Các công ty Trung Quốc đang chật vật với hoạt động mua lại và sáp nhập ngược mờ ám của họ

Jenny Li

Một người đàn ông và một người phụ nữ đứng trước những chiếc túi xách được trưng bày tại một cửa hàng của hãng sản xuất túi xách cao cấp Longchamp ở Thượng Hải hôm 27/08/2010. (Ảnh: Philippe Lopez/AFP/Getty Images)

Hôm 14/01/2022, công ty thời trang Pháp SMCP Group đã tổ chức đại hội đồng cổ đông và bỏ phiếu thông qua việc giải tán hội đồng quản trị gồm 5 thành viên, loại  ông Qiu Yafu, chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty TNHH Công nghệ Sơn Đông Ruyi của Trung Quốc, và cô con gái Qiu Chenran của ông ta, ra khỏi hội đồng quản trị, và làm tan vỡ giấc mơ của ông Qiu Yafu về việc thành lập một phiên bản công ty Louis Vuitton của Trung Quốc (từ việc mua lại và sáp nhập)

Ông Qiu Yafu đã cố gắng ngăn việc này xảy ra. Hôm 28/10/2021, khi quỹ ủy thác trái phiếu Global Loan Agency Services Ltd. (GLAS) bắt đầu yêu cầu việc họp cổ đông lần đầu tiên của Tập đoàn SMCP, hội đồng quản trị công ty do ông Qiu đứng đầu đã từ chối.

Hôm 30/11/2021, GLAS đã nộp đơn đề nghị một lệnh hành pháp tại Tòa án Thương mại Paris ở Pháp với lý do công ty Sơn Đông Ruyi đã “chuyển nhượng bất hợp pháp” số cổ phần SMCP nắm giữ còn lại, và được chấp thuận triệu tập đại hội đồng cổ đông để biểu quyết việc giải tán hội đồng quản trị. Tập đoàn Ruyi đã cố gắng phản đối nhưng bị Tòa án Thương mại Paris, Pháp bác bỏ.

Vào năm 2016, công ty Sơn Đông Ruyi đã mua lại phần lớn cổ phần của SMCP Group với giá 1.3 tỷ euro, với tỷ lệ sở hữu lên tới 53%. Tuy nhiên, vào tháng 09/2021, Tập đoàn Ruyi đã bị vỡ nợ khoản nợ 250 triệu euro vốn được vay thông qua cầm cố cổ phần, dẫn đến việc chuyển khoản nợ của Tập đoàn SMCP sang GLAS.

Gần đây nhất vào năm 2018, ông Qiu đã nói một cách tham vọng với truyền thông Hoa Kỳ rằng công ty Sơn Đông Ruyi sẽ xây dựng một “phiên bản LVMH (Louis Vuitton) của Trung Quốc” thông qua việc mua lại. Vào tháng Hai năm đó, ông đã tuyên bố sẽ chi 600 triệu euro để mua 70% cổ phần của thương hiệu cao cấp Thụy Sĩ Bally.

Tuy nhiên, tính đến tháng 12/2021, giá trị thị trường của Tập đoàn Ruyi đã giảm xuống còn một tỷ nhân dân tệ (khoảng 200 triệu USD), công ty này nợ hàng chục tỷ USD, và đã nhiều lần bị coi là “phá sản.”

Ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế hiện sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Sau năm 2012 và 2013, có cái gọi là cơn sốt ở ngoại quốc. Một số doanh nhân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu lần lượt ra ngoại quốc để mua lại một số thương hiệu nhất định. Một số mua thương hiệu sang trọng, và một số mua tài sản, các khách sạn, sân bay, v.v. ”

Ông Huang là Kinh tế Gia trưởng của công ty China Enterprise Capital Alliance (CECU) và là nhà Quản lý ủy thác (Trustee) và là Giám đốc Điều hành của Ủy ban Nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Á Châu (ASEA).

Huy động vốn

Thúc đẩy làn sóng mua lại ở ngoại quốc này là cái được gọi là “sự trỗi dậy của các cường quốc.” Ông Huang cho biết từ năm 2012 đến 2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc đẩy tuyên truyền rộng rãi về “sự trỗi dậy của các cường quốc”, ủng hộ “mô hình Trung Quốc vươn ra toàn cầu” và khuyến khích các doanh nghiệp “ra ngoại quốc.”

Vậy, các công ty Trung Quốc lấy đâu ra nhiều vốn để mua lại như vậy?

Chiến lược của họ là mua cổ phiếu của các thương hiệu ở ngoại quốc với giá thấp, và rồi hoặc là phát hành trái phiếu thứ cấp làm tài sản thế chấp để có được dòng tiền, hoặc cải tổ lại và đưa lên niêm yết thông qua các hoạt động giao dịch vốn và sử dụng số tiền huy động được đó cho vòng mua lại tiếp theo.

Ví dụ, Tập đoàn Ruyi đã đưa 3 công ty được mua lại là Libang, Rena (ở Nhật Bản), và SMCP của Pháp lên thị trường vốn.

Một ví dụ khác là Tập đoàn Ruyi thực hiện một vụ sáp nhập ngược (một công ty tư nhân, nhỏ hơn mua lại một công ty niêm yết công khai lớn hơn) khá quyết liệt dựa vào khoản vay ngắn hạn 2 tỷ nhân dân tệ (316 triệu USD) từ các ngân hàng và phát hành 2.5 tỷ nhân dân tệ (395 triệu USD) trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng Tập đoàn Ruyi, với tài sản ròng chỉ 2.6 tỷ NDT (411 triệu USD), để mua Công ty LYCRA với định giá 17.9 tỷ NDT (2.827 tỷ USD).

Vận may thay đổi 

Nhưng bóng bay luôn nổ. Vào tháng 03/2020, hơn 2 năm sau khi công ty Sơn Đông Ruyi thông báo mua lại thương hiệu cao cấp Thụy Sĩ Bally, khoản tài trợ 600 triệu euro  họ hứa hẹn vẫn đang chờ xử lý, và việc thanh toán cho một giao dịch với nhà sản xuất quần áo nam Bagir của Israel đã bị trì hoãn. Vào tháng 04/2020, Bagir nộp đơn phá sản sau khi cạn kiệt tiền mặt.

Vào tháng 05/2020, công ty Rena ở Nhật Bản tuyên bố phá sản và hủy niêm yết. Vào tháng 04/2021, cổ phiếu của công ty Libang bị đình chỉ.

Hôm 03/07/2020, do Tập đoàn Công nghệ Sơn Đông Ruyi không trả được nợ, Tòa án quận Vạn Châu của thành phố Trùng Khánh đã ban hành lệnh hạn chế chi tiêu đối với bà Qiu Chenran, người kiểm soát thực sự của tập đoàn này, theo đó bà không được phép thực hiện các hành vi tiêu dùng đắt tiền hoặc tiêu dùng không cần thiết cho cuộc sống và công việc, kể cả việc đi đường sắt cao tốc loại đầu G. Các phán quyết như vậy được đưa ra nhằm buộc các con nợ phải duy trì các quỹ tài chính để họ có thể trả các khoản vay.

Vào tháng 09/2021, Gieves & Hawkes, một thương hiệu quần áo nam cao cấp 250 năm tuổi của Anh thuộc sở hữu của Tập đoàn Ruyi, đã phải đối mặt với việc phá sản.

Hôm 16/11/2021, Tập đoàn Ruyi đã bị Tòa án Trung cấp Thái Nguyên liệt vào danh sách vỡ nợ với mục tiêu cưỡng chế là 85.996 triệu nhân dân tệ (13.57 triệu USD). Hôm 28/10, Tập đoàn Ruyi đã công bố kết quả hoạt động quý 3 cho thấy từ tháng 01 đến tháng 09/2021, tập đoàn này đã lỗ ròng 43.3 triệu nhân dân tệ (6.83 triệu USD).

Từ năm 2016 đến 2018, “vòng khép kín” đã trở thành câu thần chú của một số doanh nhân Trung Quốc. Ông Huang cho biết họ cảm thấy hài lòng về bản thân vào thời điểm đó, cảm thấy rằng Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của nhiều thương hiệu. Họ muốn nắm quyền kiểm soát các thương hiệu cấp cao hơn và kiếm tiền từ người tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời kiếm tiền từ người tiêu dùng ngoại quốc.

Tuy nhiên, ông Huang nói: “Triết lý kinh doanh, khả năng quản lý, việc triển khai chiến lược, các tiêu chuẩn cá nhân, và trình độ quản lý của họ không đạt yêu cầu. Họ chỉ dựa vào đòn bẩy tài chính không ngừng gia tăng, đưa ra các viễn cảnh và liên tục đánh lừa các nhà đầu tư. Họ cũng đánh giá thấp về thời gian và nguồn lực cần thiết để vận hành thương hiệu, cũng như toàn bộ các khía cạnh của mức độ hoạt động [theo yêu cầu] và kinh phí” 

‘Ra ngoại quốc’

Tập đoàn Ruyi chỉ là một trong nhiều công ty Trung Quốc đã muốn “ra ngoại quốc” nhưng cuối cùng đã thất bại.

Năm 2012, Tập đoàn Wanda đã chi 2.6 tỷ USD để mua lại AMC, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới và sau đó liên tiếp mua lại các rạp chiếu phim Starplex, Carmike, Oudian Cinema Line và các đại rạp chiếu phim khác, mở rộng phạm vi hoạt động của AMC ra 15 quốc gia.

Năm 2014, Ampang Insurance đã mua Waldorf Astoria, một địa chỉ nổi tiếng ở New York, đồng thời đã mua lại các ngân hàng, công ty bảo hiểm của Bỉ, Toyo Life, Allianz Insurance ở Hàn Quốc và công ty bảo hiểm VIVAT của Hà Lan.

Năm 2016, HNA đã mua 25% cổ phần của Tập đoàn Khách sạn Hilton, nâng cổ phần của họ tại Deutsche Bank lên gần 10%. Từ năm 2015 đến 2017, các thương vụ mua lại và sáp nhập ở ngoại quốc của HNA Group lên tới 50 tỷ USD.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2016, tình hình đã thay đổi đột ngột. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh, xuống dưới mốc 3 ngàn tỷ USD, và Bắc Kinh đã yêu cầu thực thi giới hạn sàn là 3 ngàn tỷ USD trong dự trữ ngoại hối, khiến việc đưa tiền ra khỏi Trung Quốc khó khăn.

Ông Huang đã cho biết một lý do khác khiến các công ty Trung Quốc gặp khó khăn với các thương vụ mua lại và sáp nhập ở ngoại quốc là ĐCSTQ đã trấn áp việc tháo chạy của dòng vốn. “Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc năm 2015, người ta nhận thấy rằng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ngày càng ít đi… và rất nhiều vốn đã tháo chạy.”

Sự can thiệp của chính phủ

Vào tháng 06/2017, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã yêu cầu các ngân hàng lớn bắt đầu điều tra mức độ rủi ro của các vụ mua lại và sáp nhập ở ngoại quốc của một số công ty, bao gồm HNA, Wanda Group, Anbang Insurance Group, Fosun International, và Zhejiang Rosenelli. Các cơ quan quản lý của ĐCSTQ đã gửi một thông điệp rằng họ không còn ủng hộ việc đầu tư “phi lý” của các doanh nghiệp Trung Quốc ở ngoại quốc, chỉ trích các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng cơ hội chuyển tài sản, tiêu dùng dự trữ ngoại hối của đất nước, gây ra sự hoảng loạn trong các dòng vốn, và tăng tốc kỳ vọng nhân dân tệ giảm giá.

Trong một môi trường chính trị như vậy, ông Wu Xiaohui, người sáng lập Anbang, đã bị bắt vào năm 2017. Vào tháng 02/2018, chính quyền tiếp quản Anbang và đổi tên thành Dajia Insurance Group. Vào tháng 09/2020, Tập đoàn Anbang và công ty Bảo hiểm Tài sản & Thương vong Anbang thông báo việc giải thể và thanh lý của họ.

Hôm 29/01/2021, HNA Group đã ra thông cáo cho biết do không trả được nợ đúng hạn, nên các chủ nợ liên quan đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu tái tổ chức hoạt động phá sản của HNA Group. Tập đoàn Trung Quốc này cuối cùng đã xác nhận khoản nợ 1.1 ngàn tỷ nhân dân tệ (173.8 tỷ USD).

Hôm 23/05/2021, Wanda Group tuyên bố rút người hoàn toàn khỏi hội đồng quản trị của AMC Corporation tại Hoa Kỳ.

Các vụ mua lại và sáp nhập ở ngoại quốc có phải chỉ là một chiêu thức được những người giàu nhất Trung Quốc sử dụng để bí mật chuyển vốn ra ngoại quốc?

Ông Huang cho biết: “Trên thực tế, có những bí mật sâu xa và rủi ro phức tạp trong chính các thương vụ mua lại và sáp nhập ở ngoại quốc, chẳng hạn như giá có nên là cao như vậy không? Nếu một người mua một hãng hàng không, như trường hợp của Tập đoàn HNA của Trung Quốc, hãng hàng không đó có thể có giá là 2 tỷ USD, trong khi HNA có thể đã trả [chỉ] khoảng 1 tỷ USD. Tất cả số tiền ở giữa đó đã đi đâu? Họ đưa một số tài sản đó vào một quỹ tư nhân gọi là ‘cihang.’”

Vào 07/2017, The New York Times tiết lộ rằng một người Trung Quốc tên là ông Guan Jun đã chuyển hơn 29% cổ phần của tập đoàn HNA của Trung Quốc (18 tỷ USD) cho Quỹ Từ thiện Hainan Cihang có trụ sở tại New York, gần bằng tổng của tất cả đóng góp của các công ty Hoa Kỳ năm 2016. Không ai biết làm thế nào mà một người trẻ tuổi ngoài 30 tuổi này lại nắm giữ cổ phần lớn như vậy trong một công ty tư nhân.

Cô Jenny Li đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2010. Cô đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền, và quan hệ giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cô đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và hải ngoại.

Hoàn Nguyên biên dịch

Related posts