47 năm, Văn chương Việt Nam có gì?

Đoản Kiếm

8-3-2022

Ảnh: T.Điểu/Tuổi Trẻ

47 năm là một khoảng thời gian rất dài. Đó là thời gian để một đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ trưởng thành thành một người trung niên. Ở tuổi 47 một người đã đủ bản lĩnh để làm một Tổng thống của một quốc gia. Nếu là một nhà văn, họ đã có thể có những tác phẩm để đời.

Trên tất cả mọi thứ, ở Việt Nam, văn chương được nhà nước tài trợ từ tiền ngân sách, hay nói theo kiểu dân gian là dân nuôi. Nhà văn không phải lo cơm áo gạo tiền như những người khác, nên cứ thoải mái sáng tác. Đầu ra cũng chẳng phải lo vì đã có đảng lo. Đảng bao tiêu tất. Không phải như nông dân, vừa phải vất vả nuôi trồng, vừa phải tất bật kiếm đường tiêu thụ, văn thơ ở Việt Nam khỏi phải chạy vạy in ấn chi cả.

Công bằng mà nói thì trong chiến tranh, các nhà văn Việt Nam cũng có những sản phẩm tương đối khá, nhưng chỉ phù hợp với mục đích tuyên truyền.

Sau 1975, cũng với một lực lượng hùng hậu như thế.. Những nhà văn, nhà thơ Việt Nam cho ra đời mỗi năm mấy tấn rác. Sau 47 năm nhìn lại, thì cả nước Việt Nam có được tác phẩm gì cho xứng tầm một quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới? Không, hoàn toàn không. Chả có cái gì gọi là những tác phẩm. Chỉ có rác và rác

Có lẽ giới văn nghệ sĩ ở Việt Nam lâu nay kiến thức thì “giới hạn”, chỉ biết ngồi quán cà phê, nhâm nhi hoá chất nên đầu óc mụ mị, chẳng viết nổi lấy một tác phẩm cho ra hồn. Chỉ có những phát biểu ngông cuồng theo kiểu “Việt Nam là cường quốc của thơ ca…” Nhưng nếu Việt Nam là cường quốc về thơ ca thì chắc cũng như cường quốc về lúa gạo. Chỉ có số lượng, còn chất lượng thì hạng bét.

Đúng là Việt Nam là cường quốc về lúa gạo trên thế giới. Nhưng gạo Việt Nam chỉ có số lượng còn chất lượng thì thua xa gạo Thái, gạo Ấn hay ngay cả gạo Mỹ. Tuy nhiên, gạo vẫn cần số lượng, vì đâu đó trên hành tinh này, con người còn đang đói. Họ chỉ cần gạo chứ không cần gạo ngon. Gạo là nhu cầu thiết yếu. Còn thơ ca hay văn chương thì không phải là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Văn thơ không cần số lượng, mà chỉ cần chất lượng.

Mỗi ngày rặn ra vài bài thơ thì ai cũng làm được. Mỗi năm viết một cuốn sách thì cả tỉ người làm được. Nhưng trong đống sách rác đó có những cuốn sách tầm cỡ như Chiến tranh và Hoà bình, Dr. Zhivago, Cuốn theo chiều gió… hay không? Rất tiếc, nó là con số không. Không có một tác phẩm nào đáng để gọi là một tác phẩm văn học. Sau Bốn-Mươi-Bảy năm!

Ngày tui còn học phổ thông, mặc dù thuộc thành phần con gia đình “Nguỵ”, không thích Cộng sản nhưng đọc ‘Thép đã tôi thế đấy’, tôi vẫn cảm thấy rung động. Đó là một tác phẩm hay, bất chấp nội dung.

Không có trường dạy viết văn nào có thể đào tạo nên các văn hào. Không có trại sáng tác nào có thể dựng nên những tuyệt tác. Những đại văn hào từ xưa đến nay đều lăn lộn, sống và viết những gì họ đã sống, đã trải nghiệm, đã hiểu biết, đã tưởng tượng ra. Những tuyệt phẩm văn chương của nhân loại không có nhà nước nào tài trợ cả mà đều viết từ đam mê.

Có thể sống ở thiên đường sẽ không có những tác phẩm văn chương. Vì văn nghệ sĩ không có gì để viết, ngoài những đơn đặt hàng. Ca ngợi đảng, ca ngợi bác hay ca ngợi những nhân vật có tiền tỷ không thể tạo nên những tác phẩm vĩ đại mà chỉ có thể tạo nên những loại rác rưởi được gọi là văn chương.

47 năm đã qua, biết đến bao giờ… Giấc mơ Nobel văn chương của ông chủ tịch nước có vẻ hơi hài.

Related posts