Anders Corr
Thay vì chỉ trích những so sánh như vậy, Đài Bắc phải chuẩn bị tốt hơn, kể cả thông qua việc đạt được một lực lượng răn đe chiến lược độc lập.
Nhiều nhà quan sát tình hình Ukraine đang so sánh nước này với Đài Loan. Cả hai nước đều bị các siêu cường hạt nhân lân cận phủ nhận chủ quyền của mình. Cả hai đều là những nền dân chủ tương đối mới. Và cả hai nước này đều phải đối mặt với một kẻ thù không chỉ là độc tài, mà còn cả về mặt ý thức hệ.
Ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đều tuyên bố tin tưởng, một cách sai lầm, rằng hình thức độc tài theo kiểu chủ nghĩa cá nhân của họ đang vượt trội hơn so với bất cứ điều gì mà cử tri của cả hai quốc gia này có thể quyết định.
Chính phủ Đài Loan đang bác bỏ sự so sánh giữa họ với Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng việc so sánh cả hai nước này là hành động gieo rắc hoang mang hoặc chiến tranh nhận thức. Với một số người, có lẽ điều này cũng chính xác.
Theo Reuters, phát ngôn viên Nội các của chính phủ Đài Loan, ông La Bỉnh Thành (Lo Ping-cheng), nói rằng “trong mọi lĩnh vực”, Ukraine và Đài Loan “không thể đem ra so sánh được”. Ông tiếp tục cho rằng, “có những kẻ đang lợi dụng cơ hội” Ukraine bị xâm lược “để thao túng cái gọi là (chủ đề) ‘Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai’, cố gắng liên kết tình hình của Ukraine với Đài Loan một cách không phù hợp, làm xáo trộn tinh thần của mọi người. Đây là điều không nên làm.”
Ông La nói rằng Đài Loan có vị trí quan trọng về mặt địa chính trị và là nhân tố chính của chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Đài Loan sản xuất các chất bán dẫn tốt nhất, nhưng Ukraine cũng xuất cảng công nghệ cao, kể cả các công nghệ động cơ phản lực và hỏa tiễn.
Ông La cũng cho biết Đài Loan có hàng rào hàng hải tự nhiên là Eo biển Đài Loan, nơi hẹp nhất kéo dài 100 dặm (160 km). Nhưng eo biển này sẽ không có khả năng tự vệ trước lực lượng không quân của Trung Quốc hoặc số lượng lớn hỏa tiễn – mà Lực lượng Hỏa tiễn của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã chế tạo và bố trí trên toàn vùng biển nhắm đến tất cả các khu vực đông dân nhất của Đài Loan, bao gồm cả thủ đô Đài Bắc.
Thực tế là Đài Loan không sẵn sàng cho cuộc chiến tranh với Trung Quốc, chí ít họ đang dựa vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ một cách không khôn ngan, ngay cả sau năm 1979, khi Hoa Kỳ gần như hủy bỏ chủ quyền của Đài Loan và hiệp ước phòng thủ chung năm 1955 để cải thiện mối liên hệ thương mại với Trung Quốc.
Không giống như Đài Loan, trên thực tế Hoa Kỳ và Anh Quốc đã cam đoan sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong một thỏa thuận năm 1994. Nhưng ngay khi Ukraine bị xâm lược thì hai đồng minh này đã không khai triển quân đội. Thay vào đó, họ bảo đảm rằng hầu hết quân đội và các nhà ngoại giao của họ rời khỏi đất nước này trước khi cuộc xâm lược này bắt đầu, vì vậy họ sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chiến sống còn với một siêu cường hạt nhân.
Giống như Nga, Trung Quốc là một cường quốc hạt nhân hung hãn mà Hoa Kỳ và các đồng minh không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến đầy rủi ro.
Vì vậy, Đài Loan nên lường trước sự đối xử tương tự như Ukraine – hoặc tệ hơn, do Hoa Kỳ không công nhận chủ quyền của họ – trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược. Nói như vậy không phải là để gây hoang mang hay gây ra chiến tranh nhận thức nhắm vào Đài Loan. Mà đó là một lời cảnh báo để chuẩn bị tốt hơn.
Không có cách nào để chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc xung đột quân sự với một cường quốc được trang bị vũ khí hạt nhân hơn là việc sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình. Thế thì ngay từ đầu cuộc xung đột này đã không nổ ra. “Hòa bình thông qua sức mạnh (hạt nhân)” đã là chiến lược của Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Pháp kể từ những năm 1940 và 1950. Đó là thực tế mà theo đó Nga và Trung Quốc đang gây khó dễ cho các nước nhỏ hơn như Ukraine, Nhật Bản, Úc, Ba Lan, Đức, và Đài Loan ngày nay.
Ông Ian Easton, tác giả của “Mối đe dọa Xâm lược của Trung Quốc: Phòng thủ của Đài Loan và Chiến lược của Mỹ ở Á Châu”, đã viết trong một thư điện tử về sự thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn cuộc chiến nổ ra ở Ukraine, và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Đài Loan.
Ông Easton viết rằng: “Đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một thảm họa chính sách ngoại giao có hậu quả to lớn.”
“Chúng tôi đang chứng kiến nền tảng của trật tự thế giới tự do bị rạn nứt. Cho đến hôm 24/02, ý tưởng về một cường quốc theo chủ nghĩa phục thù đang xâm chiếm một nước láng giềng dân chủ hòa bình, nhỏ hơn có vẻ vô lý. Tất nhiên, điều đó không phải là không tưởng, nhưng có vẻ rất trừu tượng và vô cùng khó xảy ra. Trong một thời gian dài chưa ai chứng kiến điều gì giống như vậy mà hầu như tất cả mọi người đều xem hòa bình là điều đương nhiên.”
Nếu Nga không rút lui khỏi Ukraine, nếu Moscow thực sự thành công trong việc nuốt chửng một quốc gia có chủ quyền khác, thì điều này sẽ gửi tín hiệu tới Trung Quốc rằng họ có thể làm điều tương tự ở Đài Loan.
“Chính phủ Đài Loan sẽ đưa ra kết luận của riêng mình về những gì cần thiết để bảo đảm sự sống còn trong cuộc chiến tranh mới giữa các quốc gia của thế giới này,” ông Easton viết. “Một phần trong số đó là tham gia vào nền giáo dục cộng đồng để trấn an người dân, đồng thời cung cấp cho họ kiến thức về mối đe dọa và làm thế nào để sẵn sàng.”
Mặc dù Đài Loan dường như đang làm rất tốt công việc đầu tiên, nhưng trong nhiều năm qua, họ đã bỏ quên công việc thứ hai này. Các đề nghị mới đã được đưa ra về cách tăng cường khả năng răn đe quân sự của Đài Loan.
Ông Easton viết: “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy các nhà lãnh đạo ở Đài Loan tranh luận về việc quay trở lại với nghĩa vụ quốc gia và sự cần thiết của một biện pháp răn đe trong nước mạnh mẽ hơn nhiều, thậm chí có thể là các vũ khí hạt nhân.”
“Ở một mức tối thiểu, quân đội Đài Loan có thể muốn có khả năng tấn công Bắc Kinh bằng các hỏa tiễn tầm xa, và họ sẽ muốn có tàu ngầm và thủy lôi có thể phong tỏa được Thượng Hải.”
Việc không đạt được mức độ răn đe này, vào giai đoạn nước rút này, nên được coi là một hành động tắc trách. Trách nhiệm nằm ở Hoa Thịnh Đốn cũng như Đài Bắc. Điều này không có gì rõ ràng hơn chính sách mơ hồ chiến lược của Hoa Kỳ, trong đó Mỹ ám chỉ rằng họ sẽ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự, nhưng không cam kết.
“Giờ đây, chính sách mơ hồ chiến lược của Hoa Thịnh Đốn có vẻ đã lỗi thời một cách nguy hiểm,” ông Easton viết. “Chính phủ Hoa Kỳ đã biết sẽ có một cuộc xâm lược Ukraine sắp xảy ra, nhưng đã không làm gì để ngăn chặn việc đó. Nhiều người hiện tin rằng Trung Quốc sẽ cố gắng xâm lược Đài Loan vào một thời điểm nào đó trong năm năm tới. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như không có gì được thực hiện. Hoa Thịnh Đốn sẽ học những bài học của riêng mình từ thất bại ở Ukraine và áp dụng chúng vào việc bảo vệ Đài Loan. Hy vọng rằng, những bài học kinh nghiệm đúng đắn sẽ được rút ra, và những cải cách sẽ được thực hiện trước khi quá muộn.”
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông) xuất bản năm 2018.
Thanh Tâm biên dịch