Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến tình hình về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine kể từ ngày 06/03/2022.


McDonald’s, Starbucks, Coca-Cola, và Pepsi ngừng bán hàng tại Nga

McDonald’s, PepsiCo, Coca-Cola, và Starbucks đã ngừng bán các sản phẩm nổi tiếng nhất của họ ở Nga từ hôm thứ Ba (08/03).

Cả bốn công ty đều có các hoạt động lớn ở Nga.

Chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s cho biết họ sẽ tiếp tục trả lương cho 62,000 nhân viên của mình ở Nga khi đóng cửa 847 nhà hàng.

Tập đoàn Starbucks đang tạm thời đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Công ty PepsiCo sẽ đình chỉ tất cả quảng cáo ở Nga và ngừng bán các nhãn hiệu đồ uống của mình, trong khi vẫn tiếp tục bán các mặt hàng thiết yếu như sữa và thức ăn cho trẻ em. Công ty đối thủ Coca-Cola cho biết họ sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại đó.

Hàng loạt công ty khác cũng đã lên tiếng chỉ trích Nga, và Amazon cho biết hôm thứ Ba rằng họ sẽ ngừng tiếp nhận khách hàng mới cho các dịch vụ đám mây của mình ở Nga và Ukraine. Universal Music đã đình chỉ mọi hoạt động ở Nga và dịch vụ hẹn hò trực tuyến Bumble sẽ xóa ứng dụng của mình khỏi các kho ứng dụng ở Nga và Belarus.


Nga thắt chặt các hạn chế tiền tệ 

Ngân hàng trung ương Nga đã thắt chặt mạnh mẽ các hạn chế tiền tệ trong bối cảnh phương tây áp đặt các các lệnh trừng phạt gây tổn thất nặng nề vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Ngân hàng trung ương Nga đã ra lệnh cho các ngân hàng thương mại của nước này giới hạn số tiền mà khách hàng có thể rút từ tiền gửi ngoại tệ của họ ở mức 10,000 USD. Bất kỳ khoản rút tiền nào vượt quá số tiền đó sẽ được chuyển đổi thành đồng rúp theo tỷ giá hối đoái hiện tại.

Ngân hàng này cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại ngừng bán ngoại tệ cho khách hàng, một biện pháp có thể sẽ tạo ra một thị trường chợ đen cho ngoại tệ. Các hạn chế hà khắc này là chưa từng có tiền lệ kể từ thời Liên Xô khi các nhà chức trách duy trì các biện pháp kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt.

Ngân hàng trung ương Nga lưu ý rằng việc kiểm soát tiền tệ đã được thắt chặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã phong tỏa một phần lớn dự trữ ngoại tệ mạnh của Ngân hàng Trung ương. Các lệnh trừng phạt gây thiệt hại nặng nề nhằm vào hệ thống tài chính của nước này cũng khiến Nga không thể nhận được tiền mặt từ ngoại quốc.


Ba Lan gửi tất cả chiến đấu cơ MiG-29 tới căn cứ không quân của Hoa Kỳ

Hôm 08/03, các quan chức Ba Lan thông báo họ sẽ điều các chiến đấu cơ MiG-29 của nước này tới Căn cứ Không quân Ramstein của Không quân Hoa Kỳ ở Đức trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.

“Sau khi tham vấn giữa Tổng thống và Chính phủ,” các quan chức “đã sẵn sàng điều động — ngay lập tức và miễn phí — tất cả các phi cơ phản lực MIG-29 của họ tới Căn cứ Không quân Ramstein và đặt chúng dưới quyền của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,” theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ba Lan.

Ba Lan sau đó yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho họ “phi cơ đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương ứng”, nói thêm rằng Warsaw “sẵn sàng thiết lập ngay lập tức các điều kiện mua những phi cơ này.”

Chính phủ Ba Lan cũng kêu gọi các quốc gia thành viên NATO khác sở hữu phi cơ MiG-29, loại phi cơ được Liên Xô sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1970, chuyển giao phi cơ của họ cho Hoa Kỳ. Các phi công Ukraine được đào tạo để lái chiến đấu cơ thời Liên Xô.


Ngoại trưởng Antony Blinken gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris để thảo luận về cách ứng phó với cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Tổng thống Macron đã thông báo tóm lược với ông Blinken về cuộc trò chuyện gần đây nhất của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine bất chấp sự lên án của toàn cầu và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đang được áp đặt đối với đất nước ông.

Hai người cũng sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân Iran tại Vienna, vốn sắp kết thúc với những tín hiệu mâu thuẫn về việc liệu thỏa thuận hạn chế chương trình nguyên tử của Iran năm 2015 có thể vãn hồi được hay không.

Ông Blinken đã dừng chân tại Paris trong hai giờ sau chuyến công du các nước Baltic là Moldova và Ba Lan, nơi ông đã trực tiếp lắng nghe những lo ngại sâu sắc về hành động của Nga từ các nhà lãnh đạo.


Moscow cảnh báo giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng do các lệnh trừng phạt mới

Giá dầu thô có thể lên tới hơn 300 USD/thùng nếu phương Tây tiếp tục kế hoạch trừng phạt các nguồn cung cấp năng lượng của Nga, Moscow cảnh báo trong một tuyên bố trên truyền hình nhà nước.

“Rõ ràng là việc từ chối dầu Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu,” Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói. “Việc giá tăng sẽ không thể đoán trước được. Giá sẽ là 300 USD mỗi thùng nếu không muốn nói là nhiều hơn.”

Ông Novak nói rằng Âu Châu sẽ mất hơn một năm để thay thế lượng dầu mà lục địa này nhập cảng từ Nga. Hơn nữa, Âu Châu cũng sẽ phải trả một cái giá cao hơn đáng kể cho lượng dầu đó.


Nga cho biết họ đã phá hủy khoảng 900 xe bọc thép của Ukraine kể từ ngày 24/02

Hôm thứ Ba (08/03), Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy gần 900 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của Ukraine kể từ khi thứ mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu hôm 24/02.

Bộ cho biết thêm, họ cũng đã bắn rơi 84 phi cơ không người lái.

Bộ cho biết sau khi kết thúc “cơ chế im lặng” đã được thỏa thuận quanh thành phố cảng chiến lược Mariupol hôm thứ Ba, các lực lượng của khu vực Donetsk thân Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công mới tại đó.


Ngân hàng Trung ương Nga cung cấp hỗ trợ khủng hoảng cho các công ty tài chính

Hôm thứ Ba (08/03), Ngân hàng trung ương Nga đã công bố một loạt các bước để giúp các bên tham gia thị trường tài chính như các quỹ hưu trí tư nhân và các công ty quản lý ứng phó với “tình hình khủng hoảng” hiện nay, bao gồm cả việc nới lỏng một số quy định.

Thị trường tài chính của Nga đã rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn vì nước này xâm lược Ukraine.

Ngân hàng trung ương đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% và cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng, đồng thời chính phủ đã khai triển một số biện pháp hỗ trợ, nhưng đồng rúp đã giảm giá và các loại chứng khoán như trái phiếu đã bị bán tháo rất nhiều.

Trong một tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram, ngân hàng trung ương cho biết các biện pháp mới của họ bao gồm việc điều chỉnh các yêu cầu theo quy định cho phù hợp với các điều kiện kinh tế mới, miễn phạt đối với một số vi phạm quy định nếu hành vi vi phạm có liên quan đến tình hình thị trường hiện tại, và kéo dài khung thời gian để các bên tham gia thị trường thực hiện một số quy tắc.

Họ nói thêm rằng những biện pháp này là một phần trong nỗ lực giúp giảm gánh nặng quản lý và giám sát.


Theo sau Hoa Kỳ, Anh cấm nhập cảng dầu từ Nga

Anh đang cùng với Hoa Kỳ tuyên bố cấm nhập cảng dầu từ Nga.

Bộ trưởng Kinh doanh Kwasi Kwarteng cho biết dầu và các sản phẩm dầu từ Nga sẽ bị loại bỏ dần vào cuối năm nay. Ông cho biết giai đoạn chuyển tiếp “sẽ cung cấp cho thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế hàng nhập cảng của Nga,” chiếm 8% nhu cầu của Vương quốc Anh.

Ông Kwarteng cho biết Vương quốc Anh sẽ làm việc với các nhà cung cấp dầu khác của mình, bao gồm Hoa Kỳ, Hà Lan và các quốc gia vùng Vịnh, để bảo đảm nguồn cung bổ sung.


Tổng thống Biden tuyên bố cấm nhập cảng dầu từ Nga

Hôm thứ Ba (08/03), Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố cấm tất cả các hoạt động nhập cảng dầu từ Nga trong hành động mới nhất từ ​​Hoa Kỳ nhằm cô lập nền kinh tế Nga để đáp trả cuộc xâm lược của họ vào Ukraine.

Biện pháp mới nhất này bổ sung vào các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt đối với các hệ thống tài chính Nga và các cá nhân trong vòng tròn quyền lực nội bộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Đây là một hành động nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội và tôi tin tưởng vào đất nước này,” ông Biden nói. “Người Mỹ đã tập hợp để ủng hộ người dân Ukraine và thể hiện rõ rằng chúng ta sẽ không tham gia trợ cấp cho cuộc chiến của ông Putin.”

Ông Biden thừa nhận hành động này cũng sẽ khiến người Mỹ phải trả giá. Quyết định này được đưa ra khi giá xăng ở Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục. Theo Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA), chi phí trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng lên tới 4.17 USD trong hôm thứ Ba.


Nhà lập pháp Latvia tới Ukraine để chiến đấu cùng người Ukraine

Một nhà lập pháp Latvia đã đến Ukraine để chiến đấu cùng người Ukraine, Bộ trưởng Tư pháp Janis Bordans của quốc gia Baltic này cho biết hôm thứ Ba (08/03).

Ông Juris Jurass, chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Pháp lý của Hội đồng Saeima (Quốc hội Latvia) và là người cùng đảng với ông Bordans, “đã tình nguyện đến bảo vệ lãnh thổ Ukraine và chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược,” bộ trưởng tư pháp cho hay.

“Anh ấy đã đưa ra quyết định dựa trên các nguyên tắc đạo đức cá nhân của mình,” ông Bordans nói với Baltic News Service. Nhà lập pháp này không ở đó để bình luận ngay.

Trên Twitter, Ukraine 4 Freedom, một dự án tình nguyện của sinh viên ngành quan hệ quốc tế tại Học viện Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla, viết rằng ông Jurass đã gia nhập một đơn vị quân đoàn ngoại quốc dành cho các tình nguyện viên quốc tế.


Tổng thống Zelensky sẵn sàng thỏa hiệp về các vấn đề NATO, Crimea, và các nước ‘cộng hòa’ ly khai

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra dấu hiệu cho thấy sự sẵn lòng trong việc thỏa hiệp với Tổng thống Nga Vladimir Putin về một số yêu cầu chính của ông đối với việc dừng cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm cả tư cách thành viên NATO và trạng thái của Crimea cũng như các vùng lãnh thổ ly khai ủng hộ Moscow, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine này khẳng định lực lượng của ông sẽ không đầu hàng.

“Tôi đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng đầu hàng,” Tổng thống Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News được công bố hôm thứ Ba (08/03).

Tổng thống Ukraine cho biết ông không sẵn sàng nhượng bộ những gì mà ông mô tả là “tối hậu thư” mà Nga đưa ra trong vòng đàm phán hòa bình mới nhất, nhưng khẳng định ông sẵn sàng thảo luận về các vấn đề bao gồm tư cách thành viên NATO và tình trạng của các khu vực Donetsk và Luhansk do phe ly khai kiểm soát và Crimea bị Nga sáp nhập.


Anh tuyên bố sẽ hỗ trợ Ba Lan nếu nước này quyết định gửi phi cơ phản lực đến Ukraine

Hôm thứ Ba (08/03), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Anh sẽ hỗ trợ Ba Lan nếu nước này quyết định cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, nhưng cảnh báo rằng làm như vậy có thể gây ra hậu quả trực tiếp cho Ba Lan.

“Tôi sẽ ủng hộ người Ba Lan và bất cứ lựa chọn nào mà họ đưa ra,” ông Wallace nói với Sky News, đồng thời nói thêm rằng Anh không thể cung cấp phi cơ mà người Ukraine có thể sử dụng.

“Chúng tôi sẽ bảo vệ Ba Lan, chúng tôi sẽ giúp họ bất cứ thứ gì họ cần,” ông nói. “Ba Lan sẽ hiểu rằng những lựa chọn mà họ đưa ra không chỉ giúp ích trực tiếp cho Ukraine, vốn là một điều tốt, mà còn có thể đưa họ vào tầm ngắm trực tiếp từ các nước như Nga hoặc Belarus.”

Anh đã cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng thủ cũng như các khoản viện trợ quân sự và nhân đạo khác.

Ông Wallace cho biết ông sẽ đưa ra tuyên bố trước nghị viện vào thứ Tư (09/03) về việc Anh sẽ cung cấp thêm viện trợ sát thương và phi sát thương, cũng như về các biện pháp mà chính phủ Anh có thể thúc giục các nước khác thực hiện.


Related posts