cổ phiếu của Tập đoàn sản xuất vũ khí Northrop Grumman đã vượt 9% mục tiêu đề ra trong 12 tháng của các nhà phân tích cổ phiếu, tăng mạnh 18% kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, với 10,9 tỷ USD vào danh mục đầu tư của các nhà đầu tư.

Tương tự, cổ phiếu của “ông lớn” Lockheed Martin tăng 27% chỉ trong năm nay và 16% kể từ điểm nóng Ukraine, vượt mục tiêu đề ra khoảng 7%. Cũng vậy, cổ phiếu của Tập đoàn quốc phòng Kratos Defense & Security Solutions tăng gần 21% so với mục tiêu trong 12 tháng tới, và tăng gần 30% kể từ sau chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ.

Có một nghịch lý là, khi hàng triệu con người co ro dưới cái lạnh trên đường tị nạn, hay hàng chục ngàn người phải ngồi dưới hầm trú bom hằng đêm tại các thành phố ở Ukraine mỗi khi có tiếng còi báo động, thì có một nhóm người dường như muốn cỗ máy chiến tranh vận hành liên tục, và một bộ phận đang “trục lợi” trong một cuộc tàn sát bằng súng đạn rực lửa.  Các bà mẹ Ukraine chăm con trong trung tâm nhi khoa sơ tán Ảnh: Getty Images

Nó chẳng khác gì hai mặt của một đồng xu, lật mặt này hay mặt kia vẫn vậy: Hòa bình hay Chiến tranh? Ngừng chiến hay Giao tranh? Tựu chung vẫn là: Liệu chiến tranh có kết thúc trong một sớm một chiều? 

Ngừng chiến hay Giao tranh?

Trong khi chiến sự tại Ukraine vẫn đang trong thế “giằng co”, phía Nga thì yêu cầu phải ngừng kháng cự, phía Ukraine và NATO thì yêu cầu phải ngừng bắn. Ai cũng có những quan điểm riêng của mình, nhưng có một thực tế là cả hai phía vẫn đang không ngừng chạy đua tiếp tế, củng cố, và viện trợ thêm trang thiết bị vũ khí tàn sát cho phe mình. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleskii Reznikov, tuyên bố rằng Kyiv đang nhận được nhiều viện trợ quân sự hơn trong bối cảnh “cuộc xâm lược” của Nga đang diễn ra, và nói thêm rằng đó sẽ là một “bất ngờ” đối với Nga.

Trước đó, CNN dẫn nguồn tin cho biết Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, đã thị sát một trung tâm vận chuyển vũ khí tại một sân bay không được tiết lộ gần biên giới Ukraine. Nguồn tin cho biết, hoạt động vận chuyển “khủng” này do Bộ Chỉ huy Châu Âu của Mỹ điều phối “trong thời gian thực”. Theo ghi nhận, có tới 17 chuyến bay đã hạ cánh xuống sân bay này mỗi ngày.

Các nước châu Âu và Mỹ đều hứa hẹn sẽ giúp Ukraine cung cấp thiết bị quân sự, vũ khí và hệ thống tên lửa phòng không. Thậm chí New York Times còn “tiên đoán”  về cuộc chạy đua vũ trang cho Ukraine khi viết: “Mỹ đã đi đến bờ vực của xung đột trực tiếp với Nga”.

Cũng cần nhắc thêm rằng, Tổng thống Zelensky đã liên tục hối thúc phương Tây thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, song cả Mỹ và NATO nhiều lần loại trừ khả năng này, đồng thời tuyên bố sẽ không điều quân tới tham chiến ở Ukraine vì không muốn “đối đầu” trực tiếp với Nga. 

Tuy nhiên không “đối đầu” không có nghĩa là “đứng ngoài” vòng xoáy chiến tranh. Ngày 6/3, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng các nước NATO đã được “bật đèn xanh” để gửi chiến đấu cơ đến Ukraine. Ông Blinken cũng cho biết, chính quyền Joe Biden sẽ “đền bù” bằng chiến đấu cơ của Mỹ cho Ba Lan để thay thế chiến đấu cơ có từ thời Liên Xô nếu nước này quyết định gửi chúng đến Ukraine… Một quân nhân Ukraine nhắm vào vũ khí chống tăng hạng nhẹ (NLAW), bệ phóng tên lửa phòng không của Thụy Điển-Anh, trong cuộc diễn tập tại bãi bắn của Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế, gần thành phố phía tây Ukraine của Lviv vào ngày 28/1/2022. (Ảnh Getty Images)

Trước đó 1 ngày, ngày 5/3, lưỡng đảng Mỹ đều cam kết sẽ sớm thông qua gói viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá 10 tỷ USD cho Ukraine. Trong khi nước Mỹ vẫn đang phải vật lộn với lạm phát và khoản nợ công lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 30 nghìn tỷ đô la, nhiều nhà lập pháp nước này vẫn “phiêu lưu” với các cuộc xung đột vốn không ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi và cục diện nước Mỹ.

Với các khoản viện trợ và vũ khí dồn dập đổ vào Ukraine, rõ ràng tình hình chiến sự leo thang ở cả hai bên sẽ khó hồi dứt, và vì vậy chiến tranh sẽ không sớm chấm dứt. Điều này càng thể hiện rõ hơn nếu bạn theo dõi video (2018) bên dưới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) –  cơ quan theo dõi việc chuyển giao vũ khí trên toàn thế giới. 

Video cho thấy Mỹ đã viện trợ khá nhiều vũ khí cho các quốc gia trên thế giới: 

  • Thập kỷ 1950: Phần lớn vũ khí của Mỹ được chuyển đến châu Âu, Canada, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ. 
  • Thập kỷ 1960: Đức là nước nhận lượng vũ khí lớn nhất của Mỹ. 
  • Thập kỷ 1970: Iran nhận được số lượng vũ khí lớn nhất của Mỹ, tiếp theo là Israel.
  • 1980 và 1990: ​​Nhật Bản đứng đầu, tiếp theo là Ả Rập Xê-út và Israel.  
  • Những năm 2000: Hàn Quốc và Israel. 
  • Từ 2010-2017: Ả Rập Xê Út đứng đầu danh sách, tiếp theo là Australia. 
  • Từ 2013-2017, Mỹ chiếm 34 % tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí, tăng 25% so với xuất khẩu của nước này trong giai đoạn 2008-2012.

Hẳn nhiên luôn có một phe diều hâu luôn mong muốn thúc đẩy cơ hội mua bán, cung cấp máy bay, tàu chiến và vũ khí mới để giao chiến thay vì tìm kiếm hòa bình.

Dân biểu Adam Schiff – từng là Chủ tịch ban điều tra luận tội Tổng thống Trump (2019) của đảng Dân chủ – thậm chí còn muốn mở rộng chi tiêu quân sự hơn nữa khi vào năm 2020 tự tin nói rằng, Mỹ sẽ đưa cuộc chiến chống Nga đến Ukraine. Phải chăng để tăng cường ngân sách cho Lầu Năm Góc?

Mỗi ngày trôi qua, các chính phủ phương Tây và Mỹ ngày càng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với người Nga. Đương nhiên, người Nga cũng “trả miếng” khi vào ngày 5/3,  Tổng thống Putin tuyên bố các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga giống như một lời tuyên chiến, và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho thế giới.

Giờ, hãy xem các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thực sự hoàn toàn “hạ gục” nước Nga của Putin?

Joe Biden tiếp thêm sức mạnh cho Putin?

Giá dầu thô thế giới hôm nay (8/3) đã giảm một chút, quanh mốc 125 USD/thùng sau khi leo lên 137 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày hôm qua (7/3), khi các thị trường hoảng loạn trước lệnh cấm vận dầu thô của Nga có thể xảy ra.

Liệu Mỹ có cấm vận hoàn toàn mặt hàng “vàng đen” này của Nga hay không?

Trong khi các lệnh trừng phạt của các quốc gia theo gương Mỹ dồn dập áp lên nước Nga thì lại có một mặt hàng chủ yếu, mang lại nguồn tài chính sống còn cho nước Nga nhưng lại được chính quyền Joe Biden “nương nhẹ” và thậm chí là ngó lơ. Đó chính là Năng lượng. 

Sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu thô của Nga diễn ra trong bối cảnh ngành năng lượng Mỹ đang suy giảm nghiêm trọng, khi chính quyền Joe Biden đã hủy bỏ Dự án Đường ống Keystone XL, cấm các hợp đồng thuê mới sản xuất dầu và khí đốt trên đất liền, và hạn chế phát thải khí mê-tan từ khí đốt tự nhiên.

Nhiều người cho rằng, chính các chính sách năng lượng của chính quyền Tổng thống  Biden đã gián tiếp tạo điều kiện cho Nga “mạnh dạn” xâm lược Ukraine, bằng cách thúc đẩy thu nhập từ xuất khẩu năng lượng của nước này.

Phill Kline, giám đốc Dự án Amistad và là cựu tổng chưởng lý Kansas đã tweet như sau: “Chính sách năng lượng của Biden đang tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga!”.

Alfredo Ortiz, Chủ tịch Mạng lưới Người sáng tạo việc làm cho biết: “…Về cơ bản chúng tôi đã tài trợ cho cuộc chiến này ở Ukraine. Chúng tôi đã trao chiếc rương chiến tranh cho Putin bằng cách làm như vậy.”

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên của Thượng viện, đã ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Joe Biden chỉ vài giờ trước khi ông đọc Thông điệp Liên bang, và yêu cầu người đứng đầu Nhà Trắng phải chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga và mở rộng sản xuất năng lượng của Mỹ.

Ông Manchin thừa nhận cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và cách Putin đã sử dụng năng lượng như một thứ vũ khí bởi: “Mỹ vẫn đang nhập khẩu hơn nửa triệu thùng dầu thô mỗi ngày và các sản phẩm dầu mỏ khác từ Nga, với mức nhập khẩu tăng hơn 20% trong năm 2021 so với năm 2020”.

Ông cũng chỉ trích các nhà lập pháp  đảng Dân chủ, vốn luôn ngăn chặn hoạt động khai thác dầu và khí đốt của Mỹ, nhưng lại ủng hộ nhập khẩu cùng một loại nhiên liệu hóa thạch như vậy từ Nga, Trung Đông, Venezuela… Mà các quốc gia này đều là thể chế độc tài thù địch với Mỹ.

Ông nói: “Thật là đạo đức giả khi chúng ta yêu cầu người khác làm những gì chúng ta có thể làm – và chúng ta có thể làm tốt hơn – khi nói đến việc tạo ra năng lượng mà chúng ta và các đồng minh của chúng ta cần. Đã đến lúc Chính quyền (Joe Biden) cần phải có hành động mạnh mẽ để giải phóng năng lượng của Mỹ, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu dầu của Nga vào thời điểm họ đang tấn công các đồng minh của chúng ta”.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây “dành” cho Nga dường như bề ngoài cho thế giới thấy thật là mạnh mẽ khắc nghiệt, nhưng thực tế lại có vẻ như “giơ cao đánh khẽ” mà thôi.

Cỗ máy chiến tranh đã và đang “vận hành” tại điểm nóng Ukraine, và tình hình thế giới đã sang một bước ngoặt quan trọng. Thậm chí nhiều người lo ngại phỏng đoán sẽ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân, rằng bất kỳ sai lầm nào trong giai đoạn này đều có thể gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc cho nhân loại. 

Điều này có thể xảy ra hay không, thật khó có thể phán đoán được. Nhưng chiến sự tại Ukraine dường như đã làm thế giới phân tâm khỏi đại dịch COVID-19, cùng vắc-xin và các loại biến thể mới – vốn đã hoành hành trong suốt 2 năm qua, khiến kinh tế cũng như mọi mặt đời sống, xã hội của thế giới hoàn toàn biến đổi. 

Liệu điểm nóng Ukraine có thể dẫn đến một cuộc tấn công “cờ giả”, có thể được sử dụng như một cái cớ để bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3 với quy mô toàn diện hơn? Và ai sẽ được hưởng lợi? 

Xuân Trường

Tham khảo: 

(1)https://www.investors.com/etfs-and-funds/sectors/sp500-investors-gain-69-billion-dollars-off-russia-war-and-upside-remains/
(2).https://www.nytimes.com/2022/03/06/us/politics/us-ukraine-weapons.html 
(3).https://www.usatoday.com/story/news/politics/2022/03/06/russia-ukraine-invasion-updates/9401259002/
(4).https://edition.cnn.com/2022/03/06/politics/us-officials-action-ukraine/index.html
(5).https://edition.cnn.com/2022/02/01/economy/national-debt-30-trillion/index.html
(6).https://www.sipri.org/news/press-release/2018/asia-and-middle-east-lead-rising-trend-arms-imports-us-exports-grow-significantly-says-sipri
(7).https://www.washingtontimes.com/news/2022/feb/28/business-group-says-biden-energy-policies-hurt-us-/

Related posts