Đông Phương
Tình hình Covid ở Trung Quốc đang có chiều hướng nóng lên, số ca mắc mỗi ngày đã đạt mức cao nhất trong khoảng hai năm qua, với hơn 500 trường hợp.
Sáng ngày 8/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, trong 24h qua nước này có 325 ca nhiễm Covid-19, bao gồm 175 ca nhiễm cộng đồng và 150 trường hợp nhập cảnh; ngoài ra còn có 443 ca nhiễm không triệu chứng, với 330 ca tại địa phương và 113 ca nhập cảnh.
Ba thành phố có số ca nhiễm cộng đồng cao nhất là Đông Quản (thuộc tỉnh Quảng Đông), Thanh Đảo (thuộc tỉnh Sơn Đông) và thành phố Cát Lâm (thuộc tỉnh Cát Lâm).
Hiện tại, nhiều khu chung cư ở Thâm Quyến đã bị quản lý theo hình thức khép kín. Ông Trương Hải (Zhang Hai), một công dân Vũ Hán đang ở Thâm Quyến, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng dịch bệnh ở địa phương đang nghiêm trọng, mọi khu chung cư đều yêu cầu cư dân phải làm xét nghiệm PCR. “Hiện tôi đã làm 10 lần rồi. Nếu không, sẽ không được phép đi đến siêu thị hay vào khu chung cư. Vì vậy, nó tạo ra một bầu không khí rất căng thẳng”, ông Trương cho biết.
Ngoài ra, hơn 10 triệu cư dân của Vũ Hán đã phải trải qua 3 đợt xét nghiệm PCR bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước (5/3).
Có thể thấy, chính sách Zero Covid (quét sạch Covid trong cộng đồng) của Trung Quốc đã không đạt hiệu quả.
Zero Covid gây ra thiệt hại kinh tế và các vấn đề xã hội
Nhà kinh tế Ngô Gia Long (Wu Jialong) của Đài Loan nói rằng, thiệt hại do chính sách Zero Covid của Bắc Kinh đối với nền kinh tế là rất trực tiếp và rõ ràng. Chẳng hạn như hoạt động sản xuất không thể diễn ra bình thường, không nhận được đơn đặt hàng, và xuất hiện vấn đề việc làm. Hiện giờ Trung Quốc dựa vào hoạt động chuyển nhượng đơn đặt hàng từ bên khác, nhưng nó chỉ là giải pháp ngắn hạn, trong tương lai sẽ là một vấn đề rất lớn.
Ông Ngô cho rằng chính sách Zero Covid ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến các nhà máy không thể hoạt động và vận chuyển bình thường, và nhiều ngành dịch vụ cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, chính sách phòng chống dịch cực đoan này cũng khiến người dân gặp khó khăn trong việc ăn ở đi lại, tìm việc làm và điều trị y tế; thậm chí đẩy người ta vào trạng thái trầm cảm, tự tử, phụ nữ mang thai bị sẩy thai, người già chết đói, v.v.
Chuyên gia: Lựa chọn thức thời là chấm dứt “chính sách Zero Covid” ngay bây giờ
Chính sách phòng chống dịch bệnh cực đoan của chính quyền Trung Quốc đã gây ra gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Chuyên gia cho rằng, tác hại do “chính sách Zero Covid” gây ra đối với kinh tế và xã hội Trung Quốc sẽ là nguyên nhân trực tiếp khiến Bắc Kinh buộc phải thay đổi chính sách phòng chống dịch bệnh.
Vào ngày 3/1 năm nay, công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, có trụ sở tại Hoa Kỳ, thậm chí còn đặt “chính sách Zero Covid” của Trung Quốc lên vị trí số 1 trong danh sách các rủi ro chính trị của năm 2022. Báo cáo nói rằng: “Thiệt hại kinh tế nhiều hơn, sự can thiệp của nhà nước rộng rãi hơn và nhiều quần chúng bất mãn hơn có thể sẽ là hậu quả của chính sách này”.
Ông Antonio Graceffo, Giáo sư kinh tế học, nhà phân tích về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng hành vi của chính quyền Trung Quốc là không thể đoán trước được và gần đây họ mới bắt đầu thêm từ “[theo] biến động” vào sau “quét sạch Covid”. Chính sách “Zero Covid” rõ ràng đang phá hủy nền kinh tế và khiến người dân chịu khổ. Theo ông, một lựa chọn thức thời là chấm dứt “chính sách Zero Covid” ngay bây giờ.
Chuyên gia: Chính quyền trung ương là nguyên nhân gốc rễ
Ông Graceffo cho rằng, giống như hầu hết các vấn đề khác ở Trung Quốc, chính quyền trung ương là kẻ khởi xướng và là thủ phạm chính, còn quan chức các cấp bên dưới lại khiến chính sách càng nặng nề thêm. Ví dụ, nếu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói “chúng tôi sẽ trừng phạt các ông vì các ca nhiễm mới”, sau đó lại nói “để mọi người cách ly 5 ngày”, vậy thì quan chức cấp tỉnh sẽ yêu cầu các địa phương cách ly 6 ngày, và các địa phương sẽ tự động cho cách ly 7 ngày. Bởi vì quan chức các cấp đều không muốn bị trừng phạt vì địa phương có nhiều ca nhiễm.
“Chính phủ [trung ương] đã không trừng phạt các chính quyền địa phương vì khởi xướng các lệnh cưỡng chế và các chính sách quá nghiêm khắc”, ông nói.
Ông cho rằng đây chỉ là một ví dụ về việc chính quyền trung ương đang cố gắng kiểm soát các chính quyền địa phương và khiến quan chức ở mọi cấp hành động thống nhất. Sự nhiệt tình của quan chức các cấp từ trên xuống dưới đối với các chính sách của ĐCSTQ, dù là trong thời Nạn đói lớn hay trong phong trào toàn dân làm gang thép, cho đến cả thời nay, đã gây ra nhiều đau khổ cho người dân Trung Quốc.
Đông Phương